Tuesday, 24 October 2023

CHÍNH PHỦ VIỆT NAM GỬI ĐI "THÔNG ĐIỆP" KIỂM SOÁT và PHÁT TRIỂN LÃNH VỰC DẤT HIẾM (PGS, TS Phạm Quý Thọ)

 



Chính phủ Việt Nam gửi đi "thông điệp" kiểm soát và phát triển lĩnh vực Đất hiếm

PGS, TS Phạm Quý Thọ

23-10-2023

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vn-messages-on-punishment-development-rare-earth-10232023101331.html

 

Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vn-messages-on-punishment-development-rare-earth-10232023101331.html/@@images/d3c5d66b-1525-4ff3-a26e-fb5fc8750855.jpeg

Ảnh minh họa: Khu mỏ đất hiếm tại xã Yên Phú (tỉnh Yên Bái) thuộc CTCP Tập đoàn Thái Dương

Dân Trí/Văn Đức

 

Khởi tố vụ án “đất hiếm”, dư luận có thể cho rằng đó là một vụ án tham nhũng. Cũng đúng, nhưng chưa hoàn toàn nếu gắn nó với tính thời sự và tầm quan trọng mang tầm quốc tế của vấn đề thì đây chính là động thái mà Chính phủ gửi đi “thông điệp” về kiểm soát và phát triển lĩnh vực đất hiếm.

 

“Vụ án”

 

Ngày 19/10/2023 Truyền thông Nhà nước đồng loạt đưa tin: Các ông Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C03) khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.  Cùng ngày, giám đốc và kế toán Công ty Hợp Thành Phát, Chủ tịch HĐQT và kế toán Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam, bị bắt với cáo buộc Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. 

 

Vụ án này xuất phát từ một “chiến dịch vượt cấp” khi không có sự tham gia, phối hợp của các cấp quản lý địa phương như xã, huyện, tỉnh. Được biết, trước khi khởi tố vụ án ít ngày C03 đã đồng loạt khám xét 21 địa điểm khai thác, kinh doanh tại tỉnh Yên Bái, trong đó có xã Yên Phú, huyện Văn Yên, và 3 tỉnh lân cận khác. Cảnh sát sau đó tạm giữ ước khoảng 13.700 tấn quặng đất hiếm và hơn 1.400 tấn quặng sắt...

 

Được biết thông tin từ lãnh đạo địa phương nơi diễn ra vụ án, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương có địa chỉ ở phố Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình Hà Nội và, được Bộ tính Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò đất hiếm tại mỏ Yên Phú từ tháng 6 năm 2013 với diện tích 6,24 Ha, độ sâu khai thác đến mức  +35 m, thời gian khai thác 8 năm 1 tháng kể từ ngày ký giấy phép, trữ lượng khai thác 1.94 617 tấn đất quặng…

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/dat-hiem-3-mot-khoang-vat-co-chua-dat-hiem-trong-mot-phong-thi-nghiem-o-dai-hoc-tokyo-reuters.jpeg/@@images/ded97e11-770b-4ac8-9a42-043381af17e0.jpeg

Một khoáng vật có chứa đất hiếm tại một phòng thí nghiệm Đại học Tokyo. Reuters

 

“Kiểm soát”

 

Vì tăng trưởng và phát triển kinh tế địa phương, lĩnh vực khai thác mỏ, quặng ở các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam đã từng bùng phát từ những năm cuối thập kỷ 1990 khi chính sách trung ương về tự do hoá kinh tế, tư nhân hoá được cởi mở hơn. Tình trạng “tự phát” diễn ra tại một số địa phương có tiềm năng về trữ lượng một số loại khoáng sản kim loại như đồng, thiếc, sắt… với địa hình khai thác cho phép và khả năng tiêu thụ sản phẩm. Một số cá nhân có “điều kiện vật chất” và quan hệ hữu hảo với chính quyền đã tìm cách “được phép” thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản theo cách “thô sơ”, ở quy mô nhỏ, lẻ và “chộp giật” để nhanh chóng hoàn vốn và thu lời. Khai thác “đất hiếm” là lĩnh vực phát triển muộn hơn bởi chi phí khai thác lớn, đòi hỏi vốn lớn và khả năng thu hồi vốn chậm, hơn thế là vấn đề ô nhiễm môi trường… Phần lớn số sản phẩm là khoáng sản ở dạng nguyên liệu thô và được “xuất khẩu” trực tiếp qua biên giới phía Bắc, qua Trung Quốc, chủ yếu theo đường tiểu ngạch. Người ta có thể dễ dàng quan sát mỗi ngày hàng đoàn xe tải chở quặng xếp hàng, nối đuôi nhau qua các cửa khẩu…

 

Trong một thời kỳ dài nhu cầu nguyên liệu thô của Trung Quốc, công xưởng thế giới, đã được đáp ứng “tức thì” từ việc khai thác tài nguyên từ nhiều quốc gia kém và đang phát triển, trong đó có Việt Nam, bất chấp nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, vấn nạn tham nhũng và vi phạm nhân quyền. Trong quá trình cải cách chuyển đổi việc triển khai chương trình Thiên niên kỷ về phát triển bền vững ở Việt Nam đã thúc đẩy nâng cao nhận thức về các vấn đề trên và, hơn thế, cơ hội đột phá đang mở ra, trong đó có vấn đề đất hiếm. Có nhiều lý do để khởi tố vụ án nêu trên, nhưng động thái Chính phủ nỗ lực kiểm soát lĩnh vực mang ý nghĩa chiến lược. Chính quyền trung ương, thông qua Bộ Công an, trực tiếp chỉ đạo “vượt cấp”. Nhiều thứ, từ việc chọn đối tác trong và ngoài nước để khai thác, chế biến, xuất khẩu… đến quản lý phát triển bền vững, sẽ phải thay đổi phục vụ cho chiến lược phát triển mới.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/dat-hiem-1-mo-dong-pao.jpeg/@@images/f9d3ac99-1967-42ed-a027-80e30a38b9b5.jpeg

Mỏ đất hiếm Đông Pao có diện tích gần 133ha, với tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn. Công Thương

 

“Đất hiếm”

 

Đất hiếm, như được biết, là loại khoáng sản hợp chất bao gồm 17 nguyên tố hoá học được dùng trong các ngành công nghệ chiến lược hiện đại để chế tạo từ chất, chíp bán dẫn trong các thiết bị điện tử tiên tiến như điện thoại thông minh, máy tính đến bình điện cho xe hơi chạy điện và nhiều loại động cơ khác, thậm chí trong lĩnh vực quốc phòng. Không chỉ nhu cầu tăng mạnh, đặc biệt đối với các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… trong những năm sắp tới, đất hiếm là một hàng hoá ngày càng trở nên quan trọng trên thế giới, không chỉ rất đắt hàng trên thị trường mà còn là loại vũ khí thương chiến giữa các cường quốc. Trung Quốc, quốc có nhiều những thứ kim loại quý này, chiếm khoảng 80% nhu cầu, vượt xa phần còn lại của thế giới, đã bắt đầu hạn chế xuất khẩu, chẳng hạn sang Nhật Bản năm 2017 khi quan hệ giữa hai nước có “vấn đề.”  Nay, trong cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc thì “đất hiếm” trở thành vấn đề nóng.

 

Việt Nam được giới chuyên môn đánh giá là quốc gia đứng thứ hai sau Trung Quốc về trữ lượng đất hiếm. Các công ty khai thác của một vài nước, trong đó có Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, bao gồm cả nhà cung chấp cho hãng Apple của Mỹ, đang có chuẩn bị mở nhà máy tại Việt Nam trong bối cảnh các doanh nghiệp thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và tránh rủi ro vì căng thẳng địa chính trị. Chẳng hạn, theo các nguồn tin quốc tế như Reuters, các tập đoàn Star Group Industrial (SGI) của Hàn Quốc và Baotou INST Magnet của Trung Quốc bắt đầu tái cơ cấu chuỗi cung ứng, trong bối cảnh các hạn chế thương mại ngày càng gia tăng, thậm chí còn bị khách hàng yêu cầu di dời khỏi Trung Quốc. SGI, công ty cung cấp nam châm cho nhà sản xuất ô tô điện VinFast của Việt Nam và Hyundai Motor của Hàn Quốc, đang đầu tư 80 triệu USD vào Việt Nam để sản xuất từ năm 2024. Nhà máy này sẽ giúp tăng gấp đôi sản lượng hiện tại của công ty là 3.000 tấn/năm từ các nhà máy ở Trung Quốc và Hàn Quốc…

 

Trong bối cảnh quốc tế phức tạp và biến động mạnh về địa chính trị và kinh tế, đối với Việt Nam đất hiếm cần và phải là một nội dung trong đường lối, chính sách của nhà nước, không chỉ là cơ hội trước mắt mà còn là chiến lược phát triển kinh tế lâu dài. Nâng vượt cấp quan hệ với Mỹ trở thành đối tác chiến lược toàn diện, thân thiện hơn Hàn Quốc, Nhật Bản…, xích lại gần hơn với phương Tây sẽ mở ra cơ hội phát triển các ngành công nghệ tiên tiến, trong đó có chất bán dẫn, mà phát triển lĩnh vực đất hiếm ở Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng.

 

Phạm Quý Thọ

 

-------------------------------------------------------------

*Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do





No comments:

Post a Comment

View My Stats