Wednesday, 4 October 2023

BÀ TỐ NHIÊN 'CHIẾM ĐOẠT TÀI LIỆU'? (Lê Quốc Quân)

 



Bà Tố Nhiên ‘chiếm đoạt tài liệu’?

Lê Quốc Quân

04/10/2023

https://www.voatiengviet.com/a/ba-to-nhien-chiem-doat-tai-lieu-/7296361.html

 

Xét về tổng thể thì chuyện hoàn thuế, miễn thuế hay trốn thuế hoặc các sai sót khi tiếp nhận các khoản tài trợ cũng chỉ là chuyện nhỏ mà thông điệp “chống lại can thiệp nội bộ” có thể là câu chuyện lớn hơn mà Bộ công an hướng đến.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-5f55-08dbc4de5642_w650_r1_s.png

Bà Ngô Thị Tố Nhiên. (Hình: Trích xuất từ VOA Express)

 

Ngày 20/9/2023, công an Hà Nội đã bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, đại diện pháp luật của Doanh nghiệp xã hội sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE).

 

Lý do bắt giữ ban đầu không được công khai nhưng tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ 10 ngày sau đó, trung tướng Tô Ân Xô, đại diện BCA cho biết bà Nhiên bị bắt về tội “Chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại điều 342 Bộ luật hình sự.

 

Cùng bị bắt với bà Nhiên còn có Dương Đức Việt và Lê Quốc Anh, đều là chuyên viên thuộc tập đoàn điện lực quốc gia EVN.

 

 

“Chiếm đoạt tài liệu” của EVN có chính xác?

 

Điều 342 BLHS: Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, quy định: “Người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đế 02 năm.” Khoản 2 của khung hình phạt lên đến tối đa 5 năm.

 

Cần nhấn mạnh Điều 342 là dành cho tài liệu KHÔNG thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, bởi nếu là tài liệu mật thì Bộ luật Hình sự đã quy định tội phạm riêng tại Điều 337 và 361 của BLHS. Thế nhưng ông Xô đã trả lời phỏng vấn và nói đó là “tài liệu mật”.

 

Theo quy định của pháp luật thì mặt khách quan của việc “chiếm đoạt” là “dùng thủ đoạn lén lút, gian dối, uy hiếp thể chất hoặc tinh thần của người đang quản lý tài liệu để lấy tài liệu”. Nhưng ông Xô cũng cho rằng “Nhiên đã biết Việt và Anh là những người có quyền tiếp cận thông tin, tài liệu liên quan đến hoạch định chính sách phát triển lưới điện của Tập đoàn EVN, về lưới điện 500kV và 220 kV nên ký Hợp đồng chuyên gia với Việt và Anh theo hình thức bán thời gian, có trả lương để 2 bị can trên cung cấp tài liệu của EVN cho Nhiên”.

 

Do không được biết chi tiết hành vi của 2 chuyên gia là Việt và Anh là “lén lút, gian dối hay uy hiếp thể chất hoặc tinh thần của ai đó trong EVN để chiếm đoạt tài liệu” hay không nên ta không thể hiểu chính xác việc “chiếm đoạt” diễn ra như thế nào.

 

Tuy nhiên, nếu xét riêng những gì ta được biết về 3 bị can (Tố Nhiên, Đức Việt và Quốc Anh) thì có thể hiểu rằng họ đã công khai dùng kiến thức, thông tin và sự hiểu biết của mình mà tham gia vào công ty VIETSE như một chuyên gia để thực hiện các dự án nghiên cứu. Do vậy, nếu có vi phạm thì vấn đề ở đây liên quan đến quyền và nghĩa vụ hoặc sự xung đột lợi ích trong hợp đồng lao động, được điều chỉnh bởi Bộ luật lao động.

 

Còn xét theo trả lời của Bộ công an thì cấu thành tội phạm của “chiếm đoạt tài liệu mật của cơ quan tổ chức” là không chính xác.

 

 

“Đánh” nguồn tài trợ về mình?

 

Theo kết luận kiểm tra số 722/KL-BKHĐT ngày 7/2/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về công tác quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ nước ngoài thì chỉ riêng tại VUSTA từ 1/1/2018 đến 30/6/2022 thì tổ chức này đã nhận được 305 khoản tài trợ từ nước ngoài bao gồm: 22 khoản ODA không hoàn lại, 283 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng giá trị cam kết quy đổi tương đương 85,55 triệu USD.

 

Trong đó hầu hết đến từ các Tổ chức phi chính phủ Quốc tế (iNGO), các cơ quan phát triển quốc tế có uy tín và các Đại sứ quán như: Quỹ dân số LHQ, Phái đoàn liên minh Châu Âu, USAID, Tổng lãnh sự Úc, Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), Oxfarm, Bánh mì thế giới (Đức), PLAN, Wildaid, GIZ, IESR…

 

Điều khác nhau trong cách tiếp cận là các nhà tài trợ thường tìm kiếm những nhân sự giỏi, có uy tín để trực tiếp trao thầu thực thi công việc (đối với các dự án nhỏ) hoặc hoặc tiến hành đấu thầu lựa chọn (thường là đối với các hợp đồng trên 200 ngàn đô la). Qua quá trình làm việc các NGO thường trao đổi và hiểu các NGO nào của Việt Nam thì hoạt động hiệu quả, tính độc lập cao và nhân sự giỏi chuyên môn.

 

Ngược lại, nhà nước luôn luôn tìm cách giới thiệu, đề nghị các doanh nghiệp thuộc Nhà nước hoặc nhà nước kiểm soát được bất chấp khả năng, trình độ và hiệu quả công việc. Những NGO mà được chính các nhà quản lý đã về hưu thành lập luôn có “quan hệ” và ảnh hưởng nhất định lên việc trao hợp đồng dự án nhưng về mặt chuyên môn không phải khi nào cũng được đánh giá cao, do đó các nhà tài trợ quốc tế ít trao dự án cho những tổ chức này.

 

Do có nguồn tài trợ để làm nghiên cứu, VIETSE có thể thuê chuyên gia để thực hiện các hợp đồng công việc cho mình. Sản phẩm của các công ty chính là những báo cáo, những kết quả nghiên cứu và khi có sản phẩm thì công ty có thể cung cấp cho người đã thuê làm dự án hoặc bán nó ra thị trường như một sản phẩm thông thường.

 

 

Truy bắt người tài?

 

Trong VIETSE thì bà Ngô Thị Tố Nhiên làm chủ tịch, giám đốc nghiên cứu là Tiến sỹ Hà Dương Minh Xavier. Bản thân bà Tô Nhiên là người giỏi, tốt nghiệp đại học Bách khoa, có bằng Thạc sỹ quản lý và Hệ thống năng lượng của Đại học Flensburg, Đức với hơn 15 năm làm tư vấn độc lập cho các dự án năng lượng do Ngân hàng thế giới, EU, LHQ, ADB… tài trợ.

 

Tiến sỹ Hà Dương Minh Xavier là một nhà nghiên cứu khoa học với chục bài báo, nghiên cứu và tài liệu viết chung và riêng về vấn đề biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững. Ông sinh năm 1969 có quốc tịch Pháp và Việt Nam.

 

Ông cùng bà Ngô Thị Tố Nhiên thành lập nên Sáng kiến chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIET) vào năm 2018 và đã bắt đầu có những hợp đồng tư vấn từ OECD, Liên Minh Châu Âu và AFD, GTZ cho các đối tác chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á.

 

Sự việc càng nóng khi bà Nhiên cùng tiến sỹ Hà Dương Minh càng ngày càng có được sự chú ý của cơ quan tài trợ quốc tế vì tính hiệu quả trong công việc của bà và nhóm chuyên gia ở hiện tại và những dự phóng cho công việc chuyển đổi năng lượng sắp tới.

 

Thật vậy, tìm kiếm được các chuyên gia giỏi trong ngành để làm việc càng trở nên quan trọng khi vào cuối năm 2022, Việt Nam đã ký thoả thuận Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một nhóm nước giàu trị giá 15,5 tỷ đô la để đạt mục tiêu phát thải bằng không vào năm 2050.

 

Điều khó khăn là hiện nay các NGO vừa nằm dưới sự quản lý của Bộ KH&ĐT và cả Bộ Tài chính theo 2 Nghị định số 16/2016/NĐ-CP và Nghị định 56/2020/NĐ-CP. Nhiều tổ chức NGO thực sự quay như chong chóng vẫn không thể nào thoát khỏi mớ bòng bong tài chính, tài trợ và báo cáo cho các cơ quan nhà nước đặc biệt những quy định tại Thông tư số 109/2007/TT-BTC của Bộ tài chính.

 

 

Thông điệp chống “Can thiệp nội bộ”

 

Thế nhưng, xét về tổng thể thì chuyện hoàn thuế, miễn thuế hay trốn thuế hoặc các sai sót khi tiếp nhận các khoản tài trợ cũng chỉ là chuyện nhỏ mà thông điệp “chống lại can thiệp nội bộ” có thể là câu chuyện lớn hơn mà Bộ công an hướng đến.

 

Vào ngày cơ quan an ninh tiến hành lục soát văn phòng Vietse và bắt giữ bà Nhiên, Báo Nhân dân có bài viết: “Không được phép can thiệp xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đất nước và Nhân dân Việt Nam” trong đó nhấn mạnh: “Nổi lên trong thời gian qua là hiện tượng nhân danh hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, giáo dục, y tế, nhất là liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số, người lao động, đất đai, môi trường... một số NGO tìm cách can thiệp các công việc nội bộ của Việt Nam, đưa ra những thông tin, đánh giá thiếu khách quan nhằm mục đích gây hoang mang dư luận, dấy lên những nghi kị, mất đoàn kết dân tộc, có tính chất chia rẽ vùng miền, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với Ðảng và Nhà nước.”

 

Bài báo trên tờ Nhân dân cho rằng các tổ chức NGO quốc tế đã “lôi kéo” các tổ chức xã hội ở VN không đủ điều kiện để tham gia vào các dự án và hình thành các nhóm tư vấn chính sách cho Việt Nam. Họ coi những tổ chức NGO có khuynh hướng độc lập và tự do này là một mối nguy cơ khi họ tổ chức những buổi hội thảo để trình bày những báo cáo và khuyến nghị chính sách của mình rộng rãi.

 

Đó có thể là điều mà chính quyền Việt Nam không thể chấp nhận được.

 

Bởi vì thiếu minh bạch đã là căn bệnh kinh niên. Bên trong thì càng duy trì tình trạng càng mờ mịt càng dễ cho những nhóm lợi ích đục khoét còn bên ngoài thì vị thế của Việt Nam đang lên.

 

Điều đó càng giúp chính quyền tự tin hơn trong việc bắt giữ những người có ảnh hưởng với quốc tế, bất luận nó có tác động xấu như thế nào đối với sự phát triển của Việt Nam.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats