Saturday, 21 October 2023

ASEAN CHIA RẼ VỀ XUNG ĐỘT Ở DẢI GAZA (Lý Vân Tiêu, RFA)

 



ASEAN chia rẽ về xung đột ở dải Gaza

Bình luận của Lý Vân Tiêu
2023.10.21

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/asean-devided-in-opinions-about-gaza-strip-conflict-10202023142156.html

 

Sáng sớm 7/10, Phong trào Kháng chiến Hồi giáo Palestine (Hamas) đã phát động một trong những cuộc tấn công lớn nhất vào Israel trong nhiều năm gần đây, bắn hàng nghìn quả rocket. Hàng chục thành viên vũ trang Palestine đã bí mật xâm nhập vào Israel bằng đường biển, đường bộ và đường không để phối hợp triển khai chiến dịch mang tên “Cơn lũ Al-Aqsa”. Đáp lại, quân đội Israel đã tiến hành nhiều đợt không kích vào Dải Gaza.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/asean-devided-in-opinions-about-gaza-strip-conflict-10202023142156.html/@@images/4b181aff-ed58-4de2-bf91-13f5a1673988.jpeg

Một người lính Israel đứng trên một chiếc xe tăng Merkava bên ngoài Kibbutz Beeri gần biên giới với Dải Gâz hôm 20/10/2023 vào khi các trận chiến đang diễn ra giữa quân đội Israel và quân Hamas .  AFP

 

Cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 2.300 người ở cả hai bên và được dự báo sẽ leo thang: Thủ tướng Israel - Netanyahu hôm 11/10 đã cùng với một đối thủ chính trị hàng đầu thành lập Nội các thời chiến giám sát cuộc chiến nhằm trả thù cuộc tấn công của Hamas.

 

 

ASEAN chia rẽ quan điểm

 

Giống như nhiều vấn đề khác trên thế giới, quan điểm của các quốc gia về cuộc xung đột này có rất nhiều khác biệt. Đặc biệt tại ASEAN, các quốc gia khối này đã có nhiều quan điểm đối chọi nhau.

 

Phủ Tổng thống Philippines ra tuyên bố: “Philippines gửi lời cảm thông và chia buồn sâu sắc nhất tới những người đã mất đi người thân trong các cuộc tấn công gần đây” (1). Khi đề cập đến các cuộc tấn công chưa từng có của phiến quân Hamas trên khắp Israel khiến hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có cả dân thường, Manila nói thêm: “Philippines lên án các cuộc tấn công, đặc biệt là những cuộc tấn công nhằm vào dân thường” (2).

 

Là đồng minh hiệp ước của Mỹ, Philippines trước nay vẫn ủng hộ lập trường của Israel hơn. Trên thực tế, lá phiếu của quốc gia Đông Nam Á này đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập nhà nước Israel. Mối quan hệ kinh tế song phương cũng rất bền chặt: Vào những năm 1980, có tới 100.000 người Philippines làm việc ở Israel.

 

Hai nước cũng có 14 thỏa thuận song phương lớn và đang thăm dò các mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn, bao gồm cả khả năng mua hệ thống tên lửa và giám sát tinh vi giữa lúc Philippines đang thực hiện chương trình hiện đại hóa quân sự.

 

Trái ngược hoàn toàn với lập trường của Philippines, nước láng giềng Malaysia tái khẳng định đứng về phía người dân Palestine trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel.

 

Trong một bài viết đăng trên trang X (Twitter trước kia) đề cập đến tình trạng hàng loạt người Palestine phải phải tha hương sau xung đột A rập-Israel kéo dài nhiều thập kỷ, Thủ tướng Anwar cho biết: “Chính phủ Israel đã liên tục tịch thu đất đai và tài sản của người Palestine. Hậu quả của hành động bất công này là hàng trăm người vô tội thiệt mạng” (3). Do đó, theo ông, tội lỗi thuộc về Israel. Trong một tuyên bố với lời lẽ quyết liệt, Bộ Ngoại giao Malaysia cho rằng Israel là kẻ chiếm đóng và là nguyên nhân khiến người Palestine rơi vào tình trạng bị chiếm đóng, phong tỏa bất hợp pháp và phải sống trong cảnh khốn khổ suốt một thời gian dài (4).

 

Indonesia, với đa phần dân số là người Hồi giáo, cũng nhắc lại việc họ ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của người Palestine. Khi đề cập đến nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tán thành giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Palestine-Israel, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á cũng lập luận rằng gốc rễ của cuộc xung đột, cụ thể là việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine, phải được giải quyết theo hướng phù hợp với những tiêu chí đã được Liên hợp quốc nhất trí thông qua (5).

 

Mặc dù trên danh nghĩa là đồng minh hiệp ước của Mỹ, nhưng Thái Lan có truyền thống duy trì lập trường trung lập về các cuộc xung đột mang tính phân cực. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết: “Thái Lan kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế mọi hành động có thể làm leo thang căng thẳng và cùng cộng đồng quốc tế lên án mọi hành vi sử dụng bạo lực và tấn công bừa bãi. Chúng tôi hy vọng tình hình ở Israel sẽ sớm trở lại bình thường” (6). Bộ này còn tuyên bố Chính phủ Thái Lan quan ngại sâu sắc về sự an toàn của công dân Thái Lan đang làm việc tại Israel bị ảnh hưởng bởi những vụ bạo lực như vậy, đồng thời nhấn mạnh quan ngại về sự an toàn của công dân Thái Lan đang sinh sống và làm việc tại quốc gia Trung Đông này. 


Về phần mình, Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc và thể hiện lập trường giống với các cường quốc phương Đông như Trung Quốc và Nga, vốn không trực tiếp ủng hộ Israel. Trong một tuyên bố, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh những hành động khiến tình hình trở nên phức tạp và sớm nối lại đàm phán để giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời đảm bảo sự an toàn và lợi ích chính đáng của người dân”. (7)

 

Các tuyên bố trên của các quốc gia ASEAN này đã phản ánh sự bất đồng sâu sắc giữa các thành viên chủ chốt của ASEAN về một cuộc xung đột lớn đang xảy ra ở Trung Đông cũng như về nhiều vấn đề khác.

 

Sự chia rẽ khiến ASEAN suy yếu

 

Trong những năm gần đây, ASEAN đã phải nỗ lực vượt qua sự chia rẽ sâu sắc do nhiều cuộc khủng hoảng ở “sân sau” của mình. Một mặt, tổ chức khu vực này không thống nhất được một chiến lược chung nhằm giải quyết các tranh chấp đang căng thẳng ở biển Biển Đông.

Sau nhiều thập kỷ đàm phán, các quốc gia Đông Nam Á vẫn chưa đạt được đồng thuận về việc phản ứng như thế nào trước việc Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Mặc dù Indonesia là Chủ tịch ASEAN năm nay, nhưng kế hoạch của họ về diễn tập hải quân toàn ASEAN đã bị các quốc gia thành viên thân thiện với Trung Quốc là Campuchia phá vỡ.

 

Sự chia rẽ thậm chí còn thể hiện rõ rệt hơn ở thái độ về cuộc nội chiến ngày càng khốc liệt ở Myanmar. Trong khi Indonesia và Malaysia ủng hộ lập trường quyết liệt hơn chống lại chính quyền quân sự và ủng hộ chính phủ được bầu cử dân chủ ở Myanmar, thì Thái Lan và Campuchia lại ủng hộ việc tiếp xúc trực tiếp với các tướng lĩnh cầm quyền. Hết lần này đến lần khác, ưu tiên hàng đầu của chính trị trong nước và lợi ích quốc gia đã phá hủy sự đoàn kết của ASEAN.

 

Trung Quốc đang ra sức khai thác sự chia rẽ lợi ích và quan điểm giữa các nước ASEAN. Chừng nào các quốc gia ASEAN còn bất đồng sâu sắc về các vấn đề chung như vậy, thì Trung Quốc vẫn có thể lấn lướt và tăng cường sự hiện diện của họ trên Biển Đông.

______________

Tham khảo:

 

1.    https://www.rappler.com/nation/philippines-condemns-attacks-hamas-on-israel-october-8-2023/

 

2.    https://www.rappler.com/nation/philippines-condemns-attacks-hamas-on-israel-october-8-2023/

 

1.    https://x.com/anwaribrahim/status/1710973713699733893?s=20

 

2.    https://x.com/MalaysiaMFA/status/1710912526454788251?s=20

 

3.    https://www.kompas.id/baca/internasional/2023/10/10/presiden-jokowi-indonesia-desak-penghentian-perang-dan-kekerasan

 

4.    https://www.nationthailand.com/thailand/general/40031729

 

7. https://vtv.vn/chinh-tri/viet-nam-keu-goi-cac-ben-o-trung-dong-kiem-che-20231008135709723.htm

 

------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats