Thursday, 12 October 2023

ĐẰNG SAU CÁC CUỘC TẤN CÔNG BẤT NGỜ 1968, 1973 và 2023 (Phạm Cao Phong / BBC News)

 



Đằng sau các cuộc tấn công bất ngờ 1968, 1973 và 2023

Phạm Cao Phong

Gửi cho BBC từ Paris

12 tháng 10 2023, 20:34 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/clkjl99w9y8o

 

Mờ sáng ngày thứ Bảy 7/10/2023, Hamas mở cuộc đột kích lãnh thổ Israel.

 

Cuộc tấn công đầy bất ngờ và có quy mô rộng lớn của Hamas ngay lập tức khiến báo chí quốc tế nhắc tới trận Tết Mậu Thân năm 1968 ở Nam Việt Nam.

 

Politico.eu chạy tựa đề: “Hamas attack might be Israel’s Tet Offensive" và một số trang mạng còn hỏi “Hamas học gì từ Việt Cộng?”.

 

Thế nhưng, phải nói rằng tuy hai trận tấn công đẫm máu này có một số điểm chung, chúng cũng có sự khác nhau. Còn cần phải kể đến cuộc chiến nữa, cũng vào lễ Yom Kippur như năm 1973, khi Syria và Ai Cập tấn công bất ngờ Israel.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0d83/live/92631520-68f4-11ee-a013-7d20b5f37524.jpg

Địa đạo của Hamas ở Gaza

 

 

Giống và khác nhau ra sao?

 

Về thời điểm tấn công rõ ràng là có sự giống nhau giữa hai sự kiện.

 

Tết 1968 là ngày hưu chiến ở miền Nam VN. Vì ngày Tết với người Việt là lễ hội truyền thống dân tộc, ngày già trẻ mong có bánh chưng xanh đặt lên bàn thờ tổ tiên và những người trong gia đình dù xa ở đâu cũng phải gắng về đoàn tụ dưới mái ấm gia đình.

 

Người Việt có Tết, thì người Israel có Yom Kippur, lễ Hối lỗi "Atonement". Đây là ngày lễ trọng đại nhất trong năm của người Israel, một ngày để ăn chay, suy ngẫm. Theo đức tin của đạo Do Thái, ngày Rosh Hashanah Thượng đế viết số phận của mỗi cá nhân cho năm sau vào Sách đời, truyền tải lời khuyên rằng mỗi người cần cố gắng sống tốt và kiếm tìm sự tha thứ cho các lỗi lầm đã phạm phải.

 

Đêm và ngày diễn ra Yom Kippur được dành cho cầu nguyện và ăn năn, hy vọng sẽ được tha thứ.

 

Điểm chung thứ hai là, mục tiêu lựa chọn.

 

Cuộc tổng tấn công Tết do Miền Bắc Việt Nam và Lực lượng ở trong Nam của họ thực hiện nhằm chứng minh rằng họ giành được thế chủ động trên chiến trường, họ có thể đánh ở mọi nơi, mọi lúc, thậm chí đánh mạnh được ngay giữa Sài Gòn. Phe tấn công thể hiện quyết tâm chiến đấu, bất chấp tổn thất, bất chấp so sánh tương quan lực lượng nghiêng về phía Mỹ, VNCH và đồng minh. Họ muốn thể hiện ý chí chiến thắng, buộc Hoa Kỳ rút quân khỏi Nam VN.

 

Còn ngày nay, với tổ chức Hamas, có thể đó cũng là lời khẳng định sự không từ bỏ kháng chiến của người Palestine, qua đó gửi thông điệp chính trị đến Thế giới Ả Rập và Hồi giáo đang nối nhau bình thường hóa quan hệ với Israel.

 

Nhưng có sự khác nhau.

 

Trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân, VNDCCH được sự chi viện của phe XHCN lúc đó và nhiều nước Thế giới thứ ba ủng hộ, có tiềm năng quân sự, hậu cứ và tiếp viện. Các đơn vị chiến binh cộng sản thuộc Mặt trận miền Nam VN tấn công vào các vùng đất ít nhiều có sự ủng hộ của một bộ phận người dân cùng một dân tộc và có các cơ sở nằm vùng, cài cắm ngay trong lòng các đô thị của VNCH.

 

Hamas đánh vào vùng lãnh thổ Israel không có được những lợi thế như vậy. Họ không chỉ là dân tộc khác, theo đạo giáo khác với người Israel nên phía trước họ là cái chết cầm chắc. Mà phía sau họ là chỉ có một dải đất mỏng Gaza hiện tồn tại như nơi giam chân hơn hai triệu người Palestine.

 

Xin nhắc Israel đã phong tỏa Dải Gaza kể từ khi Hamas kiểm soát khu vực này vào năm 2007.

 

Phía sau bức tường bê tông cao ngút ngàn bọc chặt 365km2 là cuộc sống dưới mức nghèo khổ, vô cùng đau khổ của người dân Palestine. Điện nước, gas cho sinh hoạt cung cấp cho Gaza đều trong tầm tay ban phát của Israel.

 

Mỗi sáng có tới 20.000 người dân Palestine xếp hàng chầu chực tại một cửa lưu thông duy nhất được canh giữ nghiêm ngặt, kiểm soát cơ thể từng người, để được sang Israel làm việc nuôi sống gia đình.

 

Một cửa thứ hai thông với Ai Cập đã bị đóng từ nhiều năm qua. Thuyền bè đánh cá của dân Palestine ra khơi đánh cá cũng nằm dưới con mắt gắt gao của hải quân Israel thường trực trên biển.

 

Hơn nữa, chỉ trong vài ngày, Hamas thổi bùng bạo lực vũ trang ở mức chưa từng có, bắt con tin, tàn sát người Do Thái, buộc Israel lao theo cơn điên của hận thù và kéo dài chiến sự.

 

Phải chăng Hamas quyết tâm buộc thế giới Ả Rập phải tiếp tục cân nhắc "sự nghiệp Palestine" trong chính sách đối ngoại và quan hệ với Israel.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/624/cpsprodpb/96d5/live/493508c0-68f6-11ee-a305-894244efd71e.jpg

Israel đã phong tỏa toàn bộ dải Gaza

 

Hai cuộc tấn công vào Israel

 

Nhìn gần thì cuộc tấn công đẫm máu của Hamas diễn ra ngày 7/10 vừa qua trong một bối cảnh hoàn toàn thất thế, không có màu sắc địa chính trị khu vực như cuộc chiến Yom Kippur từ 6-24/10/1973.

 

Chiến tranh Yom Kippur lần thứ nhất 50 năm trước được tiến hành với sự tham gia của quân đội chính quy Ai Cập, Syria phối hợp với phong trào kháng chiến Palestine, cộng thêm yểm trợ của Algeria, Jordan, Iraq, Saudi Arabia, Libya, Kuwait, Tunisia, Morocco, thậm chí cả của Cuba và Bắc Hàn. Đó là một cuộc so tài về sức mạnh quân sự có máy bay, xe tăng được Liên Xô viện trợ cho khối Ả Rập nghiêng về ý thức hệ XHCN.

 

Nhưng liên minh này hiện nay đã hoàn toàn tan rã, không còn tồn tại.

 

Chiến binh Hamas vào trận hôm nay không còn có sự hiện diện của 800.000 quân chính quy Ai Cập với 1700 xe tăng, 1200 đại bác, 400 phản lực Mig 17, Mig 15, 140 trực thăng chiến đấu, 105 bệ phóng tên lửa đất đối không, 104 hải thuyền tuần duyên Ai Cập. Không có cả sự hiện diện của Syria với 150.000 quân nhân chuyên nghiệp, 1200 xe tăng, xe bọc thép Nga, 600 đại bác 122 mm. Không có 23.000 quân thuộc các đơn vị tinh nhuệ của Saudi Arabia, 5500 quân Morocco, 1000 lính tình nguyện Cuba…

 

Câu hỏi được đặt ra là, vì sao Hamas vẫn tiếp tục chiến đấu khi không còn được chống lưng của gần 1 triệu quân trong Liên minh các nước Ả Rập?

 

Với quân số một lữ đoàn, không có tăng, pháo, máy bay ném bom, vũ khí chỉ gồm hỏa tiễn cây nhà lá vườn, tiểu liên tấn công AK 47, súng phóng lựu B41, Hamas vẫn mở cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel để làm gì?

 

Tiềm lực quân sự của Israel hiện tại mạnh hơn gấp nhiều lần so với nửa thế kỷ trước. Hamas và những người Palestine muốn thử độ cứng của trứng chọi với đá?

 

Câu hỏi nay là ai sẽ được lợi nhất từ cuộc xung đột mới bùng lên mà chưa rõ sẽ kết thúc ra sao?

 

Tính đến trưa thứ Năm 12/10/2023 đã có 1300 người Israel bị giết, và hàng ngàn binh sỹ và thường dân Israel bị thương. Con số ở phía Palestine là 1300 bị giết và 338.000 người mất nơi ở. Những con số khủng khiếp ngày càng tăng báo hiệu leo thang chưa có ngày dừng.

 

Mohammed Deif, thủ lĩnh quân sự của tổ chức Hamas, kêu gọi tất cả người Palestine tham gia "Chiến dịch Bão Al-Aqsa" và tuyên bố Palestine không thể tiếp tục chịu đựng tình trạng chiếm đóng do Israel áp đặt. "Chúng tôi đã chuẩn bị cho mọi kịch bản. Chúng tôi đã sẵn sàng đối phó nếu quân đội Israel tiến vào."

 

Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ "hủy diệt" Hamas. Quân đội Israel sẽ tìm và diệt Hamas trên dải đất Gaza ước tính có tới 5000 km địa đạo như "địa đạo Củ Chi" ra sao?

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/6fea/live/1ea99ba0-690c-11ee-a013-7d20b5f37524.jpg

Lễ hạ cờ khi quân đội Israel rời Ai Cập sau cuộc chiến 1973. Sự rút lui của Israel mở đường cho hòa bình.

 

Châu Âu và Hoa Kỳ luôn khác nhau?

 

Nhân đây tôi muốn chia sẻ cái nhìn từ Pháp. Phải nói rằng chủ đề chiến tranh Hamas-Israel đang chia rẽ dư luận Pháp rất mạnh. Nước Pháp có cộng đồng Hồi giáo Bắc Phi đông đảo và một phần dư luận ủng hộ các vấn đề chung của người Palestine từ lâu nay.

 

Chương trình nghị sự của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần này chủ yếu tập trung vào cuộc chiến giữa Hamas và Israel để tìm kiếm “sự thống nhất của Quốc gia” trước sự chia rẽ chính trị và nguy cơ lan truyền xung đột vào Pháp.

 

Cùng với Thủ tướng Elisabeth Borne, ông Macron đã mời lãnh đạo của 11 đảng đại diện trong Quốc hội tới Điện Elysée vào giữa trưa nay 12/10, cũng như các chủ tịch Thượng viện, Quốc hội và Hội đồng Kinh tế và Xã hội cũng như có bài phát biểu trên truyền hình lúc 8 giờ tối cùng ngày. Về sự cẩn trọng của truyền thông trên kênh truyền hình LCI tối qua, người dẫn chương trình đã đặt câu hỏi với hai phóng viên, một của Pháp, một của kênh I24 Israel là họ có thấy tận mắt những thi thể trẻ em tại hiện trường hay không. Câu trả lời của cả hai đều là không. Do đó họ nhận được lời khuyên là phải thận trọng với những phát ngôn chưa được kiểm chứng.

 

Nhiều trang báo châu Âu đã nói rằng bạo lực sẽ còn nếu thế giới không giải quyết dứt điểm vấn đề của người Palestine, tồn tại từ sau Thế chiến II.

 

Nếu Israel tồn tại như một thực thể quốc gia về pháp lý ngay từ năm 1948, thì chủ quyền quốc gia, sự công nhận quốc tế, người tị nạn Palestine, lãnh thổ và biên giới, thủ đô của Nhà nước Palestine là chủ đề của các cuộc tranh luận và chiến tranh.

 

Lãnh thổ Israel sau xung đột Ả Rập-Israel năm 1948 mở rộng gấp ba lần, lấn chiếm những vùng đất người bản địa Palestine. Lẽ ra, sau chế độ Ủy trị của Anh, nhà nước Palestine phải được hưởng chủ quyền đối với Bờ Tây sông Jordan và Dải Gaza và phần Đông Jerusalem là thủ đô. Tuy nhiên, hầu hết yêu sách chủ quyền của Palestine đều bị Israel bác bỏ.

 

Sau cuộc chiến chớp nhoáng "Sáu ngày" năm 1967, Israel kiểm soát hoàn toàn các vùng lãnh thổ kể trên cho tới nay. Israel đã chiếm Đông Jerusalem, thiết lập kiểm soát thực địa toàn bộ thành phố.

 

Trong 50 năm qua, Israel đã xây dựng các khu định cư Do Thái ở những vùng mà theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ là bất hợp pháp gồm Đông Jerusalem, Bờ Tây, Cao nguyên Golan và Dải Gaza. Israel đuổi những người Palestine đã sống ở đây từ hàng nghìn năm, chiếm đất cho hơn 600.000 công dân Israel đến lập các khu định cư, được bảo vệ bằng quân đội, cảnh sát.

 

Israel từ đó coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt của Nhà nước Do Thái, trong đó gồm có địa phận Giáo đường Al-Aqsa được xây vào thế kỷ thứ VII trên Núi Đền, một trong ba Thánh địa linh thiêng của người Hồi giáo. Nơi theo niềm tin Hồi giáo là chốn Nhà tiên tri Mohammed đã bay lên thiên đường.

 

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/clkjl99w9y8o

Nhật ký từ Gaza: ‘Sơ tán ở đâu bây giờ?’

 

Từ nhiều tháng qua, Israel siết chặt kiểm soát khu vực đền Al-Aqsa, trấn áp người Hồi giáo Palestine ở Jerusalem, tạo điều kiện cho một số nhóm Do Thái cực hữu xông vào chiếm khu đền Al-Aqsa. Nhóm cực hữu này viện cớ có hai ngôi mộ cổ Do Thái giáo nằm ở đây, muốn kiểm soát hoàn toàn khu vực, phá dỡ những kiến trúc Hồi giáo lịch sử và xây dựng đền thờ Do Thái giáo.

 

Trong bối cảnh quốc tế đã quay lưng, các đồng minh xưa sắp công nhận sự tồn tại của nhà nước Israel, người dân Palestine đứng trước tương lai ngày càng thê thảm.

 

Việc Israel chuyển thủ đô từ Tel Aviv về Jérusalem được Mỹ ủng hộ và các nước như Hoa kỳ, Guatemala, Honduras, Kosovo đã đặt sứ quán tại đây như một sự công nhận chủ quyền của Israel với miền đất lịch sử còn đang trong tranh chấp.

 

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain vào năm 2020 đã ký thỏa thuận chấm dứt đối đầu với Israel và bình thường hóa quan hệ. Chính phủ Israel cũng đang thúc đẩy đàm phán bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Saudi, trong đó Mỹ đóng vai trò trung gian.

 

Hoa Kỳ là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an. Dù giới chức Âu-Mỹ nói cần phân biệt người Palestine vốn còn có các tổ chức, chính quyền đại diện khác, với Hamas mà EU, Hoa Kỳ đặt vào danh sách khủng bố, mọi vấn đề liên quan đến Gaza nếu có đưa ra Liên hợp quốc gần như chắc chắn sẽ lại bị Mỹ, đồng minh chủ chốt của Israel phủ quyết.

 

Quân Hamas biết cái giá phải thanh toán lần này khi 39 tiểu đoàn thiện chiến Israel cùng 300 000 quân dự bị với máy bay hiện đại nhất F35, xe tăng Merkava Mk-4 bao vây, sắp tiến vào Gaza.

 

Ngay từ năm 1992, sau những cuộc đụng độ đẫm máu với người Palestine ở Gaza, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabi đã phải thốt lên rằng: "Tôi muốn Gaza chìm xuống biển, nhưng điều đó là không thể, nên phải tìm ra một giải pháp."

 

Để kết luận, xin nhắc lại lịch sử cuộc chiến Việt Nam khi người ta ghi nhận câu nói bất hủ của Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger phát biểu mấy ngày trước khi Sài Gòn sụp đổ: "Sao họ (chỉ VNCH) không chết quách nhanh đi cho rồi!" ("Why don't those people die faster ? – trích theo Arthur Langguth trong cuốn “Our Vietnam: The War 1954-1975” (2000).

 

Ở đâu đó có hay không những chính khách đang muốn lặp lại câu đó để nói về dải Gaza?

 

-----------------------------------------------------------

* Bài thể hiện quan điểm riêng của cây bút tự do Phạm Cao Phong, Paris, Pháp.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats