Trận đấu giữa hai đội tuyển bóng đá Anh và
Iran hôm qua gây chú ý không bởi tỉ số chênh lệch như một set tennis, mà bởi sự
bất khuất của các cầu thủ Iran.
Trong khi các cầu thủ Anh đồng thanh hát vang
bài quốc ca của họ, dẫu có cầu thủ còn chưa quen với việc đổi từ, giữa god save
the queen với god save the king. Thì các cầu thủ Iran đồng loạt im bặt trong
lúc quốc ca của họ vang lên trên khán đài.
Một sự im lặng có hiệu ứng chói tai đối với bất
cứ ai theo dõi tình hình chính trị Iran gần đây.
Nếu áp dụng tiêu chuẩn văn hoá của người Việt
chúng ta, thì rõ ràng các cầu thủ Iran đã có hành động không yêu nước, thiếu sự
tự hào dân tộc trầm trọng. Chắc không người Việt nào có thể tưởng tượng ra viễn
cảnh đội tuyển bóng đá nam của chúng ta rủ nhau không hát quốc ca ở các trận đấu
quốc tế.
Nhưng hãy thử xem các nhân vật chính nói sao về
hành động của mình. Trả lời phỏng vấn sau trận đấu, đội trưởng Alireza
Jahanbakhsh của tuyển Iran nói: "Chúng tôi nhận thấy rằng tình hình ở quê
nhà là không thể chấp nhận được, người dân đang rất không hài lòng. Chúng tôi
muốn người dân biết rằng chúng tôi đứng về phía họ, và ủng hộ họ. Và chúng tôi
đồng cảm với nhân dân bất chấp hậu quả."
Iran đang diễn ra làn sóng biểu tình trên quy
mô toàn quốc kể từ khi một cô gái 22 tuổi bị lực lượng cảnh sát đạo đức tra tấn
đến chết, chỉ vì cô này không đeo khăn trùm đầu của Đạo Hồi một cách "đúng
đắn". Người dân Iran đòi hỏi chấm dứt chế độ cai trị hà khắc, và phải dân
chủ hoá đất nước.
Nói đến đây có lẽ sẽ có nhiều người Việt Nam cảm
thấy khựng lại, vì hai từ dân chủ và chính trị. Một thì vốn bị coi là giá trị của
Phương tây và mang mầm mống hỗn loạn. Cái còn lại thì vẫn được cho là nên được
đặt ra ngoài khuôn khổ của thể thao nói chung và bóng đá nói riêng.
Vậy tại sao các cầu thủ Iran không làm theo điều
mà chúng ta cho là lẽ thường? Sao họ không hát quốc ca để thể hiện lòng yêu nước,
và sao họ không tập trung vào chuyên môn và tránh xa chính trị?
Có lẽ bởi vì họ thương dân hơn là yêu nước.
Nước ở đây là nhà nước, tức là chế độ cai trị.
Điều vốn dĩ không đồng nhất với đất nước, tổ quốc.
Các cầu thủ Iran đã nói rõ, họ đứng về phía
người dân. Bởi người dân Iran chính là cha mẹ, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp của
các cầu thủ này.
Bài quốc ca là đại diện của chế độ chính trị,
và một khi niềm tin và sự tôn trọng dành cho chế độ đã hết thì bài quốc ca cũng
không còn giá trị nữa. Thậm chí, việc hát vang lên bài quốc ca đó, còn được coi
là hành vi đồng loã với kẻ cầm quyền. Đó là vì sao các cầu thủ Iran không hát.
Họ muốn gửi đi một thông điệp đanh thép rằng họ không ủng hộ nhà nước Iran.
Nhiều người Việt có thể sẽ nghĩ rằng, tại sao
không về nước mà biểu tình, thể hiện thái độ ở một trận bóng đá làm gì?
Thực ra đây không phải là một trận bóng đá thông
thường. Đây là một trận bóng đá ở World Cup. Sự kiện thể thao lớn nhất hành
tinh, có hàng tỉ người theo dõi. Đây là cơ hội có một không hai để bày tỏ thái
độ. Có lẽ các cầu thủ này muốn cả thế giới chú ý đến tình cảnh ở quê hương họ,
khi mà nhà nước Iran với quân đội và công an, vẫn hàng ngày đàn áp dân thường.
Hơn 400 người đã bị giết hại. Họ cũng hiểu rằng người dân Iran sẽ theo dõi họ,
và đây cũng là cơ hội trời cho để gửi thông điệp đến người dân rằng đội tuyển
quốc gia đứng về phía nhân dân.
Đúng là về mặt tinh thần thì chính trị và thể
thao nên được tách bạch, nhưng một khi đất nước ở vào tình cảnh đau thương, thì
ranh giới giữa thể thao và chính trị cần phải bị loại bỏ. Bởi im lặng còn có
nghĩa là đồng loã với cái ác. Và rõ ràng là các cầu thủ Iran đã vì lợi ích của
nhân dân mà hy sinh lợi ích của cá nhân. Họ hiểu rõ sau kỳ World Cup này, giây
phút họ đặt chân xuống sân bay ở Tehran, có thể họ sẽ bị bắt đi tù.
Sẽ rất dễ dàng để chúng ta dè bỉu người nước
ngoài khi họ lôi chuyện chính trị nước họ vào trong bóng đá. Đơn cử như việc
nhiều người Việt bày tỏ sự diễu cợt đối với các cầu thủ bóng đá Ukraine khi họ
lên tiếng phản đối Nga xâm lược nước họ. Bởi vì chúng ta không ở vào vị thế của
họ, và cũng không có năng lực đặt bản thân vào vị trí của người khác. Hy vọng
qua hành động của các cầu thủ Iran, nhiều người sẽ thay đổi cách tiếp cận với vấn
đề này.
Quan trọng hơn nữa, bài học quý giá mà theo
tôi các cầu thủ Iran đã trao cho người Việt Nam, đó là biết cách phân biệt giữa
chế độ chính trị (nhà nước) với tổ quốc và nhân dân. Nhà nước là cỗ máy của tầng
lớp cai trị, còn nhân dân mới làm nên tổ quốc. Và cần phải đứng về phía người
dân, tức là chính mình, bất cứ khi nào, ở bất cứ hoàn cảnh nào, đặc biệt là khi
nhà nước sử dụng bạo lực.
No comments:
Post a Comment