Sunday 13 November 2022

VLADIMIR PUTIN ĐI ĐÂU SAU VỤ THÁO CHẠY KHỎI KHERSON? (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Vladimir Putin đi đâu sau vụ tháo chạy khỏi Kherson?

Hiếu Chân/Người Việt

November 11, 2022

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/vladimir-putin-di-dau-sau-vu-thao-chay-khoi-kherson/

 

Truyền thông quốc tế sáng Thứ Sáu, 11 Tháng Mười Một, đồng loạt chạy tít lớn: Quân đội Ukraine đã chiếm thành phố Kherson ở miền Nam, một thắng lợi lớn của Kiev đồng thời là một thất bại nhục nhã nữa của Moscow, khiến những mục tiêu chiến tranh của ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, dần tan thành mây khói.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/11/BL-Nga-Rut-Khoi-Kherson-1068x789.jpg

Một người đàn ông cầm lá cờ Ukraine ở quảng trường Maidan Square, Kiev, bày tỏ vui mừng sau khi Kherson được giải phóng. (Hình minh họa: Genya Savilov/AFP via Getty Images)

 

Kherson giải phóng

 

Kherson, trước chiến tranh có 230,000 dân, là một trung tâm công nghiệp lớn của Ukraine, có vị trí chiến lược nơi cửa sông Dnipro đổ vào Hắc Hải và có thể khống chế nguồn cung cấp nước ngọt cho bán đảo Crimea đã bị Nga chiếm từ năm 2014.

 

Dùng quân đội từ Crimea tấn công lên phía Bắc chiếm thành phố Kherson ngay ngày đầu cuộc chiến, mục tiêu của ông Putin là giành lại nguồn nước, lập một cứ điểm tập trung quân để mở rộng tấn công khắp miền Nam Ukraine, đồng thời cắt đứt đường ra biển Hắc Hải của Ukraine. Tham vọng của ông Putin còn là thiết lập một hành lang đường bộ nối miền Tây nước Nga với bán đảo Crimea.

 

Quân Nga đã chiếm và giữ được Kherson trong gần chín tháng chiến tranh bất chấp các hoạt động du kích của Ukraine phá hoại và ám sát các quan chức do Moscow bổ nhiệm. Chỉ mới sáu tuần trước, Moscow rầm rộ tổ chức “sát nhập” Kherson và ba vùng đất Ukraine khác vào lãnh thổ của Nga và đe dọa dùng mọi biện pháp quân sự để bảo vệ nó.

 

Bây giờ thì quân Nga không trụ được nữa. Sau khi quân Ukraine siết dần vòng vây, cắt đứt các đường tiếp liệu cho 20,000 lính Nga đóng ở Kherson thì người Nga phải lựa chọn hoặc rút chạy hoặc bị tiêu diệt. Hôm Thứ Tư, 9 Tháng Mười Một, ông Sergei Shoigu, bộ trưởng Quốc Phòng Nga, cùng với Tướng Sergei Surovikin, tư lệnh quân Nga ở Ukraine, thông báo quyết định rút quân, thừa nhận một thất bại nặng nề trong nỗ lực chiến tranh của họ.

 

Sang Thứ Sáu, 11 Tháng Mười Một, Tổng Thống Volodymyr Zelenskiy của Ukraine, thông báo các đơn vị Ukraine đã vào thành phố. Video và hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy người dân Kherson xuống đường vẫy cờ Ukraine và hô vang những khẩu hiệu ái quốc. Quốc kỳ Ukraine lần đầu tiên tung bay trên một tượng đài ở quảng trường trung tâm Kherson kể từ khi thành phố thất thủ vào đầu Tháng Ba. Một số cảnh quay cho thấy đám đông hoan hô nồng nhiệt những người đàn ông mặc quân phục. Các video khác cho thấy binh lính và dân chúng chào nhau trên đường phố.

 

Vụ rút khỏi Kherson là thất bại lớn thứ ba của Nga sau khi chiến dịch tấn công thần tốc quy mô lớn để chiếm thủ đô Kiev bị bẻ gãy hồi đầu cuộc chiến và cuộc tháo chạy hỗn loạn khỏi khu vực Kharkov ở phía Đông Bắc hồi Tháng Chín. Sau thất bại cay đắng ở Kharkov, ông Putin đã phải ban hành lệnh tổng động viên một phần, khiến hàng trăm ngàn thanh niên Nga phải rời bỏ đất nước và hàng chục ngàn lính quân dịch được huấn luyện và trang bị kém trở thành vật hy sinh vô nghĩa trên chiến trường Ukraine.

 

Putin có tránh được trách nhiệm?

 

Cuộc tháo chạy khỏi Kherson đang làm cho hình ảnh của ông Putin như một nhà lãnh đạo quyết đoán và mạnh mẽ bị hoen ố trầm trọng. Nhiều người đã nói tới ngày tàn của nhà độc tài Nga.

 

Những người ủng hộ cuộc chiến ở Nga hết sức thất vọng. Họ coi việc thất thủ Kherson như một “sự phản bội” và trút nỗi tức giận lên các tướng quân đội. Họ cho rằng, Kherson, cùng với các vùng đất bị Nga sát nhập bất hợp pháp khác, đã được ghi vào Hiến Pháp Nga như là một phần lãnh thổ Nga thì chính quyền Putin phải có trách nhiệm bảo vệ bằng mọi giá. Ông Boris Rozhin, một nhà phân tích quân sự, gọi cuộc rút lui là “thất bại quân sự nghiêm trọng nhất kể từ năm 1991” – năm thành lập Liên Bang Nga. Ông Sergei Markov, cựu cố vấn chính trị của Điện Kremlin, cho rằng đây là thất bại địa chính trị tệ hại nhất của nước Nga kể từ ngày Liên Xô tan rã.

 

Dường như biết trước phản ứng bất lợi của công chúng, Điện Kremlin đã cố chuẩn bị dư luận cho cuộc rút quân. Bộ Trưởng Shoigu lên truyền hình lúng túng nói rằng, rút quân khỏi Kherson là để bảo vệ sinh mạng binh sĩ. Các tay chân của ông Putin như ông Ramzan Kadyrov, thủ lĩnh cái gọi là nước Cộng Hòa Chechnya sát cánh với quân Nga trong cuộc xâm lược, hoặc ông Yevgeny Prigozhin, “đầu bếp của ông Putin,” người thành lập đội quân đánh thuê Wagner, đều ca ngợi quyết định rút quân là “đúng đắn,” ca ngợi Tướng Surovikin là “tướng chiến trường thật sự.”

 

Và cũng như với mọi trường hợp thất bại của Nga, họ đổ lỗi cho Phương Tây. Truyền thông Nga liên tục khẳng định tại Ukraine, người Nga đang chống lại sức mạnh tổng hợp của Hoa Kỳ, Anh, EU, và NATO. Nói cách khác, việc triệt thoái trên chiến trường không phải là lỗi của Điện Kremlin mà là do các thế lực thù địch nước ngoài. Vì vậy, bổn phận của người Nga không phải là trách cứ quân đội hay tổng thống Nga mà phải đoàn kết để chiến đấu.

 

Tuy vậy, khó mà tách biệt được vai trò của ông Putin khỏi những thất bại cay đắng của quân đội Nga. Khi ông Shoigu công bố quyết định rút quân khỏi Kherson thì ông Putin không có mặt. Nhiều người đoán, ông Putin muốn né tránh trách nhiệm, cứ như quyết định rút quân tai hại kia là của các tướng lãnh, dù ai cũng biết chính ông Putin mới là người có tiếng nói sau cùng.

 

“Đây là một chế độ của cá nhân và nói chung dân chúng hiểu rõ rằng chính ông Putin là người đưa ra những quyết định quan trọng,” ông Abbas Gallyamov, từng là người soạn diễn văn của ông Putin, nói với nhật báo The New York Times.

 

Con đường nào cho Putin?

 

Nhưng hãy còn quá sớm để nghĩ rằng thất bại ở Kherson đánh dấu ngày tàn của chế độ Putin. Một số nhà quan sát cho biết đa số người dân Nga vẫn tưởng ông Putin là một Sa Hoàng yêu nước và có tầm nhìn nhưng bị tướng lãnh bất tài làm cho thất bại, và họ tin vào lời giải thích cần phải rút quân để cứu mạng binh sĩ. Niềm tin đó được củng cố trong một xã hội khép kín kiểu Stalin hay Mao Trạch Đông, mọi quyết định đều từ một cá nhân lãnh đạo đầy hoang tưởng còn các ý kiến phản đối hoặc trái chiều đều bị dập tắt bằng những án tù khắc nghiệt.

 

Ông Putin có thể không bị ép vào chân tường, nhưng có thể thất bại Kherson sẽ buộc ông phải tìm cách đàm phán, đi đến một thỏa thuận ngừng bắn trong danh dự thay vì tiếp tục dấn sâu vào một cuộc chiến mà ông biết chắc không thể chiến thắng bằng quân sự. Nhưng đối với Ukraine, chiến thắng Kherson càng làm cho tinh thần binh sĩ thêm phấn chấn và quyết đẩy mạnh cuộc chiến tranh giải phóng. Tổng Thống Zelenskiy nhiều lần nhấn mạnh, Kiev chỉ chấp nhận đàm phán với điều kiện Nga phải rút hoàn toàn quân lính khỏi Ukraine, kể cả bán đảo Crimea, phải bồi thường chiến tranh. Tất nhiên, ông Putin không đời nào chấp nhận điều kiện đó.

 

Tướng Mark Milley, tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, hôm Thứ Tư nói Ukraine nên tận dụng “cửa sổ cơ hội” chiến trường đóng băng trong mùa Đông để bắt đầu đàm phán hòa bình. Nhưng chính quyền Biden luôn nhấn mạnh, đàm phán hay không, bao giờ, và với điều kiện gì là chuyện hoàn toàn do chính phủ và người dân Ukraine quyết định.

 

Bây giờ niềm hy vọng của ông Putin và bộ sậu diều hâu của ông là sự hỗ trợ hiệu quả của Phương Tây cho Ukraine sẽ giảm, nội bộ Phương Tây sẽ chia rẽ – một hy vọng mong manh nhưng khả thi nếu đảng Cộng Hòa giành được quyền kiểm soát Quốc Hội Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử vừa kết thúc. Dân Biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), trưởng khối thiểu số Hạ Viện Mỹ, đã nói trước là nếu làm chủ tịch Hạ Viện, ông sẽ ra luật giảm hoặc cắt viện trợ cho Ukraine.

 

Dù sao, thất bại ở Kherson đã đẩy ông Putin vào tình thế khó xử, nhất là với người đồng sự Trung Quốc Tập Cận Bình. Bắc Kinh thấy rõ sự yếu kém mọi mặt của Nga, điều đặc biệt nguy hiểm cho Kremlin. Ông Putin không đến Ai Cập dự hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP27), ông cũng sẽ không đến Bali, Indonesia, dự hội nghị thượng đỉnh G20 dù tổng thống nước chủ nhà đích thân đến Moscow hồi Tháng Sáu mời ông, bỏ qua lời phản đối của Hoa Kỳ. Nguồn tin nội bộ giải thích rằng, sở dĩ ông Putin vắng mặt tại các diễn đàn thế giới vì lo sợ sẽ bị các điệp viên Ukraine, Mỹ, hoặc Phương Tây ám sát khi ông ra khỏi cái pháo đài của mình ở Điện Kremlin.

 

Tình thế của nhà độc tài Nga thật bi đát! [đ.d.]





No comments:

Post a Comment

View My Stats