Sunday, 13 November 2022

UKRAINE 'GIẢI PHÓNG' KHERSON, THẤT BẠI THẢM HẠI CỦA PUTIN (Người Việt Online)

 



Ukraine ‘giải phóng’ Kherson, thất bại thảm hại của Putin

Người Việt Online

November 13, 2022

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/thao-chay-kherson-giai-phong-tham-vong-cua-putin/

 

KIEV, Ukraine (NV) – Hình ảnh quân đội Ukraine vào hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Mười Một, giương cao lá cờ chiến thắng ở trung tâm thành phố Kherson cho thấy thất bại thảm hại kể cả về chính trị lẫn quân sự của Tổng Thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chiến kéo dài gần chín tháng qua, theo Washington Post.

 

Kherson là thủ phủ khu vực duy nhất của Ukraine mà quân đội Nga chiếm được kể từ khi nổ súng xâm lăng vào ngày 24 Tháng Hai, cho nên thất bại này cũng phá tan ảo tưởng chiếm đoạt lãnh thổ mà ông chủ điện Kremlin cố gắng tạo ra bằng cách tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý và tuyên bố sáp nhập bất hợp pháp Kherson và ba vùng khác, bao gồm Luhansk, Donetsk và Zaporizhzhia vào nước Nga.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/11/TS-kherson-putin-2-1068x712.jpeg

Dân chúng chào mừng quân đội Ukraine ngày giải phóng thành phố Kherson. (Hình: AFP via Getty Images)

 

Mặc dù Moscow vẫn kiểm soát những khu vực khác bên ngoài thủ phủ Kherson nhưng việc để Ukraine tái chiếm Kherson là một đòn giáng mạnh sau những tuyên bố lặp đi lặp lại của các nhân vật phò điện Kremlin rằng Nga sẽ ở lại Kherson “mãi mãi.”

 

Phe ủng hộ chiến tranh cứng rắn ở Nga, bao gồm các blogger quân sự theo chủ nghĩa dân tộc, đã gọi việc triệt thoái khỏi Kherson là “sự phản bội” và “ngày đen tối.” 

 

Kherson, cùng với các khu vực bị sáp nhập bất hợp pháp khác, đã được ghi vào hiến pháp Nga như là một phần của lãnh thổ sau khi quốc hội nước này khẳng định kế hoạch sáp nhập của Tổng Thống Putin. Cờ của vùng Kherson, cùng với cờ của ba khu vực bị sáp nhập khác, đã được giương lên gần đây trong một buổi lễ ở quốc hội Nga.

 

Kremlin cố gắng phủi trách nhiệm thất bại của Putin

 

Việc rút quân khỏi thành phố Kherson là diễn biến mới nhất trong một chuỗi các thất bại quân sự đối với Putin, bao gồm thất bại trong nỗ lực chiếm đóng Kiev ngay từ đầu cuộc chiến cũng như bị Ukraine đẩy lùi khỏi ở khu vực phía Đông Bắc Kharkiv vào Tháng Chín.

 

Trong khi các tướng lãnh và giới chức cao cấp khác có thể phải chịu những hậu quả nghiêm trọng, điện Kremlin trong nhiều tuần qua đã chuẩn bị tinh thần kỹ lưỡng cho người dân Nga trước cú sốc này nhằm phủi trách nhiệm lên ông Putin, đồng thời cố gắng tách biệt tổng thống Nga khỏi những sa sút về mặt chính trị. 

 

Các nỗ lực tuyên truyền của Điện Kremlin dường như có tác dụng trong việc giảm thiểu sự lo lắng từ công chúng trước thất thủ Kherson, theo một số nhà phân tích, do vẫn có nhiều người dân Nga xem ông Putin là một nhà lãnh đạo thông minh, một Sa Hoàng yêu nước nhưng bị các “cận thần” không đủ năng lực làm lụn bại.

 

Tổng thống Nga đã vắng mặt trên đài truyền hình quốc gia Russia 24, hôm Thứ Tư, 9 Tháng Mười Một, khi ông Sergei Shoigu, bộ trưởng quốc phòng và tướng Sergei Surovikin, tư lệnh Nga tại chiến trường Ukraine, phải “diễn” màn đối thoại khó xử, đầy tính thủ tục trước quốc dân nhằm chính thức hóa quyết định từ bỏ Kherson vì lý do “bảo toàn lực lượng.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/11/TS-kherson-putin-1-1068x640.jpeg

Ông Vladimir Putin, tổng thống Nga. (Hình: Sergei Ilyin/Sputnik/AFP via Getty Images)

 

Trước công luận, Bộ Trưởng Shoigu phải “muối mặt” gánh trách nhiệm rút quân đội Nga khỏi Kherson, trong khi Tổng Thống Putin lại nhàn nhã ung dung xuất hiện dự buổi lễ kỷ niệm 75 năm thành lập một cơ quan y tế, tạo hình ảnh ông chủ điện Kremlin không liên quan gì đến quyết định triệt thoái của giới quân sự.

 

Trò tuyên truyền của điện Kremlin có tác động nhất định, vì bất chấp sự phẫn nộ của thành phần chủ chiến trước quyết định rút lui khỏi Kherson, nhà phân tích chính trị Andrei Kolesnikov, thuộc Tổ Chức Carnegie Vì Hòa Bình Quốc Tế cho biết dân chúng dường như vẫn bị thuyết phục rằng quân đội Nga cần phải rút lui để bảo toàn lực lượng mà hoàn toàn không nhận ra đó là hậu quả thảm bại của cuộc chiến xâm lăng không cần thiết mà do chính ông Putin quyết định.

 

Ông cho biết sự hậu thuẫn của dân chúng dành cho ông Putin vẫn “khá vững chắc,” khi chỉ giảm xuống 77% từ 83% trong đợt bắt quân dịch hồi Tháng Chín, trước khi tăng trở lại lên 79% vào Tháng Mười.

 

Liệu “giấy có gói được lửa”?

 

Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy ông Putin sẽ không thể hoàn toàn trốn tránh trách nhiệm và thất bại ở Kherson có thể khiến phe phản đối chiến tranh dần trỗi dậy trong bối cảnh Nga liên tiếp thất bại trên chiến trường.

 

Trước quá nhiều thất bại quân sự nặng nề trong một cuộc chiến không cần thiết là một sự thật hiển nhiên đối với các tỷ phú và thành phần ưu tú ở Moscow. Nhiều khó khăn chính trị khác cũng xuất hiện xung quanh quyết định xâm lược Ukraine của ông Putin, một hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế giờ đây bị phơi bày chỉ là một ảo tưởng.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/11/TS-kherson-putin-3-1068x712.jpeg

Một phụ nữ ôm chiến binh Ukraine mừng rỡ ngày giải phóng Kherson. (Hình: AFP via Getty Images)

 

“Tôi nghĩ điều này sẽ làm phức tạp hóa góc nhìn của người dân trong nước về tình hình hiện tại,” một doanh nhân có ảnh hưởng ở Moscow cho biết, từ chối nêu tên để tránh hậu quả. “Rút khỏi Kherson tạo ảnh hưởng nghiêm trọng lên hình ảnh của ông Putin.”

 

Ông Sergei Markov, cựu cố vấn điện Kremlin, nhận định việc triệt thoái khỏi Kherson là “thất bại” địa chính trị nặng nề nhất kể từ khi khối Liên Bang Sô Viết sụp đổ và lưu ý rằng chính ông Putin đích thân tuyên bố vùng đất đó luôn luôn thuộc về “đất mẹ Nga.”

 

“Việc tháo chạy khỏi Kherson là một đòn giáng mạnh vào tinh thần của người dân, một cú đấm thôi sơn lên sĩ khí quân đội Nga,” ông Markov phân tích. “Đây là thất bại nặng nề trên hình ảnh nhà lãnh đạo cho ông Putin và cả tinh thần thần lạc quan nào đó còn sót lại.”

 

Trong chốn riêng tư, nhiều người trong giới tinh hoa chỉ trích cuộc chiến tranh thảm hoạ của ông Putin đưa đến việc cấm vận toàn cầu. Sự việc này càng khoét thêm chia rẽ giữa nhóm chủ chiến diều hâu với giới kinh doanh và giới chức vốn đang hy vọng chấm dứt cuộc chiến để khôi phục kinh tế.

 

Một viên chức nhà nước Nga, vẫn mang ảo tưởng về ông Putin, nhận xét rằng quyết định rút chạy khỏi Kherson “cho thấy chỉ huy quân sự Nga vẫn còn biết suy nghĩ hợp lý. Nhưng nếu tổng thống là người chỉ huy, thì có hy vọng ông ấy sẵn sàng cho các cuộc đàm phán, mặc dù là mỏng manh.”

 

Tuy nhiên, viên chức này vẫn không nghĩ rằng ông Putin sẽ chấp nhận các điều kiện rút hoàn toàn quân đội Nga của Ukraine hoặc thậm chí rút lui về đường biên giới trước cuộc chiến, vì đó sẽ là một “thảm bại chính trị” mà tổng thống Nga sẽ không thể cứu vãn.

 

Trong bối cảnh quân Nga rút lui, thực hiện các đợt bắt lính không hiệu quả, khó khăn kinh tế ngày càng sâu rộng và thương vong ngày càng gia tăng, Moscow gửi tín hiệu sẵn sàng đàm phán với Ukraine. Nhưng các cuộc đàm phán khó có thể xảy ra khi Putin nhất quyết đòi Kiev phải chấp nhận việc Nga chiếm đoạt lãnh thổ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/11/TS-kherson-putin-4-1068x713.jpeg

Dân chúng tràn ra phố đón mừng quân đội Ukraine vào Kherson. (Hình: Ed Ram/Getty Images)

 

Putin đang ở đâu?

 

Ông Kolesnikov nhận định các hành động ngày càng khép kín, hoang tưởng gần đây của ông Putin giống như nhà độc tài Joseph Stalin, cố lãnh đạo Liên Sô, vào những năm cuối đời, là “mọi quyết định vận mệnh quốc gia chỉ do một cá nhân đảm nhiệm.”

 

Nhà phân tích Tatiana Stanovaya, người sáng lập nhóm phân tích chính trị R. Politik, nhận định ông Putin đang muốn câu giờ cho đến khi sự ủng hộ của các quốc gia Dân Chủ phương Tây đối với Ukraine dần biến mất vào năm tới, buộc Kiev phải đầu hàng theo điều kiện của Nga.

 

Bà Stanaovaya cho rằng ông Putin không mong đợi Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến nhờ các chiến dịch quân sự nhưng nghĩ rằng Ukraine sẽ tự động sụp đổ.

 

Trong khi đó, ông Sergei Markov, cựu cố vấn Điện Kremlin, cho biết ông Putin sẽ cố gắng bảo toàn các vùng lãnh thổ bị sáp nhập còn lại chờ tăng viện với các tân binh Nga được huấn luyện đầy đủ. 

 

“Tuy nhiên, không rõ liệu Nga còn có đủ tiềm năng để có thể trang bị vũ khí cho binh lính hay không,” cố vấn Markov đặt nghi vấn. (MPL) [kn]

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats