Saturday, 12 November 2022

VIỆT NAM : NẠN TỐNG TIỀN BẰNG CHIÊU MƯỢN DANH CÔNG AN và ĐIỀU TRA VIÊN (Tidoo Nguyễn / BBC News Tiếng Việt)

 



Việt Nam: Nạn tống tiền bằng chiêu mượn danh công an và điều tra viên

Tidoo Nguyễn

Gửi bài tới Diễn đàn BBC từ Sài Gòn

12 tháng 11 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-63606862

 

Những vụ tống tiền qua điện thoại ở Việt Nam vài năm gần đây có chung một kiểu dọa "Đại diện cán bộ điều tra ở đầu dây đang chờ xác minh…"

 

Tình trạng những kẻ tống tiền đem nỗi sợ hãi nào đó trong dân làm "vũ khí" để chiếm đoạt tiền của nạn nhân không còn là đề tài mới mẻ.

 

VN vẫn 'nghiện' điện than dù đã cam kết 'phát thải bằng 0' vào 2050

Viện Kiểm sát Hà Nội ra cáo trạng về vụ 'bay lắc' tại Bệnh viện Tâm thần TƯ I

Công an VN khởi tố bắt giam nghi phạm giết Linh mục Trần Ngọc Thanh

 

Thế nhưng từ đầu năm 2022, với kinh tế khó khăn, vấn đề này càng rộ trên nhiều báo vì công chúng vẫn bị lừa vì hoảng loạn khi nghe đến danh xưng đại diện thế lực đáng sợ nào đó.

Scammers (những kẻ lừa đảo) đến từ các nước như Pakistan, Brazil, Nam Phi, Romania, Venezuela, Indonesia, Nigeria, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Mexico, Nga, hay nhắm đến những phụ nữ cô độc trên thế giới qua "chiêu lừa" bằng tình ái để chiếm đoạt tiền hay tài sản.

 

Còn các băng nhóm lừa ở Việt Nam nhắm vào mọi thành phần người Việt và thuộc mọi độ tuổi, miễn là họ có tài khoản ngân hàng và có sử dụng điện thoại.

 

Lừa đảo và tống tiền nhân danh cán bộ

 

Cho đến nay, chưa thấy thống kê chính thức ở VN về số nạn nhân đã bị tống tiền vì có kẻ giả danh công an và tổng số tiền đã bị mất bằng hình thức này. Nhưng điểm qua một số bài báo thì mô thức chung khá giống nhau:

 

Báo Công An Nhân Dân, mô tả vụ việc ngày 24/8/2022, có kẻ tống tiền tự xưng là cảnh sát giao thông ra lệnh nạn nhân là anh Nguyễn Văn T, cư ngụ quận Long Biên, Hà Nội chuyển 170 triệu đồng "để điều tra" vì đã vi phạm luật giao thông do camera ghi lại. Nạn nhân làm theo mệnh lệnh của kẻ tống tiền vì không muốn bị "treo" bằng lái.

 

Theo báo Pháp Luật, ngày 26/9/2022, tòa án thành phố Hà Nội đã phạt tù 9 người vì đã tự xưng là cán bộ công an, cán bộ viện kiểm sát chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng của một cư dân quận Đống Đa "để điều tra" với lý do bà sẽ bị "hầu tòa" vì nợ thẻ tín dụng quá hạn và sau đó rút tiền của bà gần 12 tỷ đồng.

 

Trang Trithucvn (Chuyển tiền, tải 'ứng dụng bảo mật' theo cuộc gọi của 'điều tra viên', mất hàng tỷ đồng - Trí Thức VN (trithucvn.org), ngày 5/8/2022 thì kể câu chuyện bị kẻ mạo danh là "điều tra viên", khiến một nữ công dân 39 tuổi ở Đà Nẵng phải trình báo bị lừa đảo qua mạng mất hơn 1 tỷ đồng. Chiêu thức quen thuộc là kẻ giả danh công an thông báo cho nạn nhân rằng chị có liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma túy và hướng dẫn chị tải phần mềm "ứng dụng bảo mật" về để khai báo.

 

Cũng theo trang này, thì vào ngày 5/8/2022, một người ở TP Hồ Chí Minh trình báo bị lừa mất hơn 1,8 tỷ đồng sau khi nhận các cuộc gọi lạ, tự xưng là điều tra viên công an thành phố Đà Nẵng nói liên quan đến rửa tiền và buôn bán ma túy.

 

Có vẻ như những kẻ tống tiền biết rõ tâm lý này của người Việt nên họ tự xưng là cán bộ điều tra thuộc cục cảnh sát hình sự bộ công an, bộ tư pháp; cảnh sát giao thông; cảnh sát phòng cháy chữa cháy; kiểm sát viên tòa án … để tống tiền người dân từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

 

Những kẻ tống tiền dùng phương tiện liên lạc là điện thoại (điện thoại bàn hoặc di động) để nhắn tin hoặc gọi điện trực tiếp. Họ tự xưng danh như đã đề cập ở trên, nói đúng tên, ngày sinh, thậm chí số căn cước công dân và đe dọa vì nạn nhân đã vi phạm pháp luật...nên phải chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp hay giao quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng ebanking để phục vụ công tác điều tra.

 

Sau khi nạn nhân chuyển tiền hay giao quyền kiểm soát tài khoản, bọn chúng rút sạch tiền và biến mất.

 

Đe dọa khóa số điện thoại

 

Ngoài các vụ giả danh công an, điều tra viên để lừa đảo còn có hiện tượng dọa khóa số phone.

 

Cũng phải nói việc một số người trao số điện thoại cá nhân quá dễ dãi có thể gây phiền toái cho chính họ.

 

Cá nhân tôi, để tránh rắc rối, tôi dùng một số điện thoại riêng để cung cấp cho ngân hàng và không bao giờ mang điện thoại chứa sim số này khi ra ngoài, cũng không dùng điện thoại để chuyển tiền.

 

Tôi dùng một số khác để liên hệ với thân nhân, bằng hữu và không bao giờ cho người lạ. Hiện nay các cửa hàng, nhà thuốc tây…thường hỏi số điện thoại khi tính tiền và giải thích là để tích điểm, giảm giá. Khi nhân viên thu ngân kỳ kèo thì tôi thà không mua chứ nhất định không cung cấp số điện thoại.

 

Thế mà, ngày 9/11 vừa rồi, tôi nhận được cuộc gọi từ số lạ vào điện thoại chỉ chứa sim số đăng ký ngân hàng. Vì không cho ai số này nên tôi không trả lời. Ngay lập tức, Tổng đài 1026 (của Mobifone) nhắn tin vào điện thoại của tôi với nội dung như sau "Bạn nhận được lời nhắn từ 2471000719 vào lúc 13:09 09/11/2022 với nội dung: Xin chào. Cục Viễn thông xin thông báo số điện thoại của quý khách sẽ bị tạm khoá sau 2 giờ, nhấn phím 9 để được hỗ trợ, gọi 102606 để nghe lại (Miễn phí). Chi tiết l/h 9090 (200đ/p)".

 

Tôi gọi cho Mobifone để xác minh thì họ cho biết số của tôi vẫn hoạt động bình thường và không có vấn đề gì.

 

Sau đó, tôi thấy trên báo Thanh Niên ngày 23/9/22 đưa thông tin hàng loạt người dùng điện thoại di động tại TP.HCM phản ánh nhận được cuộc gọi đe dọa số điện thoại sẽ bị khóa.

Trong số đó, một phụ nữ ở quận Tân Phú cho biết chị nhận một cuộc gọi ghi âm sẵn thông báo thuê bao khách hàng sẽ bị khóa sau hai giờ vì đã sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn rác. Chị bấm lại 999 thì phía đầu dây bên kia yêu cầu chị cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân... để hỗ trợ kỹ thuật. May mắn chị nhận ra đây là trò lừa đảo nên đã cúp máy.

 

Vì sao có tâm lý sợ hãi?

 

Cuối cùng, chuyện dễ thành nạn nhân của đe dọa, lừa đảo ở VN có vẻ đến từ tâm lý sợ hãi chung.

 

Mà tâm lý sợ hãi của người dân có liên quan đến chỉ số nhân quyền và pháp quyền.

 

Theo trang The Global Economy - cung cấp dữ liệu thương mại và kinh tế của 200 quốc gia, Việt Nam có chỉ số "Human rights and rule of law index, 2022" (Chỉ số nhân quyền và pháp quyền, năm 2022) là 7.8.

 

Trong khung điểm từ 0 - 10, Việt Nam đứng hàng thứ 35 trong 176 quốc gia. Yemen là nước có chỉ số tệ nhất: 9.9, còn Na Uy tốt nhất: 0.3.

 

Chỉ số nhân quyền và pháp quyền thể hiện mối quan hệ giữa nhà nước và người dân trong chừng mực các quyền cơ bản của con người được bảo vệ, và các quyền tự do được tuân thủ và tôn trọng. Một khi người ta không tin tưởng vào cơ quan công quyền thì nỗi sợ gặp phải vướng mắc ở "cửa quan" tăng lên.

 

Có thể hiểu rằng một khi người ta thấy cơ quan công quyền thực sự vì dân, bảo vệ dân thì tình trạng mượn danh "thế lực đáng sợ" để tống tiền ở Việt Nam sẽ giảm hay biến mất.

 

------------------------------------

* Bài thể hiện quan điểm riêng của Tidoo Nguyễn từ TP HCM

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats