Wednesday, 16 November 2022

VẤN NẠN LƯƠNG TIỀN và LƯƠNG TÂM GIÁO CHỨC VIỆT NAM (RFA)

 



Vấn nạn lương tiền và lương tâm giáo chức Việt Nam

RFA

2022.11.15

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-problem-of-salary-and-conscience-of-vietnamese-teachers-11152022122643.html

 

Sắp đến ngày tri ân thầy cô giáo 20/11, một số giáo viên bày tỏ mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm nhiều hơn đến đời sống giáo viên, đặc biệt là mức lương. Điều mà mấy chục năm qua được nói đến nhưng vẫn chưa thay đổi.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-problem-of-salary-and-conscience-of-vietnamese-teachers-11152022122643.html/@@images/da8ee647-a0ac-426e-8b93-a357e5059ccf.jpeg

Giáo viên dạy học sinh tại một trung tâm xã hội ở Ba Vì, ngoại thành Hà Nội (hình minh hoạ) .  Reuters

 

Hôm 15/11/2022, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt một số giáo viên ở nhiều tỉnh, thành để nghe tâm tư của họ.

 

Sau khi nghe ý kiến của một số giáo viên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Đảng và Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt, coi công tác giáo dục và đào tạo là một trong những quốc sách hàng đầu. Ông Đam thừa nhận hiện có những loại tiêu chí phấn đấu, phong trào thi đua không cần thiết, làm khó, làm khổ giáo viên và gián tiếp làm khổ học sinh; lương giáo viên còn thấp, nhất là giáo viên mới ra trường ở vùng đô thị. Phó thủ tướng đồng thời động viên các thầy cô cần kiên trì vượt qua khó khăn để làm tốt hơn nữa sự nghiệp trồng người.

 

 

Một số giáo viên mà RFA trao đổi đều cho rằng, Chính phủ không hành động mà chỉ nói suông. Hậu quả là giáo viên vẫn không thể sống bằng lương. Một giảng viên đại học ẩn danh nêu mong muốn của cô với RFA sáng 15/11/2022:

 

“Người làm giáo dục là truyền thụ kiến thức cho thế hệ sau, vì vậy nhà giáo cần được tự do để truyền thụ được kiến thức một cách đúng đắn, đó là điều kiện tiên quyết. Ngành giáo dục hiện nay đang bị ràng buộc quá nhiều nên việc giáo dục bị đi sai đường.

Ngoài ra mức lương và các đãi ngộ dành cho nhà giáo đang quá thấp, những giáo viên giảng dạy trực tiếp nếu không có chức vụ gì luôn là đối tượng bị bóc lột sức lao động với đồng lương rẻ mạt, họ phải chịu quá nhiều áp lực từ công việc và từ xã hội. Điều này cũng góp phần làm cho hiện trạng giáo dục Việt Nam đang ngày càng tồi tệ hơn.

Vì vậy nếu có thể tôi mong muốn nhà giáo phải được trả lương cao hơn và được hưởng các phúc lợi tốt hơn hiện nay. Đội ngũ quản lý tại các cơ sở giáo dục hiện nay đang được hưởng nhiều ưu đãi hơn các nhà giáo giảng dạy trực tiếp, điều này là bất công đối với các nhà giáo.”

 

Cũng cùng quan điểm, nhà giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng, mức lương thấp là điều giáo viên kêu ca mấy chục năm qua mà không được giải quyết vì ngân sách Nhà nước chi không đúng mục đích. Thầy Khoa giải thích:

 

“Các ngành khác thì người ta có những khoản thu nhập bất hợp pháp gọi là ‘lương lậu’ rất là lớn. Riêng đối với ngành giáo dục hầu như không có. Làm sao để tăng lương, để giải quyết đời sống cho giáo viên là bài toán cực kỳ khó đối với Việt Nam hiện nay. Kêu gọi 40 năm nay rồi tình hình vẫn thế không thay đổi được.

Nói thật sự ra, nếu muốn làm được việc tăng lương cho giáo viên thì những người lãnh đạo đất nước phải tìm cách nghiêm cấm việc xây dựng các công trình lãng phí thất thoát ngân sách. Thứ hai, phải quản lý được ngân sách đầu tư. Không thể có chuyện mỗi công trình 10 phần thì thất thoát hết năm đến bảy phần dành đút túi. Chẳng hạn như trường cấp ba Vân Tảo tôi dạy trước kia, ngân sách rót về 10 tỷ để xây dựng nhưng chỉ xài hết khoảng ba tỷ thôi”.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/f7491cb4-22b2-4a51-9868-a2bed0417b6c.jpeg/@@images/21bdfb32-6927-4e6b-97a5-f06d391ec3cf.jpeg

Học sinh trong một lớp học tại trường Marie Curie, Hà Nội vào ngày 4 tháng 5 năm 2020. AFP

 

Thực tế giáo viên ở Việt Nam không thể sống hoàn toàn bằng lương, bởi mức lương cho giáo viên mới ra trường chỉ hơn ba triệu đồng/tháng. Giáo viên dạy lâu năm nhất, sắp về hưu thì cả lương lẫn phụ cấp và các khoản khác cũng chỉ khoảng 10 đến 12 triệu/tháng là tối đa.

 

Trong khi đó, nhiều công trình kiến trúc, tượng đài lịch sử hay cổng chào được xây dựng từ ngân sách nhà nước rải rác khắp các tỉnh thành từ bắc chí nam gây lãng phí hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Chẳng hạn như Dự án khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc mang tên “Con tàu tập kết”, với trị giá 255 tỷ đồng. Bình Dương cũng xây cổng chào trị giá 40 tỷ. Hải Phòng dựng một cổng chào nghệ thuật trị giá 24 tỷ…

 

Để giải quyết chuyện lương giáo viên mà không phải lấy từ ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn hồi tháng 5 đề nghị nghiên cứu, triển khai thí điểm chọn một số trường công chất lượng tốt chuyển sang làm đề án thu học phí cao, lấy học phí này chi trả lương cho giáo viên. Ngoài ra, Nhà nước đang khuyến khích học sinh chọn học trường tư thục và dần dần tư nhân hóa trường công. Đây được gọi là xã hội hóa giáo dục, là một cách để giảm cho ngân sách Nhà nước cho giáo dục.

 

Đề nghị của ông Nguyễn Kim Sơn không nhận được đồng tình của nhiều người dân và cả một số nhà giáo. Đa số cho rằng, làm như thế thực chất là một hành vi phản giáo dục; là trái với nguyên lý giáo dục Việt Nam.

 

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, hơn nửa đời người gắn bó với ngành giáo dục, ông thấy tổ chức của khối giáo dục ở Việt Nam đang có những vấn đề cơ bản chưa giải quyết được tận gốc rễ, thậm chí chưa thay đổi được nhiều cho dù Ban chấp hành trung ương Đảng đã ra hai nghị quyết về giáo dục đào tạo. Ông phân tích:

 

“Số lượng giáo viên nhiều mà ngân sách thì ít, không đủ chi trả cho khối công lập. Chính vì vậy mà lương của giáo viên khối công lập quá thấp, trong khi khối tư thục thì chưa đảm nhận được việc mở rộng để gánh vác giáo dục cho những người có thu nhập thấp và trung bình. Đây chính là mâu thuẫn rất lớn trong phát triển giáo dục ở Việt Nam.”

 

Báo Thanh niên dẫn lời thầy giáo Nguyễn Duy Khánh, Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) rằng: “Tháng 11 là tháng tri ân, nhưng cũng là tháng khổ nhất của thầy cô bởi phải thi đua tất cả các trường, các lớp. Giáo viên phải chuẩn bị các buổi thao giảng mất đến hàng tháng với những áp lực nặng nề, vì không được phép lỗi và diễn nhiều hơn thực tế”.

 

Nói về bệnh thành tích, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, chính ngành giáo dục đã khuyến khích sự gian dối ngay trong môi trường giáo dục bởi những thành tích ảo. Tất cả các trường đều “đạt thành tích tốt” sau khi tự mình hạ tiêu chuẩn thành tích xuống.

 

Giáo sư Đặng Hùng Võ nói tiếp:

 

“Người ta vẫn theo xu hướng thay thế quy luật cạnh tranh bằng thi đua khen thưởng. Dùng thi đua khen thưởng được hình thành trong cơ chế bao cấp của Nhà nước thay cho thị trường thì chắc chắn là người ta sẽ phải giả mạo nhiều thứ để có thể đạt được thành tích cao. Nói là giả mạo có nghĩa những thành tích đó không phải là thành tích thật sự được thị trường đánh giá, được người dân công nhận, mà người dân buộc phải cho con vào khối công lập vì không đủ tiền học trường tư thục. Hệ thống công lập của Việt Nam hiện nay cần phải có cải tiến mạnh lương cao để có thể đảm bảo chất lượng tốt”

 

Một số giáo viên cho rằng, Công đoàn giáo dục Việt Nam - một công đoàn có vai vế rất lớn, quyết định nhiều thứ cho giáo dục - phải lên tiếng mạnh mẽ về chế độ tiền lương cho giáo viên thì mọi việc mới có thể được thay đổi. Đó mới đúng là nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động thuộc ngành, thay vì chỉ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng cho giáo viên như lâu nay.





No comments:

Post a Comment

View My Stats