Saturday 5 November 2022

TỔNG QUAN VỀ CUỘC BẦU CỬ GIỮA NHIỆM KỲ TỔNG THỐNG MỸ NĂM 2022 (Đỗ Kim Thêm)

 



Tổng quan về cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ năm 2022

Đỗ Kim Thêm

04/11/2022

https://baotiengdan.com/2022/11/04/tong-quan-ve-cuoc-bau-cu-giua-nhiem-ky-tong-thong-my-nam-2022/

 

Vào ngày 8 tháng 11 năm 2022 tới đây, các cử tri Mỹ sẽ đi bầu Quốc hội vào giữa nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden và được gọi chung là Midterm Elections. Kết quả bầu cử này sẽ là thước đo về thành quả trong hai năm vừa qua và tiên đoán về triển vọng trong hai năm sắp tới của Tổng thống Joe Biden.

 

Nhưng ai sẽ bầu cho ai? Cuộc tranh cử lần này có ảnh hưởng đặc biệt nào đối với toàn bộ nền chính trị của Mỹ? Dân chúng hài lòng với công việc của chính quyền Joe Biden đến mức nào và hai đảng Cộng hoà và Dân chủ sẽ vận động tranh cử với các đề tài nào?

 

Ai bầu cho ai?

Theo Hiến pháp quy định, Quốc hội là cơ quan lập pháp, bao gồm Hạ viện và Thượng viện; cứ hai năm một lần, tất cả 435 Dân biểu Hạ viện và một phần ba trong số 100 Thượng nghị sĩ Thượng viện sẽ được bầu lại; lần bầu này được quy định vào ngày 8 tháng 11 năm 2022. Tại một vài tiểu bang có ngoại lệ cho phép được bầu trước ngày này.

 

Ngoài ra, trong dịp này, tại 36 trong số 50 tiểu bang, các chức vụ thống đốc sẽ được bầu lại, họ là những nhà lãnh đạo hành pháp của từng tiểu bang.

 

Sinh hoạt lưỡng đảng

Trong sinh hoạt chính trị hiện nay, chỉ có hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đóng vai trò chủ yếu cho sự vận hành của hệ thống. Đảng Dân chủ chiếm đa số với 222 trong số 213 ghế tại Hạ viện; tại Thượng viện, mổi đảng đều có 50 ghế. Trong số 35 ghế mới được bầu tại Thượng viện lần này, 14 ghế hiện do đảng Dân chủ giữ và 21 ghế do đảng Cộng hòa giữ. Trước cuộc bầu cử 36 thống đốc mới, đảng Cộng hòa có 20 thống đốc, đảng Dân chủ có 16.

 

Ý nghĩa chính trị

Nói chung, sau cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 năm 2022, thì vấn đề đa số tại Quốc hội sẽ được tổ chức lại cho phù hợp với kết quả và sẽ quyết định cho khả năng hành động của Tổng thống Joe Biden trong hai năm tới. Đảng Cộng hòa đang hy vọng sẽ giành lại đa số tại Hạ viện và Thượng viện và đảm nhận nhiều chức vụ thống đốc hơn.

Nếu đạt được thành quả này, thì gió sẽ xoay chiều, cụ thể là Joe Biden sẽ gặp nhiều trở ngại tại Quốc hội và ước mơ trở lại Nhà Trắng vào năm 2024 của Donald Trump sẽ trở thành hiện thực.

 

Bầu cử Hạ viện

Các tiểu bang chia nhau 435 ghế trong Hạ viện, các ghế này tính theo tỷ lệ dân số của từng tiểu bang. Các tiểu bang có diện tích rộng lớn như Montana hay Wyoming, nhưng lại là nơi có ít cư dân, nên chỉ bầu được một người, trong khi tiểu bang đông dân như California có được một số đông đại biểu.

 

Luật bầu cử quy định nguyên tắc đa số tương đối, có nghĩa là, ứng viên có nhiều phiếu bầu nhất trong khu vực tranh cử sẽ nhậm chức dân biểu Hạ viện.

 

Hạ viện trước cuộc bầu cử

Vai trò của dân số có ảnh hưởng quan trọng đến cuộc bầu cử Hạ viện. Hiến pháp quy định là cứ mười năm một lần, một cuộc điều tra dân số sẽ được tiến hành để tái xác định số lượng dân biểu và lần mới nhất là ngày 1 tháng 4 năm 2020.

 

Dựa vào kết quả của Bảng Điều tra Dân số này, bảy tiểu bang sẽ nhận được ít ghế hơn trong Hạ viện (California, Illinois, Michigan, New York, Ohio, Pennsylvania, West Virginia), sáu tiểu bang sẽ có nhiều ghế hơn (Colorado, Florida, Montana, North Carolina, Oregon, Texas).

 

Theo truyền thống, cử tri của một số tiểu bang chỉ bỏ phiếu cho đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa, nên việc phân bổ ghế mới trong Hạ viện cũng có thể dẫn đến đa số mới.

 

Nếu theo dõi kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ trong những lần gần đây, thì đảng của tổng thống đang cầm quyền hầu như luôn mất ghế. Nếu xu hướng này tiếp tục, thì kết quả khó tránh khỏi của lần này là đảng Dân chủ sẽ mất đa số tại Hạ viện.

 

Bầu cử Thượng viện

Thượng viện có tổng cộng 100 Thượng nghị sĩ và được bầu theo nguyên tắc bỏ phiếu đa số. Nhiệm kỳ của Thượng nghị sĩ là sáu năm. Để có thể hoạt động liên tục, cứ hai năm một lần, một phần ba Thượng viện được bầu lại.

Ứng viên đắc cử phải được nhiều phiếu bầu nhất, ở một số tiểu bang thậm chí còn qui định thêm là muốn được đắc cử, ứng viên phải có nhiều hơn một nửa số phiếu bầu.

Bất kể dân số là nhiều hay ít, mổi tiểu bang được quy định chỉ là một khu vực bầu cử và được hai Thượng nghị sĩ đại diện. Do đó, giữa 50 tiểu bang có số lượng dân số chênh lệch, thì số lượng cư dân được đại diện bởi một Thượng nghị sĩ hoàn toàn khác nhau.

 

Thượng viện trước cuộc bầu cử

Kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa mỗi bên có 50 ghế tại Thượng viện. Nếu trong tình trạng bế tắc xảy ra, Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ với lá phiếu của mình, là người quyết đoán chung cuộc.

 

Vào ngày 8 tháng 11 năm 2022, 34 tiểu bang sẽ bầu một thượng nghị sĩ mới (Alabama, Alaska, Arizona, Arkansas, Colorado, Connecticut, Florida, Georgia, Hawaii, Idaho, Illinois, Indiana, Iowa, California, Kansas, Kentucky, Louisiana, Maryland, Missouri, Nevada, New Hampshire, New York, North Carolina, North Dakota, Ohio, Oklahoma, Oregon, Pennsylvania, South Carolina, South Dakota, Utah, Vermont, Washington và Wisconsin). Tại Oklahoma, một cuộc bầu cử bất thường cũng được tổ chức vì lý do có một Thượng nghị sĩ từ chức.

 

Trong số 35 ghế mới được bầu, 14 ghế hiện do đảng Dân chủ nắm và 21 ghế do đảng Cộng hòa nắm. Theo các chuyên gia, hiện nay chỉ có bảy ghế được coi là còn trong vòng tranh chấp. Đảng Cộng hòa phải bảo vệ hai ghế ở hai tiểu bang thuộc đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, đó là Pennsylvania và Wisconsin. Vì vậy, liệu cử tri sẽ bầu cho ai, đảng Cộng hòa hay cho đảng Dân chủ, cuộc tranh cử ở đây sẽ sôi nổi hơn.

 

Arizona, Georgia, Nevada, New Hampshire và North Carolina là những tiểu bang dao động, nghĩa là, nhiều cử tri còn e dè trong việc quyết định bầu cho đảng nào. Do đó, cho dến nay, ai sẽ thắng cử là khó đoán.

 

Bầu cử thống đốc

Tại 36 trong số 50 tiểu bang cũng như ở ba vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ (Guam, Quần đảo Bắc Mariana và Quần đảo Virgin), cuộc bầu cử thống đốc cũng sẽ được tổ chức vào cùng ngày 8 tháng 11 năm 2022.

 

Các thống đốc của từng tiểu bang là những người đứng đầu chính phủ và bốn năm bầu một lần. Một số tiểu bang cũng có các điều khoản ngoại lệ, việc tranh cử của ứng cử viên bị giới hạn trong hai hoặc ba nhiệm kỳ.

 

Trước cuộc bầu cử lần này, trong số 36 vị thống đốc, đảng Cộng hòa có 20 thống đốc, đảng Dân chủ là 16. Tuy nhiên, chỉ có 10 trong số 36 chức vụ mới này đang được coi là còn trong vòng tranh chấp ( Arizona, Georgia, Kansas, Maine, Michigan, Minnesota, New Mexico, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin.)

 

Các thống đốc tiểu bang có nhiều thẩm quyền chính trị và phương tiện pháp lý, nên có thể đưa ra nhiều biện pháp chống lại các kế hoạch của chính quyền trung ương. Do đó, cuộc bầu cử thống đốc cũng có tầm quan trọng đối với việc thực hiện chính sách của chính phủ liên bang.

 

Các cuộc thăm dò dư luận

 

Tính cho đến cuối tháng mười năm 2022, đã có nhiều cơ quan truyền thông khác nhau khảo sát về sự hài lòng của dân chúng đối với Tổng thống Joe Biden, hầu như tất cả đều đi đến một kết quả chung là công luận bất bình đối với Joe Biden.

 

Theo Project FiveThirtyEight cho biết, chỉ có 42% số người được hỏi là hài lòng với công việc chính phủ và 52% là không.

 

Trước đó, vào tháng Ba năm 2021, tỷ lệ ủng hộ cho Joe Biden là 55 %. Kể từ cuối tháng 8 năm 2022, tình thế đã thay đổi, số người không hài lòng với Joe Biden gia tăng đáng kể.

Các lý do chính cho sự thay đổi này là việc Mỹ rút quân hỗn loạn ra khỏi Afghanistan vào tháng tám năm 2021, cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Corona và cuộc chiến ở Ukraine. Do đó, đảng Dân chủ không còn ưu thế tranh cử như trong mùa hè.

 

Gần đây nhất, lý do quan trọng khác là Tối cao Pháp viện đã quyết định bãi bỏ quyền phá thai trên toàn quốc, một điểm bất bình mới đã dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ trong cả nước.

 

Nhưng các chủ đề này đang giảm dần thu hút trong công luận, vì tất cả giá cả tăng cao bất thường, nhất là giá thực phẩm, bất động sản, xăng dầu, lò sưởi, bảo hiểm y tế và cuối cùng là lãi suất thế chấp. Dân chúng đang hoang mang hơn vì lo sợ nạn suy thoái đang gần kề.

 

Ngược lại, theo các thăm dò chung, cho dù ở cấp tiểu bang và trên toàn liên bang, hiện nay đa số cử tri tin là đảng Cộng hòa có khả năng hơn trong việc giải quyết vấn đề kinh tế cho đất nước và sẽ có nhiều cơ hội thắng cử không chỉ ở Hạ viện mà còn tại Thượng viện.

 

Trong bối cảnh mới sau kỳ bầu cử này, Tổng thống Joe Biden sẽ chỉ là một “con vịt què”, có nghĩa là, trong thực tế, hai năm tới không có thể đệ trình một dự luật mới hoặc giới thiệu ứng cử viên sáng giá trước Quốc hội.

 

Những chủ đề tranh cử

 

Tình trạng lạm phát

Mức lạm phát mới nhất được ghi nhận là khoảng là 8,2%, đó là một cú sốc đối với người tiêu dùng và chính giới. Cụ thể, giá thực phẩm trung bình đắt hơn 11,2% so với năm ngoái, giá dầu cho lò sưởi ấm thậm chí tăng đến 58%. So với giá năm trước, giá bất động sản đã tăng vọt khó kiểm chứng và lãi suất thế chấp tăng lên hơn khoảng 6 %. Mọi người tiêu dùng nhận ra  rằng số tiền chi ra cho bất cứ nhu cầu nào cũng có giá trị thấp hơn so với năm trước.

 

Để ứng phó, chưa ai biết liệu Cục Dự trữ Liên bang có tăng lãi suất không, nhưng đó trở thành mối quan tâm chung. Bi quan nhất là vì mức lạm phát sẽ còn tiếp tục tăng và không có dấu hiệu nào cho thấy là chính phủ sẽ cải thiện tình trạng.

 

Mỗi người dân Mỹ trung bình hiện nay mang nợ khoảng 92.000 đô la và gần một nửa là không có thể để dành được tiền tiết kiệm. Tính trung bình, họ phải làm hai công việc cùng lúc, nhưng thường là không đủ để trang trải cho các chi phí sinh hoạt và tiền thuê nhà hoặc tiền lãi thế chấp.

 

Cho dù các chuyên gia cho là Joe Biden mang lại cho thị trường nhân dụng đã có những chuyển biến khởi sắc, bằng chứng là nhiều người đã tìm được việc làm và khoản nợ của ngân sách nhà nước đã giảm rõ rệt, nhưng cũng không phải vì thế mà dân chúng lạc quan hơn, vì thực ra, việc cải thiện tình hình chung không có gì được gọi là bảo đảm. Các gói cứu trợ Covid năm ngoái, dù tất cả đều có tác dụng nhất định, nhưng cũng giống như các thời trước đây.

 

Hiện nay, vì không có biện pháp nào hữu hiệu hơn để kiềm chế tình trạng lạm phát, nên đảng Dân chủ sẽ phải trả một cái giá rất đắt trong cuộc bầu cử này.

 

Bạo lực và tội phạm

Việc gia tăng bạo hành và tội phạm hình sự không chỉ quan trọng đối với cư dân thành thị mà còn ở nhiều vùng nông thôn.

 

Số liệu thống kê của FBI cho năm 2021 về mức vi phạm tội ác trong cả nước hiện chưa được phổ biến chính thức, vì lý do là các dữ liệu chưa được cập nhật và nhu cầu trang bị bằng kỷ thuật số hoá cho cơ sở dữ liệu chưa hoàn chỉnh.

 

Dù vậy, nhận định sơ khởi của Council on Criminal Justice, cơ quan chuyên thu thập thống kê hình sự hằng năm tại 27 thánh phố lớn về bạo hành, vi phạm tài sản và sử dụng ma túy cho thấy tình hình chung là bi quan: các vụ giết người tăng 5%, tấn công nghiêm trọng tăng 4%, sử dụng súng tăng 8%, các vụ cướp và trộm cắp xe tăng 14% trong năm 2021, số lượng cảnh sát tính trên đầu người để phục vụ cho nhu cầu an ninh xã hội giảm mạnh hơn so với trước đây.

 

Trong bối cảnh đó, đảng Cộng hòa đã coi tội phạm là chủ đề chính trong việc vận động tranh cử và cáo buộc đảng Dân chủ là quá “mềm mỏng đối với tội phạm” vì không có hành động kiên quyết để giải quyết tình trạng này.

 

Từ lâu, đảng Dân chủ đã dành nhiều biện pháp ưu tiên để đối phó, đặc biệt là sau vụ thảm sát tại trường học Uvalde và các vụ xả súng khác. Tuy nhiên, chủ đề này đã không gây sự chú ý đặc biệt của công luận khi đảng Dân chủ đưa việc giải quyết vấn đề trong khuôn khổ tranh luận quá bao quát về tội phạm.

 

Nhập cư trái phép

Tình hình nhập cư trái phép và xáo trộn tại biên giới giữa Mỹ và Mexico được thảo luận sôi nổi không những ở các tiểu bang bị ảnh hưởng trực tiếp mà còn trong phạm vi cả nước.

 

Các nhân viên biên phòng phía nam đã bắt giữ gần 2,4 triệu người nhập cư trái phép trong năm 2022, một kỷ lục mà chính phủ không muốn công khai đề cập tới. Đảng Cộng hòa cáo buộc Tổng thống Biden là  quá lỏng lẻo trong công tác biên phòng, nhất là việc trục xuất không nghiêm nhặt. Do đó, để đối phó, chính quyền phải tiếp tục xây dựng bức tường ngăn chận như Donald Trump đã từng chủ trương.

 

Đảng Dân chủ thừa nhận việc giải quyết vấn đề biên phòng là quan trọng, bằng chứng là đã cung ứng ngân sách cho các biện pháp ngăn chận ở nhiều nơi và kết quả là có khoảng một nửa số người nhập cư đã bị trục xuất. Nhưng thực tế cho thấy khác hẳn, nhiều người Cuba, Venezuela hoặc Nga, một khi đã nộp đơn xin tị nạn, thì không thể bị đưa trở lại Mexico.

 

Sôi bỏng nhất hiện nay là vấn đề chia sẻ  trách nhiệm tiếp nhận và ngân sách không được đặt ra trong phạm vi toàn liên bang, có nghĩa là, việc phân phối người nhập cư  không được phối hợp cho cả nước.

 

Các tiểu bang Texas và Arizona cáo buộc các tiểu bang do đảng Dân chủ nắm quyền đã thúc đẩy việc nhập cư trái phép. Đó là lý do tại sao các thống đốc đảng Cộng hòa của Arizona và Texas thường xuyên cho xe buýt chở người nhập cư đến các thành trì của đảng Dân chủ ở New York, Chicago và Washington mà không cần tham khảo ý kiến với bất cứ ai

 

Gần đây, Thống đốc Florida Ron de Santis đã đưa những người xin tị nạn từ Texas đến Martha’s Vineyard, một hòn đảo nổi tiếng ở bờ biển phía Đông. Tất cả chi phí di chuyển và cư trú tại các khách sạn được trang trải bằng tiền thuế của cư dân tiểu bang.

 

Vào tháng 8, cơ quan thăm dò Ipsos cho biết, hơn một nửa số người được hỏi đã mô tả tình hình xáo trộn ở biên giới là một “cuộc xâm lược”. Những người theo chủ trương dân tộc cực đoan đã đặt ra thuật ngữ này mà ngay cả nhiều cử tri theo đảng Dân chủ hoặc độc lập cũng đồng tình. Gần đây, trong công luận và thậm chí đảng viên Cộng hòa cũng tận dụng lối diễn đạt này.

 

Vấn đề phá thai và luật phá thai

Với quyết định để cho các tiểu bang toàn quyền giải quyết các vấn đề phá thai trong tương lai, Tối cao Pháp viện đã gây thêm chia rẽ cho đất nước, làm ảnh hưởng đến tình trạng phân hoá vốn dĩ đã là nghiêm trọng.

 

Phán quyết này làm cho những người dân phản đối việc phá thai tỏ ra hoan nghênh trong khi nhiều người khác vô cùng phẫn nộ. Các phản ứng dồn dập sau đó là các biện pháp hạn chế và cấm phá thai ở nhiều tiểu bang do đảng Cộng hòa nắm quyền. Do đó, các ứng viên thuộc đảng Cộng hòa đã vận động thêm một chiến dịch tranh cử khác mang tên “Pro Life”.

 

Mặt khác, đảng Dân chủ đã tham gia đấu tranh cho quyền phá thai không bị hạn chế và đạt mức thành công nhất định; số lượng phụ nữ đăng ký bỏ phiếu cho đảng tăng lên đáng kể và các nữ cử tri trước đây chưa quyết định hoặc nghiêng về đảng Cộng hòa cho biết sẽ ủng hộ đảng Dân chủ trong chủ đề này. Hiện nay, vấn đề phá thai dường như cũng sẽ có ảnh hưởng phần nào quyết định đến kết quả của cuộc bầu cử.

 

Nhưng cuộc thăm dò vào đầu tháng tám tại Kansas cho thấy là, đa số ở các tiểu bang Trung Tây theo bảo thủ đã bác bỏ lệnh cấm phá thai. Nhiều ứng viên đảng Cộng hòa đã nhìn thấy các dấu hiệu thay đổi và giảm bớt các luận điệu chống phá thai, ngừng thảo luận chủ đề hoặc chuyển sang đề tài khác, điển hình là Kari Lake, ứng cử viên chức vụ thống đốc của tiểu bang Arizona và là ngôi sao đang lên của Đảng Cộng hòa. Kari Lake vẫn chống lại việc phá thai, nhưng cho là nữ giới nên sáng suốt để đưa ra quyết định của riêng mình.

 

Trong những ngày tới gần cuộc bầu cử, các cuộc thăm dò cho thấy là chủ đề phá thai đã bị đẩy lùi so với lạm phát.

 

Đối sách của Joe Biden

 

Trước triển vọng đen tối về kết quả của cuộc bầu cử, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm ra hai đối sách mới.

 

Một là, trước tình hình vật giá leo thang, Joe Biden tìm cách gây áp lực lên ngành công nghiệp dầu mỏ và cho biết là sẽ đánh thuế các lợi nhuận đặc biệt liên quan đến chiến tranh.

Trong báo cáo định kỳ mới nhất, hai doanh nghiệp ExxonMobil và Chevron cho biết là doanh thu tăng cực mạnh nhờ giá dầu tăng, một hậu quả của cuộc chiến tranh Ukraine. Cụ thể là lợi nhuận của Exxon đã tăng lên gấp ba lần với doanh thu là 19,7 tỷ đô la và Chevron tăng lên 84% với doanh thu 11,2 tỷ đô la.

 

Theo Joe Biden, các doanh nghiêp khổng lồ này phải thay đổi các biện pháp triệt để, cụ thể là tăng gia đầu tư trở lại thị trường Mỹ, tăng khả nẳng sản xuất của các nhà máy lọc dẩu nội địa và giảm giá cho người tiêu dùng.

 

Nhưng thực tế cho thấy việc doanh nghiệp thay đổi chính sách kinh doanh không thễ giải quyết trong một sớm một chiều trong khi hai đảng đang chạy đua ráo riết trước ngày bầu cử.

 

Hai là, trong bài diễn văn vận động tranh cử,cuối cùng, Joe Biden báo động cho dân chúng Mỹ là nền dân chủ đang lâm nguy, cáo buộc Donald Trump đã tạo ra thảm hoạ ngày 6 tháng 1 tại Quốc hội và tha thiết kêu gọi cử tri nên tỉnh thức để quyết định cho tương lai của đất nước.

 

Liệu hai đối sách này của Joe Biden sẽ mang lại hiệu ứng tốt đẹp không, kết quả bầu cử của ngày 8 tháng 11 năm 2022 sẽ là câu trả lời.

 

Kết luận

 

Nhìn chung, đảng Dân chủ có được các năng động trong chiến dịch tranh cử trong mùa hè, phần lớn nay bị mất, đặc biệt là ở những nơi mà các cử tri không thuộc đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ sẽ chịu mức độ thất cử nghiêm trọng như thế nào, vẫn còn phải chờ xem.

 

Nếu đảng Cộng hòa sẽ thắng lớn ở Hạ viện và Thượng viện, thì đảng Dân chủ sẽ lâm vào cảnh bế tắc, đặc biệt là việc đề xuất các dự thảo luật và bổ nhiệm các thẩm phán và nhân viên cấp cao của liên bang.

 

Các nhận định tổng quan này cần phải được cập nhật và kiểm chứng sau ngày 8 tháng 11năm 2022.

 

Bài liên quan: 

Nền dân chủ Mỹ – Alexis de Tocqueville 

Thành quả của Joe Biden sau một năm nhậm chức 

Ngày 6/1 tại Quốc hội là một vết nhơ cho nền dân chủ Hoa Kỳ




No comments:

Post a Comment

View My Stats