Friday, 11 November 2022

THƯỢNG ĐỈNH ASEAN KHAI MẠC TẠI PHNOM PENH, CHỦ TRƯƠNG THỰC HIỆN ĐỒNG THUẬN 5 ĐIỂM VỀ MIẾN ĐIỆN (tổng hợp)

 



NỘI DUNG :

Thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Phnom Penh: Miến Điện vẫn là chủ đề bao trùm

Thanh Phương  -  RFI

.

Thượng đỉnh ASEAN vẫn chủ trương thực hiện Đồng Thuận 5 Điểm về Miến Điện

Thanh Phương  -  RFI

.

ASEAN đồng ý kết nạp Đông Timor làm thành viên thứ 11

VOA Tiếng Việt

.

Ukraina ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với ASEAN

Thanh Phương -  RFI

.

====================================================

.

.

Thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Phnom Penh: Miến Điện vẫn là chủ đề bao trùm

 Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 11/11/2022 - 10:56Sửa đổi ngày: 11/11/2022 - 10:57

 https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20221111-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-asean-khai-m%E1%BA%A1c-t.....BB%81-bao-tr%C3%B9m

 

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 40 và 41 đã chính thức khai mạc hôm nay, 11/11/2022, tại Phnom Penh, Cam Bốt, với khủng hoảng Miến Điện sẽ là chủ đề bao trùm. Tại thượng đỉnh Phnom Penh, các lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận về những hành động cứng rắn hơn đối với Miến Điện, nếu khủng hoảng chính trị tại nước này kéo dài.

 

https://s.rfi.fr/media/display/1b81aed2-6191-11ed-a2f9-005056a90284/w:1024/p:16x9/AP22315072439669.webp

Lãnh đạo 9 thành viên (trừ Miến Điện) tại thượng đỉnh ASEAN, Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 11/11/2022. AP - Vincent Thian

 

Từ thủ đô Phnom Penh, đặc phái viên Thanh Phương tường trình:

 

Một hình ảnh mang đầy tính biểu tượng: Đứng trên khán đài để chụp hình lưu niệm trong lễ khai mạc thượng đỉnh ASEAN sáng nay, chỉ có lãnh đạo của 9 trong 10 quốc gia thành viên. Lý do là vì năm nay, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện không được mời dự thượng đỉnh, và chính quyền Naypyidaw cũng không làm theo yêu cầu của nước chủ nhà Cam Bốt là cử một đại diện “phi chính trị" đến Phnom Penh. 

 

Trong phần trình diễn nghệ thuật truyền thống của Cam Bốt ca ngợi khối đoàn kết Đông Nam Á, những hình ảnh đặc trưng của Miến Điện vẫn được chiếu lên màn ảnh lớn, cùng với hình ảnh 9 nước thành viên khác của ASEAN. Nhưng trong thượng đỉnh lần này, không loại trừ khả năng là các lãnh đạo Đông Nam Á sẽ bàn về việc khai trừ Miến Điện khỏi ASEAN, hoặc đình chỉ tư cách thành viên của nước này, nếu khủng hoảng chính trị tại Miến Điện kéo dài.

 

Trong bản dự thảo tuyên bố của chủ tịch hội nghị thượng đỉnh, sẽ được công bố sau cuộc họp, các lãnh đạo ASEAN bày tỏ quan ngại về khủng hoảng chính trị kéo dài ở Miến Điện, đặc biệt là về vụ hành quyết 4 nhà hoạt động vào tháng 7 năm nay.

 

Theo lời ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói với các phóng viên tại Phnom Penh, các lãnh đạo ASEAN sẽ bàn về những biện pháp cứng rắn hơn đối với Miến Điện nếu tập đoàn quân sự không có những tiến bộ trong việc thực hiện bản Đồng thuận 5 điểm mà họ đã ký với ASEAN vào tháng 4 năm ngoái. Thỏa thuận này chủ yếu nhắm chấm dứt bạo lực của chính quyền quân sự đối với các nhà đối lập và những người biểu tình chống đảo chính. 

 

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã kêu gọi khối ASEAN cố gắng duy trì đoàn kết, nhất trí, đồng thời cho biết thượng đỉnh lần này sẽ ra Tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN về kỷ niệm 55 năm ASEAN cũng như Tuyên bố Tầm nhìn của các lãnh đạo ASEAN về “ASEAN hành động: Cùng ứng phó với thách thức”.

 

Thách thức đối với các lãnh đạo Đông Nam Á rõ ràng là không thiếu. Ngoài Miến Điện, thượng đỉnh ASEAN năm nay dĩ nhiên cũng sẽ bàn về những hồ sơ nóng khác về an ninh khu vực, như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau các vụ bắn tên lửa của Bình Nhưỡng và tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

 

Nhưng chiến tranh Ukraina cũng sẽ là một trong những chủ đề được đề cập đến tại Phnom Penh, trong bối cảnh các nước ASEAN không có quan điểm đồng nhất về cuộc xâm lăng của Nga.

 

Cũng theo lời thủ tướng Hun Sen, vào Chủ nhật (13/11), Cam Bốt sẽ chủ trì Đối Thoại Toàn Cầu ASEAN lần thứ hai để các nước Đông Nam Á cũng như các đối tác thảo luận với nhau về phương cách xây dựng một khối ASEAN bền vững trong thời kỳ hậu Covid-19.

 

------------------------------

.

.

Thượng đỉnh ASEAN vẫn chủ trương thực hiện Đồng Thuận 5 Điểm về Miến Điện

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 11/11/2022 - 13:56

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20221111-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-asean-v%E1%BA%ABn....BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n

 

Kết thúc cuộc họp thượng đỉnh hôm nay, 11/11/2022 tại Phnom Penh, Cam Bốt, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra một tuyên bố về Miến Điện, đánh giá việc thực hiện bản Đồng Thuận 5 Điểm đạt được vào tháng 4/2021 để tìm giải pháp cho khủng hoảng Miến Điện.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a8d2401a-61b1-11ed-bbc5-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/2022-11-10T090645Z_922682651_RC2VIX9CWCMO_RTRMADP_3_ASEAN-SUMMIT.webp

Ghế dành cho phái đoàn Miến Điện bị bỏ trống, tại cuộc họp với đại diện của Hội Đồng Liên Nghị Viện ASEAN (AIPA) nhân Thượng Đỉnh ASEAN tại Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 10/11/2022. REUTERS - CINDY LIU

 

Trong bản tuyên bố dài hai trang, các lãnh đạo ASEAN khẳng định Miến Điện vẫn là một thành viên của ASEAN, nhưng cho rằng tình hình ở Miến Điện “vẫn còn nguy hiểm và mong manh, với tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng không chỉ ảnh hưởng đến Miến Điện mà còn ảnh hưởng đến các nỗ lực xây dựng cộng đồng của ASEAN”.

 

Các lãnh đạo Đông Nam Á cam kết hỗ trợ Miến Điện tìm ra giải pháp hòa bình và lâu dài cho khủng hoảng, nhưng yêu cầu tập đoàn quân sự Miến Điện phải tuân thủ các cam kết của họ với các lãnh đạo ASEAN.

 

Họ giao cho các bộ trưởng ngoại giao ASEAN nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện bản Đồng Thuận 5 Điểm và trước mắt vẫn để cho Miến Điện được cử đại diện “phi chính trị” đến dự các thượng đỉnh của ASEAN và Hội nghị ngoại trưởng ASEAN.

 

Nhưng các lãnh đạo Đông Nam Á giao cho Hội đồng Điều phối ASEAN xét lại mức độ đại diện của Miến Điện trong các cuộc họp của ASEAN nếu tình hình ở nước này tiếp tục xấu đi. 

 

Trong tuyên bố, các lãnh đạo ASEAN cho biết sẽ kêu gọi sự hỗ trợ từ Liên Hiệp Quốc và các đối tác bên ngoài khác để bản Đồng Thuận 5 Điểm được thực hiện đầy đủ.

 

===============================================

.

.

ASEAN đồng ý kết nạp Đông Timor làm thành viên thứ 11

VOA Tiếng Việt

11/11/2022

https://www.voatiengviet.com/a/asean-dong-y-ket-nap-dong-timor-lam-thanh-vien-thu-11/6830279.html

 

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đồng ý về nguyên tắc kết nạp Đông Timor là thành viên thứ 11 của khối, ASEAN cho biết trong một tuyên bố hôm 11/11, hơn một thập kỷ sau khi quốc gia này đệ đơn xin gia nhập.

 

https://gdb.voanews.com/02990000-0aff-0242-5086-08dac3dcae02_w1023_r1_s.jpg

Các nhà lãnh đạo ASEAN trong cuộc găp với Tổng thống Hàn Quốc ở Phnom Penh hôm 11/11

 

Quốc gia nằm trên nửa hòn đảo này, với tên gọi chính thức là Timor Leste, cũng sẽ được cấp tư cách quan sát viên tại các cuộc gặp cấp cao của ASEAN, khối này cho biết sau khi các nhà lãnh đạo các nước trong khối họp thượng đỉnh ở Phnom Penh.

“Chúng ta... đã đồng ý trên nguyên tắc sẽ kết nạp Timor Leste là thành viên thứ 11 của ASEAN,” tuyên bố cho biết và nói rằng các bước tiếp theo sẽ gồm ‘lộ trình trở thành thành viên đầy đủ’ sẽ được đệ trình tại hội nghị thượng đỉnh vào năm tới.

Nước này sẽ là thành viên mới đầu tiên của ASEAN trong hơn hai thập kỷ, kể từ khi Campuchia được kết nạp vào năm 1999.

Tổng thống Đông Timor Jose Ramos-Horta hoan nghênh quyết định này, nói rằng tư cách thành viên sẽ mở ra quan hệ ngoại giao rộng hơn với các đối tác ASEAN cho đất nước của ông, có thể dẫn đến đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn, cũng như tạo điều kiện cho người dân Timor được đi đến nhiều nơi hơn trong khu vực.

 

“Sẽ có rất nhiều áp lực đối với giới tinh hoa Timor, đối với chính phủ chúng tôi, đòi hỏi chúng tôi phải làm việc, phải đáp ứng, bởi vì nó không chỉ đi kèm với quyền và đặc quyền mà còn rất nhiều gánh nặng trách nhiệm,” Ramos-Horta nói với Reuters.

 

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng có thể mất nhiều năm để Đông Timor có được tư cách thành viên ASEAN đầy đủ và chính quyền của ông sẽ phải nỗ lực cải thiện năng lực làm việc trên khắp các ban ngành.

 

Người dân Đông Timor đã bỏ phiếu cho độc lập khỏi sự chiếm đóng tàn bạo của nước láng giềng Indonesia trong một cuộc trưng cầu dân ý do Liên Hợp Quốc giám sát hồi năm 1999, và đất nước này đã được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận vào năm 2002, khiến nó trở thành nền dân chủ trẻ nhất châu Á.

Quốc gia giàu tài nguyên với 1,3 triệu dân này bắt đầu quá trình gia nhập ASEAN ngay sau đó, nhưng chỉ chính thức nộp đơn xin gia nhập vào năm 2011.

.

============================================

.

.

Ukraina ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với ASEAN

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 10/11/2022 - 12:20

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20221110-ukraina-k%C3%BD-hi%E1%BB%87p-%C6%B0%E1%BB%9Bc-h%E1%BB%AFu.....BB%9Bi-asean

 

Giữa lúc chiến tranh với Nga vẫn diễn ra ác liệt, hôm nay, 10/11/2022, tại Phnom Penh, bên lề các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, Ukraina đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Đông Nam Á.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a1b8be4c-60d7-11ed-8882-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/AP22314189263952.webp

Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba (T) và đồng nhiệm Cam Bốt Prak Sokhonn tại Phnom Penh, Cam Bốt ngày 10/11/2022. AP - Vincent Thian

 

Từ Phnom Penh, đặc phái viên Thanh Phương tường trình :

 

Đại diện cho Ukraina ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Đông Nam Á là ngoại trưởng Dmytro Kuleba, đã đến Phnom Penh từ hôm thứ Ba. Trước khi ký Hiệp ước hôm nay, ông Kuleba đã hội kiến thủ tướng Cam Bốt Hun Sen hôm qua. Theo lời ngoại trưởng Ukraina, trong cuộc gặp này, hai bên đã bàn về quan hệ song phương và về an ninh lương thực toàn cầu.

 

Cho tới nay tổng cộng đã có 50 quốc gia hoặc khối các quốc gia ký kết hiệp ước này, tiền đề cho việc thiết lập quan hệ đối tác chính thức với ASEAN. Trong số này có Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga và Liên Hiệp Châu Âu.

 

Các nguyên tắc chính của Hiệp ước là tôn trọng độc lập và chủ quyền lãnh thổ của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng những phương tiện hòa bình và từ bỏ việc đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực.

 

Việc Ukraina ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Đông Nam là sự kiện đáng chú ý vì được coi là biểu hiện cho sự ủng hộ của ASEAN đối với Kiev, mặc dù các nước trong khối Đông Nam Á không có quan điểm đồng nhất về chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraina. Trong khi Singapore đã ban hành các trừng phạt đối với Nga, những nước như Việt Nam hay Lào, vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp vũ khí của Nga, thì tránh trực tiếp chỉ trích Matxcơva. 

 

Tuy nhiên, theo báo chí Cam Bốt, các nước lại chưa đạt được đồng thuận về việc để cho tổng thống Ukraina phát biểu qua video tại thượng đỉnh ASEAN. Đây là yêu cầu mà ông Zelensky đã đưa ra khi nói chuyện qua điện thoại với thủ tướng Hun Sen ngày 1/11 và phía Cam Bốt đã ủng hộ đề nghị đó.  

 

Trong cuộc điện đàm đó, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý là Cam Bốt và Ukraina sẽ thiết lập bang giao chính thức và hai nước sẽ bổ nhiệm các đại sứ.

 

------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

TẠP CHÍ VIỆT NAM

Xung đột Nga - Ukraina : Việt Nam trong thế kẹt và cẩn trọng với Trung Quốc

NGA - VIỆT NAM - THƯƠNG MẠI

Việt Nam, Miến Điện, Thái Lan thắt chặt quan hệ với Nga để giảm bớt khó khăn kinh tế





No comments:

Post a Comment

View My Stats