Friday 11 November 2022

ASEAN NÊN CÓ LẬP TRƯỜNG MẠNH MẼ HƠN TRÊN CUỘC CHIẾN UKRAINE? (Trọng Nghĩa / RFI)

 



ASEAN nên có lập trường mạnh mẽ hơn trên cuộc chiến Ukraina?

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 11/11/2022 - 15:25

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20221111-asean-n%C3%AAn-c%C3%B3-l%E1%BA%ADp-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-m%E1%BA%A1nh-m%E1%BA%BD-h%C6%A1n-tr%C3%AAn-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-ukraina

 

Nhân thượng đỉnh ASEAN lần thứ 40 và 41 chính thức khai mạc ngày 11/11/2022 tại Phnom Penh (Cam Bốt), lập trường thận trọng của khối nước Đông Nam Á trên cuộc chiến tranh Ukraina-Nga đã lộ rõ qua hai sự kiện. Nếu toàn khối đã có đồng thuận trên vấn đề ký kết Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác Đông Nam Á với Kiev, thì chia rẽ nội bộ về khả năng đi xa hơn đã được thấy khi không nhất trí được trên việc để tổng thống Ukraina Zelenski phát biểu trực tuyến tại hội nghị.  

 

https://s.rfi.fr/media/display/c826bbfc-61c1-11ed-ad1a-005056a90284/w:1024/p:16x9/AP22314196954605.webp

Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba tại lễ ký văn kiện gia nhập Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác ở Đông Nam Á bên lề Thượng Đỉnh ASEAN tại Phnom Penh (Cam Bốt), ngày 10/11/2022. AP - Vincent Thian

 

Thái độ của ASEAN trên vấn đề Ukraina đã được nhiều nhà phân tích chú ý, đặc biệt là hai nhà nghiên cứu Frederick Kliem và Ian Seow Cheng Wei thuộc Đại Học Công Nghệ Nanyang ở Singapore trong bài phân tích trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 27/08/2022: “Liệu ASEAN nên có lập trường mạnh mẽ hơn trên cuộc chiến Ukraina?” Vấn đề được các tác giả nêu lên là phản ứng thận trọng đó thể hiện một sự yếu kém, hay là một động thái ngoại giao khôn ngoan? 

 

Quan hệ với Nga khiến Đông Nam Á thận trọng

 

Ghi nhận đầu tiên của hai nhà nghiên cứu tại Singapore là các nước ASEAN nhìn chung thường tránh đưa ra lập trường cứng rắn về cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraina, từ chối đứng về phía phương Tây trong việc lên án và cô lập Matxcơva về mặt ngoại giao. 

 

Singapore được các tác giả nêu bật là nước ASEAN có thái độ cứng rắn nhất. Ngay từ khi Matxcơva khởi động cuộc chiến, Singapore là quốc gia Đông Nam Á duy nhất liên tục lên án chiến dịch tấn công của Nga, bị gọi là “bất hợp pháp và vô cớ”. Thậm chí, lần đầu tiên trong hơn 4 thập kỷ, đảo quốc này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với một quốc gia khác. 

 

Lập trường của Cam Bốt cũng đáng chú ý vì về mặt ngôn từ, Phnom Penh rất gần với Singapore. Thủ tướng Hun Sen đã bày tỏ thái độ phẫn nộ và là lãnh đạo ASEAN duy nhất cùng với Singapore tuyên bố rằng đất nước của ông sẽ không đứng trung lập trước cuộc xung đột. 

 

Ở cực đối lập với Singapore là Miến Điện, nơi mà tập đoàn quân sự đương quyền ra sức ủng hộ Điện Kremlin, gọi cuộc xâm lược là “chính đáng” với lý do là Nga chỉ bảo vệ “chủ quyền của đất nước họ”. Phải nói rõ thêm rằng đây là quan điểm của chính quyền quân sự đang lãnh đạo Miến Điện trên thực tế, chứ không phải là Chính PhủThống Nhất Quốc Gia của các lãnh đạo dân cử hiện phải lưu vong, vốn đã lên án Nga. 

 

Tất cả các thành viên ASEAN còn lại đều ở giữa: Nếu đa số đều kín tiếng, thậm chi thờ ơ, riêng Indonesia, và trong một chừng mực nào đó, Việt Nam, đã cố gắng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraina đồng thời thận trọng cân nhắc việc lên án chiến tranh mà không đổ lỗi cho Nga. 

 

Phản ứng yếu ớt của khối Đông Nam Á 

 

Khác biệt lập trường giữa Singapore hay Cam Bốt với các thành viên còn lại đã khiến cho ASEAN, khối nước vận hành theo nguyên tắc đồng thuận, có phản ứng bị cho là yếu ớt trên vấn đề Ukraina. 

 

Theo ghi nhận của The Diplomat, các tuyên bố chính thức của ASEAN về Ukraina thường rất yếu và bị chìm trong những luận điệu ngoại giao cân bằng tinh tế nhằm đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia khác nhau.  

 

Cho đến nay, các tuyên bố của khối Đông Nam Á có ba đặc điểm chung: Thứ nhất, nhấn mạnh sự cần thiết của một giải pháp hòa bình và trợ giúp nhân đạo; thứ hai, ủng hộ luật pháp quốc tế và các nguyên tắc như được quy định trong Hiệp Ứớc Hữu Nghị và Hợp Tác của ASEAN ở vùng Đông Nam Á mà Nga (và mới đây Ukraina) là thành viên; và thứ ba, không có tuyên bố nào của ASEAN lên án rõ ràng Nga hoặc hành động xâm lược của Nga, cũng không xác định Ukraina là nạn nhân mà chỉ đơn thuần gọi đó là nơi diễn ra cuộc chiến. 

 

Mới đây tại Liên Hiệp Quốc, 8 trong số 10 thành viên ASEAN – kể cả Miến Điện mà đại diện là chính phủ lưu vong chứ không phải là tập đoàn quân sự cầm quyền - đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết ES-11/1 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, lên án hành động xâm lược của Nga đối với Ukraina. Riêng Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng. 

 

ASEAN phải phản đối mọi hành vi xâm lược 

 

Câu hỏi mà hai nhà phân tích Singapore đặt ra là vì quyền lợi của mình, ASEAN có nên có lập trường mạnh mẽ chống lại cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina mà Nga đang tiến hành hay không? Đối với bên chủ trương cứng rắn, đây là điều cần thiết vì lý do chủ quyền quốc gia tối thượng. 

 

Lý do thuyết phục nhất để ASEAN có quan điểm mạnh mẽ trên vấn đề Ukraina, một lý do trên lý thuyết có thể đoàn kết tất cả các thành viên, là sự cần thiết phải tôn trọng các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Khi xâm lược Ukraina, Nga đã vi phạm tất cả các tiêu chuẩn của Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác của ASEAN mà họ đã ký kết, trong đó có việc tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và không dùng võ lực.  

 

Nguyên tắc bảo vệ các quốc gia tương đối nhỏ của vùng Đông Nam Á chống lại các chính sách tùy hứng theo hướng “luật của kẻ mạnh”, vốn là lý do cơ bản đằng sau sự thành lập của ASEAN, vẫn quan trọng hơn bao giờ hết. Nhiều nhà quan sát đã cảnh báo rằng sự hung hăng của Nga có thể khuyến khích hành vi của Trung Quốc trong tương lai ở châu Á. 

 

Ngoài ra, việc Nga tuyên bố có quyền lịch sử trên lãnh thổ Ukraina và chiêu bài bảo vệ những người gốc Nga sống ở đó đã đặt ra một tiền lệ khủng khiếp từ góc độ Đông Nam Á, Các thành viên ASEAN đa sắc tộc, với dân số khá lớn là người gốc Hoa, cũng như các nước có tranh ở Biển Đông, đang đấu tranh với yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc tạo thành gần như toàn bộ khối ASEAN. 

 

ASEAN không có trách nhiệm về an ninh châu Âu 

 

Tuy nhiên, phe chủ trương thận trọng trên vấn đề Ukraina cũng có những lập luận hợp lý liên quan đến việc bảo vệ những lợi ích thiết yếu của ASEAN. 

 

Trước hết, trách nhiệm chủ chốt của ASEAN không phải là an ninh châu Âu trong lúc khối này lại phải đối mặt với nhiều thách thức bên trong và bên ngoài, từ cuộc đảo chính Miến Điện năm 2021, quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng, cho đến việc quản lý các mối quan hệ nhiều mặt và đôi khi khó khăn giữa các thành viên rất khác nhau. 

 

Trong bối cảnh đó, dù bị cuộc chiến ở Ukraina ảnh hưởng, tương tự như tất cả các cuộc chiến tranh toàn cầu khác, ASEAN không có lợi ích trực tiếp cũng như khả năng, đừng nói chi là trách nhiệm, tác động  đến diễn biến ở Ukraina. 

 

Ngoài ra, dù đã từng có những ví dụ tuyệt vời về sự thống nhất của ASEAN trước các cuộc khủng hoảng quốc tế, cuộc chiến Ukraina sẽ không nằm trong diện này. Khi cố gắng thúc đẩy một lập trường cứng rắn trên một vấn đề thứ yếu, ASEAN có nguy cơ mở ra một vụ tranh cãi khác có thể gây mất đoàn kết, làm hoen ố hình ảnh của mình trên thế giới. 

 

Sau cùng, còn có vấn đề “lập trường nguyên tắc”. Nếu phản ứng mạnh trên vấn đề Ukraina, thì sau này, bất cứ khi nào có sự vi phạm nghiêm trọng Hiến Chương Liên Hiệp Quốc hoặc các quy định khác của luật pháp quốc tế, đặc biệt là về chủ quyền quốc gia, ASEAN sẽ bị buộc phải đưa ra một phản ứng tương tự. Một chính sách như vậy không còn nhiều chỗ cho sự linh hoạt trong tương lai, và nhìn chung, các nhà ngoại giao Đông Nam Á không thích bị bó buộc. 

 

Mạnh mẽ hơn về Ukraina: Lợi bất cập hại

 

Nhìn chung, theo hai nhà nghiên cứu Singapore trên tờ The Diplomat, ASEAN sẽ không thu được nhiều lợi ích từ việc có quan điểm mạnh mẽ trong một cuộc chiến mà kết quả trên thực tế có rất ít ảnh hưởng đến khối Đông Nam Á, mà chỉ làm phức tạp thêm hoạt động ngoại giao nội bộ và hạn chế các lựa chọn chính sách trong tương lai. 

 

Thay vào đó, ASEAN nên nêu lên truyền thống ngoại giao khách quan và cởi mở của mình, vốn là những điểm mạnh của chủ nghĩa đa phương của ASEAN. ASEAN cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại toàn diện với tất cả các cường quốc. Trong trường hợp có quan điểm khác nhau, trong nội bộ cũng như giữa các đối tác đối thoại - bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nga - ASEAN tốt nhất là nên đóng vai trò cầu nối, tạo điều kiện trao đổi quan điểm giữa các lãnh đạo thay vì áp đặt việc tuân thủ luật pháp quốc tế, huống chi là giải quyết xung đột. 

 

-------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

ASEAN - UKRAINA

Ukraina ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với ASEAN

TẠP CHÍ VIỆT NAM

Xung đột Nga - Ukraina : Việt Nam trong thế kẹt và cẩn trọng với Trung Quốc

NGA - VIỆT NAM - THƯƠNG MẠI

Việt Nam, Miến Điện, Thái Lan thắt chặt quan hệ với Nga để giảm bớt khó khăn kinh tế





No comments:

Post a Comment

View My Stats