Ở
thế thượng phong hậu Kherson, chiến thắng trong tầm tay Ukraina ?
Thụy My - RFI
Đăng ngày: 19/11/2022 - 21:25
Sau khi giải phóng Kherson, Ukraina đang trên đà tiến,
quân Nga trong tình trạng thảm hại. Phương Tây cần giúp thêm đạn dược cho Kiev,
không để cho Matxcơva có thời gian lấy lại sức. Nhưng các đồng minh vừa không
muốn chạm đến giới hạn trở thành bên tham chiến, lại vừa lo Nga mạnh lên sẽ lật
ngược thế cờ. Hậu Kherson sẽ là gì ? Ba hướng tiến được dự báo, và ba kịch
bản được đưa ra cho năm 2023.
https://s.rfi.fr/media/display/39e87a8c-6848-11ed-9142-005056a90284/w:1024/p:16x9/kherson_19.webp
Đoàn xe tăng và xe
quân sự Ukraina trên một con đường ở Kherson, trong lúc Nga tiếp tục các cuộc
oanh kích sau khi rút khỏi thành phố. Ảnh chụp ngày 18/11/2022. REUTERS -
STRINGER
Sau chiến thắng
Kherson, Ukraina sẽ tấn công những nơi nào ?
L'Express đặt
câu hỏi « Sau khi giải phóng Kherson, quân đội của Kiev sẽ còn tiến đến
đâu ? ». Rất nhiều ngày sau khi quân Nga đã rút đi hôm 11/11, cư dân
Kherson tiếp tục tập hợp tại quảng trường Tự Do, phất những lá cờ màu xanh vàng
mừng chiến thắng. Ukraina mong có được những cảnh vui tươi như vậy trong những
tháng tới, sau khi đã giành lại được hơn phân nửa số diện tích bị chiếm từ sau
ngày 24/02.
Trong bài phát biểu trước G20, tổng thống
Volodymyr Zelensky khẳng định sẽ tiếp tục tiến công để ngăn trở Nga «
tăng cường lực lượng ». Cựu tướng Úc Mick Ryan nhận xét «
Ukraina đang ngon trớn, ở thế chủ động và không muốn lãng phí. Tôi nghĩ rằng sắp
tới sẽ có những cuộc tấn công. Mùa đông làm chậm lại chiến dịch, nhưng không
ngăn được họ ».
Khả năng vượt sông Dniepr khó thể diễn ra :
sông rộng, những chiếc cầu đã bị phá, đạn pháo Nga từ bên kia sông. Theo Viện
Nghiên cứu Chiến tranh, quân đội Ukraina có thể tăng cường kiểm soát hữu ngạn,
để lại đủ lực lượng để ngăn quân Nga đồng thời điều quân cho các mặt trận khác.
Sau Kherson, Ukraina có ba hướng để nhắm đến : Donetsk, Lugansk và Zaporijia.
Cựu đại tá thủy quân lục chiến Pháp Michel
Goya cho rằng hướng Donetsk rất khó khăn vì Nga đã củng cố từ 2014. Tại
Lugansk tuy cũng không dễ dàng nhưng nếu chiếm được thành phố Statove, sẽ mở được
hướng này. Ukraina cũng có thể nỗ lực hơn về phía Melitopol ở Zaporijia, vùng đất
có địa hình bằng phẳng thuận lợi, chưa có cuộc tấn công lớn nào từ tháng Ba.
Kiev đang thắng thế
trước quân Nga
Về phía Nga có thể tập trung cho Bakhmut.
Andry Zagorodniuk, cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraina cho rằng « Chỉ có lời
hứa về một thắng lợi ở miền đông mới giúp tướng Sourovikine thuyết phục được
Putin cho rút quân khỏi Kherson. Ukraina phải chuẩn bị cho sự leo thang ở miền
đông trong những tuần lễ tới ». Theo Michel Goya, đợt đầu tiên
Matxcơva sẽ điều ngay 100.000 tân binh tới giữ chân Ukraina và làm dê tế thần,
trong khi 200.000 lính động viên còn lại được huấn luyện và trang bị.
Ông nói với L’Express : «
Nga hy vọng nhờ đó sẽ tăng thêm sức mạnh, nhưng cần có cơ sở hạ tầng vững chắc,
và tôi không tin vào điều này ». Ông Goya nhận thấy từ tháng Tám
Ukraina đã có nhiều đơn vị tác chiến hơn Nga và giỏi hơn về chiến thuật. «
Thêm hai chiến thắng nữa trong mùa đông sẽ làm chấn động quân đội Nga, những thắng
lợi tiếp theo vào mùa xuân có thể dẫn đến chế độ Matxcơva sụp đổ, như Đức năm
1918 ». Ngày càng thiếu tự tin, Nga bắt đầu đào công sự dọc theo các
tuyến hướng về Crimée.
The Economist nhấn mạnh « Ukraina đang trong đà tiến sau Kherson, và đang cần
đạn dược ». Phương Tây nên giúp Kiev chiến đấu, không để cho Nga có thời
gian lấy lại sức. Việc giải phóng Kherson chưa thể kết thúc cuộc chiến, Nga vẫn
chiếm 70 % diện tích tỉnh này ở bên kia sông Dniepr, chưa kể những phần lãnh thổ
ở Zaporijia láng giềng cũng như Donetsk và Lugansk ở miền đông. Nhưng theo tổng
thống Zelensky trên đường phố Kherson vừa sạch bóng quân địch, đây là «
khởi đầu của hồi kết ».
Tuần báo cho rằng quân đội Nga đang ở trong
tình trạng thảm hại, thiếu đạn pháo nghiêm trọng, chẳng hạn trong kho chỉ còn
120 hỏa tiễn Iskander, theo tình báo Ukraina. Hồi tháng Ba, mọi nhà phân tích
giàu kinh nghiệm đều có thể chế giễu khi có ai nói rằng tám tháng sau, Ukraina
vẫn đứng vững, rằng quân đội nước này loại ra khỏi vòng chiến 80.000 lính Nga,
soái hạm Nga sẽ chìm xuống đáy Hắc Hải và không Ukraina vẫn hoạt động. Kiev đã
vượt quá mọi sự chờ đợi và đang trên đà chiến thắng.
Thế lưỡng nan của
phương Tây
Le Figaro cuối tuần cũng nhận
định lực lượng của tổng thống Volodymyr Zelensky đang thắng Nga trên chiến trường,
nhưng cần có thêm sự hỗ trợ của phương Tây. Chiến tranh kể cả ủy nhiệm ẩn chứa
nhiều rủi ro. Từ khi khởi đầu cuộc xâm lăng, phương Tây luôn cố gắng không vượt
qua giới hạn trở thành bên tham chiến, chỉ giúp để Kiev không sụp đổ và trừng
phạt Matxcơva.
Nhưng nay quân đội Ukraina ở thế thượng phong,
chiến thắng dường như không còn xa. Crimée sắp tới nằm trong tầm pháo của
Ukraina, trong khi đối với Matxcơva, bán đảo này hết sức quan trọng. Bộ trưởng
quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bối rối cho rằng vấn đề Crimée « do lãnh đạo
Ukraina cân nhắc và quyết định ».
Không thể áp đặt Ukraina phải đàm phán hay định
ra các lằn ranh đỏ, khả năng duy nhất là « bày tỏ quan ngại » về nguy cơ leo
thang. Phương Tây trong thế lưỡng nan. Kiev đang quá hăng hái, nếu giảm viện trợ
để làm chậm lại, sẽ đối mặt với nguy cơ Nga phản công. Còn nếu Ukraina bại trận,
cũng sẽ là thất bại của phương Tây, Putin ca khúc khải hoàn trước thế giới dân
chủ. Một điều không thể chấp nhận được.
Theo tướng Milley, tổng tham mưu trưởng Mỹ, về
quân sự Ukraina có thể đuổi được quân Nga trên toàn lãnh thổ và về chính trị,
thời điểm đàm phán trên thế mạnh có thể đến sớm hơn với Kiev. Những lời khuyên
nên hòa dịu khó thể được lắng nghe tại Ukraina, nơi người dân phải khóc thương
những người đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Tại Matxcơva cũng vậy, Vladimir
Putin vẫn ngoan cố tiếp tục chiến tranh. Hòa bình không thể kết thúc bằng ủy
nhiệm.
Ba kịch bản cho
chiến trường Ukraina năm 2023
The
Economist đưa ra ba khả năng
cho năm tới. Kịch bản thứ nhất : Nga giành phần thắng vào phút chót. Quân
Nga giữ được những chiến tuyến trong mùa đông, đồng thời lập ra các tiểu đoàn mới
từ những tân binh được bổ sung. Trong khi đó đảng Cộng Hòa chặn những gói quân
viện mới cho Ukraina, viện trợ từ châu Âu gần cạn. Kỹ nghệ quốc phòng Nga thiếu
chip bán dẫn và phụ tùng chuyên biệt, nhưng sản xuất đủ xe bọc thép và các loại
pháo căn bản để trang bị.
Đến mùa xuân các đơn vị mới của Nga bắt đầu tấn
công, đẩy lùi lực lượng Ukraina đã mệt mỏi sau nhiều tháng chiến đấu, drone
Iran tiếp tục tiêu hủy cơ sở hạ tầng của Ukraina. Ukraina đành rút lui vào mùa
hè. Nga chiếm Kryvyi Rih, thành phố công nghiệp quan trọng ở bắc Kherson ;
chiếm Sloviansk, Kramatorsk ở Donetsk. Phương Tây thúc giục Kiev chấp nhận
ngưng bắn, tổng thống Zelensky đành chấp nhận. Trong những tháng, những năm sau
đó, Nga ra sức tái vũ trang để đánh Ukraina lần nữa.
Kịch bản thứ hai nhiều khả năng diễn ra
hơn : Ngõ cụt ! Nga huy động hàng trăm ngàn thanh niên, nhưng họ
không thể chiến đấu hiệu quả. Tất cả những người huấn luyện đều phải ra trận,
những binh sĩ dày dạn đều đã chết hay đang ở chiến trường. Tân binh được xếp
vào những đơn vị bộ binh không có xe bọc thép và không thể chuyển sang tấn
công, nhưng có thể đào hào cố thủ. Tại Kherson, dòng sông Dniepr chận đường khiến
Ukraina tiến chậm, mỗi kilomet lãnh thổ tái chiếm đều phải trả giá đắt.
Không thắng nổi trên chiến địa, Vladimir Putin
cố gắng kéo dài để kinh tế Ukraina suy sụp, đánh vào cơ sở hạ tầng dân sự nhằm
làm người dân hoang mang và các đối tác nản chí. Châu Âu không kiếm đủ khí đốt
dự trữ cho năm 2023, khiến phải cúp điện luân phiên trong mùa đông. Putin muốn
dằng dai cho đến 2024, hy vọng Donald Trump chiếm lại Nhà Trắng và ngưng hỗ trợ
Kiev. Nhưng như vậy ông đánh cược với dư luận Nga đang phản đối chiến tranh,
kinh tế ảm đạm.
Kịch bản thứ ba tươi sáng hơn cho Ukraina,
nhưng có lẽ cũng nguy hiểm hơn. Kiev giữ nguyên đà tiến, giáng những đòn nặng nề
lên quân Nga rồi hướng Himars vào Crimée lần đầu tiên. Mặt trận Nga ở Lugansk bị
vỡ, Ukraina tái chiếm Severodonetsk rồi nhanh chóng tiến sang miền đông. Số tử
trận phía Nga tăng cao, lính mới từ chối chiến đấu. Phương Tây nhanh chóng cung
cấp thêm nhiều hệ thống phòng không, làm giảm tác động chiến thuật khủng bố của
Nga.
Đến mùa xuân, tổng thống Zelensky ra lệnh mở mặt
trận mới ở Zaporijia. Năm lữ đoàn xuyên thủng phòng tuyến Nga, cắt đứt chiếc cầu
sang Crimée, bao vây Mariupol vào mùa hè. Ukraina chuyển các giàn Himars sang
miền nam, nhắm vào các cảng, căn cứ và kho hậu cần của quân Nga, đe dọa tiến
vào Crimée. Putin ra tối hậu thư : hoặc ngưng lại hoặc sẽ dùng vũ khí
nguyên tử. Chiến thắng trong tầm tay, nhưng cũng bao hàm nguy cơ.
Thủ lãnh Wagner :
Từ đầu bếp thành tỉ phú nhờ Putin ưu ái
Cũng liên quan đến Nga, L'Express quan
tâm đến việc «
Prigojine, thủ
lãnh Wagner ra khỏi bóng tối ». Bài viết mở đầu bằng câu trả lời
của Evgueni Prigojine khi một nhà báo hỏi tại sao Wagner chiêu mộ quân từ các
trại giam : « Hoặc là tù nhân, hoặc là con cháu các vị ! ». Câu
nói biểu lộ sự hung hăng, hầu như dọa nạt của ông ta, thản nhiên đến trơ tráo về
một sự việc bất hợp pháp. Đáng ngạc nhiên là Prigojine không còn chối cãi mối
quan hệ với công ty lính đánh thuê.
Vài ngày sau, ông ta còn đi xa hơn khi công khai
nhìn nhận đã thành lập Wagner năm 2014, khi Nga can thiệp vào Donbass. Chỉ
trong vài tuần lễ, Evgueni Prigojine đã bước ra ngoài ánh sáng để chứng tỏ mình
là ngôi sao đang lên trong hệ thống Putin. Một sự trả thù của con người từng ngồi
tù 9 năm trong thời Liên Xô vì tội trộm cắp, băng đảng và « xúi giục người
vị thành niên bán dâm », trước khi lao vào làm ăn trong thập niên 90 và trở
thành sở hữu chủ nhiều nhà hàng sang trọng.
Năm 2001, Vladimir Putin ăn trưa cùng với tổng
thống Pháp Jacques Chirac trong một nhà hàng của Prigojine, ông ta đích thân phục
vụ và làm hài lòng tổng thống Nga. Đó là khởi đầu cho sự thăng tiến của Evgueni
Prigojine. Công ty bếp ăn tập thể Concord Catering của ông nhận được nhiều trăm
triệu rúp từ công quỹ để cung cấp bữa ăn cho các trường học và các bộ, rồi toàn
quân đội. « Đầu bếp của Putin » trở thành tỉ phú, nhưng cũng thành mục
tiêu điều tra của nhà đối lập Alexei Navalny. Vào thời đó Prigojine muốn đứng
sau cánh gà, tuy nhiên những hoạt động mới do Kremlin giao phó khiến ông ta dần
lộ mặt.
Chủ công ty lính
đánh thuê tìm kiếm tiền hay quyền lực ?
Bóp méo thông tin và đánh thuê là hai mặt của
đế chế Prigojine, trở thành cánh tay vũ trang ở những nơi Nga không muốn chính
thức hiện diện, từ Trung Phi đến Syria, Libya và Donbass. Cuộc xâm lăng Ukraina
đã dẫn đến sự thay đổi tầm vóc. Quân Wagner cố sống cố chết để chiếm bằng được
Bakhmut nhằm gây tiếng vang. Theo nhà sử học Nicolai Mitrokhine, Wagner có từ
5.000 đến 10.000 quân trên chiến trường Ukraina, được trang bị xe tăng, pháo,
trực thăng, thậm chí máy bay riêng, tóm lại là một quân đội tư nhân thực sự.
Prigojine luôn xuất hiện với ba chiếc mề-đay
trên ngực : huy chương Anh hùng Liên bang Nga, Anh hùng Cộng hòa Donetsk
và Lugansk. Doanh nhân 61 tuổi không có danh khoản trên Twitter, Facebook…nhưng
các tuyên bố của ông ta đầy khắp mạng xã hội nhờ mạng lưới truyền thông của ông
và nhất là hàng mấy trăm tài khoản Nga, mô tả Prigojine như chỉ huy quân sự duy
nhất có tài. Sự thô bạo khiến ông ta nổi tiếng trong giới dân tộc chủ nghĩa cực
đoan. Nhà chính trị học Nga Andrey Pertsev thắc mắc, tham vọng của ông ta là
gì, kiếm nhiều tiền hơn hay được trở thành nhân vật quan trọng ?
Nhiều nguồn tin cho biết « Đầu bếp của
Putin » không nằm trong vòng thân tín nhất của ông chủ điện Kremlin, chỉ
là người thừa hành chứ không phải bạn bè. Trong môi trường
« siloviki », những nhân vật xuất thân từ quân đội, công an, tình báo
không ưa thái độ ngông nghênh, cách nói năng kiểu xã hội đen của ông ta. Còn về
« hậu Putin » ? Prigojine đừng hòng mơ tới quyền lực, giới tinh
hoa không bao giờ bầu cho ông. Nhưng ngược lại ông ta là đồng minh nặng ký của
các ứng cử viên kế nhiệm như Dimitri Medvedev hay chủ tịch đảng cầm quyền
Andrei Tourchak.
Tác giả nhật ký
ZOV : Tham nhũng bào mòn quân đội Nga
Nhắc đến Prigojine trong cuộc trả lời phỏng vấn L'Express,
Pavel Filatiev, người lính dù Nga tác giả cuốn nhật ký ZOV đang tị nạn chính trị tại Pháp,
nói về nạn tham nhũng trong quân đội Nga.
Tham nhũng có ở mọi cấp, nhưng ở tầm mức của
mình, Filatiev chỉ đưa ra vài ví dụ. Chẳng hạn ở căng-tin, người lính được nhận
cơm nguội với phân nửa suất xúc-xích, vì phân nửa kia đã bị lấy cắp : Việc
cung cấp bữa ăn cho quân đội do công ty của Evgueni Prigojine phụ trách. Quân
phục cũng vậy, không bao giờ tìm được đúng kích cỡ, và chất lượng rất tồi. Thế
nên lính hợp đồng phải tự mua cho phù hợp. Xe cộ hay hư hỏng nhưng thiếu phụ
tùng, cũng người lính tự lo để có thể sống sót.
Với tư cách công dân, anh cho rằng cần một
quân đội mạnh, chuyên nghiệp để bảo vệ người dân, bảo vệ đất nước chứ không phải
để đi xâm lăng nước khác. Cuộc chiến với Ukraina là vô nghĩa : tại sao phải
làm như vậy trong khi Nga còn vô số vùng đất chưa khai thác hết ? Theo
Pavel Filatiev, đúng ra quân đội Nga cần chuẩn bị cho một cuộc xung đột với
Trung Quốc. Cuốn sách của anh kêu gọi chấm dứt cuộc chiến ở Ukraina, hướng đến
không chỉ người Nga mà với tất cả, vì ngay tại phương Tây cũng có những người ủng
hộ Putin.
Giải Nobel Hòa
bình Matvitchouk : Putin vinh danh tội phạm chiến tranh ở Kremlin !
Cũng trên L’Express, giải Nobel Hòa bình Oleksandra
Matvitchouk nhấn mạnh, các tội ác chiến tranh đang được Vladimir
Putin cổ vũ. Luật sư nhân quyền cùng với những cộng sự thuộc Trung tâm vì Dân
chủ (CLC) từ 2014 thu thập bằng chứng tội phạm chiến tranh của Nga ở Ukraina từ
sau vụ chiếm đóng Crimée và xúi giục ly khai ở Donbass. Trong nhiều năm qua,
công việc tỉ mỉ này không được ai chú ý, cứ như tiếng kêu giữa sa mạc. Cho đến
khi tổ chức phi chính phủ đặt ở Kiev được nhận giải Nobel Hòa bình 2022 cùng với
nhà đấu tranh Ales Bialiatski (Belarus) và tổ chức Memorial (Nga).
Bài phỏng vấn dài không dành cho những người yếu
tim, một số ví dụ về tra tấn rùng rợn được kể lại trong hàng ngàn câu chuyện đã
được ghi nhận. Tại Bucha, nhiều nhà báo và người sống sót đã chứng kiến những
xác thường dân trên đường phố, trong những khu vườn, những phòng tra tấn, hố
chôn tập thể…Thế giới văn minh bị sốc. Thế nhưng Putin lại phân phát huy chương
cho các đơn vị đóng ở Bucha, chẳng khác nào khuyến khích binh sĩ tra tấn, hãm
hiếp, giết người.
Theo bà Matvitchouk, Putin và đồng bọn không hề
có ý niệm về tôn trọng phẩm giá con người. Ngay cả trong thời chiến, cũng không
thể hãm hiếp phụ nữ đang mang thai, nhảy lên ngực một ông già đạp cho chết hẳn,
rút móng tay người tù…như những bằng chứng mà CLC có được. Cuộc chiến ở Ukraina
không phải là giữa hai Nhà nước mà là hai hệ thống độc tài và dân chủ. Không thể
có thái độ trung lập trước nỗi đau của con người, vi phạm nhân quyền, tội ác
chiến tranh. Những ai nói mình trung dung chỉ là những người vô cảm.
Cộng đồng người
Nga tị nạn tại Gruzia, nước từng bị Matxcơva xâm lăng
Về những người Nga chạy trốn chiến
tranh, Courrier International dịch bài viết của trang OKO ở Ba
Lan cho biết tại Gruzia, một cộng đồng Nga mới ở thủ đô Tbilissi gây lo ngại
cho người dân địa phương, vì Nga từng xâm lăng nước này. Đối với người Nga, đây
là nơi thích hợp để sống vì an toàn, ở một năm không cần xin visa, có thể làm
việc, mở tài khoản ở ngân hàng và lập công ty, giá sinh hoạt lại rẻ. Nhiều câu
lạc bộ, quán xá dành cho người Nga xuất hiện ở Tbilissi. Một nữ nhà báo Gruzia
đi nhầm vào một trong những quán cà phê loại này, người phục vụ không hiểu tiếng
địa phương lẫn tiếng Anh khiến bà bất bình vì không sử dụng được ngôn ngữ nước
mình ngay trên đất Gruzia.
Từ 01/03 đến 01/08 người Nga đã mở 45.000 tài
khoản ngân hàng và nhận được 187 triệu đô la, mua 3.000 căn nhà ở đất nước nhỏ
bé Gruzia. Tất nhiên là có những phản kháng. Câu lạc bộ nổi tiếng Basiani không
cho người Nga vào, bar Deda Ena buộc đánh dấu vào một tờ khai gồm 8 điểm
như : không bầu cho Putin, lên án cuộc chiến tranh ở Ukraina… và câu cuối
cùng là « Slava Ukraini ! » (Vinh quang cho
Ukraina !).
World Cup ở Qatar,
tình báo, tiền ảo : Tựa chính các tuần báo
Là nơi sắp diễn ra Cúp bóng đá thế giới, Qatar
chiếm trang nhất hai tuần báo Pháp kỳ này. Courrier International chạy
tựa « Qatar, hiệu ứng boomerang ». Có thể nói đây là
một trong những World Cup bị chỉ trích nhiều nhất trong lịch sử, sau Achentina
1978. L'Obs nói về Qatar với « những đồng đô la từ
dầu lửa, thiệt hại môi trường, nô lệ thời hiện đại... ». Hồi năm
2010 khi FIFA trao quyền tổ chức cho Qatar, ý thức về khủng hoảng khí hậu chưa
cao, và những vụ vi phạm nhân quyền không thể cản trở « soft power »
ngày càng lớn của đất nước vùng Vịnh. Mười hai năm sau, trước khi hồi còi khai
mạc thổi lên ở Doha ngày 20/11, rất nhiều tiếng nói phê phán cuộc tranh tài
trong sa mạc, ở những sân vận động trang bị điều hòa tối đa, với cái giá hàng
ngàn sinh mạng lao động nhập cư. Nhưng vương quốc Hồi giáo đã đầu tư trên 200 tỉ
đô la cho sự kiện, đã có hoạt động truyền thông rất thành công.
L'Express đặt
vấn đề « Chiến tranh bí mật, Nga, CIA... tình báo Pháp liệu có xứng tầm
», trước mối đe dọa đánh cắp bí mật kinh tế, tin tặc, thánh chiến,
gián điệp Nga và Trung Quốc ? Le Point quan tâm đến việc
tổng thống Pháp Emmanuel Macron tìm cách cứu vãn nhiệm kỳ bằng cách liên minh với
cánh hữu. The Economist đưa tít lớn « Tiền ảo lao dốc
». Phải chăng đây sẽ là hồi kết của tiền điện tử ? Việc FTX phá sản
là thảm họa cho uy tín và tham vọng của đồng tiền kỹ thuật số.
No comments:
Post a Comment