Monday 14 November 2022

NHẠC TRƯỚC 1975 TIẾP TỤC LÀ LÝ DO ĐỂ PHẠT ĐƠN VỊ TỔ CHỨC BIỂU DIỄN (RFA)

 



Nhạc trước 75 tiếp tục là lý do để phạt đơn vị tổ chức biểu diễn

RFA

2022.11.14

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/music-before-75-still-banned-11142022095205.html

 

Bài hát Chiều Tây Đô của cố nhạc sỹ Lam Phương là nguyên cớ để vào ngày 7/11 Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ ra quyết định xử phạt hành chính 25 triệu đồng đối với đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa khôi Nam Bộ 2022.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/music-before-75-still-banned-11142022095205.html/@@images/0e7ad81b-56b0-42d1-ab95-e4688f244fb8.jpeg

Cuộc thi Hoa khôi Nam Bộ 2022 ở TP Cần Thơ .  Báo Lao Động

 

Truyền thông Nhà nước cho biết Ban tổ chức cuộc thi là Công ty Cổ phần Giải trí Tiếp thị Tân Thành Công (TP.HCM). Lý do phạt được nêu ra là “không thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng không bán vé xem biểu diễn nghệ thuật”.

 

Cụ thể, vào ngày 5/11 người dẫn chương trình (MC) đêm chung kết cuộc thi Hoa khôi Nam Bộ 2022 giới thiệu có bài hát Chiều Tây Đô trong các tiết mục biểu diễn đêm đó. Tổ Kiểm tra của Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Cần Thơ cho rằng Ban tổ chức cuộc thi không thông báo nội dung này với cơ quan chức năng trước đó. Ngay lập tức, Tổ kiểm tra đã yêu cầu Ban tổ chức cuộc thi loại bỏ bài hát khỏi chương trình.

 

Đại diện Công ty Cổ phần Giải trí Tiếp Thị Tân Thành Công trả lời sự việc với phóng viên RFA rằng đã ký vào văn bản xử phạt. Văn bản xử phạt đã ghi đầy đủ thông tin, ngoài ra không có ý kiến gì về sự việc này.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng khó hiểu trong việc một số bài hát vẫn bị cấm; dù đã có một danh sách các bài hát mà cơ quan chức năng Việt Nam không cho phép biểu diễn, ông nói:

 

“Hiện nay Cục (Cục Nghệ thuật biểu diễn) có một danh sách bài nào không hát sẽ được đưa tin, bài nào không có trong danh sách thì vẫn được hát. Vấn đề là phải dựa vào cái đó. Mình không hiểu là những ca khúc nào không được cấp phép tại vì không rành danh sách đó nhưng nói tóm lại ca khúc bình thường, tình yêu sẽ được cấp phép, không vấn đề gì đâu.”

 

Phóng viên cũng liên lạc với Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch TP Cần Thơ nhưng không nhận được phản hồi.

 

Anh N.T.P, từng học tại trường Cao Đẳng Văn Hóa Nghệ Thuật TP.HCM, qua tin nhắn có ý kiến về tình trạng liên quan như việc cơ quan chức năng Cần Thơ buộc bỏ bài hát Chiều Tây Đô trong chương trình chung kết cuộc thi Hoa khôi Nam Bộ 2022:

 

“Những bài hát nhạy cảm quá bị cấm thì cũng hợp lý với chế độ. Nhưng tuy nhiên, nếu cấm những bài hát dòng nhạc xưa thì cũng nên có biện pháp hạn chế hoặc cấm những bài hát cổ xúy bạo lực, buông thả, không lành mạnh như một số bài hát dòng nhạc rap, nhạc chế, nhạc trẻ hiện nay. 

Như vậy sẽ khách quan hơn, vừa không ảnh hưởng chế độ, vừa không ảnh hưởng xấu tới thế hệ trẻ.  Việc cấm một số bài nhạc xưa nhưng lại buông lỏng quản lý nhạc trẻ tiêu cực như hiện nay còn tác hại hơn.”

 

Một số sự việc tương tự cũng xảy ra với một số sản phẩm âm nhạc xưa từ trước đến nay. Ngày 1/7, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo Công ty TNHH Mây Lang Thang do để ca sĩ Khánh Ly hát ca khúc ‘Gia tài của Mẹ’ không nằm trong danh sách được cấp phép.

 

Đơn vị tổ chức buổi biểu diễn “Nhớ mùa thu Hà Nội” là Công ty Cổ phần Quảng cáo Truyền thông S của ca sĩ này cũng bất ngờ nhận được công văn từ Nhà hát lớn Hà Nội thông báo hủy bỏ buổi biểu diễn trước khi nó dự kiến sẽ diễn ra tối 24/9 với lý do “cắt điện”.

 

Năm 2018, live show “Yêu Đời, Yêu Người” do nghệ sĩ Ngọc Huyền phối hợp với trung tâm băng nhạc Rạng Đông tổ chức đã bị sân khấu Lan Anh thông báo hủy trước giờ mở màn chỉ một tuần do phải nhường sân khấu cho hoạt động mừng ngày lễ của Bộ Quốc phòng. Thời điểm trước đó, báo Công an TP.HCM có bài viết chỉ trích những bài hát có nội dụng “xuyên tạc đất nước,” “không đúng sự thật về Việt Nam” cụ thể là hai bài ‘Thương về vùng hỏa Tuyến’ và ‘Quê hương bỏ lại’.

 

Năm 2017, năm ca khúc ra đời trước 1975, bao gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương) bị cấm vĩnh viễn không được lưu hành do bị Hội đồng nghệ thuật của Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho là có ca từ sai với bản gốc.

 

Bài hát “Chiều Tây Đô” được sáng tác bởi nhạc sĩ Lam Phương, một trong những nhạc sĩ thế hệ trước 1975. Bài hát được ra đời vào khoảng thập niên 1980, cũng là thời điểm cao trào của sự kiện thuyền nhân vượt biển rời Việt Nam.

 

Trong thực tế, những tác phẩm âm nhạc được ra đời hoặc được sáng tác bởi những nhạc sĩ thế hệ trước 1975 đã và vẫn đang được công chúng nghe và hát với nhau trong suốt nhiều thập niên qua.





No comments:

Post a Comment

View My Stats