Wednesday, 9 November 2022

NHÀ ĐẤU GIÁ MILLON GIAN DỐI VỀ TÌNH TRẠNG SỞ HỮU ẤN "HOÀNG ĐẾ CHI BẢO" (Cù Huy Hà Vũ)

 



 

Nhà đấu giá Millon gian dối về tình trạng sở hữu ấn “Hoàng Đế Chi Bảo”

Cù Huy Hà Vũ

09/11/2022

https://baotiengdan.com/2022/11/09/nha-dau-gia-millon-gian-doi-ve-tinh-trang-so-huu-an-hoang-de-chi-bao/

 

Ngày 21/10 vừa qua, Nhà đấu giá Millon (sau đây gọi là Millon) thông báo sẽ đấu giá một chiếc ấn vàng ròng có tên “Hoàng Đế Chi Bảo” (皇帝之寶)vào lúc 11 giờ ngày 31/10 tại Paris. Ấn này, còn có tên “Kim Bảo Tỷ” (金寶 ), được đúc dưới Triều Minh Mạng, là biểu tượng vương quyền của Nhà Nguyễn (1802-1945). Vẫn theo thông báo này, chiếc ấn thuộc sở hữu của những người thừa kế Công chúa Vĩnh Thụy, tức Monique Baudot, bà vợ người Pháp của Cựu Hoàng Bảo Đại. Thế nhưng  cuộc đấu giá đã không diễn ra như dự kiến, nó được dời sang ngày 10/11 do Millon “nhận được quan tâm mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam”, theo thông báo mới của nhà đấu giá này.

 

Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề là ở chỗ Millon đã không trung thực, hay nói thẳng ra, gian dối về tình trạng sở hữu chiếc ấn. Cụ thể, chủ sở hữu báu vật biểu tượng vương quyền của Nhà Nguyễn là Nhà nước Việt Nam, chứ không phải những người thừa kế Monique Baudot. Sau đây là chứng cứ.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/11/1-14-696x526.jpg

Ấn “Kim Bảo Tỷ”, tức “Hoàng Đế Chi Bảo”. Nguồn: Nhà đấu giá Millon

 

Ngày 25/8/1945, Hoàng đế Bảo Đại công bố Chiếu thoái vị, bày tỏ “quyết tâm thoái vị, nhường quyền lãnh đạo đất nước cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Cù Huy Hà Vũ).”

 

Tiếp đó, chiều ngày 29/8/1945 tại Điện Cần Chánh nơi quân chủ Nhà Nguyễn thiết triều, hai đại diện của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu và Bộ trưởng không Bộ Cù Huy Cận (thân phụ tôi) đã thay mặt dân tộc Việt Nam và Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh yêu cầu Hoàng đế Bảo Đại thoái vị, giao ấn và kiếm tượng trưng cho vương quyền cho chính quyền cách mạng. Chiều hôm sau, 30/8, tại lễ thoái vị tổ chức ở lầu Ngũ Phụng trên Ngọ Môn, hoàng thành Huế, Hoàng đế Bảo Đại đã trao ấn “Hoàng Đé Chi Bảo” cùng kiếm “Khải Định Niên Chế” ( ) cho hai vị đại diện nền Cộng hòa đầu tiên của Việt Nam.

 

Lễ thoái vị đã được chính Cựu Hoàng Bảo Đại thuật lại một cách khá chi tiết trong hồi ký “Con rồng An Nam” do Plon xuất bản năm 1980.

 

Như vậy, kể từ ngày 30/8/1945, Nhà nước (quốc gia) Việt Nam, được đại diện bởi Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các chính phủ kế nhiệm, trong đó có Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là chủ sở hữu hai báu vật biểu tượng triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Điều đáng nói là bản thân Millon biết rất rõ điều này khi viết trong phần mô tả món đồ đấu giá bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Việt như sau:

 

“Chiếc ấn triện rồng năm móng này tượng trưng cho quyền cai trị tuyệt đối dưới triều đại nhà Nguyễn, đã trở thành biểu tượng của sự chuyển giao quyền lực.

 

Quyền sở hữu báu vật này đã được chuyển giao nhiều lần, đặc biệt là khi Vua Bảo Đại thoái vị trước chính quyền Việt Nam, nơi nó được Hoàng đế giao cho đại diện chính quyền cách mạng tại sân Ngọ Môn vào ngày 30 tháng 8 năm 1945. Tại đó, vị Hoàng đế cuối cùng đã thốt lên câu nói nổi tiếng: “Thà làm công dân của một nước độc lập còn hơn làm vua của một nước nô lệ.”

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/11/1-15-768x923.jpg

Hoàng đế Bảo Đại trao ấn “Hoàng Đế Chi Bảo” và kiếm “Khải Định Niên Chế” cho đại diện Chính phủ lâm thời VNDCCH trong lễ thoái vị ngày 30/8/1945 tại Huế. Nguồn: Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên – Huế

 

Vẫn mô tả nói trên cho biết chiếc ấn có một số phận lưu lạc sau khi Pháp “can thiệp vào Việt Nam” (thực chất là tái xâm lược Việt Nam – Cù Huy Hà Vũ).

 

“Báu vật này – Millon viết tiếp – còn mang một vai trò quan trọng và đầy tính biểu tượng tới sự can thiệp của Pháp vào Việt Nam, khi chính quyền Pháp đã cố gắng thành lập một chính phủ chống lại cộng sản với việc bổ nhiệm Vua Bảo Đại ngồi vào cương vị Quốc trưởng. Sau đó chiếc ấn báu được người Pháp trao trả cho vị vua cuối cùng của triều Nguyễn trong một buổi lễ tấn phong diễn ra vào ngày 08 tháng 03 năm 1952 tại Đà Lạt (thực ra là ngày 8 tháng 3 năm 1952 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội – Cù Huy Hà Vũ).”

 

Đến đây, Millon đã không có một lời giải thích vì sao người Pháp có được “Hoàng Đế Chi Bảo” để rồi “trao trả” cho Cựu Hoàng Bảo Đại.

 

Trên thực tế, quân Pháp đã tình cờ tìm thấy “Hoàng Đế Chi Bảo” cùng kiếm “Khải Định Niên Chế” tại làng Nghĩa Đô, ngoại thành Hà Nội. Trong Báo cáo ngày 28/2/1952 gửi Đại lý Hành chính Hoàn Long, Quận trưởng quận hành chính Quảng Bá – Yên Thái viết:

 

“Trân trọng trình ông rõ: hồi quá trưa ngày 28 tháng 2 năm 1952 hôm nay, được tin mật báo là bọn công nhân của tiểu đoàn nhảy dù 2è BBC đóng tại Liễu Giai đi tìm gạch vỡ tại một ngôi nhà tàn phá trong Nghĩa Đô, tìm kiếm đào chân móng đã thấy một ống kẽm và một hộp kẽm trong đựng một thanh kiếm và một của ấn vàng. Tôi thân đến liên lạc với vị chỉ huy là thiếu tá Toce Raymond thì vị võ quan này nói là cũng sắp báo tôi biết về việc đó.

 

Tôi xét hai bảo vật này thì là:

 

Một Thanh kiếm vỏ bằng vàng trạm [chạm] chuôi bằng ngọc thạch có khắc hai giòng [dòng] chữ “Khải Định niên chế” (Chế vào thời Khải Định) và “Trọng kim tứ lạng thập thất phân” (Nghĩa là: kiếm nặng 4 lượng 17 phân)

 

Một quả ấn bằng vàng nuột [vàng ròng], tay nạm là một con rồng, trong có khắc 4 chữ “Hoàng đế chi bảo” và phía trên có hai giòng [dòng] chữ nho [tiếng Hán] “Minh Mệnh tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (Nghĩa là: ấn được đúc vào ngày 4 tháng  2 năm Minh Mệnh thứ  4) và “Thập thành  hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân” nghĩa là: trọng lượng 280 lạng[3], 9 tiền, 2 phân.”

 

Báo cáo ngày 28/2/1952 còn ghi: “Có lẽ ấn và kiếm này là Bảo vật trong khi Đức quốc trưởng Bảo Đại thoái vị đã trao cho Việt Minh mà đến khi họ rút lui khỏi làng Nghĩa Đô đêm chôn dấu vào móng tường nhà này.“

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/11/1-16-768x576.jpg

Pháp tổ chức trao ấn“Hoàng Đế Chi Bảo” và kiếm “Khải Định Niên Chế” cho Cựu Hoàng Bảo Đại trong tư cách Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam ngày 8/3/1952 tại Hà Nội. Nguồn: Nghiên cứu lịch sử

 

Cuối cùng, trong phần xuất xứ món đồ đấu giá Millon viết: “Tài sản của Hoàng đế Bảo Đại, Hoàng thái tử Vĩnh Thụy (1913 -1997), Hoàng Đế An Nam, nguyên Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam; Được thừa kế theo di chúc cho Công chúa Vĩnh Thụy (1946-2021) và sau đó được giữ bởi con cháu gia đình.”

 

Vậy là rõ: việc Millon không giải thích vì sao “Hoàng Đế Chi Bảo” lọt vào tay người Pháp là nhằm hợp pháp hóa quyền sở hữu của Cựu Hoàng Bảo Đại đối với chiếc ấn và cùng với nó là kiếm “Khải Định Niên Chế” để rồi trên cơ sở đó, hợp pháp hóa quyền sở hữu của những người thừa kế bà Baudot đối với chiếc ấn. Thế nhưng, việc làm này của Millon là vi phạm pháp luật của chính quốc gia mà họ thuộc về.

 

Theo Bộ Luật Thương Mại của Pháp (Code de commerce), mọi thương nhân đều có nghĩa vụ trung thực trong hoạt động thương mại. Như vậy, tổ chức đấu giá và các chuyên viên đấu giá (commissaires-priseurs – tiếng Pháp) của nó có nghĩa vụ cung cấp thông tin chính xác về tình trạng sở hữu tài sản được đấu giá. Điều này có nghĩa, những người đảm nhiệm việc đấu giá phải công bố thông tin cho thấy tính liên tục trong chuyển giao quyền sở hữu tài sản được đấu giá.

 

Trên tình thần đó, để bảo đảm chiếc ấn thuộc sở hữu của Cựu Hoàng Bảo Đại đồng nhất với hiệu lực của di chúc của ông về việc để lại chiếc ấn cho Công chúa Vĩnh Thụy, Millon không thể không đòi hỏi người bán chiếc ấn cung cấp tài liệu thể hiện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoặc chính phủ kế nhiệm, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã chuyển giao cho người Pháp hay cho Cựu Hoàng quyền sở hữu chiếc ấn, hay đơn giản hơn, đã tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu này. Điều này,

 

Thế nhưng, như ta đã thấy, cho dù không có bằng chứng nào như vậy, Millon vẫn xác nhận Cựu Hoàng Bảo Đại sở hữu “Hoàng Đế Chi Bảo”. Điều này hẳn do phí dành cho tổ chức đấu giá rất lớn: 20 o/o giá bán từ 100 001 euros.

 

Tóm lại, Millon đã vi phạm nghĩa vụ trung thực của thương nhân được quy định bởi Bộ Luật Thương mại Pháp khi cố tình gian dối về tình trạng sở hữu “Hoàng Đế Chi Bảo”. Do vi phạm pháp luật như vậy, hủy đấu giá tài sản quý giá vào bậc nhất này của Nhà nước Việt Nam là chẳng đặng đừng.

 

Trong trường hợp Millon không hủy cuộc đấu giá, nhà đấu giá này chắc chắn phải đối mặt với một vụ kiện tiềm năng từ phía Chính phủ Việt Nam trong tư cách chủ sở hữu “Hoàng Đế chi Bảo”. Hậu quả của một vụ kiện như vậy là có thể thấy trước: kết quả đấu giá chắc chắn sẽ bị tòa án có thẩm quyền của Pháp hủy bỏ, kéo theo uy tín trên thương trường của Millon sụp đổ không gì cứu vãn!

 

------------------------------

Tác giả: Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống tại California, Hoa Kỳ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats