Sunday, 13 November 2022

HOA KỲ - ASEAN THIẾT LẬP QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN (RFI)

 



NỘI DUNG :

Mỹ - ASEAN thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

Thanh Phương  -  RFI

.

Ngoại trưởng Ukraina kêu gọi ASEAN lên án Nga

Phan Minh  -  RFI

 

============================================

.

.

Mỹ - ASEAN thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 12/11/2022 - 10:13

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20221112-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-m%E1%BB%B9-as.....BB%A3c-to%C3%A0n-di%E1%BB%87n

 

Sáng ngày 12/11/2022, tổng thống Joe Biden đã đến Phnom Penh, thủ đô Cam Bốt, để cùng với các lãnh đạo Đông Nam Á mở cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN. Tại cuộc họp này, ông Biden ký kết Thỏa thuận Đối tác Chiến lược Toàn diện Mỹ-ASEAN.

 

https://s.rfi.fr/media/display/8962018a-6287-11ed-a93e-005056a97e36/w:1024/p:16x9/AP22316402465264.webp

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Trái) và thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, tại cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, ngày 12/11/2022. AP - Alex Brandon

 

Từ Phnom Penh, đặc phái viên Thanh Phương tường trình: 

 

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017, một tổng thống Mỹ đến dự thượng đỉnh với các lãnh đạo ASEAN. Trước cuộc họp thượng đỉnh này, ông Biden đã gặp thủ tướng Hun Sen để bàn về việc tăng cường quan hệ Hoa Kỳ-Cam Bốt.

 

Chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraina, việc Trung Quốc quân sự hóa vùng Biển Đông và căng thẳng vùng eo biển Đài Loan, cũng như mối đe dọa tên lửa và vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên, và khủng hoảng Miến Điện sẽ là những chủ đề trọng tâm mà tổng thống Hoa Kỳ sẽ đề cập đến trong các cuộc họp thượng đỉnh ở Phnom Penh. 

 

Nhưng trên hết, chuyến đi Phnom Penh sẽ là dịp để ông Biden tái khẳng định cam kết của Mỹ với vùng Đông Nam Á nói riêng và với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương nói chung, trong nỗ lực tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực này. Để cụ thể hóa cam kết đó, tổng thống Biden theo dự kiến sẽ ký kết Thỏa thuận Đối tác Chiến lược Toàn diện, tương tự như thỏa thuận mà khối các nước Đông Nam Á đã ký với Trung Quốc.

 

Theo lời phát ngôn viên Thượng đỉnh ASEAN Kung Phoak trong cuộc họp báo sáng nay, tiềm năng trong qua hệ Mỹ-ASEAN còn rất lớn cả về mặt kinh tế, chính trị lẫn xã hội. Ông cho rằng việc nâng quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo ra những cơ hội đối tác mới. Các bộ trưởng của ASEAN và Mỹ trước hết sẽ thảo luận về các vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường.

 

Ngoài thỏa thuận nói trên, ít ai chờ đợi sẽ có những bước tiến đáng kể trong quan hệ Mỹ-ASEAN tại thượng đỉnh Phnom Penh, nhưng sự có mặt của tổng thống Biden tại thủ đô Cam Bốt cho thấy là chính sách ngoại giao của Mỹ đối với châu Á đã trở lại bình thường, khác hẳn với thời Donald Trump.

 

Sau thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, ngày mai ông Biden sẽ dự Thượng đỉnh Đông Á, quy tụ lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ. Nhưng tổng thống Mỹ sẽ không có dịp gặp tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cả hai đều không có mặt ở Phnom Penh ngày mai.

 

-------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

MỸ - TRUNG - ASEAN

Mỹ - Trung tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Cam Bốt

.

THƯỢNG ĐỈNH MỸ - ASEAN

Thượng đỉnh Washington: Mỹ, ASEAN cam kết tăng cường quan hệ

.

================================================

.

Ngoại trưởng Ukraina kêu gọi ASEAN lên án Nga

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 12/11/2022 - 13:38

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221112-ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-ukraina-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-asean-l%C3%AAn-%C3%A1n-nga

 

Trong cuộc họp báo bên lề Thượng đỉnh ASEAN, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba hôm nay 12/11/2022 kêu gọi các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lên án hành động xâm lược Ukraina của Nga. Ông tuyên bố rằng đây không đơn giản chỉ là một cuộc tấn công vào một quốc gia có chủ quyền, mà cũng là một cuộc tấn công vào hiến chương của Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc về toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền.

 

https://s.rfi.fr/media/display/db7c9e18-6286-11ed-9077-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/DSC_0344_1.webp

Ngoại trưởng Ukraina, Dmytro Kouleba trong cuộc họp báo tại Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 12/11/2022 © Thanh Phương RFI

 

Đồng thời ông cũng kêu gọi Matxcơva tiếp tục tham gia vào thỏa thuận ngũ cốc ký kết hôm 22/07, cho phép ngũ cốc Ukraina tiếp cận các thị trường thế giới. Nếu không được gia hạn, thỏa thuận này sẽ hết hạn vào ngày 19/11 tới. Ngoại trưởng Kouleba phát biểu :

 

Chủ đề quan trọng khác không chỉ về mặt thương mại, mà cả về mặt chính trị. Đó là việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraina ra thị trường toàn cầu thông qua các hành lang ngũ cốc, sáng kiến ngũ cốc, sáng kiến biển Đen do tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hẫu thuận.

 

Nga vẫn tiếp tục phải tham gia sáng kiến này. Tuy nhiên, tham gia thôi là không đủ. Điều quan trọng là phải bảo đảm rằng các thanh tra Nga tham gia vào sáng kiến này hành động một cách thiện chí và không có những hành vi « câu giờ » trong khâu kiểm tra tàu thuyền để cho phép ngũ cốc, ngô, dầu hướng dương Ukraina và các sản phẩm nông nghiệp khác được xuất ra thị trường toàn cầu một cách thuận lợi.

 

Việc làm này là nhằm kiểm soát được giá lương thực ở châu Phi, châu Á, và còn để cứu hàng triệu người khỏi nạn đói. Tôi kêu gọi tất cả các thành viên ASEAN thực hiện mọi biện pháp có thể để ngăn Nga không lấy lương thực làm lá bài gây sức ép. 

 

-------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

ASEAN - UKRAINA

ASEAN nên có lập trường mạnh mẽ hơn trên cuộc chiến Ukraina?

 

ASEAN - UKRAINA

Ukraina ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với ASEAN





No comments:

Post a Comment

View My Stats