Wednesday, 16 November 2022

DÁM LÀM ĐIỀU TỐT CHO DÂN (Huy Đức)

 



DÁM LÀM ĐIỀU TỐT CHO DÂN   

Huy Đức - Trương Huy San 

16-11-2022  01:21   

https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/pfbid02e27vVhQRiMvrtyBVnqxMy7FvjPytm3CMtSHGwvW9NGJSod5WjjcW8Cv7LnWUw9Qtl

 

Sự kiện Novaland cắt giảm 50% nhân sự hay Hòa Phát đóng 5 lò luyện thép chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Dân chúng vừa mất những khoản tiền chắt chiu nhiều năm lại đang bắt đầu đối diện với nạn thất nghiệp, với cơ hội mưu sinh dần dần thu hẹp. Doanh nghiệp, dân chúng không chỉ “mất thanh khoản”, người dân đang mất niềm tin vào nhiều định chế.

 

Điều gì đang là thứ tự ưu tiên trong các quyết định ở tầm vĩ mô. Các nhà lãnh đạo, các nhánh quyền lực [theo Hiến định] có [xếp giáo gươm] đứng bên nhau để chia sẻ tình huống mà quốc gia đang phải đối diện: kinh tế suy thoái, đời sống xã hội diễn biến khó lường.

 

Quốc hội vừa bế mạc với yêu cầu “ổn định vĩ mô”. Hy vọng là trong cái “vĩ mô” ấy có dân và đó không phải là sự “ổn định” của những “con số đẹp”.

 

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt [23-11-1922 – 23-11-2022], Cựu bộ trưởng Võ Hồng Phúc viết bài, kể hai câu chuyện:

 

1 – Xây dựng khu tái định cư cho những người dân bị cô lập – do cách di dời “tiết kiệm” – trong lòng hồ thủy điện Hòa Bình (1982);

 

2 – Kéo điện lên Văn Yên cho 30.000 dân phải di cư từ lòng hồ thủy điện Thác Bà [1988 – Thác Bà phát điện từ 1971 mà 30.000 dân này tới khi đó vẫn không có điện].

 

Cả hai quyết định đều được triển khai trước khi làm thủ tục xây dựng cơ bản và được đưa vào kế hoạch. Nguyên tắc của ông Võ Văn Kiệt rất đơn giản, “điều gì có lợi cho dân thì làm”.

Đất nước lúc này có ai sẵn sàng làm ngay những gì “có lợi cho dân”.

 

Ông Võ Văn Kiệt trở thành ủy viên chính thức Bộ chính trị năm 1982 và được đưa ra Hà Nội làm Phó Chủ tịch HĐBT vì những dấu ấn mà ông tạo được ở Sài Gòn nhờ “dám nghĩ, dám làm”, dám “xé rào”, phá bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp. Ông từng nói với bà Ba Thi, người được ông giao “đi buôn”, kiếm gạo cho người dân Thành phố: “Đừng tham ô thôi, nếu làm thế này mà phải đi tù thì tôi đưa cơm”.

 

Cùng thời với ông Võ Văn Kiệt, những nhà lãnh đạo địa phương được điều ra Trung ương đều phải là những người có thành tích nổi bật ở các địa phương như Đoàn Duy Thành (Hải Phòng), Nguyễn Văn Chính (Chín Cần – Long An), Nguyễn Văn Hơn (Sáu Hơn – An Giang)…

 

Thử nhẩm xem ở cả “Hùng Vương Đông” và “Hùng Vương Tây”, có những ai được cất nhắc trong mấy nhiệm kỳ qua nhờ từng gây dấu ấn ở địa phương hay ở ban, ngành cũ.

 

Phần lớn được cất nhắc, thay vì có thành tích lại thường do “quy hoạch”. Nhiều người trong số họ, khi ở địa phương hoặc khi được luân chuyển về địa phương, chỉ cố giữ cho tròn trịa, đảm bảo an toàn để bước lên những nấc thang đã được cơ cấu trước. Những người táo bạo, cho dù tạo ra nhiều thay đổi tích cực, thường lại chịu nhiều rủi ro hơn, cả chính trị và pháp lý, so với những người “chém vè”.

 

Ai bây giờ đứng ra tuyên bố, “Đừng tham ô thôi, nếu làm những việc có lợi cho dân mà có sai sót về thủ tục thì không ai kỷ luật”.

 

Chúng ta đang sống ở thời đại đã có những “hành lang pháp lý cho kinh tế thị trường”[phần lớn được xây dựng dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt và người kế nhiệm ông, Thủ tướng Phan Văn Khải]. Nhưng, với một số “hành lang pháp lý” nếu áp dụng cứng nhắc sẽ chỉ là nơi để cho các nhóm lợi ích diễn trò “quân xanh, quân đỏ”.

 

Đấu thầu, đấu giá là một hình thức tiến bộ trong chi tiêu công. Nhưng, ai tổ chức đấu thầu hoàn hảo hơn AIC, ai “giải ngân” ngân sách giỏi hơn “Chị Nhàn…”

 

Những ai vẫn lái xe đường trường, chỉ cần cảm nhận độ êm của tay lái là đã biết đoạn đường đó do tập đoàn Sơn Hải làm. Nhưng Sơn Hải vẫn thua thầu nhiều doanh nghiệp đang làm những đoạn đường nghiệm thu xong là xuống cấp. Cơ chế máy móc dung túng “ngụy nhà thầu” và ngay cả khi biết là “có lợi cho dân”, ai dám chỉ định thầu cho Sơn Hải.

 

Không phải là những việc “có lợi cho dân” mà tham nhũng luôn luôn “đúng quy trình” hơn cả.

 

Nếu không có tham nhũng, làm sao “ba xác chết” [Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Đệ nhất (Ficombank) và Ngân hàng Việt Nam Tín nghĩa], cuối năm 2011, có thể trở thành SCB [Trước khi hợp nhất, ba ngân hàng nói trên đã lâm vào tình trạng mất thanh khoản]. Nếu không có tham nhũng, làm sao một ngân hàng đã chết lâm sàng như Phương Nam có thể thôn tính Sacombank.

 

Nếu không có tham nhũng, Trương Mỹ Lan đã phải tra tay vào còng khi tầm sai phạm chỉ mới ở mức trên dưới mười ngàn tỉ.

 

Tham nhũng chính hiệu phải là những người nắm giữ các vị trí trong hệ thống quan quyền. Mục tiêu của công cuộc chống tham nhũng, vì thế, phải là quan tham thay vì chỉ là doanh nhân.

 

Một hành lang pháp lý mà không phân biệt được tội phạm kinh tế với những doanh nhân phạm sai lầm, phá sản thì trong cái hành lang ấy chỉ có thể nuôi dưỡng “thị trường hoang dã”.

 

Chúng ta biết “nhân dân nức lòng khi bắt được quan tham” chứ chúng ta không biết công việc làm ăn của dân bị đình trệ vì quan tham không dám ăn [hoặc có kẻ đánh liều ăn nhiều hơn trước].

 

Chống tham nhũng là phải làm minh bạch hơn môi trường kinh doanh chứ không phải là sự đổi ngôi của các ông trùm. Chống tham nhũng là phải dẹp đường cho những nhà lãnh đạo dám nghĩ, dám làm có cơ hội ra những quyết định có lợi cho dân chứ không phải khiến cho cả hệ thống thúc thủ hoặc hoảng sợ “bỏ của chạy lấy người” [như vụ Đồng Nai hủy giấy phép của Aqua City hôm trước]

 

Công cuộc chống tham nhũng bước sang năm thứ ba của nhiệm kỳ thứ hai. Trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, chưa có thời kỳ nào quan tham bị bắt nhiều như thời gian vừa qua. Vụ Việt Á (và cả vụ “giải cứu [trấn lột] công dân”) cho thấy, không thể không bắt tham nhũng. Nhưng, vụ Việt Á cũng cho thấy, nếu chỉ bắt bớ thì không thể nào chống được tham nhũng thật.

 

Cựu Bộ trưởng Lê Doãn Hợp có một ví von rất đáng suy nghĩ, “Phải xem lại cá đen hay nước đen. Nước đen thì đồng thời phải làm cho nước trong chứ nếu chỉ thay cá thì một thời gian nước lại làm đen những con cá sạch”.

 

Tội phạm không thể lựa chọn con đường lương thiện khi biết áo mão của các quan tòa chỉ là sự che đậy sơ sài. Quan chức không thể thôi tham nhũng khi nghĩ rằng những người giơ tay biểu quyết kỷ luật hay phát lệnh bắt mình chưa chắc đã trong sạch hơn mình. Chỉ khi thiết lập được niềm tin, thay vì chỉ vào một chiến dịch hay một cá nhân, phải thiết lập được niềm tin “chỉ làm điều tốt cho dân” vào một đội ngũ, vào cả thể chế thì hệ thống mới minh bạch, đất nước mới mong phát triển.

 

Hình :

https://www.facebook.com/photo/?fbid=5477753062259830&set=pcb.5477764595592010

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=5477753545593115&set=pcb.5477764595592010

 

.

520 BÌNH LUẬN  





No comments:

Post a Comment

View My Stats