Tuesday, 15 November 2022

CUỘC GẶP TRỰC TIẾP BIDEN - TẬP : KHÔNG THỂ CÓ CHUYỆN "BĂNG TAN" (tổng hợp)

 



NỘI DUNG :

Cuộc gặp trực tiếp Biden-Tập: Không thể có chuyện “băng tan”

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ
.

Biden gặp Tập Cận Bình, thảo luận về Đài Loan để ‘tránh đối đầu’

Người Việt Online

.

Thượng đỉnh Mỹ - Trung : Joe Biden vạch lằn ranh đỏ với Tập Cận Bình về Đài Loan

Minh Anh  -  RFI

 

G20: Biden và Tập Cận Bình sẽ thảo luận gì trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên tại Indonesia?

BBC News Tiếng Việt

.

Thượng đỉnh Biden – Tập Cận Bình : Mỹ khó thể lay chuyển chính sách Đài Loan của Trung Quốc

Minh Anh  -  RFI

.

====================================================

.

Cuộc gặp trực tiếp Biden-Tập: Không thể có chuyện “băng tan”

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ
14 tháng 11, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/cuoc-gap-truc-tiep-biden-tap-khong-the-co-chuyen-bang-tan/

 

Khi Joe Biden và Tập Cận Bình lần đầu tiên biết nhau cách nay 10 năm, Mỹ và Trung Quốc (TQ) đã xích lại gần nhau hơn sau ba thập niên. “Quỹ đạo của mối quan hệ không có gì khác ngoài sự tích cực, và nó hoàn toàn vì lợi ích chung của cả hai nước” – Biden nhận định với tư cách Phó Tổng thống Mỹ khi đến thăm Bắc Kinh.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1239315057.jpg

Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden trong cuộc hội thảo video ngày 18 Tháng Ba 2022 (ảnh: Liu Bin/Xinhua via Getty Images)

 

Khi Joe Biden và Tập Cận Bình lần đầu tiên biết nhau cách nay 10 năm, Mỹ và Trung Quốc (TQ) đã xích lại gần nhau hơn sau ba thập niên. “Quỹ đạo của mối quan hệ không có gì khác ngoài sự tích cực, và nó hoàn toàn vì lợi ích chung của cả hai nước” – Biden nhận định với tư cách Phó Tổng thống Mỹ khi đến thăm Bắc Kinh.

 

Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh

 

Vào thứ Hai, 14 Tháng Mười Một, giờ địa phương Bali, Indonesia, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, hai nhà lãnh đạo lại gặp nhau nhưng lần này với một cách thế khác. Sự tích cực và lạc quan của một thập niên trước đã được thay thế bằng sự nghi ngờ và thù địch lẫn nhau. Khi Biden trở lại Toà Bạch Ốc với tư cách Tổng thống, ông cho rằng mối quan hệ Mỹ-Trung đang ở tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên, với căng thẳng bùng phát trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, công nghệ, địa chính trị đến hệ tư tưởng.

 

Cuộc gặp trực tiếp ngày 14 Tháng Mười Một (cũng là cuộc tái ngộ đầu tiên giữa Biden và Tập kể từ khi Biden nhậm chức) diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với cả hai nhà lãnh đạo. Sau khi củng cố hơn nữa quyền lực của mình tại Đại hội Đảng Cộng sản TQ vào tháng trước, ông Tập đi vào cuộc họp với tư cách “lãnh đạo TQ quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông”. Trong khi đó, Biden đến châu Á sau màn trình diễn tốt hơn mong đợi của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ với việc đảng Dân chủ không chỉ giữ được Thượng viện mà còn giành chiến thắng lớn.

 

Nằm kẹt trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa hai cường quốc, Mỹ và TQ bất đồng về nhiều vấn đề lớn, từ Đài Loan, cuộc chiến Ukraine, Bắc Hàn, chuyển giao công nghệ đến hình dáng của trật tự thế giới mới. Theo các quan chức Mỹ, mục tiêu chính của cuộc gặp không phải là đạt được các thỏa thuận hoặc các nhiệm vụ (theo dự tính, hai lãnh đạo sẽ không đưa ra bất kỳ tuyên bố chung nào) mà là “để hiểu rõ hơn về các ưu tiên của nhau và giảm thiểu những đánh giá sai lầm”. Ngày thứ Bảy tuần trước, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nhắc lại quan điểm này tới các phóng viên trên chiếc chuyên cơ Air Force One khi ông lưu ý: “Cuộc gặp khó có thể dẫn đến bất kỳ đột phá lớn hoặc thay đổi mạnh mẽ nào trong mối quan hệ giữa hai nước”.

 

Ở Bắc Kinh, hy vọng thiết lập lại quan hệ như cũ với Washington cũng thấp. Thời Ân Hoàng (Shi Yinhong), giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân, nhận định: “Sẽ là kỳ vọng quá lớn nếu tin cuộc gặp có thể dẫn đến bất kỳ sự cải thiện lâu dài và đáng kể nào trong quan hệ song phương! Dựa vào thực tế TQ và Mỹ đang ở trong tình trạng gần như đối đầu và đối đầu, không có nhiều chỉ dẫn để dự đoán sẽ có sự đả thông trong các vấn đề chính hai bên đều quan tâm. Trung tâm của khác biệt là cách hai quốc gia nhìn nhận động cơ của nhau, và những động cơ của bên kia có hại cho lợi ích quốc gia họ như thế nào”.

 

Scott Kennedy, cố vấn cấp cao về kinh doanh và kinh tế TQ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS ) ở Washington, người vừa trở về sau chuyến thăm TQ kéo dài một tuần nhận định: “Người TQ tin rằng ưu tiên của Mỹ là kiềm chế TQ. Còn Mỹ tin rằng ưu tiên của TQ là làm cho thế giới an toàn hơn đối với các quốc gia độc tài, đẩy Mỹ ra khỏi châu Á và làm suy yếu các liên minh của Mỹ. Hai bên đổ lỗi hoàn toàn cho nhau về tình trạng xấu của mối quan hệ và bên này tin họ làm tốt hơn bên kia trong tình hình hiện nay. Người TQ nghĩ họ đang thắng, người Mỹ cũng nghĩ mình đang thắng. Vì vậy, cả hai sẵn sàng chịu trả giá. Bên này nghĩ bên kia rất khó có thể tạo ra bất kỳ thay đổi đáng kể nào. Tất cả những khác biệt đó làm giảm khả năng điều chỉnh mối quan hệ”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-489888226.jpg

Chủ tịch Tập Cận Bình được Phó Tổng thống Joe Biden đón tại Washington DC ngày 24 Tháng Chín 2015 (ảnh: Xinhua/Huang Jingwen via Getty Images)

 

Trong chuyến đi của Biden tới TQ năm 2011, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau và dùng bữa tại Bắc Kinh và thành phố Tây Nam Thành Đô. Họ cũng đã có một chuyến đi sâu vào vùng núi Tứ Xuyên để thăm một trường trung học nông thôn được xây dựng lại sau trận động đất chết người. Năm sau, Tập có chuyến thăm tới Mỹ theo lời mời của Biden. Biden cũng bay đến Los Angeles để gặp Tập trong chặng cuối cùng của chuyến công du. Các cuộc gặp gỡ trực tiếp của họ tiếp tục diễn ra sau khi Tập lên nắm quyền vào năm 2012. Lần cuối cùng họ gặp mặt trực tiếp là vào năm 2015, trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông Tập tới Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của TQ.

 

Khi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc giảm mạnh, động lực thân thiện từng có giữa hai nhà lãnh đạo cũng thay đổi. Tập là một người theo chủ nghĩa cứng rắn về ý thức hệ và tin tưởng TQ sẽ trở lại trung tâm sân khấu thế giới. Trong khi đó, Biden ngày càng cảm thấy khó chịu trước sự độc tài của TQ dưới thời Tập và xem sự cạnh tranh giữa hai nước như một cuộc chiến giữa chuyên quyền và dân chủ. Mùa hè năm ngoái, Biden đã công khai từ chối việc được coi là “bạn cũ” của Tập. “Nói thẳng thế này. Chúng tôi biết rõ về nhau nhưng không phải là bạn cũ mà tất cả chỉ là vấn đề công việc” – ông khẳng định – dẫn lại từ CNN.

 

Đánh giá của các chuyên gia

 

Thứ Tư tuần trước, Biden nói trong một cuộc họp báo rằng ông chỉ muốn nhân cuộc họp này để “xác định ranh giới đỏ của bên này đối với bên kia”, nhưng các chuyên gia tin rằng không thể đơn giản như thế. Đối với Bắc Kinh, không có lằn ranh đỏ nào rõ ràng hoặc quan trọng hơn tuyên bố của Tập đối với Đài Loan, một nền dân chủ tự quản mà Đảng Cộng sản TQ chưa bao giờ kiểm soát. Ông Tập coi “thống nhất” với hòn đảo là một vấn đề then chốt chưa được giải quyết trên con đường hướng tới “sự trẻ hóa tuyệt vời” của Trung Quốc, một tầm nhìn kiên định về tương lai mà ông thề sẽ đạt được vào năm 2049.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-453444607.jpg

Phó Tổng thống Joe Biden trong chuyến công du Bắc Kinh ngày 4 Tháng Mười Hai 2013 (ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

 

Và có lẽ không có Tổng thống Mỹ nào khiến Bắc Kinh tức giận vì Đài Loan trong vài thập niên gần đây hơn Biden, người đã bốn lần nói Mỹ sẽ bảo vệ hòn đảo này trong trường hợp bị TQ xâm lược. Washington thừa nhận quan điểm của Bắc Kinh rằng Đài Loan là một phần của TQ, nhưng chưa bao giờ chấp nhận tuyên bố chủ quyền của họ đối với hòn đảo này. Mỹ cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan, nhưng vẫn lấp lửng về việc liệu họ có can thiệp quân sự nếu TQ tấn công hòn đảo này không (một chính sách được gọi là “mơ hồ chiến lược”). TQ đã nhiều lần cáo buộc Mỹ “đùa với lửa” và biến chính sách “một TQ” thành sáo mòn! Sự tức giận của Bắc Kinh lên đến đỉnh điểm vào Tháng Tám qua, khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến Đài Bắc.

 

Giờ đây, hai nhà lãnh đạo lại ngồi trong cùng một phòng (kết quả của nhiều tuần thảo luận căng thẳng giữa hai bên) và Đài Loan sẽ nằm trong danh sách ưu tiên chương trình nghị sự của họ. Nhưng trong một dấu hiệu sẽ xảy ra tranh cãi, Biden đã nói “sẽ không có nhượng bộ cơ bản” đối với ông Tập, và cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã công bố kế hoạch thông báo cho Đài Loan về các cuộc đàm phán để làm cho Đài Bắc cảm thấy yên tâm. Kế hoạch đó đã thu hút sự lên án ngay lập tức từ Bắc Kinh. “Bản chất kế hoạch này là cực kỳ nghiêm trọng” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) tuyên bố vào thứ Sáu tuần trước.

 

Các chủ đề chính khác trong chương trình nghị sự gồm cuộc chiến ở Ukraine, cũng như các lĩnh vực mà Mỹ hy vọng sẽ hợp tác tốt với TQ, chẳng hạn các hành động khiêu khích mới đây của Bắc Hàn và biến đổi khí hậu. Về vấn đề Bắc Hàn, kể từ Tháng Ba năm ngoái, TQ đã ngừng coi việc phi hạt nhân hóa Bắc Hàn là một yếu tố cơ bản của chính sách Bán đảo Triều Tiên. Về hợp tác khí hậu cũng không khả quan hơn. TQ và Mỹ có thể tìm thấy nhiều lợi ích chung về vấn đề này, nhưng khi nói về cách đối phó cụ thể với biến đổi khí hậu, nó luôn dẫn đến sự đối kháng về chính sách và cạnh tranh về ý thức hệ và ảnh hưởng toàn cầu.

.

================================================

.

Biden gặp Tập Cận Bình, thảo luận về Đài Loan để ‘tránh đối đầu’

Người Việt Online

November 14, 2022

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/biden-gap-tap-can-binh-thao-luan-van-de-dai-loan-de-tranh-doi-dau/

 

NUSA DUA, Indonesia (NV) — Tổng Thống Joe Biden trong cuộc họp với Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Indonesia hôm Thứ Hai, 14 Tháng Mười Một, bày tỏ sự bất bình về “các hành động hung hăng và đe dọa” của Trung Quốc đối với Đài Loan, khi tìm cách giải quyết các khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc kinh tế nhất, nhì thế giới, theo AP.

 

Cuộc họp kéo dài gần ba giờ đồng hồ này được coi là quan trọng nhất trong chuyến công du kéo dài bảy ngày quanh thế giới của ông Biden và diễn ra trong lúc hai quốc gia đi vào khúc quanh quan trọng do các căng thẳng tăng cao trong lãnh vực kinh tế và an ninh.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/11/BidenXi-111422-1536x1024.jpg

Tổng Thống Joe Biden và Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nusa Dua, Indonesia. (Hình: Saul Loeb/AFP via Getty Images)

 

Phát biểu trong một cuộc họp báo sau đó, Tổng Thống Biden nói rằng nước Mỹ sẽ “cạnh tranh mạnh mẽ với Trung Quốc nhưng tôi không trông đợi có cuộc chiến tranh.”

 

Ông Biden cũng nói thêm rằng, “Tôi hoàn toàn tin rằng không cần có một cuộc Chiến Tranh Lạnh với Trung Quốc.”

 

Tổng Thống Biden tái khẳng định lập trường của Mỹ về chính sách “Một Trung Quốc,” theo đó công nhận chính quyền Bắc Kinh trong khi tiếp tục có các giao thiệp không chính thức và trợ giúp quốc phòng cho Đài Loan.

 

Ông Biden nhận định rằng dù rằng phía Trung Quốc hùng hổ khoa trương sức mạnh quân sự nhắm vào Đài Loan thời gian gần đây, hiện không thấy có chỉ dấu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ sớm tấn công Đài Loan.

 

Phía chính quyền Trung Quốc nói trong cuộc họp ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng “Vấn đề Đài Loan là tâm điểm của các quyền lợi chính yếu nhất của Trung Quốc, và cũng là lằn ranh đỏ đầu tiên không được xâm phạm trong mối quan hệ Mỹ – Trung.”

 

Tổng Thống Biden nói ông và ông Tập Cận Bình thảo luận về cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine, đồng thời “tái xác định sự tin tưởng mạnh mẽ của chúng tôi” rằng đe dọa dùng võ khí nguyên tử là điều “hoàn toàn không thể chấp nhận.

 

Đây là sự ám chỉ đến đe dọa trước đây của Moscow rằng sẽ dùng võ khí nguyên tử ở Ukraine sau các thất bại nặng nề trong cuộc xâm lăng.

 

Tuy cuộc họp không đưa đến sự đột phá quan trọng nào trong mối quan hệ giữa hai quốc gia, hai ông Biden và Tập Cận Bình đồng ý sẽ nối lại hợp tác trong một số lãnh vực của thế giới, như thay đổi khí hậu, ổn định lương thực và y tế vốn đã bị ngưng lại sau chuyến viếng thăm của chủ tịch Hạ Viện Mỹ, bà Nancy Pelosi tại Đài Loan hồi Tháng Tám vừa qua.

Tổng Thống Biden nói ông thấy ông Tập Cận Bình không có gì thay đổi.

 

Ông Biden nhận định về ông Tập Cận Bình như sau: “Tôi thấy ông ta không tỏ vẻ hung hăng hơn hay hòa hoãn hơn. Tôi thấy ông ta vẫn là người nói thẳng, không quanh co.” (V.Giang) [kn]

.

================================================

.

Thượng đỉnh Mỹ - Trung : Joe Biden vạch lằn ranh đỏ với Tập Cận Bình về Đài Loan

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 14/11/2022 - 11:24

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221114-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB....BB%81-%C4%91%C3%A0i-loan

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày hôm nay, 14/11/2022, bên lề thượng đỉnh G20, tại Bali, Indonesia. Đài Loan, Bắc Triều Tiên, Ukraina và Công nghệ là những chủ đề được lãnh đạo hai bên đề cập tới.

 

https://s.rfi.fr/media/display/343eae06-6403-11ed-8449-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/000_32NG8P4.webp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau tại Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. AFP - SAUL LOEB

 

Theo AFP, đây là cuộc gặp trực diện Mỹ - Trung đầu tiên kể từ khi Joe Biden bước chân vào Nhà Trắng cách nay gần hai năm. Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh cả hai nguyên thủ vừa củng cố được quyền lực : đảng Dân Chủ của tổng thống Biden vẫn giữ được quyền kiểm soát Thượng Viện trong kỳ bầu cử giữa kỳ ; ông Tập Cận Bình tiếp tục làm tổng bí thư nhiệm kỳ ba, sau Đại Hội 20 của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

 

Quan hệ Mỹ - Trung xuống cấp nghiêm trọng ngay từ thời tổng thống Donald Trump. Trước cuộc gặp hôm nay, tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố muốn « xác định những lằn ranh đỏ » với Trung Quốc. Chủ nhân Nhà Trắng giải thích thêm rằng « Hoa Kỳ sẵn sàng cho một cuộc cạnh tranh dữ dội với Trung Quốc nhưng không tìm cách đối đầu ».

 

Về phần mình, Trung Quốc thông qua phát biểu từ bộ Ngoại Giao hôm nay cũng bày tỏ mong muốn tái lập mối quan hệ song phương « theo đúng hướng ».  

 

Từ Bali, Indonesia, đặc phái viên Mounia Daoudi điểm lại những hồ sơ mà nguyên thủ hai nước đề cập tới: 

 

« Đây là lần đầu tiên cả hai nguyên thủ gặp nhau kể từ khi Joe Biden bước chân vào Nhà Trắng cách nay gần hai năm. Mối quan hệ giữa hai nước, vốn dĩ đã bị suy yếu dưới thời tổng thống Trump, đã xuống cấp nghiêm trọng hơn kể từ đó. Và cuộc gặp đầu tiên này sẽ là dịp để san bằng các bất đồng. 

 

Hơn nữa trước khi đến Bali, Joe Biden đã tuyên bố muốn vạch ra những lằn ranh đỏ với Trung Quốc. Lẽ dĩ nhiên, người ta nghĩ đến Đài Loan. Tổng thống Mỹ nhắc lại tầm quan trọng của hòa bình và tự do lưu thông hàng hải tại eo biển Đài Loan và vùng Biển Đông. 

 

Về hồ sơ Bắc Triều Tiên và những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, Joe Biden lại sẽ nhắc rằng nếu chế độ này vẫn kiên quyết giữ thái độ hiếu chiến, Mỹ sẽ không còn chọn lựa nào khác là củng cố sự hiện diện quân sự trong vùng, đó cũng là điều Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ. 

 

Cuộc chiến tại Ukraina và những hệ quả của chúng đối với nền kinh tế thế giới cũng được đề cập đến, tuy ít ồn ào trên báo chí hơn, nhưng cũng rất quan trọng. Rồi chiến tranh thương mại mà cả hai bên đều tiến hành.  

 

Và hồ sơ cuối cùng là lệnh cấm xuất khẩu các chip điện tử cao cấp và các công nghệ dùng để sản xuất những con chip này của Washington. Một quyết định gây ra những hậu quả tai hại cho lĩnh vực công nghệ Trung Quốc. » 

.

===================================================

.

G20: Biden và Tập Cận Bình sẽ thảo luận gì trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên tại Indonesia?

BBC News Tiếng Việt

14 tháng 11 2022, 13:31 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cyeknx5d7n3o

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2015 đến nay tại Bali vào chiều nay theo giờ Việt Nam. Cuộc gặp rất được chờ đợi này diễn ra ngay trước thềm Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Bali (Indonesia), vốn sẽ chính thức bắt đầu vào ngày mai 15/11.

 

Dự kiến ông Biden và ông Tập Cận Bình sẽ thảo luận về tình Đài Loan, Ukraine và các tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn, đây là những vấn đề sẽ nằm trong chương trình nghị sự tại G20.

 

Ông Biden nói hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ "vạch ra điều gì là lằn ranh đỏ của mỗi bên" liên quan đến Đài Loan.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự Thượng đỉnh G20 lần nay tại Indonesia với lý do quá bận, theo Điện Kremlin.

 

Thay vào đó Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov sẽ đại diện ông Putin tham dự G20 - lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến tranh Ukraine bùng phát vào tháng Hai.

 

Trước đó, ông Biden nói với các lãnh đạo ASEAN tại Campuchia là các kênh liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn để mở để phòng ngừa xung đột, và gần như chắc chắn là các cuộc hội đàm khó khăn sẽ diễn ra trong những ngày tới đây.

 

Họp thượng đỉnh Đông Á, Mỹ nói muốn tránh xung đột với TQ, Nga cáo buộc phương Tây 'quân sự hóa' Châu Á

Đức muốn Việt Nam có 'lập trường rõ ràng' về cuộc chiến Ukraine

Mỹ muốn chơi trong sân sau của Trung Quốc

 

Mỹ muốn "cạnh tranh mạnh mẽ" với Trung Quốc trong khi "đảm bảo sự cạnh tranh không dẫn tới xung đột", ông Biden nói, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của eo biển Đài Loan trong bài phát biểu tại Thượng đỉnh Đông Á tại Campuchia.

 

Ông Biden đã đến Bali vào tối Chủ nhật 13/11.

 

Thế nhưng giới chức Mỹ cho biết vẫn có các nỗ lực thầm lặng từ phía Bắc Kinh và Washington trong vòng hai tháng qua để hàn gắn mối quan hệ.

 

"Những cuộc gặp này không diễn ra một cách tách biệt, đều thuộc một phần của một quy trình rất kéo dài," một quan chức trong chính quyền Biden nói. "Chúng tôi đã tham gia vào hàng chục, hàng chục giờ nghiêm túc, kéo dài trong nền ngoại giao thầm lặng đằng sau hậu trường.

 

"Tôi nghĩ chúng tôi cảm thấy hài lòng trước sự nghiêm túc của cả hai phía trong quá trình đó."

 

Ông Biden và Tập Cận Bình đã có năm cuộc điện đàm và video kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống vào tháng 01/2021, lần cuối cùng gặp gỡ trực tiếp là vào thời kỳ chính quyền cựu Tổng thống Obama, khi đó ông Biden là Phó Tổng thống Mỹ.

 

Họp thượng đỉnh Đông Á, Mỹ nói muốn tránh xung đột với TQ, Nga cáo buộc phương Tây 'quân sự hóa' Châu Á

Đức muốn Việt Nam có 'lập trường rõ ràng' về cuộc chiến Ukraine

Mỹ muốn chơi trong sân sau của Trung Quốc

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1c14/live/88b80cd0-63e4-11ed-b950-4dadc68f0cfc.jpg.webp

Tổng thống Biden đã đến Indonesia vào hôm qua 13/11

 

Cuộc gặp mặt trực tiếp sẽ diễn ra tại khách sạn The Mulia ở vịnh Nusa Dua ở Bali. Có thể không đưa ra được tuyên bố chung, như Nhà Trắng đã tuyên bố, nhưng cuộc gặp có thể giúp làm vững chắc mối quan hệ song phương.

 

Lưu Á Vĩ (Yawei Liu), Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Carter Center's China Program nói với BBC Tiếng Trung: "Tôi nghĩ thái độ của Trung Quốc giờ đây rất rõ ràng... Bắc Kinh muốn phục hồi mối quan hệ."

 

Ông Lưu cũng lưu ý là trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, Ngoại trưởng Vương Nghị đã thăm Mỹ và nói rõ với giới chức Mỹ là Bắc Kinh và Washington phải tìm sự chắc chắn trong việc cùng tồn tại một cách hòa bình".

 

Nhưng ông Lưu cũng bi quan về chuyện cuộc gặp lần này sẽ dẫn đến một sự đột phá.

"Mỹ thực hiện, thường theo một phong cách rất cứng rắn," ông nói, viện dẫn lệnh cấm gần đây của Mỹ trong việc xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc.

 

Ông Lưu cũng lưu ý là Biden đã nhấn mạnh Washington không tìm kiếm sự xung đột.

"Nhưng cảm nhận từ phía Trung Quốc là Mỹ không hành động như những gì Mỹ nói. Ví dụ, Mỹ nói tuân theo chính sách 'Một Trung Quốc' nhưng đã có nhiều động thái nhỏ liên quan đến vấn đề Đài Loan."

 

Mỹ-Trung: Đài Loan là chương trình nghị sự hàng đầu của Tập và Biden

Mỹ có thể sống trong thế giới của Tập Cận Bình hay không

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/6649/live/c31bdd70-63e4-11ed-b950-4dadc68f0cfc.jpg.webp

Ông Biden và Tập Cận Bình đã có năm cuộc điện đàm và video kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống vào tháng 01/2021

 

Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ tham dự phiên khai mạc G20 vào ngày thứ Ba 15/11.

Một trong những chủ đề chính tại G20 sẽ là cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine và Biden sẽ "không nói lời xin lỗi" trong việc bảo vệ các quốc gia châu Âu, giới chức Mỹ nói hồi tuần rồi.

 

Tập Cận Bình và Putin đã trở nên ngày càng gắn bó với nhau hơn trong những năm gần đây, cùng chia sẻ việc mất lòng tin vào Phương Tây và cũng đã tái khẳng định mối quan hệ đối tác chỉ vài ngày trước khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine.

 

Trung Quốc cũng đã cẩn trọng không cung cấp sự hỗ trợ nào cho Nga vì có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt của Phương Tây nhằm vào mình.

 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh đến "tính vô trách nhiệm" trong những lời đe dọa hạt nhân tại Thượng đỉnh Đông Á ở Campuchia, đưa ra gợi ý là Trung Quốc không thấy thoải mái trước những tuyên bố hạt nhân từ đối tác Nga, một quan chức chính quyền Biden nói.

 

Phương Tây cũng cáo buộc Nga đưa ra những tuyên bố vô trách nhiệm về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu. Nga đến lượt mình đã cáo buộc Phương Tây có ngôn từ hạt nhân "mang tính khiêu khích".

 

"Cũng có những lĩnh vực mà Trung Quốc và Nga cùng phối hợp để làm sâu sắc và mở rộng mối quan hệ về mặt kinh tế," một quan chức Mỹ nói. "Nhưng đối với một vài các vấn đề lớn này, tôi nghĩ chắc chắc là có một sự không thoải mái nào đó tại Bắc Kinh về điều chúng ta chứng kiến về ngôn từ không cẩn trọng và hoạt động về phía của Nga."

 

Ngoại trưởng Lavrov nói hôm Chủ nhật 13/11 là Phương Tây "đang quân sự hóa" Đông Nam Á nhằm kiềm hãm các lợi ích của Nga và Trung Quốc, tuyên bố được xem sẽ khơi màu có thêm sự đối đầu giữa các lãnh đạo Phương Tây tại G20.

.

================================================

.

Thượng đỉnh Biden – Tập Cận Bình : Mỹ khó thể lay chuyển chính sách Đài Loan của Trung Quốc

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 14/11/2022 - 14:46

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20221114-thuong-dinh-biden-tap-can-binh-chinh-sach-dai-loan-trung-quoc-my

 

Hôm nay, 14/11/2022, tại Bali, Indonesia, tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cái bắt tay đầu tiên từ khi tổng thống Joe Biden bước vào Nhà Trắng cách nay gần hai năm. Trong cuộc gặp trực diện đầu tiên này, hồ sơ Đài Loan là chủ đề quan trọng nhất. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, Washington khó thể làm lung lay lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề này.

 

https://s.rfi.fr/media/display/de55f476-641c-11ed-a0a8-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/AP22318366495860.webp

Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) bắt tay đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc gặp đầu tiên tại Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. AP - Alex Brandon

 

Theo giải thích của nhà nghiên cứu về Đông Á, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược trên đài RFI, trong cuộc gặp tại Bali, Joe Biden một lần nữa nhấn mạnh rằng « chính sách Đài Loan của Mỹ là không thay đổi, rằng Washington không hậu thuẫn các tuyên bố độc lập chính thức từ phía Đài Bắc ». Mặt khác, chủ nhân Nhà Trắng cũng muốn tìm cách thăm dò các ý định của Tập Cận Bình đối với hòn đảo trong những năm sắp tới.  

 

Tuy nhiên, Quinn Marschik, chuyên gia về Chiến lược Cộng đồng nói tiếng Hoa, trợ lý giám đốc tại Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia, trên trang mạng Responsible Statecraft, đưa ra bốn lý do để giải thích vì sao Tập Cận Bình sẽ không thay đổi chính sách đối với Đài Loan, và Bắc Kinh chưa hẳn dùng đến vũ lực như là một phương tiện để hợp nhất hai bờ eo biển Đài Loan.  

 

Thứ nhất, tại Đại Hội 20 ĐCSTQ, các phát biểu của ông Tập không có gì thay đổi đáng kể. Lãnh đạo đảng CSTQ vẫn nhắc lại lập trường tìm kiếm một sự thống nhất hòa bình, nhưng không loại trừ khả năng dùng vũ lực. Những tuyên bố này cũng phù hợp với Luật chống ly khai và Sách Trắng về chính sách Đài Loan. Nếu như hợp nhất hòa bình theo một hình « Một quốc gia, hai thể chế » xem như là không thể, thì việc hợp nhất hòa bình vẫn có thể xảy ra, cho dù là cưỡng chế.  

 

Thứ hai, khi Trung Quốc đưa điều khoản « phản đối độc lập của Đài Loan » vào trong Hiến Pháp thì điều đó có nghĩa là nhằm chống lại ảnh hưởng của mọi đảng phái hay nhóm chính trị nào ở Đài Loan và những ai tích cực hậu thuẫn hay chính thức cho Đài Loan. Điều này bao gồm cả Đảng Dân Tiến (DPP) đang cầm quyền của bà Thái Anh Văn. Nếu DPP vẫn tiếp tục cầm quyền vào năm 2024, Bắc Kinh vẫn sẽ duy trì chiến lược cô lập Đài Loan. Ngược lại, nếu DPP thất cử, Bắc Kinh rất có thể mở cửa để nêu ra những mối lợi của một chế độ không do DPP lãnh đạo và không đòi ly khai.  

 

Thứ ba là việc ông Vương Hổ Ninh được cất nhắc lên vị trí thứ tư của ban lãnh đạo đảng CSTQ. Nhân vật này sẽ tiếp tục đường lối của Uông Dương, và sẽ là người chỉ đạo chính sách Đài Loan sau Tập Cận Bình. Ông Uông Dương từng cho rằng, một sự hợp nhất sẽ bảo đảm tốt hơn cho sự tồn vong của đảng CSTQ. Định chế chính trị này chỉ vững mạnh và một Nhà nước hùng mạnh là cần thiết để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và phát triển các lợi ích của Trung Quốc.   

 

Uông Dương dường như từng cố vấn cho Tập Cận Bình rằng nên chờ đợi tái thống nhất một khi Trung Quốc đã xác định được vị thế của mình nhằm giảm thiểu các rủi ro quân sự, kinh tế và khai thác tối đa thắng lợi quân sự. Được ví như là một chiến lược gia, người vạch ra « giấc mơ Trung Hoa » và hợp nhất Đài Loan, Vương Hổ Ninh có thể chủ trương gia tăng các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đài Loan.  

 

Cuối cùng, các bổ nhiệm của Tập trong hàng ngũ lãnh đạo chung cho đảng CSTQ mang dáng dấp của việc tiếp nối chính trị hơn là chuẩn bị một cuộc chiến xâm chiếm. Việc Vương Nghị thay thế Dương Khiết Trì để phụ trách đối ngoại cho đảng CS, và đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Qin Gang rất có thể sẽ thay ông Vương Nghị nắm chức vụ ngoại trưởng, cho thấy Bắc Kinh sẽ tiếp tục các đường lối ngoại giao cứng rắn và quyết đoán hơn. Hai nhân vật này có thể sẽ phải làm việc với các nước phi phương Tây để củng cố nguồn hậu thuẫn và tính chính đáng quốc tế, hoặc ít nhất là sự đồng tình cho việc hợp nhất Đài Loan hòa bình hay cưỡng ép.  

 

Tóm lại, theo tác giả bài viết, Bắc Kinh chưa sẵn sàng cho việc ép buộc thống nhất vào lúc này, Trung Quốc sẽ chờ đợi cho đến khi chắc chắn giành được chiến thắng. 

 

*

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Taiwan Policy Act : Một công cụ mới để Hoa Kỳ « răn đe » Trung Quốc ?

 

Trung Quốc: Mọi ý đồ can thiệp của nước ngoài về Đài Loan "sẽ bị lịch sử nghiền nát"

 

Mỹ kêu gọi Trung Quốc duy trì « hòa bình và ổn định » tại eo biển Đài Loan

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats