Tuesday, 15 November 2022

APPLE ÁP DỤNG CHÍNH SÁCH “BA KHÔNG” CỦA VIỆT NAM Ở TRUNG QUỐC (Kim Lan / Saigon Nhỏ)

 



Apple áp dụng chính sách “ba không” của Việt Nam ở Trung Quốc

Kim Lan  -  Saigon Nhỏ

13 tháng 11, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/apple-ap-dung-chinh-sach-ba-khong-cua-viet-nam-o-trung-quoc/

 

Những người dùng iPhone tại Trung Quốc đã ngỡ ngàng khi nhận được gói cập nhật mới nhất của Apple, iOS 16.1.1. Tin tức về những thay đổi không được chia sẻ trong phần ghi chú của iOS 16.1.1, vì phần cập nhật này được nhận định để phục vụ chủ yếu cho chính quyền Bắc Kinh.

 

Tính năng AirDrop của Apple luôn được đánh giá là đặc biệt và thú vị vì phương thức truyền tập tin nhanh chóng, và tiện lợi của hệ điều hành IOS. Thế nhưng trong gói cập nhật mới, tính năng chia sẻ file không dây phổ biến của công ty giới hạn 10 phút để chọn nhận file từ mục “Everyone” hoặc những người được lưu trữ trong danh bạ của điện thoại. Sau 10 phút, iPhone sẽ quay trở lại chế độ chỉ nhận file từ danh bạ đã ghi sẵn – Tức là những người có thể kiểm soát được. Trước đây không có chuyện này.

 

Hành động này của Apple diễn ra sau khi những người biểu tình ở Trung Quốc đại lục, được cho là đã sử dụng AirDrop, tính năng gửi ảnh và file tài liệu nhanh chóng qua Bluetooth, để chia sẻ tài liệu phản đối chính quyền. Chính sách “zero-covid” của Trung Quốc, cùng với các chính sách độc tài khác, đã làm dấy lên các cuộc phản đối và phản đối trực tuyến mới trong những tuần gần đây ở nước này. Trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong vào năm 2019, những người biểu tình đã sử dụng AirDrop để phổ biến các hướng dẫn địa chỉ tập trung, cách thức chống hơi cay và tài liệu tố cáo chính quyền với công chúng.

 

Apple nói với Bloomberg rằng tính năng này sẽ được sớm tung ra toàn cầu trong năm tới, nhưng không trả lời các yêu cầu bình luận về vấn đề phục vụ chính quyền. Apple sau thời kỳ của Steve Jobs, đã trở thành một công ty liên kết với bất cứ đâu miễn làm ra lợi nhuận thậm chí phục vụ chuyện chống lại con người. Năm 2011, một tài liệu bí mật từ Apple bị tiết lộ cho thấy Giám đốc điều hành Tim Cook đã ký một thỏa thuận vào năm 2016, hứa hẹn với Bắc Kinh đầu tư $275 tỷ vào nước này trong năm năm, để đổi lấy việc giảm bớt áp lực đối với hoạt động kinh doanh của công ty. Có thể việc thay đổi những giá trị tích cực của các tính năng trong hệ điều hành iOS ở Trung Quốc, cũng nằm trong những thỏa thuận này.

Tương tự như chính sách “ba không” của Việt Nam áp dụng với thế giới, tất cả công ty làm ăn ở Trung Quốc đều tuân thủ chính sách xóa bỏ thẳng tay tất cả những gì được gọi là chống lại việc làm ăn của họ, hay với tên gọi mỹ miều hơn là tuân thủ luật pháp của nhà nước sở tại. Nhiều năm nay, nhà sản xuất iPhone đã bị các nhà hoạt động dân quyền chỉ trích vì việc tuân thủ các quy tắc phức tạp của Trung Quốc nhằm vào những người bất đồng chính kiến. Trong vài năm qua, Apple đã bị cáo buộc hợp tác với các nhà kiểm duyệt Trung Quốc xóa bỏ một loạt ứng dụng podcast và một ứng dụng bản đồ được các nhà vận động ủng hộ dân chủ ở Hong Kong sử dụng. Những ứng dụng VPN vượt tường lửa và đào thoát khỏi sự kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc cũng đã bị Apple lẳng lặng tháo bỏ khỏi App Store trên nước này.

 

Đáng lo ngại là, nhiều tiết lộ chi tiết về mối quan hệ với chính quyền Trung Quốc tiếp tục xuất hiện. Theo một loạt tài liệu được The New York Times xem xét, Apple đã “nhượng lại quyền kiểm soát” các trung tâm dữ liệu của mình ở Quý Dương (Guiyang) – và ở khu vực Nội Mông cho chính phủ Trung Quốc. Các thỏa hiệp của Appple với Bắc Kinh được cho là xuất hiện sau một đạo luật được thông qua vào năm 2016, tương tự như luật an ninh mạng của Việt Nam, yêu cầu tất cả “thông tin cá nhân và dữ liệu quan trọng” được thu thập ở Trung Quốc phải ở trong nước. Sau đó, Apple bị cáo buộc đã chuyển dữ liệu iCloud của khách hàng Trung Quốc từ các máy chủ đặt bên ngoài nước này sang mạng của một công ty nhà nước Trung Quốc, được gọi là Guizhou-Cloud Big Data (GCBD). Theo Times, họ đã làm điều này theo lời khuyên của nhóm nghiên cứu Trung Quốc, như một phần của dự án được biết đến trong nội bộ là “Golden Gate”. Điều này cũng được cho là cho phép Apple tự bảo vệ mình trước luật pháp Mỹ, vốn cấm các công ty Mỹ giao dữ liệu cho cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc.

 

Apple cũng được cho là đã hợp tác với chính phủ Trung Quốc về mã hóa, nhưng cuối cùng đã chuyển các khóa kỹ thuật số mở khóa thông tin cá nhân của khách hàng từ Mỹ sang Trung Quốc. Tương tự như việc thay đổi tính năng của AirDrop, Apple luôn trả lời như người phát ngôn của các bộ ngoại giao các quốc gia độc tài, rằng “các bản cập nhật là để cải thiện dịch vụ iCloud ở Trung Quốc đại lục và tuân thủ các quy định của Trung Quốc”.

 

Ngoài việc xử lý dữ liệu của mình, Apple cũng tiếp tục chủ động xóa phần mềm theo yêu cầu của các nhà kiểm duyệt của Trung Quốc. Một phân tích của Times cho thấy hàng chục ngàn ứng dụng (apps) đã biến mất khỏi App Store ở Trung Quốc trong vài năm qua, và nhiều hơn những gì được biết trước đây. Chúng bao gồm các dịch vụ tin tức nước ngoài, hẹn hò đồng tính nam và các ứng dụng nhắn tin được mã hóa. Nó cũng chặn các ứng dụng về Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng, người đã bỏ trốn khỏi Trung Quốc vào năm 1959 sau một cuộc nổi dậy chống lại sự thống trị của Trung Quốc thất bại.

 

Dĩ nhiên, Apple luôn bác bỏ các điều tra này. Công ty này cho biết họ đã thiết kế bảo mật iCloud “theo cách mà chỉ Apple mới có quyền kiểm soát các khóa mã hóa”. Bên cạnh đó, Apple còn nói thêm rằng một số tài liệu mà Times biết được, đã lỗi thời và các trung tâm dữ liệu của công ty này đặt ở Trung Quốc “có các biện pháp bảo vệ mới nhất và tinh vi nhất của chúng tôi”. Mọi hành động của Apple lúc này không khác gì chính sách “ba không” của Việt Nam, với ý nghĩa không can dự gì vào thế giới, và chỉ làm việc của mình, tuân thủ pháp luật ở Trung Quốc – bất chấp họ biết rõ luật pháp của các chế độ độc tài làm ra chỉ để nhấn vào chuyện kiểm soát và triệt hạ con người.





No comments:

Post a Comment

View My Stats