Thursday, 5 May 2022

TRUNG ƯƠNG 5 : VẪN NHAI LẠI CHUYỆN CŨ (Phạm Trần)

 



Trung ương 5 : vẫn nhại lại chuyện cũ

Phạm Trần

4/05/22

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/24846-trung-uong-5-v-n-nh-i-l-i-chuy-n-cu

 

Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII Đảng cộng sản Việt Nam, khai mạc ngày 4/5/2022) sẽ thảo luận các Đề án "Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên" và "Một số vấn đề lý luận-thực tiễn về phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh mới" .

 

 

https://live.staticflickr.com/65535/52050676531_6c8991e432.jpg

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII khai mạc sáng 4/5 tại Hà Nội sẽ xem xét, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có đất đai - Ảnh : VGP/Nhật Bắc

 

Hội nghị, kéo dài đến ngày 10/5 cũng nghe các Báo cáo tư vấn "Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" và Báo cáo tư vấn "Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể".

Các đề tài này không có gì gọi là "đột phá" mà chỉ nhai lại những chuyện cũ đã thất bại của năm khóa đảng IX (nhiệm kỳ 2001 - 2005), X (nhiệm kỳ 2006-2010), XI (nhiệm kỳ 2011-2015) và XII (nhiệm kỳ 2016 – 2021) và XIII (nhiệm kỳ 2021 - 2025). Do đó, Hội đồng Lý luận Trung ương, tác giả các Văn kiện đảng đã tổ chức thu thập ý kiến với nhiều trí thức và tổ chức đảng đề tìm câu trả lời : "Vì sao trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp có phần chậm lại ? Chênh lệch về thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn, đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn ; giảm nghèo chưa bền vững, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập…".

Theo báo cáo của Hội đồng thì : "Với tinh thần, trách nhiệm cao tại kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận, phân tích rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ; dự báo tình hình sắp tới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, giải pháp chủ yếu để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Các ý kiến cũng phân tích rõ hơn một số vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra hiện nay qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX "Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể".

 

Tuy nhiên, Báo cáo không cho biết chi tiết những đề xuất mới cần phải thay đổi như thế nào đối với "18.327 hợp tác xã nông nghiệp và 79 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp".

 

"Tuy nhiên", Báo cáo cũng nhìn nhận, "bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước, kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi phải có những điều chỉnh sáng tạo để tiếp tục khắc phục những tồn tại, yếu kém, phát huy những thành tựu đã đạt được ; đồng thời, có bước phát triển mới, góp phần xứng đáng vào quá trình đổi mới và phát triển nông nghiệp, nông thôn".

 

Nói là "đổi mới" và "phát triển", nhưng tình trạng cách biệt giầu-nghèo giữa các vùng miền vẫn ngày một giãn ra. Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư thì : "Trong những năm gần đây, chênh lệch thu nhập giữa các vùng cũng đang có sự gia tăng nhất định. Chênh lệch thu nhập nói chung, đặc biệt là giữa các vùng miền, đã tạo ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước" (ngày 31/12/2021).

 

Nguyên nhân chênh lệch, theo báo cáo là do "tốc độ đô thị hóa tại các khu vực cũng có mối quan hệ nhất định với thu nhập bình quân của người lao động tại các vùng này".

 

Chi tiết hơn, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư : "Trong giai đoạn 2009-2019, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là 2 vùng có tốc độ đô thị hóa bình quân theo giai đoạn cao nhất cả nước (lần lượt là 3,92% và 3,77%) ; 2 vùng này cũng đồng thời có mức thu nhập cao nhất trong năm 2019, khi thu nhập bình quân đầu người tại Đông Nam Bộ là 6280 nghìn đồng/người/tháng, và thu nhập bình quân đầu người tại Đồng bằng sông Hồng là 5005 nghìn đồng/người/tháng. Khi xem xét giai đoạn 2009-2020, 2 vùng này vẫn là những vùng có tốc độ đô thị hóa cao nhất, với 5,26% tại vùng Đông Nam Bộ, và 4,83% tại Đồng bằng sông Hồng. Mặc dù năm 2020, kinh tế cả nước chịu tác động không nhỏ từ dịch bệnh Covid-19, đây cũng là lý do khiến nhiều xu hướng kinh tế-xã hội có những biến động bất thường (như đã đề cập trong những phân tích trên), thu nhập bình quân đầu người tại Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng có giảm nhẹ so với năm 2019, song vẫn giữ vị trí cao thứ nhất và thứ hai trong số các vùng trong cả nước".

 

Bằng chứng của sự chênh lệch cũng thể hiện rõ hơn khi so sánh với các tỉnh có mức thu nhập bình quân cao nhất cả nước như :

 

"Hà Nội (5,981 triệu đồng/người/tháng),

 

Bắc Ninh (5,439 triệu đồng/người/tháng),

 

Đà Nẵng (5,284 triệu đồng/người/tháng),

 

Bình Dương (7,019 triệu đồng/người/tháng),

 

Đồng Nai (5,621 triệu đồng/người/tháng),

 

Thành phố Hồ Chí Minh (6,537 triệu đồng/người/tháng), cao hơn từ 1,4-1,7 lần so với bình quân cả nước". 

 

Trong khi ấy thì đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số và vùng cao tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Một nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn 2016-2020, tuy ‘Kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt được nhiều thành tựu. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm 2-3%/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương trong vùng đạt bình quân 7%/năm. Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước ; hạ tầng kinh tế- xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn.

 

Khoảng cách phát triển giữa các dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh, giữa các nhóm dân tộc thiểu số, giữa miền núi và miền xuôi chưa được rút ngắn. Thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực ; tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số chiếm 14,7% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 57,16 % tổng số hộ nghèo của cả nước (Dân tộc và Phát triển, 02/07/2021).

 

Bốn nguy cơ vẫn tồn tại

 

Nhưng tại sao sau gần 36 năm Đổi mới, từ 1986 Việt Nam vẫn đì đẹt ở phía sau nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á ?

 

Ít nhất trong 28 năm qua, Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã nhiều lần thừa nhận : "Tụt hậu về kinh tế, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch là "4 nguy cơ trước mắt" của Đảng. Tới nay, nhiều người cho rằng, cả 4 nguy cơ đã được Đảng chỉ ra vẫn đang tồn tại, thậm chí có phần gay gắt, phức tạp hơn". Họ nói :

 

"Ngay từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng ta đã xác định 4 nguy cơ cản trở thực hiện mục tiêu chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đó là : "nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới ; nguy cơ chệnh hướng xã hội chủ nghĩa ; nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu ; nguy cơ diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Các nguy cơ đó có liên quan mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau".

 

Cho tới năm 2022 đảng vẫn cảnh báo : "4 nguy cơ trước mắt" của Đảng vẫn đang tồn tại, thậm chí có phần gay gắt, phức tạp hơn".

 

Bằng chứng này đã đượcỦy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, 4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại và có mặt còn gay gắt hơn. Trong khi đó, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Bí thư Thường trực Trung ương Võ Văn Thưởng cũng từng khẳng định : "Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII tháng 1/1994 chỉ ra thì những năm vừa qua Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo tích cực đấu tranh, ngăn ngừa. Tuy nhiên, hiện nay các nguy cơ này vẫn còn tồn tại, bên cạnh đó có thể còn có một số mặt diễn biến phức tạp hơn".

 

Ông Võ Văn Thưởng cũng cho rằng 4 nguy cơ này có quan hệ chặt chẽ và nguy cơ nào cũng nguy hại, đều phải đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi, không thể chủ quan xem thường bất cứ nguy cơ nào. Ông nói với bao chí : "Nếu xét về tổng thể thì yếu tố bên trong, yếu tố nội lực của Đảng, đất nước, dân tộc là quan trọng nhất. Các thế lực thù địch luôn luôn muốn thực hiện "diễn biến hòa bình" đối với Đảng ta, chế độ ta. Tuy nhiên, chúng ta tin tưởng rằng, nếu chúng ta thực sự đoàn kết, vững vàng, bản lĩnh chính trị cao và dựa trên trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân thì không có thế lực nào có thể ngăn cản con đường phát triển của đất nước chúng ta" (Thanh Niên, 30/02/2021).

 

Nhưng đảng có "trí tuệ" không ? Tại sao Hội nghị Trung ương 5 vẫn còn cần Nghị quyết "về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên" nhằm "tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh…"? Công tác này đã làm từ 2016 mà sao vẫn còn phải "đẩy mạnh" ?

 

Theo thống kê của đảng thì : "Toàn Đảng có khoảng 52.000 tổ chức cơ sở đảng với hơn 5,2 triệu đảng viên và nhiều loại hình tổ chức cơ sở đảng : xã, phường, thị trấn ; cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội ; các đơn vị sự nghiệp ; các loại hình doanh nghiệp ; các đơn vị quân đội, công an ; các đơn vị ở ngoài nước".

 

Nhưng số đảng viên "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" bỏ đảng, phê bình đảng lạc hậu, chậm tiến cũng không ít. Có nhiều đảng viên đã công khai chỉ trích đảng mơ hồ và ảo tưởng khi tiếp tục kiên trì lấy chú nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng xây dựng đất nước.

 

Tiếng nói Nguyễn Đình Bin

 

Ông Nguyễn Đình Bin, 78 tuổi, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài là trường hợp tiêu biểu.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52049620672_14dd1ccd18.jpg

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin kêu gọi đảng từ bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin

 

Trong bài viết "Hàn gắn vết thương huynh đệ tương tàn vẫn còn rỉ máu ! Thực hiện hòa giải, hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc !", phổ biến ngày 30/04/2022, ông Bin, nguyên Ủy viên Trung ương đảng, đã mạnh dạn kêu gọi đảng từ bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin.

 

Ông Bin nói thẳng : "Dù đã có nghị quyết về đổi mới toàn diện và đồng bộ, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn chưa thực hiện đổi mới thật sự về chính trị, vẫn kiên trì níu giữ mô hình quản lý đất nước cũ – hệ thống chính trị hiện hành – theo quan điểm Mác – Lênin, xã hội chủ nghĩa, thực chất là Đảng trị, độc quyền, không dân chủ, đã quá lẻ loi, lạc lõng, lỗi thời trên thế giới".

 

Ông Bin nói tiếp : "Đây chính là điều đã và đang ngăn cản dân tộc ta hàn gắn vết thương nội chiến, thực hiện hòa giải, hòa hợp, đại đoàn kết. Đồng thời, đây cũng chính là cội nguồn đẻ ra đặc quyền, đặc lợi, các nhóm lợi ích vị kỷ, nạn tham nhũng và các quốc nạn khác đã và đang hoành hành, phá hoại Đảng và đất nước ; là nguyên nhân làm cho kinh tế thị trường ở nước ta bị méo mó, không phát huy được đầy đủ các mặt ưu việt, ngược lại tạo điều kiện cho các mặt tiêu cực tác oai, tác quái.

 

Mặt khác, đây cũng chính là hàng rào đang ngăn cản đất nước ta thực sự độc lập, tự chủ, hòa nhịp bước với tuyệt đại đa số các quốc gia đang phấn đấu xây dựng một thế giới thực sự hòa bình, tự do, dân chủ, phồn vinh, văn minh, bền vững.

 

Vậy thì, Đảng cộng sản Việt Nam phải loại bỏ cội nguồn đã và đang tạo ra ba hậu họa nói trên. Tức là Đảng phải thực hiện đổi mới chính trị thật sự và triệt để. Cụ thể là, cũng như năm 1986, Đảng đã chiến thắng chính mình, dũng cảm từ bỏ quan điểm xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa theo quan điểm Mác – Lênin đã lỗi thời, để chấp chấp nhận và vận dụng vào nước ta thành tựu chung của nhân loại cho đến nay về phát triển kinh tế là kinh tế thị trường, mà trước đó Đảng kiên quyết chống lại. Giờ đây, Đảng cũng phải dũng cảm từ bỏ mô hình quản trị quốc gia – hệ thống chính trị – hiện hành theo quan điểm Mác – Lênin đang cản trở sự phát triển của đất nước, để vận dụng mô hình phổ cập mà tuyệt đại đa số các nước trên thế giới đang áp dụng.

 

Người thứ hai là Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Huỳnh đã cảnh giác : "Trong tình hình hiện nay, khi sự thoái hóa về lý luận, về tư tưởng chính trị ở một bộ phận cán bộ đảng viên đã trở nên rất nặng nề, việc bảo vệ "đầu não" và "trái tim" của Đảng chính là giữ cho Đảng không bị dính vào những hệ lụy tiêu cực".

 

Ông Huỳnh không phải là người chỉ trích, nhưng dám nhìn vào thực tế để cứu Đảng qua phân tích : "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là bảo vệ Đảng, bảo vệ sự sống còn của Đảng, theo tư tưởng của Marx chính là bảo vệ "đầu não" và "trái tim" của Đảng. "Đầu não" ở đây được hiểu chính là lý luận, là ánh sáng chỉ đường của Đảng ; còn bảo vệ "trái tim" của Đảng chính là giữ cho mỗi đảng viên, mỗi người làm cách mạng luôn giữ được sự nhiệt tình, tâm huyết, giữ được động cơ vì cách mạng, nhân dân chứ không phải để làm quan phát tài".

 

Cuối cùng Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh cảnh giác : "Trong tình hình hiện nay, khi sự thoái hóa về lý luận, về tư tưởng chính trị ở một bộ phận cán bộ đảng viên đã trở nên rất nặng nề, việc bảo vệ "đầu não" và "trái tim" của Đảng chính là giữ cho Đảng không bị dính vào những hệ lụy tiêu cực như vừa qua".

 

Ngoài ra, Giáo sư Huỳnh cũng tiết lộ sự thật đau lòng : "Chủ nghĩa cơ hội ở ta hiện nay đang có biểu hiện dưới dạng cơ hội giấu mặt, bề ngoài thì nói theo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng nói như Bác Hồ, họ chỉ đưa lên bàn để "cúng cụ" nhưng thực ra là lợi dụng để "chui" vào Đảng, để thăng quan tiến chức. Những kẻ cơ hội ấy xuất hiện ngày càng nhiều" (VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam, 02/05/2022)

 

Vẫn phức tạp, tinh vi

 

Bên cạnh đó là tình trạng tham nhũng trong đảng đã tới mức "hết thuốc chữa". Bắng chứng được nêu ra trong báo cáo của Quốc hội : "Cuối tháng 3/2022, Thanh tra Chính phủ có Báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau kỳ họp thứ 2 (20/10/2021-13/11/2021), Quốc hội khóa XV (2021-2026). Báo cáo cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Đây mới chỉ là những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, có liên quan đến tham nhũng".

 

Thực tế, nếu công tác "kiểm soát quyền lực" trong cán bộ, đảng viên được thi hành triệt để, công khai và có dân tham gia thì tình trạng tham nhũng đã giảm bớt nhiều. Đằng này, tuy Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và cả hê thống lãnh đạo đã ra rả ngày đêm câu thần chú "nhốt quyền lực vào lồng cơ chế", nhưng vẫn có nhiều con ngựa xổ lồng chạy tung tăng với tham nhũng, ăn chia và móc ngoặc từ Trung ương xuống cơ sở không bị kiềm chế.

 

Vì vậy quốc nạn tham nhũng càng chống càng "phức tạp" và "tinh vi" sau hơn 10 năm từ khi ông Trọng bắt đầu chiến dịch "đút củi vào lò", khóa đảng XI. Như vậy thì ông Trọng đã thất bại chưa, hay ông vẫn còn cần bao nhiêu Hội nghị Trung ương nữa để giải quyết những vấn nạn như "xây dựng, chỉnh đốn đảng", "phòng chống tham nhũng" và "xây dựng nông thôn mới" ?

 

Phạm Trần

(04/05/2022)





No comments:

Post a Comment

View My Stats