Monday, 30 May 2022

LỊCH SỬ TRUYỀN ĐỜI (Nguyễn Ngọc Chu)

 



LỊCH SỬ TRUYỀN ĐỜI   

Nguyễn Ngọc Chu

30/5/2022  04:36   

https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/pfbid0qqySTe1c8WHV3t1eZ9zZpvDT1P87j5uKKU8V1xb7rhywk7BjV8mPDujhThLwZNNcl

 

Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Bài viết có thể làm cho một bộ phận trong giới sử học bất bình. Nhưng vì yêu môn sử nên phải viết ra, vì trách nhiệm với môn sử mà phải cất tiếng nói. Tiếp thu phản biện khác với đẽo cày giữa đường. Ở vị trí lãnh đạo thì không đẽo cày giữa đường.

 

 LỊCH SỬ TRUYỀN ĐỜI       

                                                               

Môn sử là môn học lựa chọn, hay môn học bắt buộc không phải là nguyên cớ để quy kết yêu nước hay không yêu nước, không phải là nguyên nhân để lo sợ quên lịch sử dân tộc mà mất nước hay còn nước.

 

Nhu cầu học sử, cũng như nhu cầu học toán, học văn, học hoá học, học vật lý, học sinh học, học địa lý… tồn tại cho mọi người, bất chấp họ có theo nghiệp sử, nghiệp toán, nghiệp văn, nghiệp hoá, nghiệp lý, nghiệp sinh hay nghiệp địa lý… Các môn học, cuối cùng, đơn giản là phục vụ cho đời sống con người. Vì thế sự cần thiết của mỗi môn học đối với mỗi cá nhân là do nhu cầu cuộc sống của mỗi cá nhân quyết định. Chỉ có điều, nhu cầu về mỗi môn học cho đời sống ở mỗi con người không như nhau.

 

Cho nên, phải xác định cho đúng, rằng ai đó học sử phải là do nhu cầu chứ không phải bởi áp đặt. Còn áp đặt thì không thể “nhét” vào đầu. Có “cố nhét” thì cũng nhanh chóng “rơi vãi”. Chỉ có thể với quan niệm như vậy, môn sử mới chiếm giữ được đúng “thị phần” của mình trong chương trình giáo dục phổ thông ở nước ta.

 

Để xác định nhu cầu của mỗi người cho mỗi môn học phải dựa trên các nhân tố khách quan, chứ không phụ thuộc vào mệnh lệnh, hay áp lực của ai đó.

 

1. NHỮNG NHÂN TỐ QUAN TRỌNG QUYẾT ĐỊNH HIỆU QUẢ CỦA VIỆC DẠY HỌC

 

Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng lên hiệu quả của việc dạy học. Trong số đó, không thể không kể đến 3 nhân tố thuộc nhóm hàng đầu sau đây.

 

1.1. NỘI DUNG DẠY

 

Nội dung dạy là nhân tố hàng đầu quyết định hiệu quả của việc dạy. Bởi vì, dạy cái gì đáp ứng đúng nhu cầu của người đi học thì mới thiết thực cho người đi học, mới được người đi học chấp nhận mà quyết tâm theo học. Dạy những điều không thiết thực cho người đi học là phí phạm thời gian, công sức, tiền bạc của cả người dạy lẫn người học, làm cho việc dạy học trở thành không hiệu quả.

 

Cho nên, chương trình dạy sử, sách giáo khoa sử học, nội dung cho mỗi giờ dạy sử – mới là nhân tố đầu tiên phải được quan tâm xem xét.

 

Thực tiễn chỉ ra, chương trình môn sử trong hệ thống giáo dục phổ thông của nước ta hiện chứa nhiều khuyết tật, chưa phải là chương trình tốt. Chẳng hạn như, chương trình phân phối không đồng điều trên toàn bộ chiều dài lịch sử dân tộc, giai đoạn hiện tại chiếm quá nhiều nội dung trong chương trình. Bên cạnh đó thì có các nội dung quan trọng không được dành đúng thời gian, có các nội dung quan trọng bị bỏ qua. Ngược lại, có các nội dung thứ yếu lại được chọn giảng dạy chi tiết. Hậu quả là học sinh không biết được những dấu mốc lịch sử trọng đại, cũng không thể nhớ những dấu mốc thứ yếu chi tiết. Dẫn đến không chỉ hổng kiến thức lịch sử, mà còn chán học sử.

 

Điểm phải thừa nhận khác nữa, là các sách giáo khoa về sử cho học sinh phổ thông viết chưa hay, không hấp dẫn. Lịch sử vô cùng cuốn hút, thế mà các sách giáo khoa sử lại tẻ nhạt.

 

Nguyên nhân gây ra hai điều vừa nêu trên là do những người có quyền quyết định nội dung chương trình môn sử, và những người viết sách giáo khoa môn sử.

 

1.2. CÁCH THỨC DẠY

 

Cách thức dạy là nhân tố thứ hai của nhóm nhân tố hàng đầu phải được quan tâm vì nó tham gia quyết định hiệu quả của việc dạy sử. Cách thức dạy không tốt sẽ đưa đến việc dạy không hiệu quả. Cách thức dạy sử hiện nay ở trường phổ thông, có nhiều mặt phải hoàn thiện. Trong đó là hai khiếm khuyết sau đây.

 

a) Ít thực tiễn

Học sử trước hết là học các di tích lịch sử để lại. Học sử mà không được kết hợp với tham quan nghiên cứu thực tiễn, thì học trước quên sau.

 

b) Thiếu trợ giúp công nghệ

 

Công nghệ hiện thời cho phép trợ giúp dạy sử thông qua các dữ liệu lịch sử bằng phim, ảnh, video… Các trợ giúp này sẽ làm cho giờ học thêm hấp dẫn, hiệu quả. Vai trò của phương tiện công nghệ trong việc dạy mỗi ngày một to lớn hơn.

 

1.3. NGƯỜI DẠY

 

Từ ngàn xưa, tầm sư học đạo là con đường ngắn nhất đưa người học đến với thành công. Chương trình chưa tốt, qua người thầy giỏi có thể biến thành chương trình tốt. Người thầy giỏi là tác giả của các sách giáo khoa hay. Người thầy giỏi làm cho các giờ dạy hấp dẫn, hiệu quả.

 

Có nhiều khiếm khuyết về người dạy sử hiện nay, cả ở bậc đại học lẫn bậc phổ thông. Dưới đây đề cập đến hai khiếm khuyết cụ thể của người dạy sử hiện nay cần phải vượt qua.

 

a). Chất lượng đội ngũ giáo viên dạy sử cần phải cải thiện

Bên cạnh các giáo viên dạy sử khá giỏi còn có rất nhiều giáo viên dạy sử yếu. Lo lắng hơn, đội ngũ giáo sư và tiến sĩ lịch sử ngày càng đông, nhưng phần nhiều không có các công trình được đăng trên các tạp chí khoa học lịch sử uy tín. Những giáo sư tiến sĩ này lại giữ vai trò viết chương trình, viết sách giáo khoa và đào tạo giáo viên dạy sử trong các trường đại học. Chất lượng của họ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đội ngũ giáo viên dạy sử, giáo trình dạy sử và chương trình dạy sử trên toàn quốc. Nhìn vào đề tài các luận án tiến sĩ lịch sử gần đây được bảo vệ thì có thể dự báo được tình trạng “ốm yếu” của việc nghiên cứu và giảng dạy sử mỗi ngày thêm trầm trọng.

 

Cho nên, khi đội ngũ giáo viên dạy sử mà yếu kém, dù môn sử là môn bắt buộc trong suốt 12 năm học phổ thông, ngay cả với nhiều giờ dạy, thì học sinh cũng sẽ không có nhiều kiến thức về môn lịch sử.

 

b). Nới rộng quyền tự quyết trong giảng dạy cho giáo viên

Các giáo viên bị bó hẹp theo chương trình, phải tuân thủ nghiêm ngặt theo nội dung sách giáo khoa. Điều này không khuyến khích giáo viên sáng tạo, đổi mới nội dung và phương thức dạy, làm cho giáo viên lười suy nghĩ, lười nghiên cứu, dẫn đến kiến thức mai một, tư duy lối mòn. Đây là điều rất có hại cho chính bản thân giáo viên, chưa nói đến hệ luỵ xấu cho học sinh.

 

Với mục tiêu đã cho trước, phải để cho giáo viên quyền tự quyết về lựa chọn nội dung khung, thứ tự trình bày và cách thức truyền dạy. Khi giải phóng cho giáo viên, nhiều người trong số họ trở thành những nhà truyền sử hấp dẫn, lôi cuốn và mê hoặc người nghe. Đây là “bảo bối” làm cho môn sử không bị học sinh “ruồng bỏ”.

 

2. TIẾN BỘ CÔNG NGHỆ GIÚP RÚT NGẮN THỜI GIAN HỌC TẬP

 

Câu hỏi môn sử là môn bắt buộc, hay học sử bao nhiêu năm trong hệ phổ thông, như trên đã nêu ra, không chỉ phụ thuộc vào giáo trình và thầy giáo, mà còn phụ thuộc vào tiến bộ của khoa học và công nghệ.

 

2.1. ĐƯỢC TIẾP CẬN THÔNG TIN NHANH HƠN

 

Việc ra đời internet với tiến bộ công nghệ đã cho phép người học tức thì tiếp cận được với mọi nguồn thông tin trong nháy mắt. Đây là ưu thế chưa từng có của người đi học hiện nay so với người đi học từ thế kỷ 20 trở về hàng ngàn năm trước.

 

2.2. ĐƯỢC TIẾP CẬN THÔNG TIN NHIỀU HƠN

 

Đối với nước ta, vào thập niên 60 của thế kỷ trước, tìm được một cuốn sách để đọc, đối với nhiều người, không phải dễ. Thế mà hiện nay, người đi học có thể ngồi tại nhà, với trợ giúp của công nghệ, có thể tiếp cận đến hàng triệu cuốn sách của mọi thời, ở tất cả các nước.

 

Không chỉ sách, mà mọi lĩnh vực sáng tạo của loài người. Không chỉ sáng tạo, mà đời sống, địa lý, không gian, thời gian thực của mọi hoạt động con người. Không chỉ hoạt động của con người, mà các biến động của vũ trụ. Khối lượng thông tin mà người đi học hiện nay có thể tiếp cận là không có độ đo, vô tiền khoáng hậu.

 

2.3. PHƯƠNG TIỆN TRỢ GIÚP TỐT HƠN

 

Tiến bộ công nghệ đã thay đổi toàn bộ cách học và cách làm việc của con người hiện đại. Học sinh có thể tính được các công thức toán học phức tạp nhờ máy tính bảng mà không cần nhớ cách tính. Các kỹ sư có thể thiết kế được những ngôi nhà cao tầng nhờ các phần mềm thiết kế sẵn. Một người bình thường có thể đo được khoảng cách đường đi giữa hai điạ danh bất kỳ trên trái đất qua định vị vệ tinh…

 

Nghĩa là, tiến bộ công nghệ đã trở thành công cụ đắc lực giúp cho người học đạt được hiệu quả nhanh hơn, làm được những việc khó khăn mất nhiều công sức, trí tuệ, mà trước đây không mấy ai làm được.

 

3.3. RÚT NGẮN THỜI GIAN HỌC TẬP

 

Từ tiếp cận thông tin nhanh hơn, tiếp cận thông tin nhiều hơn, lại được trợ giúp của các phương tiện công nghệ, quá trình tiếp nhận tri thức của người học được rút ngắn. Cùng khối lượng kiến thức, nếu trước đây phải theo học trong 5 năm, thì nay chỉ cần theo học trong 4 năm, 3 năm hay thậm chỉ chỉ 2 năm. Cùng là 15 tuổi, nhưng học sinh thời nay khôn hơn, trưởng thành hơn, có kiết thức hơn, biết nhiều hơn so với học sinh cùng tuổi ở thế kỷ trước.

 

Và kết luận rút ra là tiến bộ công nghệ giúp rút ngắn đáng kể thời gian dạy và học. Cụ thể, kiến thức hệ phổ thông 12 năm ở thế kỷ 20 được học sinh ở thế kỷ 21 tiếp thu trong một thời gian ngắn hơn, thí dụ trong vòng 9 năm chẳng hạn. Thời gian dư thừa dành để học những điều khác.

 

3. CHUYÊN MÔN HOÁ LÀ VŨ KHÍ HỮU HIỆU CỦA CẠNH TRANH TOÀN CẦU

 

Tiến bộ công nghệ một mặt rút ngắn khoảng cách tiếp cận giữa con người, đưa con người đến gần nhau nhanh hơn, thì đồng thời, ở mặt khác, tạo ra quá trình toàn cầu hoá, thúc ép con người bước vào một cuộc cạnh tranh toàn cầu khốc liệt.

 

Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, để có việc làm, để thành công, để chiến thắng, con người phải không ngừng nâng cao kỹ năng chuyên môn. Để nâng cao kỹ năng chuyên môn, thì chạy đua đầu tiên là chuyên môn hoá sớm.

 

Cho nên ở mọi lĩnh vực, thí dụ như thể thao hay âm nhạc, các học sinh phải được theo học chuyên môn bởi những thầy giỏi, từ lúc 3-4 tuổi. Đó là điều không tranh cãi.

 

Nhưng chuyên môn hoá có nhiều cách. Có hình thức học tập trung ở những trường riêng biệt. Có hình thức lựa chọn môn học riêng với thầy tại lớp trong các trường phổ cập. Cũng có hình thức không học tập trung, không học liên tục, mà học gián đoạn, học từ xa, học tại nhà… Thể thức chuyên môn hoá rất đa dạng.

 

Để đi đến kết luận sau đây. Đối với Việt Nam kiến thức phổ thông nên kết thúc sau 9 năm, ở bậc trung học cơ sở. Ở bậc trung học phổ thông (lớp 10-12) phải được chuyên môn hoá (định hướng nghề nghiệp theo sở trường và sở thích). Nếu không chuyên môn hoá từ lớp 10 thì các học sinh Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh việc làm quốc tế.

 

Như trên đã đề cập, nhờ tiến bộ công nghệ, 9 năm là quãng thời gian quá đủ dành cho kiến thức phổ thông. Kéo dài thời gian học kiến thức phổ thông là phí phạm khả năng tiếp nhận tri thức của tuổi trẻ, kìm hãm sức sáng tạo của tuổi trẻ, làm chậm đà cạnh tranh quốc tế của học sinh.

 

Phải nhận thấy xu hướng, rằng càng về sau con người càng trưởng thành sớm hơn, càng trẻ hoá lâu hơn. Từ đó mà suy ra rằng, năng lực sáng tạo của học sinh mỗi ngày một đến sớm hơn so với trước đây.

 

Thực ra, luôn tồn tại một tập hợp các học sinh và ngành nghề, mà chuyên môn hoá từ lớp 10 cũng là quá chậm để cạnh tranh quốc tế. Kéo dài thời gian bắt buộc học kiến thức phổ thông sẽ làm cho học sinh chán học. Vì nhiều kiến thức trong số đó hoàn toàn không cần thiết cho nhu cầu cuộc sống của học sinh về sau.

 

4. CÓ NHIỀU CÁCH HỌC SỬ

 

Người Trung Quốc, họ không bắt người Việt Nam phải lựa chọn học sử Trung Quốc, thế mà sử Trung Quốc lại “làu làu” trong đầu óc nhiều người Việt Nam. Đó là nhờ các tác phẩm văn học vĩ đại của Trung Quốc. Đó là do trên hàng chục kênh truyền hình của Việt Nam, ngày nào cũng có phim ảnh Trung Quốc, nhất là ở các khung giờ vàng được hàng triệu người dồn mắt nghiêng tai. Nhìn vào ví dụ này để thấy cách dạy sử và học sử hiệu quả.

 

Đừng nhầm tưởng học sử kết thúc ở năm học thứ 9 của trung học cơ sở. Học sử không chỉ ở trên lớp. Học sử qua các câu chuyện bà kể, mẹ ru. Học sử qua những bộ y phục, qua các phong tục tập quán, lễ hội, ẩm thực. Học sử qua các tác phẩm văn học, phim, ảnh, nghệ thuật. Học sử qua các điển tích, qua những vở kinh kịch, chèo, tuồng. Học sử qua các chuyến du lịch, làm việc. Học sử qua muôn hình vạn trạng của cuộc sống. Học sử bắt đầu từ chào đời. Học sử kết thúc khi hoá thân vào cát bụi.

 

5. VÀI ĐIỀU KẾT LUẬN

 

Những điều lý giải trên nhằm củng cố phần nào cho các kết luận sau.

 

Kiến thức phổ thông cơ bản kết thúc ở bậc trung học cơ sở. Ở bậc trung học phổ thông phải chuyên môn hoá để cạnh tranh toàn cầu. Từ lớp 10 học sinh phải được quyền lựa chọn môn học. Không nên có môn học nào là môn bắt buộc ở bậc trung học phổ thông. Kéo dài thời gian học bắt buộc cho môn nào ở bậc trung học phổ thông là phí phạm thời gian của đại đa số học sinh không chọn môn học đó cho nghề nghiệp cuộc đời. Toán, ngữ văn, hay bất cứ môn nào, 9 năm là quá đủ thời gian để dạy kiến thức phổ thông.

 

Môn sử là môn lựa chọn ở bậc trung học phổ thông là đúng. Chín năm học ở bậc tiểu học và trung học cơ sở là đủ thời gian cho môn sử cũng như các môn học khác. Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Dạy tốt trong 9 năm còn hơn dạy tồi trong 12 năm. Không phải bắt buộc học sử ở bậc trung học phổ thông mà lòng yêu nước dâng cao. Không phải học sử 12 năm thì học sinh sẽ yêu dân tộc hơn học sử 9 năm. Có nhiều cách học sử và dạy sử. Dạy hiệu quả thì học sinh học sử một năm còn có kiến thức hơn dạy sử không hiệu quả suốt 12 năm. Quá trình học sử không kết thúc ở chương trình phổ thông mà kéo dài suốt cuộc đời bằng nhiều cách thức.

 

Điều quan trọng cốt lõi đối với môn sử là có chương trình tốt, giáo trình tốt và thầy dạy giỏi. Chứ không vì môn toán, môn ngữ văn là môn học bắt buộc ở trung học phổ thông thì môn sử cũng phải là môn học bắt buộc như toán và ngữ văn. Nếu kéo dài thời học bắt buộc môn sử lên 12 năm mà không cải tiến nội dung chương trình, nội dung giáo trình, cách thức giảng dạy, chất lượng giáo viên thì kết quả sẽ còn tồi tệ hơn.

 

Chương trình sử phổ thông do các giáo sư tiến sĩ sử học chủ trì biên soạn, được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ tháng 12/2018, đã trình lên các cấp có thẩm quyền, cả Quốc hội. Trước đó đã công bố xin ý kiến rộng rãi các cơ quan liên quan (trong đó có Uỷ ban văn hoá giáo dục Quốc hội), các chuyên gia lịch sử, các thầy giáo dạy sử. Suốt hơn ba năm qua không ai có ý kiến gì, không ai nói đến lòng yêu nước và yêu dân tộc bị giảm sút vì môn sử. Nay bỗng dưng chỉ còn ba tháng nữa là đến năm học lại có người đòi đổi lại chương trình vì nếu môn sử là môn lựa chọn ở trung học phổ thông thì học sinh quên đi lịch sử dân tộc, giảm đi lòng yêu nước? Nếu thay đổi chương trình môn sử từ 9 năm sang 12 năm tất phải viết lại giáo trình sử cho tất cả các lớp (từ lớp 1 đến lớp 12) trong vòng vài tháng thì hậu quả sẽ như thế nào?

 

Từ ngàn xưa, khi ra trận thì tướng lĩnh đi đầu, đối mặt với nơi khốc liệt nhất, vì thế ba quân mới noi theo mà xả thân. Đó mới đúng vai trò tướng lĩnh. Các giáo sư tiến sĩ sử học đã viết nên chương trình sử ở đâu rồi? Phải đứng ra bảo vệ chính kiến của mình chứ sao lại né tránh công luận, “bỏ của chạy người”, tự mình phủ nhận chính mình?

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban bố chương trình môn sử thì cũng phải công khai đối diện với các ý kiến phản biện. Không phải sợ hãi lý lẽ mơ hồ về lòng yêu nước mà trở thành người “đẽo cày giữa đường”. Lịch sử dân tộc bị lãng quên, là vì những biến cố lịch sử lớn của dân tộc không được đưa vào giảng dạy, chẳng hạn như trường hợp chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược 1979-1989, chứ không phải môn sử là lựa chọn hay bắt buộc.

 

Nếu phải hỏi ý kiến về lựa chọn hay bắt buộc đối với môn sử thì người phải được trả lời chính đáng nhất là học sinh trung học phổ thông. Giai đoạn các lớp 10-12 là giai đoạn học cho “nhu cầu sự nghiệp”. Phải để cho các em được bày tỏ nhu cầu của chính mình.

 

Xin mạo muội lưu ý các nhà biên soạn giáo trình sử về giai đoạn tốt nhất để hun đúc lòng yêu nước cho học sinh qua môn lịch sử. Đó là giai đoạn thiếu nhi ở bậc tiểu học, chứ không phải giai đoạn thành niên ở bậc trung học phổ thông. Chính tuổi thiếu nhi mới bị hút hồn vào những truyền sử mê hoặc, những kỳ tích lịch sử hào hùng. Chính tuổi thiếu nhi mới đắm chìm vào thần thoại Hy Lạp, Ngàn lẻ một đêm, các chương hồi liên tiếp của Tam quốc, Thuỷ hử, Tây du… Dạy sử dân tộc ở tuổi thiếu nhi mới là hiệu quả nhất. Tiếc thay, các nhà biên soạn giáo trình lịch sử đã không soạn được những trang sử ly kì, những câu chuyện lịch sử hấp dẫn để dạy cho học sinh. Còn tê tái hơn, lại im lặng để truyền trình “mở toang cổng thành” cho phim dã sử nước ngoài đến “làm mưa làm gió”. Đó mới là “nhát dao đâm ngang hông môn sử”, chứ không phải lựa chọn hay bắt buộc.

 

Không cần bắt buộc thì môn sử cũng ở một vị thế mà các môn khác (trong đó có môn toán) khó có “cửa” so sánh. Không chỉ dừng lại trên bình diện học thuật, môn sử còn có đặc tính kỳ lạ là “di truyền từ đời này sang đời khác”. Đơn giản bởi con người sinh ra ở trên đời là nhờ bố mẹ, ông bà, tổ tiên. Nhớ đến bố mẹ, ông bà, tổ tiên, dòng họ – là dĩ nhiên đã biết đến lịch sử của quê hương đất nước. Ở khía cạnh này, lịch sử đã tự thân truyền đời.

 

Nỗi lo của các thầy dạy sử không ở chỗ phải tranh đấu cho môn sử là môn bắt buộc. Bắt buộc học sử không có nghĩa là học sinh sẽ học sử. Không bắt buộc học sử cũng không có nghĩa là học sinh quên lịch sử dân tộc. Mà yêu môn sử thì phải đau đáu tự hỏi tại sao học sinh chán học giáo trình sử hiện hành?

 

Sử truyền đời, sử cuốn hút, sử tự hào, sử là nhu cầu cuộc sống. Thế mà học sinh chán học sử thì đội ngũ giáo viên sử và đội ngũ nghiên cứu sử không thể không tự hỏi mình. Hỏi mình tại sao đã không xây dựng được một chương trình sử hấp dẫn cuốn hút như lịch sử dân tộc và nhân loại? Hỏi mình tại sao đã tham gia tạo nên đông đảo các giáo sư tiến sĩ không thực chất, làm suy giảm chất lượng đội ngũ giáo viên dạy sử, không truyền cảm hứng yêu môn sử sang cho học trò?

 

Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Bài viết có thể làm cho một bộ phận trong giới sử học bất bình. Nhưng vì yêu môn sử nên phải viết ra, vì trách nhiệm với môn sử mà phải cất tiếng nói.

 

Lịch sử truyền đời vì chính nó là lịch sử, chứ không phải lựa chọn hay bắt buộc.

 

Hình :

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=2663879950412085&set=pcb.2663853007081446

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=2663879983745415&set=pcb.2663853007081446

 

.

229 BÌNH  LUẬN  





No comments:

Post a Comment

View My Stats