Tuesday, 31 May 2022

LINDA LÊ - MỘT TRÍ THỨC VIẾT (Ngô Văn Giá / Tiền Phong Online)

 



Linda Lê - một trí thức viết 

Phóng viên Tiền Phong phỏng vấn nhà phê bình Ngô Văn Giá

30/05/2022 | 09:35

https://tienphong.vn/linda-le-mot-tri-thuc-viet-post1442123.tpo

 

TP - Cuộc tọa đàm dành để tưởng nhớ Linda Lê sáng 29/5 tại Hà Nội nhận được sự hưởng ứng tích cực của không ít độc giả trẻ. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Tiền Phong, nhà phê bình Ngô Văn Giá bày tỏ sự vui mừng trước tín hiệu này.

 

Sau khi chứng kiến các độc giả trẻ phát biểu về Linda Lê, anh còn đồng ý với nhận định rằng văn của bà khó đọc và kén độc giả?

 

Quan sát các bạn cử tọa lên phát biểu trước tiên tôi thấy mừng. Họ cũng đọc khá kỹ, say mê hẳn hoi. Hóa ra không phải bị truyền thông dẫn dụ mà đã đọc trước rồi. Như họ nói lúc đầu đọc cũng hơi khó nhưng vượt qua thì đọc hết, đọc được.

 

https://photo-cms-tpo.zadn.vn/w645/Uploaded/2022/mlzrtlj-yrl/2022_05_29/linda-le-4654-1652100288-4124.png

Linda Lê theo mẹ sang Pháp năm 1977, trong khi cha ở lại Việt Nam. Sự chia lìa đau đớn này tác động lớn đến những trang viết của bà về sau. Ảnh: time.news

 

Có một bạn trẻ còn nói Linda Lê “dễ hiểu”, “dễ đọc”. Đó cũng là một cách nói đơn giản. Linda Lê không dễ hiểu, dễ đọc. Cũng phải cố gắng. Lối viết của bà khá độc đáo, phức tạp, nhiều tầng nghĩa. Cứ tưởng những câu chuyện có tính chất của hiện thực, hóa ra không phải. Đằng sau hiện thực đấy là những ẩn dụ, những liên văn hóa kinh khủng. Ví dụ bà dồn cả điện ảnh, cả những nhân vật thuộc về lịch sử vào. Đấy là một thách thức với người đọc. Tức là mình phải đọc rộng và biết rất nhiều các câu chuyện về văn hóa, lịch sử và các tri thức nhân loại mới giải mã được. Một trong những đặc điểm làm cho Linda Lê khó đọc là tính liên văn bản. Một chú thích của bà đã mở ra rất nhiều chuyện. Sức người có hạn nên mình mở được đến đâu thì mở thôi. Bà không chỉ viết bằng câu chuyện của đời sống thực tại mà còn viết bằng sự hiểu biết, bằng văn hóa. Từ đó tạo nên sự thú vị, đa nghĩa của tác phẩm. Vừa vẫy gọi vừa là một thách đố.

 

“Tôi yêu những người sống ngoài lề và tôi tin rằng cần sống ngoài lề, cần thuộc về một vùng đất vô chủ nơi những cá nhân độc đáo gặp nhau. Tôi tự thấy mình là người ngoại quốc triệt để, bất cứ khi tôi ngụ ở đâu. Tôi đã lớn lên tại Việt Nam như người ngoại quốc, và tôi đã sống như người ngoại quốc trên đất Pháp. Đó là sự chọn lựa, đúng vậy, chọn lựa là kẻ đào vong".

 

Linda Lê trả lời nhà văn Vũ Hồi Nguyên năm 2010

 

Anh coi Linda Lê như nhà văn ưa thích hay đối tượng nghiên cứu?

 

Linda Lê đang là đối tượng nghiên cứu. Do tôi mới đọc hai cuốn Vu khống và Lại chơi với lửa. Nhưng tôi đọc theo kiểu của người làm nghề. Do mình dạy lớp viết văn nên có ý thức rút ra từ đó những bài học nghiệp vụ để chia sẻ với học viên.

 

Ví dụ, để có những trang viết thật sâu, phải đẩy nhân vật vào những tình huống căng thẳng không chỉ về mặt tâm lý mà còn về thân xác. Bà tuyệt đối không viết về nhân vật hoặc đối tượng trong trạng thái bình thường hoặc trữ tình. Bà còn đào sâu vào đời sống vô thức, bản năng. Những cái ta gọi là dị biệt, quái, độc mà văn hóa phương Đông ít để ý. Ví dụ như chuyện loạn luân giữa anh và em, những lần nhầm lẫn, những cuộc chơi bản năng, chấp nhận và từ bỏ. Tình dục, trong tác phẩm của bà như một nhân vật tham dự và chi phối đời sống hiện thực. Không nệ thực, không quan niệm văn chương là phản ánh, bà viết như một sự phơi mở, nghiên cứu về đời sống, và như một trí thức. Đấy là cái đáng nể. Bà đọc rộng biết nhiều, nghiên cứu về văn chương, văn hóa, các lĩnh vực nghệ thuật. Bà trút toàn bộ tri thức của bà vào trang viết, tạo nên chất liên văn bản của tác phẩm, đòi hỏi người đọc phải đọc rộng.

 

Muốn biểu đạt sự dằn vặt, căng thẳng và quyết liệt như vậy thì đồng thời anh cũng phải dằn vặt ngôn ngữ. Qua bản dịch đủ thấy có sự không khoan nhượng trong ngôn ngữ. Bà vừa huy động và sáng tạo ngôn ngữ khủng khiếp. Có lẽ mỗi người dịch cũng bị bà kéo vào những sự vật vã ngôn từ mới có thể dịch thành công được. Ở đây đặt ra một bài học về mặt lao động viết văn là không được phép thỏa hiệp ngôn ngữ, càng dễ dãi anh càng thất bại. Phải làm việc một cách kỹ lưỡng, căng thẳng với ngôn ngữ, anh mới biểu đạt chiều sâu được.

 

Văn của Linda Lê vượt qua cách nghĩ thông thường và một số lý luận cũ truyền vào Việt Nam. Những nhân vật sáng-tối của ý thức hệ hay cốt truyện, cái gọi là điển hình hoàn toàn vô nghĩa với bà. Bà đi xa, khai tử những khái niệm đấy lâu rồi. Bà giải quyết câu chuyện đời sống như những trạng thái sống. Bà có khả năng biểu đạt những bí ẩn của đời sống tinh thần và đời sống thân xác của con người. Đó là những cái mà những người viết đương thời của Việt Nam đang thiếu.

 

https://photo-cms-tpo.zadn.vn/w645/Uploaded/2022/mlzrtlj-yrl/2022_05_29/20220529-190318-666.jpg

Một độc giả bày tỏ sự tâm đắc với Linda Lê trong tọa đàm sáng 29/5 do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội đồng tổ chức. Ảnh: N.M.Hà

 

Từng mời Linda Lê về nói chuyện tại Khoa Sáng tác và Lý luận Phê bình Văn học (này là khoa Viết văn, Báo chí) của trường ĐH Văn hóa, anh cảm nhận sao về con người Linda Lê?

 

Đó là năm 2010 nhân dịp bà về nước ra mắt Vu khống và Lại chơi với lửa. Rất tiếc tư liệu ghi chép về cuộc đấy tôi lại để mất. Tôi thấy bà hiện lên như một người bí ẩn, khó hiểu đương nhiên, không dễ gần chút nào. Một vẻ đẹp phương Đông rất đài các.

 

Bà khá thận trọng về mặt ngôn từ. Người dịch cũng cảm thấy rất khó khăn khi theo đuổi diễn đạt của bà. Bà ít lời lắm, không phải nói theo lối dễ dàng hay hùng biện. Có lẽ những nhà văn thực sự xuất sắc mà ta biết nói đều kém cả. Tôi đề nghị bà thử nói vài câu tiếng Việt, bà xua tay lắc đầu. Bởi bà đã từ chối tiếng mẹ đẻ một cách chủ động và quyết liệt để đẩy bản thân vào tư thế giống như đường cùng nhằm dùng tiếng Pháp toàn tâm toàn sức. Tức là bà muốn tư duy và cảm nhận đời sống bằng tiếng Pháp luôn. Tận lực cho tiếng Pháp là một cách bà nói để đi ra với công chúng Pháp đã đành, đi ra với thế giới. Cũng là một chuyện tự nhiên thôi. Bởi bà phải chinh phục Pháp và thế giới. Nếu viết tiếng Việt thì có một nhúm người đọc, và đến những thế hệ sau chưa chắc người ta đã đọc nữa… Đây là lựa chọn tất yếu, đầy chủ động và quyết liệt. Và đã thành công. Bà giỏi chỗ đấy.

 

Bà là một trong hình mẫu đầu tiên của văn học di dân, những tác giả người Việt vì lý do nào đó sang phương Tây từ sớm và rất chủ động viết bằng tiếng quốc gia sở tại.

 

*

Nếu không ra đi sớm như vậy, rất có thể Linda Lê sẽ giành giải Goncourt bằng tác phẩm tiếp theo chứ không chỉ được để cử với “Sóng ngầm”?

 

Bà đã giành rất nhiều giải thưởng ở Pháp và châu Âu. Bà chín sớm và vẫn đầy sung sức. Mỗi nghệ sĩ là một bí ẩn. Chưa chắc sống càng lâu càng viết hay hơn. Đến giờ với hơn 20 tác phẩm bà đã có một sự nghiệp đáng giá. Không phải dễ mà châu Âu thừa nhận, thể hiện qua số lượng phát hành in ấn như thế. Có những người khi chết mới được biết đến, mới được xót thương, mới đánh giá được sự nghiệp, tầm vóc. Còn bà không cần nhờ đến cái chết đã là một giá trị.

 

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Đọc Linda Lê nói rằng khó thì cũng khó. Nhưng cái khó đó tôi đã chấp nhận từ đầu. Nó không phải hàng rào ngăn cách. Cái khó từ một lối viết khác lạ. Nó đi sâu vào sự viết. Trong khi văn chương ta đôi lúc nặng về kể chuyện.

 

Cái kinh ngạc nhất ở Linda Lê là đi vào được tiếng Pháp. Với độ tuổi 14 mới đặt chân sang Paris, trước một thứ tiếng có bề dày, sức nặng về văn chương như thế mà bà vận dụng tạo được sự đặc sắc, theo tôi đấy là cái được lớn nhất của Linda Lê. Viết chính là sống với ngôn ngữ. Chúng ta đọc qua bản tiếng Việt đã thấy kinh ngạc thì nếu với độc giả Pháp, những nhà phê bình kỳ cựu, những tờ báo văn chương nổi tiếng đều đánh giá cao mới thấy đó là một sự trân trọng. Nếu nói Linda Lê viết tiếng Pháp để tiếp cận giải quốc tế dễ hơn là tầm thường hóa Linda Lê. Đầu tiên bà phải rất tự tin vào tài năng của mình đã chứ”.

 

N.M.Hà (thực hiện)

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats