27/05/2022
https://www.voatiengviet.com/a/b%E1%BB%99-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B-vi-hi%E1%BA%BFn/6592076.html
https://gdb.voanews.com/2175E480-3424-487E-86ED-036D77C407CB_cx0_cy18_cw0_w650_r1_s.jpg
Bộ Chính trị thản nhiên giành quyền
ban bố “chức danh, chức vụ” không chỉ cho đảng viên mà còn cho tất cả các viên
chức trong hệ thống dân cử, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương,
là vi hiến.
Ông Võ
Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị đang đảm nhận vai trò Thường trực Ban Bí thư của
đảng CSVN, vừa ban hành “Kết luận của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức
vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở”.
*
Ông Võ Văn
Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị đang đảm nhận vai trò Thường trực Ban Bí thư của đảng
CSVN, vừa ban hành “Kết luận của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức
vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở” (1).
Văn bản
này cho thấy, Bộ Chính trị thản nhiên giành quyền ban bố “chức danh, chức vụ”
không chỉ cho đảng viên mà còn cho tất cả các viên chức trong hệ thống dân cử,
hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương, bất kể điều lệ đảng và hiến
pháp thế nào!
***
Điều lệ đảng
CSVN xác định: “Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (2). Tuy dùng Hiến pháp Việt Nam hiến định,
rằng đảng CSVN là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” nhưng
để hóa giải những nghi ngại, chỉ trích về độc đoán, độc tài, tại Khoản 3 - Điều
4 của Hiến pháp, đảng CSVN đính kèm cam kết: “Các tổ chức của đảng và đảng
viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (3) khi...
“phục vụ nhân dân”. Song chỉ cần đối chiếu “khuôn khồ của Hiến pháp”
với “Kết luận của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo
và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở” sẽ thấy, với
Bộ Chính trị của đảng CSVN, Hiến pháp chỉ là… tờ giấy!
Vì sao...
“mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không bị phân biệt đối xử trong đời
sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” (Điều 16)... vì sao... “nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhân
dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là
thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước
trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2)... vì
sao... “nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản
lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật” (Điều 8)... mà Bộ Chính trị của đảng
CSVN lại ban bố “danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của
hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở”?
Trừ Tổng
Bí thư, theo Hiến pháp, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng là những
“chức danh, chức vụ” do các đại biểu Quốc hội (về lý thuyết là những
cá nhân do dân cử) bầu chọn và được dân chúng ủy quyền bỏ phiếu miễn
nhiệm, bãi nhiệm. Bộ Chính trị của đảng CSVN lấy tư cách gì để xác định đó là
những... “chức danh, chức vụ lãnh đạo chủ chốt” và giao cho đảng quản lý
những cá nhân có “chức danh, chức vụ” này? Hành động vi hiến ấy nằm
trong... “khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”?
Tương tự,
Bộ Chính trị của đảng CSVN lấy tư cách gì để chỉ đạo rằng “Thường trực Ban
Bí thư, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư” của đảng CSVN phải có
vị trí ngang hàng với: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (về
lý thuyết là liên minh chính trị của các dân tộc, các tôn giáo, các tổ
chức chính trị, xã hội, các tôn giáo, các cá nhân đại biểu cho các
giai tầng trong xã hội Việt Nam và và người Việt định cư ở ngoại quốc..),. Chánh
án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, Phó Chủ tịch Quốc hội,
Phó Chủ tịch Nhà nước, Phó Thủ tướng và xếp những cá nhân này vào nhóm “lãnh
đạo cấp cao” mà chỉ đảng CSVN mới có quyền quản lý? Trong “nhà nước pháp
quyền XHCN”, Bộ Chính trị có quyền càn rỡ đến mức như thế?
“Kết luận
của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của
hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở” là sự xem thường công khai nhiều
yếu tố hiến định, biến những... “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân,
nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” trong
Hiến pháp trở thành vô nghĩa lý! Ngoài nhóm “lãnh đạo chủ chốt” và “lãnh
đạo cấp cao” mà nhân dân không có quyền đụng tới, còn có những nhóm mà việc
giám sát – quyết định sử dụng hay loại bỏ cá nhân nào đó không do Bộ Chính trị
quyết định thì cũng do Ban Bí thư quyết định.
Trong “nhóm
chức danh, chức vụ do Bộ Chính trị quản lý” có các Bộ trưởng, lãnh đạo các
cơ quan tương đương cấp bộ, Tổng Kiểm toán, Chủ tịch và Chủ tịch HĐND Hà Nội,
TP.HCM,... Còn trong “nhóm chức danh, chức vụ do Ban Bí thư quản lý” có
Phó Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, các Thứ trưởng, Phó Chánh án và các Thẩm
phán Tòa án Tối cao, Phó Viện trưởng và các Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Tối
cao, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, Chủ tịch và Chủ tịch HĐND 61
tỉnh, thành phố còn lại...
Thực tế cho
thấy, khi thực thi pháp luật, muốn truy cứu trách nhiệm hình sự những viên chức
trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, nếu đụng nhằm những
cá nhân do đảng hay Bộ Chính trị, hoặc Ban Bí thư giành quyền quản lý thì phải
chờ quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư hay Ban Chấp hành Trung ương đảng.
Đã xác định “nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật,
quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”, đã khẳng định sẽ bảo đảm “có
sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện
các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” nhưng công nhiên hành xử như vừa kể
có khác gì bảo rằng, bày ra quốc hội, chính phủ, các ủy ban nhân dân, các hội đồng
nhân dân,... là... hết sức lãng phí.
------------------
Chú
thích
(1) Bộ Chính trị quy định 4 chức
danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước
(2) Điều
lệ Đảng (do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua)
(3) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx
No comments:
Post a Comment