Tuesday, 31 May 2022

MỸ QUẢNG CÁO CHIẾN LƯỢC "CON NHÍM" CỦA ĐÀI LOAN ĐỂ NGĂN CHẶN MỐI ĐE DỌA TỪ TRUNG QUỐC (Đào Văn)

 



Mỹ quảng cáo chiến lược "con nhím" của Đài Loan để ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc

Đào Văn

29/05/2022

https://vietbao.com/p112a312258/my-quang-cao-chien-luoc-con-nhim-cua-dai-loan-de-ngan-chan-moi-de-doa-tu-trung-quoc

 

Theo báo chí đảo quốc, trong bài diễn văn vào ngày  nhậm chức  Tổng thống Đài Loan nhiệm kỳ thứ 2 của Bà Thái Anh Văn (20.5.2020) đã lên tiếng khước từ chính sách 1 quốc gia 2 chế độ, khiến  Bắc kinh tức giận đe dọa dùng vũ lực để thống nhất đất nước Trung Hoa, vì vậy  Đài Loan phải  áp dụng "chiến lược  con nhím", cũng là " học thuyết con nhím" để phòng bị...Và để bảo vệ Đài Loan, TT Biden mới đây tuyên bố nếu Trung Quốc xâm lăng đảo quốc này  bằng vũ lực thời Mỹ  sẽ can thiệp  bằng biện pháp quân sự. Phần tóm lược sau dựa vào báo chí Trung quốc , Đức quốc, Đài Loan và thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc.

 

 Mỹ quảng cáo chiến lược "con nhím" của Đài Loan

 

 Theo báo Hoa Nam Buổi Sáng, Hồng Kông (SCMP,HK) - Washington nói rõ rằng Đài Bắc phải tránh bất kỳ hành động khiêu khích nào tạo cớ cho  Bắc Kinh phải đáp trả, các quan chức nói Mỹ gây áp lực buộc Đài Loan tăng chi tiêu quân sự, đầu tư vào nhiều hệ thống tên lửa hành trình ven biển di động và tăng cường dự trữ quân sự.

 

Hoa Kỳ sẽ sử dụng ảnh hưởng toàn cầu và các liên minh của mình để tăng cường quốc phòng, sự hiện diện quốc tế và nền kinh tế của Đài Loan, bao gồm cả ngành công nghiệp bán dẫn quan trọng của nước này, chống lại Trung Quốc, các quan chức chính quyền Hoa Kỳ nói với Quốc hội hôm thứ Năm (17.6.2021). Washington cũng nói rõ rằng Đài Bắc phải tránh bất kỳ hành động khiêu khích nào buộc Bắc Kinh phải đáp trả, ngay cả khi họ gây áp lực buộc Đài Loan phải tăng chi tiêu quân sự, đầu tư vào các hệ thống tên lửa hành trình ven biển di động hơn và tăng cường dự trữ quân sự.

 

“Chúng tôi cũng đang thực hiện các bước để đảm bảo rằng Đài Loan có thể tự bảo vệ mình,” Jonathan Fritz, Phụ Tá  Bộ Ngoại giao phụ trách điều phối Trung Quốc, Mông Cổ và Đài Loan, trích dẫn cách tiếp cận “con nhím” gây tác hại cho bất kỳ cuộc xâm lược của Trung Quốc.

 

Một cách để Mỹ chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại LHQ, là tuyển dụng nhiều nhân viên công dân Mỹ hơn trong cơ quan LHQ, "để chúng ta có thể chống lại sự bắt nạt đã và đang xảy ra", Barks-Ruggles nói. Nhưng các quan chức Hoa Kỳ đã thận trọng nhắc lại cam kết lâu dài của Washington đối với chính sách một Trung Quốc.

 

Trong khi chính quyền  Mỹ không quan tâm đến một cuộc đối thoại chiến lược toàn diện với Trung Quốc  thì họ vẫn muốn tham gia vào việc duy trì  khủng hoảng dẫn đến "hậu quả đáng tiếc", các quan chức cho biết. “Rõ ràng [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] hứa hẹn về mức độ tự trị cao và duy trì các quyền tự do dân sự của Hồng Kông, đã bị mất uy tín hoàn toàn trong năm qua, đặc biệt là kể từ khi đơn phương ban hành luật an ninh quốc gia,” Fritz nói.   Ông nói thêm: “Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những người ở Đài Loan, những người  đã từng mơ tưởng về một quốc gia độc lập, vì  công thức hai hệ thống, giờ đây cho thấy đó là một triển vọng hoàn toàn không có lợi. Vì "Trung Quốc cực kỳ hung hăng."

 

Mitt Romney, một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ Utah và là cựu ứng cử viên tổng thống nói thêm rằng việc đàn áp tờ Apple Daily của Hồng Kông và bắt giữ giám đốc điều hành của họ hôm thứ Năm càng làm suy yếu thêm về chính sách  2 hệ thống của Bắc Kinh. Ông nói: “Điều này đã nhấn mạnh trong tâm trí của người dân Đài Loan rằng Trung Quốc có toan tính  rất khác so với việc cho phép họ tự hoạt động nếu một khi bằng cách nào đó họ bị kết hợp với Trung Quốc,” ông nói. [1]



 "Học thuyết con nhím"  liệu có thể giúp Đài Loan ngăn chặn cuộc xâm lăng của  Trung Quốc?

 

Theo bài báo trên The Conversation,Taiwan - Đầu năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết hoàn thành việc “thống nhất” Trung Quốc (với Đài Loan). Cùng với những vi phạm gần đây đối với không phận có chủ quyền của Đài Loan bởi các máy bay chiến đấu của Trung Quốc, điều này đã làm dấy lên nhiều lo ngại về an ninh của hòn đảo.

 

Đài Loan trong một thời gian khá  dài đã chuẩn bị cho sự xung đột có thể xảy ra với Trung Quốc . Từ lâu, người ta đã thừa nhận rằng Trung Quốc quá mạnh một khi tiến hành vào  cuộc xung đột  không cân xứng . Theo đó, chiến lược của Đài Bắc đã chuyển hướng chuẩn bị phòng thủ  một khi chiến tranh  xảy ra  với Trung Quốc. Suy tính này đã được xác nhận trong tạp chí Quadrennial Defense Review 2021 được xuất bản gần đây.

 

Kế hoạch phòng thủ của Đài Bắc dựa trên chiến lược chiến tranh phi đối xứng qua  cái được gọi là "học thuyết con nhím". Điều này liên quan đến các chiến thuật “né tránh điểm mạnh của kẻ thù và khai thác điểm yếu của chúng” và một loạt các phương án leo thang của Trung Quốc vì dễ tiếp cận với bờ biển Đài Loan. Theo đánh giá quốc phòng, với chủ trương là “chống lại kẻ thù ở bờ đối diện, tấn công nó trên biển, tiêu diệt nó ở khu vực ven biển, và tiêu diệt nó ở đầu bãi biển”.

 

Đã có một số nghiên cứu và mô phỏng kết luận rằng Đài Loan ít nhất có thể ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc vào hòn đảo này. Tóm lại, học thuyết con nhím của Đài Loan có ba lớp phòng thủ.


- Lớp bên ngoài là về tình báo và trinh sát để đảm bảo lực lượng quốc phòng được chuẩn bị đầy đủ.

 

 - Đằng sau điều này là các kế hoạch chiến tranh du kích trên biển với sự hỗ trợ trên không của các máy bay tinh vi do Mỹ cung cấp.

 

- Lớp trong cùng dựa vào địa lý và dân số của hòn đảo. Mục tiêu cuối cùng của học thuyết con nhím  là sự tồn tại và phối hợp với cuộc phản công trên không đủ mạnh để tạo thành bức tường lửa ngăn cản Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) xâm lược.

 

Theo lớp phòng thủ đầu tiên, Đài Loan  trong nhiều năm đã phát triển và duy trì một hệ thống tinh vi nhằm cảnh báo sớm , một khi  Trung Quốc tiến hành cuộc xâm lược. Điều này nhằm đảm bảo rằng Bắc Kinh không thể đưa quân và tàu vận tải đi qua eo biển Đài Loan để mở cuộc  tấn công bất ngờ. Do đó, Trung Quốc sẽ phải bắt đầu bất kỳ cuộc xâm lược nào bằng một cuộc tấn công dựa vào  tên lửa tầm trung và các cuộc tấn công trên không nhằm loại bỏ các căn cứ lắp đặt radar, phá hoại đường băng máy bay và các khẩu đội hỏa tiễn của Đài Loan.

 

Nếu thành công phá vỡ lớp phòng thủ đầu tiên này, Trung Quốc sau đó sẽ phải phá vỡ lớp phòng thủ thứ hai của Đài Loan để quân đội của họ đi thuyền  tới hòn đảo. Nhưng khi cố gắng vượt qua eo biển, hải quân Trung Quốc sẽ gặp phải chiến dịch du kích trên biển qua cái được gọi là "cuộc chiến của bầy bọ chét". Điều này sẽ được tiến hành với việc sử dụng các tàu nhỏ tốc độ nhanh, trang bị hỏa tiễn được hỗ trợ bởi máy bay trực thăng và hệ thống hỏa tiễn phòng thủ. 

 

Nhưng việc phá vỡ lớp phòng thủ thứ hai này sẽ không đảm bảo cho PLA được  an toàn khi tiến vào đảo Formosa. Địa lý và dân số là xương sống của lớp phòng thủ thứ ba. PLA có khả năng thực hiện một chiến dịch ném bom quy mô lớn trên đảo Đài Loan, nhưng việc đổ bộ thì  hoàn toàn là chuyện khác.

 

Bờ biển phía Tây của Đài Loan  dài 400km,  chỉ có một số ít bãi biển thích hợp cho việc đổ bộ, có nghĩa là các nhà chiến lược quân sự của Đài Bắc sẽ  khá dễ dàng tìm ra nơi mà quân PLA đổ bộ - đặc biệt là với những công nghệ do thám mà họ sở hữu  được do đồng minh Hoa Kỳ cung cấp.  Điều này sẽ cho phép quân đội Đài Loan thiết lập một phòng tuyến vững chắc  ngăn chặn các lực lượng đổ bộ của quân PLA tiến vào hòn đảo. Ngay cả khi những chiếc giày ủng của quân Trung Quốc đạp trên đất Đài Loan, với địa hình đồi núi và môi trường đô thị hóa của hòn đảo sẽ mang lại lợi thế cho quân phòng thủ dễ dàng cản trở đà  tiến của quân xâm lược.

 

Một yếu tố khác theo học giả quốc phòng Anh Patrick Porter gọi là “tình thế tiến thoái lưỡng nan về món trứng tráng giăm bông”, bởi vì để làm món này , thời phải mổ một con heo, trong khi một con gà chỉ phải đẻ một vài quả trứng. Điều này có nghĩa là Đài Loan sẽ coi xung đột với đối thủ qua eo biển là cuộc xung đột để sống còn.  Trong hiện tại , Đài Loan  đã kiên trì xây dựng kho vũ khí phòng thủ của mình trong suốt hai thập kỷ qua, gần đây nhất là mua các  hỏa tiễn Patriot mới nhất từ Mỹ trong một thỏa thuận được ký  vào năm 2019.[2]

 

Đó là bài viết tại Đài Loan về " chiến lược con nhím" phía báo chí phương Tây cũng có bài  viết  bàn về khả năng phòng thủ của Đài Loan một khi bị Trung quốc xâm lăng.

 

 Quân đội Đài Loan thử nghiệm khả năng mới để ngăn chặn mối đe dọa từ TQ

 

Theo Deutsche Welle News, Germany - Hòn đảo tự quản này đang tổ chức các cuộc tập trận quân sự và thử nghiệm khả năng "phi đối xứng" khi cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine đặt ra một tiêu điểm mới về căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc.  Trong một bài phát biểu, hôm thứ Bảy tuần trước (12.3.2022), Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói: "Tình hình gần đây ở Ukraine một lần nữa chứng minh rằng việc bảo vệ đất nước, ngoài sự đoàn kết và giúp đỡ quốc tế, còn phụ thuộc vào sự đoàn kết của nhân dân."  Bắc Kinh từ lâu đã tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo dân chủ và đã thề một ngày nào đó sẽ "tái hợp" Đài Loan với đại lục bằng cách sử dụng vũ lực, nếu cần thiết. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Đài Loan luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ. Đài Loan đang thực hiện các bước để kiểm tra và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội nước này.

 

• Không ai muốn chiến tranh

 

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, Chiu Kuo-cheng, nói rằng một cuộc xung đột với Trung Quốc sẽ là một thảm họa cho tất cả các bên bất kể kết quả như thế nào. "Không ai muốn  chiến tranh," ông nói. "Nó thực sự cần phải được tính toán kỹ lưỡng. Nếu Bắc Kinh  thực sự muốn gây chiến, nó sẽ là một thảm họa cho tất cả." Tuy nhiên, khi quân đội Trung Quốc tiếp tục tăng cường khả năng của mình, đối lại Đài Loan đang thực hiện các bước cần thiết nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu. Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình Châu Á tại Quỹ Marshall của Đức cho biết: “Những gì Đài Loan đang làm là huấn luyện lực lượng dự bị luôn trong tư thế sẵn sàng đối phó" - "Tôi không biết sẽ mất bao lâu để áp dụng chương trình thử nghiệm này cho toàn bộ khu vực hòn đảo và huấn luyện  mọi người lên cấp độ đó. Tôi nghĩ điều quan trọng là họ đang thực hiện nó."

 

Ngoài chương trình huấn luyện mới cho lực lượng dự bị, không quân và hải quân Đài Loan cũng đã thực hiện một loạt cuộc tập trận kể từ tuần trước. Su Tzu-yun, một chuyên gia  nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh (INDSR) ở Đài Loan, cho rằng các cuộc tập trận là một bài kiểm tra khả năng phòng thủ của hải quân và không quân ở eo biển Đài Loan.  Quân đội Đài Loan cũng dự định sẽ thực hiện các cuộc tập trận bắn đạn thật ở quận Tân Trúc cũng như trên một số hòn đảo ngoài khơi. Các quan chức quốc phòng Đài Loan tuần trước nhấn mạnh rằng các cuộc tập trận này đã được lên kế hoạch trước cuộc chiến ở Ukraine và nó không liên quan gì đến cuộc xung đột đang diễn ra.

 

• Khả năng "bất đối xứng" chống lại Trung Quốc

 

Các viên  chức quốc phòng Mỹ cũng thúc giục Đài Loan xây dựng các khả năng phi đối xứng của mình, trong đó mở rộng các lực lượng thông thường sang các lĩnh vực như chiến tranh mạng và sử dụng các phương tiện vũ lực nhỏ hơn để chống lại kẻ thù lớn hơn và được trang bị tốt hơn. Trong phiên điều trần tại Thượng viện hôm thứ Năm tuần trước (10.3.2022), Mara Karlin, Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng về Chiến lược, Kế hoạch và Khả năng, cho biết tình hình ở Ukraine cung cấp một ví dụ cho Đài Loan trong việc hiểu lý do tại sao cần phải xây dựng các năng lực bất đối xứng của mình.

 

Tôi nghĩ tình hình mà chúng ta đang thấy ở Ukraine  là một bài học điển hình rất đáng giá đối với họ về lý do tại sao Đài Loan cần phải làm tất cả những gì có thể để xây dựng các năng lực bất đối xứng, chuẩn bị sẵn sàng nhiều phương án  nhất có thể.  Trong những tháng gần đây, Tổng thống Đài Loan  đã ủng hộ ý tưởng về chiến tranh phi đối xứng, nói rằng họ có thể làm cho lực lượng của Đài Loan cơ động hơn.

 

Theo Glaser, phòng thủ không đối xứng thường có nghĩa là có được một số lượng lớn các khả năng nhỏ và rẻ tiền khiến cho việc đổ bộ của Trung quốc lên bãi biển và tiến sâu vào đất liền trở nên khó khăn hơn. Bà nói với DW: “Bạn phải suy nghĩ về các loại vũ khí như tên lửa hành trình phòng thủ bờ biển, phòng không tầm ngắn, di động, mìn hải quân thông minh hoặc máy bay không người lái".

 

Su thuộc cơ quan INDSR ở Đài Bắc cho rằng Đài Loan nên tiếp tục tăng cường khả năng phi đối xứng của mình bằng cách đầu tư vào các loại mìn.  Dựa trên dữ liệu mà ông thu thập được, 16 trong số 18 vũ khí mà Mỹ bán cho Đài Loan kể từ năm 2017 được sử dụng cho "lực lượng phi đối xứng". Ian Easton, giám đốc cao cấp  tại Viện Dự án 2049, một tổ chức tư vấn ở Washington, cho biết lợi thế phi đối xứng tốt nhất mà Đài Loan có thể có là liên minh phòng thủ với Mỹ.  Ông Easton nói thêm rằng sau nhiều thập kỷ cắt giảm nhân sự, quân đội Đài Loan hiện thiếu nhân lực và cần được bổ xung  và huấn luyện tăng cường. Ông nói với DW: “Mặc dù những cải cách đó không có hiệu quả về mặt chính trị, nhưng dư luận ở Đài Loan có thể sẽ thay đổi sau cuộc chiến ở Ukraine".

 

• Đài Loan sẽ khởi động lại việc nhập ngũ?

 

Một số nhà lập pháp đối lập ở Đài Loan gần đây cũng đã bắt đầu thúc giục chính phủ khôi phục nghĩa vụ quân sự bắt buộc một năm sau khi Nga xâm lược Ukraine. Chiu Hsien-chih, một nhà lập pháp thuộc Đảng Quyền lực Mới ủng hộ cơ chế  độc lập của Đài Loan cho biết: “Việc Nga xâm lược Ukraine đã củng cố quyết tâm bảo vệ Đài Loan của chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng”.    Kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, một cuộc tranh luận về việc có nên phục hồi một năm nghĩa vụ quân sự đã được khơi lại.

 

Tuy nhiên, Easton tin rằng vấn đề cấp bách hơn đối với Đài Loan là liệu nước này có thể phát triển một chiến lược an ninh quốc gia và mức độ răn đe đáng tin cậy hay không. Ông nói: “Do bị cô lập về mặt ngoại giao, Đài Loan phải lo toan  cho sự tồn vong của quốc gia mình khi đối mặt với một mối đe dọa bất thường". "Một vấn đề quan trọng là cần trang bị hệ thống  cảnh báo sớm về một cuộc tấn công của Trung Quốc để kịp thời đối phó. Một vấn đề quan trọng khác là cải thiện mạng lưới liên lạc để chúng có thể hoạt động trong môi trường thời chiến", ông nói thêm.[3]

 Mỹ bán vũ khí cho hòn đảo "không khác gì việc buộc  vào  người mỗi đồng hương Đài Loan một quả bom"

 

Theo  Global Times, TQ ngày 13.4.2022 - Văn phòng Đài Loan Sự vụ của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hôm thứ Tư đã lên án sự thông đồng giữa Mỹ và  chính quyền Đảng Dân Tiến (DPP) theo chủ nghĩa ly khai  Đài Loan, Văn phòng này đã kêu gọi  Đài Bắc  ngừng khiêu khích chống lại nguyên tắc một Trung Quốc.   Tình hình căng thẳng và hỗn loạn hiện nay trên khắp eo biển Đài Loan bắt nguồn từ việc chính quyền DPP từ chối công nhận Thỏa thuận đồng thuận năm 1992 thể hiện nguyên tắc một Trung Quốc và tiếp tục có những hành động khiêu khích đòi "độc lập" bằng cách lôi kéo các thế lực bên ngoài, kích động đối đầu  và phá vỡ quan hệ xuyên eo biển. Ma Xiaoguang, người phát ngôn của Văn phòng Đài Loan Sự vụ   cho biết .

 

Vào ngày 5 tháng 4, chính quyền Biden đã thông qua việc bán vũ khí thứ hai cho chính quyền Đài Loan trong vòng hai tháng. Vào ngày 9 tháng 4, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Josh Hawley đã giới thiệu Đạo luật Xuất khẩu Vũ khí Đài Loan, theo đó sẽ đẩy nhanh việc chuyển giao các loại vũ khí quan trọng cho Đài Loan, theo truyền thông Mỹ đưa tin. Đáp lại, Ma cho biết việc bán vũ khí của Mỹ "không khác gì việc buộc  vào  người mỗi đồng hương Đài Loan một quả bom ." - "Đài Loan ly khai" có nghĩa là mất hòa bình và  thảm họa sẽ xảy ra , sự khiêu khích về việc ly khai của DPP là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của eo biển Đài Loan, Ma nói. "Chính quyền Đài Loan ngoan cố theo đuổi các hành động khiêu khích ly khai vì sự ích kỷ của riêng họ và trói buộc người dân Đài Loan vào cỗ xe, hành động này sẽ chỉ đẩy người dân Đài Loan xuống vực thẳm của thảm họa."  Trong khi đó, Cơ quan quốc phòng Đài Loan hôm thứ Ba đã ban hành cái gọi là sổ tay hướng dẫn quốc phòng nhằm thổi phồng "quy chế tị nạn thời chiến".

 

Ma cho biết, chính quyền DPP đã tận dụng lợi thế của cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông nói, họ đang theo chân các lực lượng chống Trung Quốc ở phương Tây để thổi phồng "mối đe dọa quân sự" của Trung Quốc đại lục, họ  tiếp tục làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa hai bên, ông nói. Phải chăng chính quyền Đài Loan muốn nhân cơ hội này để quốc tế hóa Đài Loan, ông nêu ra câu hỏi.

 

Câu trả lời là dựa vào các báo cáo rằng Đài Bắc đã triệu tập các công ty đại lục ở Đài Loan cáo buộc họ "săn trộm nhân tài bất hợp pháp", Ma nói,  mặc dù chính quyền Dân Tiến (DPP) đã bôi nhọ và đe dọa các doanh nghiệp đại lục, nhưng nó không thể ngăn chặn xu hướng trao đổi chung của thời đại  và động thái của họ sẽ chỉ làm tổn hại đến quyền lợi của đồng bào Đài Loan.  Ma nói, chúng tôi kêu gọi đồng bào Đài Loan không nên trở thành nạn nhân của những người chủ trương  ly khai Đài Loan. "Chỉ khi đồng bào ở cả hai bên cùng hợp tác để ngăn chặn những kẻ đòi ly khai thì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và các lợi ích chung mới có thể được bảo vệ một cách hiệu quả. '' [4]

 

 Mỹ giao nhiều vũ khí cho Đài Loan " trở thành một con nhím khó tiêu"

 

Theo Tổ chức Council on Foreign Relations Org, Washington  - Câu trả lời lạc quan là những bài học mà ông đang học được khiến một cuộc xâm lược Đài Loan ít xảy ra hơn. Đầu tiên, ông Tập có thể tự hỏi rằng quân đội chưa được kiểm tra của ông sẽ hoạt động tốt như thế nào nếu được yêu cầu cho cuộc xâm lược. Chắc chắn màn trình diễn kinh hoàng của quân đội Nga phải khiến ông Tập, và mọi quan chức cấp cao khác ở Trung Quốc, tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu gặp phải sự phản kháng gay gắt. Giống như quân đội Nga, quân đội Giải phóng Nhân dân hoặc PLA chỉ đơn giản là chưa được thử thách. Và ông Tập phải lo sợ rằng một thất bại quân sự có thể đe dọa đến việc nắm giữ quyền lực của chính ông.

 

Thứ hai, ông Tập phải tự hỏi về tác động đối với nền kinh tế của mình (vốn đã bị Covid khóa chặt vốn có thể khiến tăng trưởng thấp trong cả năm nay) mà các lệnh trừng phạt khắc nghiệt sẽ gây ra. Tất nhiên, sự thống nhất ở phương Tây yểm trợ cho Ukraine - Hoa Kỳ, Canada, EU, NATO cộng với Úc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác cũng  sẽ gây thiệt hại đáng kể cho Trung Quốc.

 

Tất nhiên, đó sẽ là một canh bạc lớn đối với ông Tập. Trường hợp của Vladimir Putin làm điển hình, một nỗ lực quân sự không thành công sẽ có nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ chính trị của chính ông Tập. Và một thất bại của Nga, làm suy giảm sức mạnh quân sự của Nga và gây thiệt hại sâu sắc cho nền kinh tế của nước này, sẽ là một yếu tố răn đe cho nước khác. Điều này gợi ý gì cho chính sách của Hoa Kỳ?  Gia tăng các biện pháp trừng phạt và gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine nên người Nga ngày càng mất mát nhiều hơn, bị coi là thua. Tương tự, Mỹ giao nhiều vũ khí hơn cho Đài Loan một cách nhanh chóng, để nó ngày càng trở thành một CON NHÍM  khó tiêu mà cuộc chinh phạt quân sự sẽ quá khó khăn với nhiều rủi ro khi thực hiện.[5]

 

Global Times, TQ:  Nhận xét của Biden về việc "can thiệp quân sự" vào Đài Loan không hớ hênh, mà là ...

 

Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) TQ (23.5.2022) -  Mỹ tuyên bố sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc đại lục chiếm đảo Đài Loan bằng vũ lực, chính quyền Biden đang tiến thêm một bước để xóa bỏ chính sách một Trung Quốc, và nhận xét của Biden đã dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc. Các nhà phân tích cảnh báo rằng khi Mỹ và các đồng minh của họ, đặc biệt là Nhật Bản, đang sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để thúc đẩy một cuộc chiến nhận thức nhằm giúp cho sự "độc lập" của đảo Đài Loan, thì các âm mưu của họ sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc đại lục.

 

• Thủ tướng Nhật: những biện pháp bằng vũ lực, không  dung thứ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

 

Nói chuyện với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của họ vào thứ Hai (23.5.2022), Biden nói rằng Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc đại lục chiếm đảo Đài Loan bằng vũ lực. Kishida nói rằng "những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, như ở Ukraine, không bao giờ được dung thứ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương." Ông cũng nói thêm rằng ông và Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.  Những lời nói của Biden đã được nhiều phương tiện truyền thông toàn cầu  đưa tin rộng rãi. Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối cứng rắn trước phát biểu của Tổng thống Mỹ.

 

Tại một cuộc họp báo thường lệ hôm thứ Hai (23.5.2022), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói rằng đảo Đài Loan là một phần không thể xâm phạm của Trung Quốc và vấn đề Đài Loan là "hoàn toàn là vấn đề đối nội của Trung Quốc", điều này không cho phép các lực lượng nước ngoài can thiệp. Và Trung Quốc không có chỗ để thực hiện bất kỳ thỏa hiệp nào đối với các câu hỏi liên quan đến lợi ích cốt lõi  về sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền. Các nhà phân tích cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Biden đưa ra lời đảm bảo an ninh đối với đảo Đài Loan và những nhận xét này không phải là hớ hênh, mà là tín hiệu nguy hiểm cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục loại bỏ chính sách một Trung Quốc của mình.

 

• "Sự mơ hồ chiến lược" về chính sách một Trung quốc

 

Vào tháng 10 năm 2021, Biden nói rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc đại lục "tấn công". Và giống như những gì đã xảy ra vào năm 2021, một quan chức giấu tên của Tòa Bạch Ốc đã sớm bổ túc và được Reuters trích dẫn rằng sẽ không có thay đổi nào đối với chính sách của Mỹ đối với đảo Đài Loan.  Giống như nhận xét của ông vào tháng 10, những gì Biden nói hôm thứ Hai không phù hợp với quan điểm truyền thống của chính phủ Hoa Kỳ về vấn đề này, vốn thường được mô tả là "sự mơ hồ chiến lược" và cùng với một loạt động thái, chính phủ Biden đang tiến thêm một bước để hủy bỏ chính sách một Trung Quốc, theo  Da Wei, giám đốc Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho biết hôm thứ Hai.

 

Da Wei, lưu ý rằng Biden cũng khôn ngoan để lại chỗ cho Mỹ về các chủ đề này. "Gửi quân là can thiệp quân sự, cung cấp vũ khí và thông tin tình báo quân sự và tiến hành giải cứu cũng có thể được hiểu là 'can thiệp quân sự' "… Ông Da Wei cho biết chính quyền Biden đang chơi quân bài trên hòn đảo này để không chỉ phục vụ cho các chính trị gia thân Đài Loan ở Mỹ mà còn phục vụ cho chiến lược của họ đối với Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, với sự nhạy cảm của vấn đề  Đài Loan, chiến thuật chơi thông qua lời nói hoặc hành động sẽ không dẫn đến kết quả tốt. Da Wei cho rằng "nếu chính quyền Biden nhất quyết làm như vậy, quan hệ Trung - Mỹ sẽ giống như con tàu Titanic va phải tảng băng - kết thúc trong khủng hoảng hoặc tệ hơn". Ông Biden cho rằng  bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc trong việc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan sẽ  "làm mất trật tự toàn bộ khu vực" và "là một hành động khác tương tự như những gì đã xảy ra ở Ukraine."

 

• Mỹ thay đổi từ "sự mơ hồ chiến lược" sang "sự  rõ ràng chiến lược " về chính sách 1 Trung Quốc.

 

Mỹ đang thúc đẩy một cuộc chiến nhận thức bằng cách cố gắng gắn vấn đề Ukraine với vấn đề Đài Loan và phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Đài Loan, Sun Chenghao, một nhà nghiên cứu từ Trung tâm An ninh Quốc tế và Chiến lược của Đại học Thanh Hoa, nói với Global Times  vào thứ Hai (23.5.2022). "Tuy nhiên, Ukraine và đảo Đài Loan hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng, bằng cách cố tình gán ghép hai điều này, Mỹ đang cố gắng đánh lừa các nước châu Á - Thái Bình Dương và khiến họ nghĩ rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương có nguy cơ xảy ra xung đột tương tự", Sun nói. "Những tuyên bố như vậy có thể bổ sung tính hợp pháp cho '' Chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương '' của Hoa Kỳ và sự can thiệp của nước này vào vấn đề Đài Loan."  Các hành động gần đây của Hoa Kỳ về đảo Đài Loan cho thấy đã có xu hướng thay đổi  từ "sự mơ hồ chiến lược" của Hoa Kỳ chuyển  theo hướng rõ ràng. Mỹ vẫn chưa từ bỏ hoàn toàn chính sách một Trung Quốc, nhưng xu hướng này rất nguy hiểm. Ông Sun cho biết Mỹ đang từng bước thăm dò quyết tâm  của Trung Quốc đại lục.

 

Các chính trị gia Hoa Kỳ cũng thổi phồng vấn đề đưa đảo Đài Loan vào "Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương" do Hoa Kỳ dẫn đầu, một công cụ địa chính trị để cô lập Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, và thúc đẩy việc mời Đài Loan tham gia Đại hội đồng Y tế Thế giới. Các chuyên gia cho rằng bất kể họ áp dụng "sự mơ hồ chiến lược" hay "sự rõ ràng chiến lược", thời quyết tâm giải quyết vấn đề Đài Loan của người Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng.  Các nhà phân tích  (Trung quốc) chỉ trích việc Mỹ thường xuyên chơi "quân bài Đài Loan" và cảnh báo những người ly khai ở hòn đảo này rằng những lời hứa của Mỹ đối với hòn đảo này chỉ là lời nói suông, giống như những gì họ đã làm với các "đồng minh" khác,  Mỹ sẽ  không sẵn sàng đến giải cứu Đài Loan-(no willingness to come to Taiwan's rescue).[6]

 

 Về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ- Thái Bình Dương (The Indo-Pacific Economic Framework- IPEF) do Hoa Kỳ đề xướng

 

 Theo người viết ghi nhận, trong chuyến công du hai nước Đại Hàn và Nhật Bản,TT Biden nêu ra hai vấn đề, một là - nếu  Trung quốc dùng vũ lực thời Mỹ sẽ can thiệp, và hai là  giới thiệu các  nước vùng Ấn Độ - Thái  Bình Dương  tham gia vào :  Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (The Indo-Pacific Economic Framework- IPEF) do Hoa Kỳ đề xuất.  Ngoài Hoa Kỳ còn bao gồm các nước:  Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, « theo Thông cáo của Tòa Bạch Ốc ngày 23.5.2022 ».  (Ba ngày sau, 26.3.2022, Cố vấn  ANQG tại Tòa Bạch Ốc công bố thêm đảo quốc Fiji gia nhập , tổng cộng  IPEF có 14 thành viên). Tuy nhiên bản văn của Hoàn Cầu Thời báo (Global Times) nêu trên chỉ bàn về việc Mỹ sẽ can thiệp quân sự một khi Trung quốc dùng vũ lực xâm lăng Đài Loan, mà không bàn việc các nước trong khu vực tham gia hiệp ước kinh tế mới (IPEF) do Hoa kỳ đề xướng, thay vào đó  tờ Hoa Nam Buổi Sáng Hồng Kông (SCMP, HK ) có bài viết về đề tài này và muốn Mỹ đối xử  " bình đẳng"...

 

Theo  tờ SCMP Hồng Kông  (22.5.2022) - Khi Trung Quốc đưa ra sáng kiến địa kinh tế trong những năm gần đây - chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Sáng kiến Vành đai và Con đường hay Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) - thì các phản ứng của phương Tây đều tiêu cực.  Ví dụ mới nhất về hành vi này là IPEF, mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc đẩy trong các chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản đồng thời tham gia các cuộc họp với các nhà lãnh đạo từ Australia và Ấn Độ. Nhưng ông ta sẽ rất khó bán một sáng kiến nửa vời và cơ hội như vậy.

 

Nó có tất cả các dấu hiệu của một công việc gấp rút, với một chiếc lông vũ ở Ấn Độ -Thái Bình Dương trên mũ của ông ta  và thêm vào những vòng nguyệt quế mà ông Biden  đã nhận được từ việc kết nạp  các nước NATO cùng đối phó với Nga, và có lẽ gián tiếp chống lại Trung Quốc.{a} [7]

 

Đoạn văn trên ghi: "Ông ta sẽ rất khó BÁN một sáng kiến nửa vời" , đó là  sự suy đoán của tác giả  phổ biến ngày 22.5.2022, nhưng  một ngày sau, 23.5.2002, TT Biden đã công bố danh sách các  nước trong khu vực chính thức tham gia  " Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương- IPEF" ,  nhưng Mỹ lại không "bán" cho Trung Quốc, vì thế  bài báo  trên SCMP Hồng Kông theo đường lối của nhà nước  Trung quốc  lên tiếng ...

 

"Theo báo cáo của CSIS, “sau vài năm đứng bên lề, các đối tác trong khu vực đồng loạt hoan nghênh IPEF như một dấu hiệu về sự CAN DỰ kinh tế mới của Hoa Kỳ vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Nhưng trừ khi Mỹ và các đồng minh của họ sẵn sàng chấp nhận Trung Quốc ít nhất là một nước bình đẳng - But unless the US and its allies are prepared to accept China as at least an equal, (vì sự bình đẳng, nên mời Trung quốc tham gia IPEF, nếu không) , thì "sự CAN DỰ" chỉ có thể thông qua xung đột." {b} [7]

 

Phải chăng vì  Mỹ không mời Trung quốc tham gia  Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương,  thời sẽ xảy ra "xung đột " - Trung quốc sẽ tấn công  Đài Loan, hòn đảo được cho là" hàng không mẫu hạm không thể bị đánh chìm " của Mỹ? ( chữ trong ngoặc kép từ cuốn Mưu Lược Đặng Tiểu Bình).

 

– Đào Văn

 

----------------

Nguồn:

 

[1]  SCMP HK:US touts Taiwan ‘porcupine’ strategy to thwart Chinese threat ese-threat

 

[2]  CVS Taiwan:How the ‘porcupine doctrine’ might help deter armed conflict with China

 

[3]  DW Germany: Taiwan's military tests new capabilities to deter China threat

 

[4]  Global Times TQ:US arms sale to Taiwan tantamount to tying a bomb to every Taiwan compatriot: Taiwan Affairs Office

 

[5]  CFR Washington: What lessons will Xi Jinping learn from the war in Ukraine?

[6]  Global Times TQ:Biden’s remarks on ‘intervening militarily’ in Taiwan question not gaffe but signals hollowing out one-China policy

 

[7] {a,b} SCMP, HK:Biden’s Indo-Pacific economic plan is yet another example us or against

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats