IPEF
– Trận đánh mới, chiến trường cũ
Phân tích của Trần Hiếu Chân, từ
California
2022.05.30
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/ipef-new-battle-old-field-05302022095705.html
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu cùng Thủ tướng Ấn
Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại lễ khởi động Khuôn khổ
Kinh tế Ấn Độ Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF) tại Tokyo hôm 23/5/2022. Reuters
Sáng kiến thương mại mới
Nhân
chuyến công du Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cuộc đàm phán ma-ra-tông về
sáng kiến hợp tác kinh tế liên vùng với tên gọi “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương
– Thái Bình Dương” (IPEF) đã được khỏi động đầu tuần qua (23/5). IPEF bao gồm
13 nước: Mỹ, Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New
Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Tính chung các nước này
chiếm chừng 40% GDP toàn thế giới.
Đây là một
sáng kiến thương mại mới, khác hẳn các hình thức trước đây như Hiệp định đối
tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ từng rút lui. Điểm khác biệt đầu tiên là
IPEF sẽ không đặt ra yêu cầu phải có cam kết của các bên như phải mở cửa thị
trường cho các nước thông qua giảm thuế hay tháo gỡ các rào cản thương mại
khác. Nhờ vậy IPEF sẽ không đòi hỏi có sự phê duyệt của quốc hội từng nước, bởi
nó không phải là một hiệp định thương mại tự do. Gọi là “khuôn khổ” vì đích nhắm
của sáng kiến này là tăng cường sự hợp tác của các nước trong nhiều lãnh vực
như năng lượng, nền kinh tế số, chuỗi cung ứng. Cụ thể, nội dung thảo luận
trong thời gian tới sẽ tập trung vào bốn trụ cột: thương mại; chuỗi cung ứng;
năng lượng sạch, phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng.
Một ví dụ
cụ thể của sự hợp tác này là xây dựng lại chuỗi cung ứng trong đó các nước đồng
ý sẽ sớm phát hiện các trục trặc của một chuỗi cung ứng rồi đưa ra giải pháp.
Chẳng hạn nếu có dịch COVID bùng phát ở một nước làm các nhà máy của nước này
phải đóng cửa, sẽ có ngay một nhà máy của nước khác sẵn sàng thay thế để không
làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Như thế có thể thấy IPEF trước tiên phục vụ cho mục
đích xây dựng chuỗi cung ứng mới, không có Trung Quốc nhằm giúp các doanh nghiệp
đa quốc gia giảm phụ thuộc vào nước này. Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung mấy năm
gần đây rồi đại dịch COVID-19 và chính sách Zero COVID của Trung Quốc gây ra
nhiều khó khăn, đẩy giá hàng hóa lên cao, gây lạm phát ở nhiều nước.
Điểm khác
biệt thứ hai là, cách thiết kế IPEF giúp tránh các ấn tượng không tốt trong dân
chúng và ở Quốc hội Mỹ về các hiệp định thương mại tự do, từng là lý do buộc Mỹ
rút ra khỏi TPP. Đó là ấn tượng các hiệp định thương mại trước đây chỉ nhằm
thúc đẩy toàn cầu hóa, từ đó chuyển công ăn việc làm từ các nước như Mỹ sang
các nước khác như Trung Quốc. Toàn cầu hóa theo kiểu đó là làm mức sống của tầng
lớp công nhân trung lưu trước đây của Mỹ rơi vào chỗ bế tắc, mất việc làm. Ngược
lại, sáng kiến IPEF nhấn mạnh đến sự hợp tác, trong đó có thể có cả chuyện đưa
một số khâu sản xuất trở về nước Mỹ, miễn sao chúng vẫn là một phần của chuỗi
cung ứng mới. Một trong bốn trụ cột chính của IPEF là thương mại nhưng việc bàn
thảo sẽ không còn tập trung vào việc giảm thuế hay tiếp cận thị trường; nay các
nước sẽ bàn về các vấn đề khác, như các chuẩn mực cho dòng chảy dữ liệu trong nền
kinh tế số; tính riêng tư trên không gian mạng, cách sử dụng trí tuệ nhân tạo hợp
đạo đức… (1)
Có thể thấy
IPEF có quy mô nhỏ hơn TPP và nhìn từ phía các nước châu Á, sẽ không giúp họ
tăng xuất khẩu vào Mỹ như từng tính toán với TPP trước đây. Thay vào đó, người
ta hy vọng khuôn khổ này giúp các nước liên kết chặt chẽ với nhau trong một
phương cách hợp tác mới, chứ không đơn thuần là xuất khẩu hàng hóa. Dù sao đây
chỉ mới là giai đoạn khởi động; có lẽ phải chờ có thêm các chi tiết cụ thể mới
đoán định được IPEF sẽ đóng vai trò như thế nào trong mối quan hệ giữa Mỹ và 12
nước đối tác trong khuôn khổ này. Sau lễ công bố khởi động thảo luận về IPEF, bộ
trưởng kinh tế 13 nước sẽ nhóm họp để bàn thảo về kế hoạch triển khai trong thời
gian tới, kể cả từng nước quyết định sẽ tham gia lãnh vực nào trong bốn trụ cột
nói trên với thời gian thảo luận dự kiến sẽ kéo dài từ 12 đến 18 tháng.
Dù không
nói ra, IPEF cũng như TPP trước đó, là những trận đánh nhằm phục vụ chiến trường
cũ là bao vây Trung Quốc, không cho nước này thay đổi trật tự, luật chơi thế giới
đã hình thành sau thế chiến thứ II. IPEF còn hơn TPP vì bao gồm cả Ấn Độ, tức
là nhóm tứ cường (Quad: Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, và Úc), nhóm phối hợp hành động được
tuyên bố vào năm 2017, khi khu vực biển Đông đứng trước những hành động leo
thang, củng cố quân sự của Trung Quốc, đe dọa tới tự do lưu thông hàng hải.
Ngoài ra còn có hai quốc gia quan trọng, trước không có trong TPP, tham gia, đó
là là Indonesia, nước lớn nhất Đông Nam Á, và Hàn Quốc, căn cứ sản xuất chip điện
tử hàng đầu thế giới. IPEF là một trận địa tổng lực do người Mỹ giăng ra, tuy
có ít sự ràng buộc hơn so với TPP. Sự ít ràng buộc này có thể là vì người Mỹ muốn
có một kết quả sớm, chứng tỏ rằng họ đang liên minh với châu Á, rằng họ vẫn
không bị cuộc chiến Ukraine làm sao nhãng. Nếu ràng buộc nhiều, thì e rằng
không thu hút được đông đảo các quốc gia yếu nhất ở Đông Nam Á. (2)
VIDEO :
Mỹ khởi động
sáng kiến kinh tế ở Châu Á chưa có Trung Quốc #shorts
https://www.youtube.com/watch?v=gPS5FIT8LM4
Việt Nam hưởng lợi gì?
Theo Đại sứ
Phạm Quang Vinh, Cố vấn cao cấp Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển
quan hệ quốc tế (CSSD), Khuôn khổ IPEF định hướng cho phát triển và hợp tác
kinh tế với nền kinh tế chủ chốt ở khu vực, cũng là các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn
của tương lai, mang tính bền vững và đảm bảo cạnh tranh. Điều này là phù hợp với
định hướng định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Đơn
cử như thương mại mang tính bền vững, công bằng rồi chuyển đổi số là điều Việt
Nam đang hướng tới. Rồi năng lượng sạch cũng là lĩnh vực ta hướng tới với những
cam kết ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng
tái tạo. Hay Việt Nam cũng cần đến công nghệ và sáng tạo, cả những hành lang
pháp lý để bảo đảm công nghệ tin cậy, chất lượng cao, bền vững...
Nhìn
chung, các trụ cột mà IPEF đưa ra mang tính định hướng là tin cậy, bền vững,
xanh, sạch, số… đều phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam. Tham gia
vào Khuôn khổ này thể hiện việc chúng ta tham gia vào nhiều tầng nấc liên kết,
hợp tác kinh tế khu vực và trên thế giới, cùng bổ sung cho nhau tạo động lực
phát triển. Sáng kiến IPEF hình thành trong một quá trình trao đổi với rất nhiều
bên liên quan, trong đó có Việt Nam. Hà Nội hy vọng đóng góp tiếng nói, định hướng
những lĩnh vực hợp tác phù hợp. Đây mới là bước đầu, trong thời gian tới, chắc
chắn các nước đều phải chuẩn bị tích cực để chủ động nêu ra đề xuất của mình,
thể hiện lợi ích quốc gia cũng như khu vực. IPEF nhằm mục đích làm sâu sắc hơn
quan hệ thương mại giữa Mỹ và các quốc gia ký kết như Australia, Brunei, Ấn Độ,
Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore,
Thái Lan và Việt Nam. (3)
Tuy nhiên,
theo giới chuyên gia bên ngoài Việt Nam, trong tình hình hiện nay, ngay cả khi
giới chức Việt Nam và các nhà đầu tư phương Tây muốn rằng các sản phẩm làm ra tại
Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thêm nhiều giá trị thặng dư, họ cũng
không thể làm được, vì nền giáo dục Việt Nam quá tệ hại, không thể cung cấp được
số nhân công đó. Có phần rất chắc chắn rằng nếu IPEF thành công, và Việt Nam
thành công trong việc gia nhập IPEF, thì người Việt vẫn là những người làm những
công việc đơn giản và rẻ tiền nhất. Đó là mục tiêu cụ thể nhất của IPEF, ba mục
tiêu còn lại càng khó cho Việt Nam.
Với mục
tiêu chống tham nhũng, người ta có thể nói rằng chiến dịch đốt lò của ông Nguyễn
Phú Trọng đang làm hài lòng dân chúng. Cứ cho là ông Trọng thực sự chống tham
nhũng, không như lời xuyên tạc rằng cuộc đốt lò này là đấu đá nội bộ. Nhưng với
cơ chế chính trị của Việt Nam hiện nay, đây là công việc chống tham nhũng của một
người, và khi người ấy không còn trên vũ đài chính trị nữa thì lò cũng sẽ tắt.
Với mục tiêu năng lượng sạch, đòi hỏi một kinh phí rất lớn, trừ khi Việt Nam được
sự hậu thuẫn rất lớn về tài chính, khả năng các nhà máy điện chạy than quay trở
lại là chuyện dễ dàng xảy ra. Cần nhắc lại rằng một phụ nữ hoạt động trong lĩnh
vực môi trường rất nổi tiếng ở Hà Nội bị bắt bỏ tù cách đây không lâu. Mục tiêu
nền kinh tế số, gắn liền với mục tiêu đầu tiên, là khả năng của nhân lực Việt Nam.
Bên cạnh đó, hệ thống chính trị kinh tế xã hội Việt Nam cho tới hiện nay vẫn
không thích công khai minh bạch, không thể đáp ứng cho một nền kinh tế số lành
mạnh được.
Điều mà
tương lai Việt Nam cần, trong 20 năm nữa, lại không nằm trong bốn mục tiêu của
IPEF đề ra, hay nói đúng hơn là có liên quan, nhưng xa, đó là chuyển đổi số phận
cho 60% cư dân Việt Nam đang sống lay lắt trong một nền nông nghiệp lạc hậu. Nền
nông nghiệp này lệ thuộc một cách tội nghiệp vào thị trường Hoa lục, mà những đồng
chí của Đảng Cộng sản Việt Nam bên kia biên giới phía Bắc, thích thì cho hoa quả
Việt Nam vào bán ở các chợ Trung Quốc, không thì thôi. Đa số phần còn lại của
dân chúng cũng không phải là cư dân công nghiệp và dịch vụ mà thực sự chỉ là những
nông dân làm thuê trong các nhà máy. (4)
___________
Tham
khảo:
1.
https://thesaigontimes.vn/ipef-mot-sang-kien-thuong-mai-moi/
2.
http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenKhoa_VietNamDuocgiIPEF.html
4.
http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenKhoa_VietNamDuocgiIPEF.html
------------------------------------------------------------------
*
Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
----------------------
Tin,
bài liên quan
Hy
vọng về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương
Phân
tích của Lê Trọng Đàn
2022.05.29
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/hope-for-ipef-05292022074525.html
No comments:
Post a Comment