Saturday, 28 May 2022

MỸ, ANH, ĐỨC GỬI VŨ KHÍ GIÚP UKRAINE CHỐNG NGA (tổng hợp)

 



NỘI DUNG :

 

Tên lửa tầm xa của Mỹ sẽ giúp Ukraine phản công ở Donbas?

BBC News Tiếng Việt

.

Thủ tướng Đức lưỡng lự trong việc gửi xe tăng cho Ukraine

Damien McGuinness

.

Giới thiệu các loại vũ khí Anh chuyển giao cho Ukraine

BBC News Tiếng Việt

 

======================================================

.

.

Tên lửa tầm xa của Mỹ sẽ giúp Ukraine phản công ở Donbas?

BBC News Tiếng Việt

 28 tháng 5 2022, 19:08 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/world-61618596

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/27DD/production/_124950201_gettyimages-1240910458.jpg.webp

Những người lính ở Soledar trên con đường giữa Severodonetsk và Bakhmut

 

Tin chưa chính thức nói Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chấp thuận gửi hệ thống tên lửa phóng tầm xa tới Ukraine, một diễn tiến có thể hỗ trợ rất nhiều cho việc bảo vệ lãnh thổ của Ukraine ở khu vực Donbas.

 

Báo Mỹ The New York Times dẫn lời một viên chức Mỹ giấu tên nói rằng Washington có thể chính thức công bố tin này vào tuần sau.

 

Các vũ khí được chuyển giao sẽ bao gồm các bệ phóng tên lửa di động có thể bắn xa hơn nhiều so với các bệ phóng mà Ukraine đang sử dụng hiện nay.

 

CNN hôm 27/5 cũng dẫn các nguồn giấu tên, đưa tin tương tự.

 

Nếu điều này diễn ra, nó có thể giúp quân đội Ukraine phản kích lại đợt tiến quân của Nga đang chiếm ưu thế ở vùng Donbas.

 

Mặc dù các quan chức chưa cung cấp chi tiết về loại tên lửa mà Hoa Kỳ sẽ cung cấp, nhưng loại được Lầu Năm Góc sử dụng thường xuyên nhất là M31 GMLRS - một loại vũ khí chính xác dẫn đường bằng vệ tinh.

 

M31 GMLRS là viết tắt của Hệ thống rocket dẫn đường phóng loạt.

 

Nó có thể bay xa hơn 40 dặm, vượt xa tầm bắn của bất kỳ loại pháo nào mà Ukraine hiện đang sử dụng.

 

Lầu Năm Góc đã chi khoảng 5,4 tỷ USD để mua hơn 42.000 tên lửa như vậy kể từ năm 1998.

 

Hoa Kỳ trước nay vẫn không chịu cung cấp loại này vì sợ Ukraine sẽ dùng để bắn thẳng vào lãnh thổ Nga.

 

Ukraine được cho là đã thực hiện nhiều cuộc tấn công xuyên biên giới bên trong nước Nga, mà các quan chức Ukraine không xác nhận cũng không phủ nhận.

 

Một mối quan tâm lớn khác trong chính quyền Biden là liệu Hoa Kỳ có đủ khả năng để cho đi quá nhiều vũ khí cao cấp được lấy từ kho dự trữ hay không.

 

Nhưng trước nguy cơ Ukraine sẽ mất vùng Donbas, có thể Washington đang thay đổi suy nghĩ.

 

Có đồn đoán gói vũ khí mới của Mỹ có thể bao gồm Hệ thống Pháo phản lực Cơ động Cao đặt trên xe bánh lốp, còn gọi là HIMARS.

 

Sự thất vọng đang ngày càng tăng từ phía Ukraine vì sự thiếu quyết đoán của Mỹ trong những tuần gần đây, vì Ukraine tin rằng một khi Mỹ gửi hệ thống vũ khí hạng nặng thì các nước khác sẽ nhanh chóng làm theo.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/10C38/production/_124946686_gettyimages-1240916783.jpg.webp

Severodonetsk đã bị Nga bắn phá dữ dội

 

John Kirby, thư ký báo chí của Lầu Năm Góc, hôm thứ Sáu đã từ chối xác nhận tin này, nhưng giới quan sát đang chờ đợi tuần sau.

 

Có dự đoán quân đội Ukraine chỉ mất khoảng một tuần để học sử dụng hệ thống tên lửa mới.

 

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba hôm thứ Sáu tuyên bố nhiều vũ khí hạng nặng của Mỹ sẽ trên đường đến Ukraine sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

 

"Nói chuyện với Ngoại trưởng Antony Blinken, tôi đánh giá cao những nỗ lực cá nhân của ông ấy để đảm bảo sự hỗ trợ bền vững của Hoa Kỳ và toàn cầu cho Ukraine."

 

"Vũ khí hạng nặng nằm trong chương trình nghị sự của chúng tôi và nhiều hàng hóa như vậy đang đến với chúng tôi," ông Kuleba nói trên Twitter hôm thứ Sáu.

 

Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố hôm 8/5: "Ukraine phải nhận được các loại vũ khí hạng nặng, đặc biệt là pháo M142 HIMARS và pháo phản lực M270, để đánh bại đối phương."

 

Hôm thứ Sáu, các lực lượng thân Nga đã chiếm giữ thị trấn Lyman ở phía tây của Severodonetsk, tạo tiền đề cho một cuộc tiến công tới các thành phố lớn Slovyansk và Kramatorsk.

 

Pháo binh đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến giành Donbas, một khu vực địa lý phần lớn bằng phẳng.

 

Các chỉ huy Ukraine cho rằng tên lửa tầm xa chính xác có khả năng mang tính quyết định.

 

Trong nhiều tháng, Ukraine nói rằng Nga đã nắm giữ lợi thế, một phần là do các cuộc tấn công bằng pháo binh từ lâu đã trở thành trọng tâm trong học thuyết quân sự của Nga.

.

===========================

.

.

Thủ tướng Đức lưỡng lự trong việc gửi xe tăng cho Ukraine

Damien McGuinness

Phóng viên BBC ở Berlin

28 tháng 5 2022, 13:24 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/world-61615849

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/11214/production/_124946107_scholz2.jpg.webp

Thủ tướng Olaf Scholz đang phải đối mặt với những lời chỉ trích vì lưỡng lự trong việc gửi vũ khí hạng nặng để Ukraine chống lại Nga

 

"Đồ nói dối! Kẻ gây chiến!" đám đông giận dữ la hét khi Thủ tướng Olaf Scholz bước lên sân khấu. Các thành viên công đoàn tóc bạc cầm những tấm bảng ghi "không vũ khí, không chiến tranh".

 

Thông thường, một cuộc biểu tình về quyền của người lao động ở Düsseldorf sẽ là một sự kiện thân thiện với vị thủ tướng từ đảng Dân chủ Xã hội trung tả, nhưng lần này, các nhà hoạt động cánh tả đã phẫn nộ khi chính quyền của ông Scholz đang gửi vũ khí tới Ukraine.

 

"Thật bất nhẫn khi nói với người Ukraine rằng họ nên tự bảo vệ mình trước sự hung hăng của Putin", ông Scholz hò hét lại, cố gắng để giọng của ông được nghe thấy trong những tiếng la ó.

 

Tuy nhiên, các thành viên công đoàn Đức này chỉ là thiểu số. Trong và ngoài nước, ông Scholz đã bị chỉ trích vì không gửi đủ vũ khí cho Ukraine.

 

Cuộc chiến Ukraine: Thế khó của Đức trong mối quan hệ với Nga

Thủ tướng Đức nói Putin sẽ không thắng trong cuộc chiến tranh tại Ukraine

Ukraine: Đức dừng phê duyệt Nord Stream II, Nga nói châu Âu 'hảy trả giá cao cho khí đốt'

 

Thất hứa

 

Các chính trị gia hàng đầu trên khắp nước Đức cáo buộc ông Scholz đã hành xử như một cái phanh trong việc giao vũ khí.

 

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cáo buộc Berlin thất hứa, nói rằng các xe tăng Leopard hiện đại của Đức, mà Berlin hứa sẽ gửi tới Ukraine để thay thế cho các xe tăng từ thời Liên Xô, vẫn chưa tới.

 

"Nếu chúng tôi được đồng minh Đức hỗ trợ xe tăng để thay thế cho những chiếc xe tăng mà chúng tôi đã cung cấp cho Ukraine, chúng tôi sẽ rất biết ơn. Chúng tôi đã có một lời hứa như vậy. Chúng tôi nghe nói Đức không sẵn sàng thực hiện [lời hứa đó]," Tổng thống Andrzej Duda nói.

 

Trên trường quốc tế, nhiều quốc gia cho rằng Đức không muốn trang bị vũ khí cho Ukraine.

 

"Tôi không hiểu tại sao việc đó lại phức tạp như vậy", một ngoại trưởng Ukraine bày tỏ sự thất vọng trong tuần này. Cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã dùng mạng xã hội để kêu gọi các hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS).

Trên thực tế, Berlin đang cung cấp cho Ukraine một lượng lớn vũ khí; không nhiều như Mỹ, nhưng có thể so sánh với các nước châu Âu khác. Các chuyên gia cho rằng Đức xếp ở giữa trong số những nước viện trợ vũ khí cho Ukraine.

 

Quốc hội Đức đã bỏ phiếu ủng hộ áp đảo việc cung cấp vũ khí hạng nặng. Hầu hết các chính trị gia và hầu như tất cả các đảng đều ủng hộ động thái này, bao gồm cả đảng Dân chủ Xã hội SPD của Thủ tướng Olaf Scholz, các đối tác liên minh của ông, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ FDP, cũng như phe đối lập bảo thủ.

 

Đảng cực hữu AfD và Đảng cực tả Die Linke là những bên duy nhất phản đối việc trang bị vũ khí cho Ukraine. Cả hai Đảng này đều đang gặp khó khăn trong các cuộc thăm dò và bị rạn nứt bởi các cuộc tranh cãi nội bộ.

 

Đã có những phản đối về việc giao vũ khí cho Ukraine trong các cuộc tranh luận trên truyền thông, chẳng hạn như một bức thư công khai được viết bởi một số học giả và nhân vật truyền thông. Nhưng không ai trong số những người ký tên có ảnh hưởng về chính trị, và rất ít người có hiểu biết sâu về Nga hoặc Ukraine.

 

'Putin không được thắng'

 

Tuy nhiên, bất chấp sự đồng thuận trong Quốc hội, ông Scholz vẫn tỏ ra do dự.

 

Trong các bài phát biểu, ông lặp đi lặp lại các cụm từ như "Putin không được giành chiến thắng, Ukraine phải tồn tại". Không hiểu sao Thủ tướng Đức không bao giờ nói về việc Ukraine chiến thắng trong cuộc chiến.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/854C/production/_124942143_panzer.jpg.webp

Quân đội Đức huấn luyện các binh sỹ Ukraine trên chiếc Panzerhaubitze 2000

 

Không như nhiều chính trị gia hàng đầu của Đức, ông Scholz vẫn chưa đến thăm Kyiv kể từ khi Nga xâm lược, cho rằng việc đi "chụp ảnh" là vô nghĩa.

 

Điều này đã gây ra sự phẫn nộ ở Đức, khi những bức ảnh ông Scholz bắt tay với nhiều chức sắc khác nhau trên khắp thế giới được chia sẻ trên mạng xã hội, rõ ràng là để chụp ảnh.

 

Một mặt, ông Scholz cam kết hỗ trợ đầy đủ cho Ukraine. Mặt khác, hội đồng an ninh do ông đứng đầu vẫn chưa ký yêu cầu cung cấp xe tăng Leopard hoặc Marder hiện đại mà các nhà cung cấp cho biết họ có thể gửi và phía Ukraine mong muốn.

 

'Có phải vì đảng của ông ấy?'

 

Tuần này, bà Marie-Agnes Strack-Zimmermann, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Quốc hội và chuyên gia quốc phòng của Đảng Dân chủ tự do FDP, một đảng trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Scholz, nói không thể chấp nhận việc thế giới coi Đức đã trì hoãn việc tiếp viện quân sự cho Ukraine "đơn giản là chỉ vì chúng tôi không có khả năng giao tiếp thích đáng và tự tổ chức".

 

Bà muốn có một danh sách minh bạch về những gì Đức đang cung cấp cho Ukraine và hợp tác tốt hơn, nói rằng vị thủ tướng "có thể dùng tất cả mọi ảnh hưởng để đạt được mục đích" trong việc giao vũ khí. "Tôi đang cố gắng hiểu tại sao ông ấy không làm vậy. Là do thiếu lòng tin hay vì đảng của ông ấy?"

 

Chắc chắn trong các cuộc thăm dò, các cử tri Đảng Dân chủ Xã hội là một trong số những người có nhiều khả năng phản đối việc trang bị vũ khí cho Ukraine. Đảng SPD theo truyền thống tin rằng hòa bình ở châu Âu chỉ có thể đạt được bằng cách hợp tác, chứ không phải chống lại Moscow. Một số nhân vật có ảnh hưởng trong đảng này muốn tập trung vào một thỏa thuận hòa bình với Vladimir Putin và tin rằng việc gửi vũ khí tới Ukraine có thể khiến xung đột leo thang.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/16034/production/_124946109_protesters.jpg.webp

Những người biểu tình hôm 27/05 đã thúc giục ông Scholz vũ trang cho Ukraine ngay lập tức

 

Nhìn chung, phản ứng của dự luận bị chia rẽ, kích động và có thể thay đổi:

 

·         Một cuộc thăm dò vào tháng 3 cho thấy 63% phản đối việc trang bị vũ khí hạng nặng cho Ukraine và chỉ 31% ủng hộ

 

·         Cuộc thăm dò tương tự vào tháng 4 cho kết quả ngược lại, với 56% ủng hộ giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine và 39% phản đối

 

·         Vào đầu tháng 5, trong một cuộc khảo sát khác, chỉ có 46% ủng hộ.

 

Dù thế nào thì mọi người cũng lúng túng.

 

Cho đến gần đây, Thủ tướng Scholz cho biết việc gửi xe tăng cho Ukraine sẽ đồng nghĩa với việc leo thang và dù sao thì Đức cũng không có đủ xe tăng để gửi đi.

 

Sau đó, ông Scholz nói xe tăng có thể được gửi đến Ba Lan, nhưng những chiếc xe này dường như chưa đến nơi và cũng không rõ thỏa thuận là gì.

 

Giờ đây, thông điệp lại là Berlin đang gửi những chiếc xe tăng phòng thủ Gepard trực tiếp tới Ukraine, chứ không phải là xe tăng tấn công Leopard hoặc Marder, vì một thỏa thuận được cho là không chính thức với Nato.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2B9C/production/_124946111_baerbock.jpg.webp

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock (bên phải) đã đến thăm Ukraine nhưng Thủ tướng Scholz vẫn chưa

 

Các quốc gia khác dường như không có nhiều phản ứng dư luận như vậy về việc giao vũ khí cho Ukraine.

 

Nhưng sự thiếu minh bạch đang làm tăng lo lắng và giảm bớt niềm tin vào khả năng lãnh đạo của ông Scholz. Xếp hạng của ông đang giảm và đảng SPD của ông đã thua hai cuộc bầu cử cấp bang lớn trong tháng trước.

 

Mục đích của ông dường như là một trung gian hòa giải thỏa hiệp để tránh leo thang, điều có thể hiểu được trong bối cảnh nước Đức tham gia vào các cuộc chiến khốc liệt trong thế kỷ 20. Nhưng điều nguy hiểm là bằng cách cố gắng giữ cho tất cả mọi người vui, ông Scholz không làm ai hài lòng - nhất là Ukraine.

.

====================================

.

.

Giới thiệu các loại vũ khí Anh chuyển giao cho Ukraine

BBC News Tiếng Việt

 28 tháng 5 2022, 20:45 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/world-61619238

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1BF3/production/_124955170_gettyimages-1239049123.jpg.webp

Người lính Ukraine với vũ khí chống tăng Nlaw

 

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 27/5 nói rằng các lực lượng Nga đang tiếp tục "gặm nhấm" vùng Donbas của Ukraine, đồng thời nói thêm rằng Nga đang đạt được những tiến bộ chậm chạp nhưng cụ thể tại đây.

 

Nhà ngoại giao Nga từ chức vì cuộc chiến tranh 'ngu ngốc' của Putin

Nga quyết chiếm Donbas, liệu Ukraine có đành nhượng đất?

 

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg sáng 27/5: "Tôi e rằng Putin, với cái giá phải trả lớn cho bản thân và cho quân đội Nga, đang tiếp tục gặm nhấm Donbas."

 

"Ông ta tiếp tục dấn tới dần dần, chậm rãi, nhưng tôi e rằng có tiến bộ cụ thể, và do đó điều quan trọng là chúng tôi phải tiếp tục hỗ trợ quân sự cho người Ukraine."

 

Thủ tướng Boris Johnson cho biết Ukraine cần có nhiều vũ khí tấn công hơn, bao gồm các hệ thống tên lửa hiện đại.

 

Hàng nghìn binh lính tiền tuyến của Ukraine hiện đang sử dụng vũ khí và các thiết bị khác do Anh cung cấp.

 

Chính phủ Anh cho biết họ đã chi 1,3 tỷ bảng Anh (1,6 tỷ USD) để hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

 

Chính xác những gì đang được gửi, và tạo ra sự khác biệt như thế nào?

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1508B/production/_124955168_nlaw_uk_supplied_weapon_2x640-nc.png.webp

Đồ họa thể hiện vũ khí chống tăng Nlaw

 

Vũ khí chống tăng

 

Vương quốc Anh đã gửi hơn 5.000 vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo, hay còn gọi là Nlaw, tới Ukraine.

 

Nlaws được thiết kế để tiêu diệt xe tăng ở cự ly ngắn chỉ với một phát bắn.

 

Điều quan trọng đối với các lực lượng vũ trang Ukraine, những người cần vũ khí ngay lập tức, tên lửa này rất dễ vận chuyển và sử dụng đơn giản. Một người lính có thể được huấn luyện để sử dụng trong vòng chưa đầy một ngày.

 

Nhiều nhà phân tích tin rằng chúng đã có tác động lớn đến diễn biến của cuộc xung đột.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3F1B/production/_124955161_brimstone_missiles_uk_supplied_weapon_2x640-nc.png.webp

Đồ họa thể hiện tên lửa Brimstone 1

 

Tên lửa tầm ngắn

 

Thứ trưởng Quốc phòng James Heappey xác nhận rằng "hàng trăm" tên lửa Brimstone được gửi tới Ukraine vào ngày 28/4.

 

Theo Đại úy Chris Carlson, trước đây thuộc Hải quân Hoa Kỳ, Brimstone có thể sử dụng để chống lại xe tăng, pháo và một số tàu nhỏ như tàu đổ bộ.

 

Tên lửa này thường được bắn từ máy bay, nhưng ở Ukraine, chúng đang được sửa đổi để bắn từ xe tải.

 

Đại úy Carlson cho biết việc phóng chúng từ mặt đất sẽ làm giảm phạm vi hiệu quả.

 

Nếu được sử dụng làm tên lửa chống hạm, Brimstone quá nhỏ để có thể đánh chìm các tàu lớn, nhưng có thể gây ra thiệt hại đáng kể.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/DB5B/production/_124955165_mastiff_vehicles_uk_supplied_weapon_2x640-nc.png.webp

Đồ họa thể hiện xe bọc thép Mastiff

 

Xe bọc thép

 

Anh đã viện trợ 120 xe bọc thép cho Ukraine, bao gồm cả xe tuần tra Mastiff.

Mastiff rất phổ biến trong quân đội Anh ở Afghanistan vì chúng cung cấp khả năng bảo vệ cao chống lại bom mìn và các thiết bị nổ tự chế.

 

Các nhà phân tích nói rằng trong một khu vực nhiều mìn như Donbas, Mastiff có khả năng rất hữu ích.

 

Drone

 

Bộ Quốc phòng cho biết họ đang cung cấp hàng chục hệ thống máy bay không người lái (UAV) hạng nặng để hỗ trợ hậu cần cho các lực lượng bị cô lập.

 

Các nhà phân tích nói rằng máy bay không người lái có thể rất hiệu quả trong việc tiếp tế cho quân đội tiền tuyến, đặc biệt là trước mối đe dọa từ hỏa lực pháo binh của Nga và trong các tình huống có nguy cơ bị bao vây.

 

Hệ thống phòng không

 

Anh đã tặng 5 hệ thống phòng không, bao gồm cả tên lửa Starstreak.

 

Starstreak được thiết kế để hạ máy bay bay thấp ở cự ly ngắn.

 

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Starstreak đòi hỏi phải được đào tạo nhiều hơn so với các hệ thống như Nlaw, và không thể thay thế cho các hệ thống phòng không tầm xa.

 

Anh cũng đang cung cấp một số lượng nhỏ xe Stormer bánh xích để làm nền tảng di động cho tên lửa Starstreak.

 

Dài hạn

 

Theo Ben Barry, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, việc duy trì nguồn cung cấp thiết bị, vũ khí và đạn dược của phương Tây sẽ cực kỳ quan trọng đối với Ukraine về lâu dài.

 

Ông nói rằng mặc dù Ukraine có năng lực sản xuất vũ khí của riêng mình, nhưng quân đội của họ sẽ khó có thể giành lại phần lãnh thổ từ lực lượng Nga nếu không có sự hỗ trợ đáng kể từ bên ngoài.

 

Phần lớn vũ khí của Ukraine được thiết kế và sản xuất ở các nước Đông Âu trước đây thuộc Hiệp ước Warsaw.

 

Vì lý do này, Vương quốc Anh đã đề nghị gửi xe tăng Challenger 2 của Anh tới Ba Lan để hoàn trả khoản viện trợ xe tăng T-72 cho Ukraine.

 

Các lực lượng vũ trang Ukraine đã sử dụng T-72 trong nhiều thập niên và có khả năng bảo dưỡng và thay thế phụ tùng, bên cạnh đội ngũ được đào tạo.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats