Thursday 5 May 2022

ĐẤT NƯỚC GIỮA MỘT KHÚC QUANH LỚN CỦA THẾ GIỚI (Nguyễn Gia Kiểng)

 



 

Đất nước giữa một khúc quanh lớn của thế giới

Nguyễn Gia Kiểng

3/05/22

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/24837-d-t-nu-c-gi-a-m-t-khuc-quanh-l-n-c-a-th-gi-i

 

47 năm sau ngày 30/04/1975

 

Đất nước giữa một khúc quanh lớn của thế giới

 

Vào năm 2019 tất cả các nghiên cứu đều cho rằng Việt Nam là nước có cơ hội thuận lợi nhất không chỉ trong vùng mà trên toàn thế giới. Bây giờ cuộc chiến Ukraine khiến các nước dân chủ xét lại chính sách hợp tác và thái độ của Việt Nam đang khiến họ thất vọng. Trừ khi có một thay đổi lập trường nhanh chóng, mạnh mẽ và quả quyết Đảng Cộng Sản sẽ làm mất đi một vận hội lớn không bao giờ tìm lại được nữa của đất nước. Dân chủ hóa quả quyết và tức khắc là lối thoát cho Việt Nam. Hơn lúc nào hết đấu tranh cho dân chủ cũng là đấu tranh cứu nước.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52048472178_a716ca01a3.jpg

Ngày nay, sau 47 năm thống nhất dưới chế độ cộng sản đất nước ra sao ?

 

Chúng ta vừa kỷ niệm 47 năm ngày 30/04/1975 giữa lúc cuộc chiến Ukraine đang thay đổi hẳn bối cảnh thế giới. Những tác nhân chính của biến cố lịch sử này dù thuộc chiến tuyến nào, dù có công hay có tội, đều đã hoặc sắp qua đời. Một số đông những người sinh ra sau ngày này đã có cháu nội cháu ngoại. Bây giờ chúng ta có thể nhìn lại biến cố lịch sử này một cách bình tĩnh trong hy vọng rút ra những bài học.

 

Từ đó

 

Trước hết hãy cùng nhìn lại đất nước từ ngày 30/04/1975.

 

Chiến thắng của Đảng Cộng Sản đã khiến nước ta thụt lùi vài thập niên.

 

Vào lúc đó miền Bắc hoàn toàn không có một hoạt động kinh tế hay văn hóa xã hội đáng kể nào. Cuộc sống cơ cực ở mức độ người ta phải tự an ủi bằng những khẩu hiệu như "ăn sắn bổ hơn ăn cơm, ăn rau muống bổ hơn ăn thịt bò". Tất cả mọi cố gắng dồn vào chiến tranh.

 

Miền Nam thua trận và bị tàn phá bởi chính sách cướp phá, hạ nhục và bỏ tù của kẻ chiến thắng. Như thi sĩ Bùi Giáng nói trong một bài thơ : "đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào, đánh cho chết mẹ đồng bào miền Nam". Hàng triệu người bỏ nước trốn chạy trong đó một phần khá lớn là những người có học thức, làm mồi ngon cho sóng gió và hải tặc. Hàng trăm nghìn người chết. Đảng và nhà nước cộng sản chủ động tổ chức những chuyến "vượt biên bán chính thức" để lấy tiền chuộc mạng của những người muốn thoát khỏi nanh vuốt của họ. Không khác một bọn khủng bố. Hàng triệu người có kiến thức khác bị đày đọa trong các trại tù cải tạo và không bao giờ phục hồi được khả năng và tâm trí dù sau này ở lại Việt Nam hay ra nước ngoài. Cải tạo có nghĩa là hủy diệt mọi ý chí chống đối.

 

Những năm thống nhất đầu tiên đã có tác dụng là khiến cả nước lâm vào cảnh đói kém. Năm 1979 khi ra khỏi nhà tù và trở thành chuyên viên của chế độ cộng sản, tôi đã có cơ hội theo dõi các công ty miền Nam để có thể xác nhận rằng tất cả đều ngừng trệ, trong đa số các trường hợp trồng khoai mì (sắn) trong sân xí nghiệp là hoạt động quan trọng nhất. Trong một chuyến công tác tại Cần Giờ, người ta chỉ cho tôi một căn nhà tiều tụy của một gia đình vừa chết đói cách đó hai hôm. Nạn đói tiếp tục trong nhiều năm trên nhiều miền bởi vì cho tới năm 1988, nhờ chính sách mở cửa khiến thông tin đỡ bị bưng bít, người ta được biết là vẫn có nhiều người chết đói tại miền Bắc, thí dụ như tại Thanh Hóa.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52047377692_21d94157ab.jpg

Đảng Cộng Sản ngày nay đã biến thành một đảng của người giầu để bóc lột. 

 

Trước Thế Chiến II Việt Nam là nước phát triển nhất Đông Nam Á, Sài Gòn là "hòn ngọc Viễn Đông", rồi xuống cấp vì lâm vào chiến tranh. Tuy vậy vào năm 1975, trước ngày 30/04, miền Nam Việt Nam mặc dù chiến tranh vẫn có một mức độ phát triển tương đương với Thái Lan. Nhưng chỉ một năm sau chiến thắng cộng sản, Việt Nam đã tụt hậu so với Thái Lan khoảng 50 năm. Ngày nay, sau hơn ba thập niên mở cửa và được những điều kiện đặc biệt thuận lợi chúng ta vẫn còn chậm tiến so với Thái ít nhất 25 năm.

Đó là thành quả của cuộc nội chiến 40 năm làm chết gần 6 triệu người Việt, cuộc nội chiến mà cho tới bây giờ Đảng Cộng Sản vẫn còn coi là một thành tích vinh quang và một công ơn lớn của họ đối với dân tộc, lớn đến độ cho phép họ mãi mãi độc quyền lãnh đạo đất nước.

Ngày nay, sau 47 năm thống nhất dưới chế độ cộng sản đất nước ra sao ?

 

Mọi người có chút hiểu biết đều phải kinh ngạc khi nghe ông Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khoe khoang một cách đầy tự mãn và tự hào rằng "đất nước chưa bao giờ có được cơ ngơi như bây giờ". Ông mới vừa nhắc lại lời khoe khoang này vài hôm trước trong buổi tiếp tân đại sứ Mỹ Marc E. Knapper. Nhưng cơ ngơi nào ? Chúng ta đứng hàng thứ 15 trên thế giới về dân số với 100 triệu người, người Việt được đánh giá là cần mẫn trên mức trung bình, chúng ta cũng có một địa lý đặc biệt thuận lợi với 3.200km bờ biển mở ra Biển Đông, biển quan trọng nhất thế giới nơi 40% hàng hóa thế giới đi qua. Đáng lẽ chúng ta phải là một trong những nước giầu mạnh nhất trong vùng Đông Á, nhưng chúng ta tuyệt nhiên không có gì đáng được thế giới biết đến. Không một công ty tầm vóc quốc tế, không một sản phẩm công nghiệp đặc biệt nào, không một phát minh hay một công trình khoa học kỹ thuật, không một tác phẩm văn học nghệ thuật. Hầu hết hàng hóa xuất khẩu đều chỉ là gia công, lắp ráp. GDP bình quân trên mỗi đầu người của chúng ta chỉ bằng 1/5 mức trung bình thế giới. Đạo đức xuống cấp một cách bi thảm, môi trường ô nhiễm ở mức độ nguy kịch. Sau gần một nửa thế kỷ cầm quyền không phân chia mà để đất nước tiều tụy như vậy đáng lẽ Đảng Cộng Sản phải thấy mình có tội lớn, phải rất xấu hổ và ăn năn, nhưng người cầm đầu Đảng lại hãnh diện ! Còn biết nói gì với ông này và đảng của ông ?

 

Cũng không phải chỉ có thế. Kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, môi trường và đạo đức không phải là tất cả. Điều quan trọng nhất cho tương lai một quốc gia là lòng yêu nước và ý chí xây dựng một tương lai chung. Nhưng ngày nay còn bao nhiêu người Việt Nam thực sự yêu nước và gắn bó với đất nước ? Tôi đã có nhiều dịp tiếp xúc với các sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài, đặc biệt là tại Pháp. Họ đều thuộc thành phần may mắn tại Việt Nam và có ít lý do để bất mãn nhất, nhưng tuyệt đại đa số không muốn trở về nước. Lòng yêu nước và gắn bó với đất nước gần như đã chết trong lòng người Việt Nam. Sự chán nản với một chính quyền gian ác kéo dài quá lâu đã dần dần biến thành sự thất vọng đối với chính đất nước. Thất vọng đang từ từ nhường chỗ cho tuyệt vọng. Mộng ước của rất nhiều người Việt Nam hiện nay chỉ giản dị là được thôi làm người Việt Nam và trở thành công dân một nước khác. Đó là thành tích lớn nhất của Đảng Cộng Sản.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52048472138_de20385e13.jpg

Một quốc gia chỉ có thể tồn tại và cũng chỉ xứng đáng để tồn tại nếu được quan niệm như một tình yêu, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung của những con người tự do và bình đẳng.

 

Được thành lập như là một đảng của người nghèo để chống bóc lột, Đảng Cộng Sản ngày nay đã biến thành một đảng của người giầu để bóc lột. Từ một đảng hô hào giải phóng dân tộc, Đảng Cộng Sản đã trở thành một lực lượng chiếm đóng hống hách và kỳ thị hơn cả một ách thống trị ngoại bang. Ngay trong những giai đoạn ngoại thuộc nhục nhằn, Bắc thuộc hay Pháp thuộc, vẫn có những người Việt Nam được lên tới những chức vu cao trong mọi địa hạt, nhưng ngày nay dưới chế độ cộng sản trong các cơ quan nhà nước và các công ty quốc doanh các chức vụ từ phó phòng trở lên đều chỉ dành cho đảng viên cộng sản, trong quân đội và công an các cấp bậc từ hạ sĩ quan trở lên đều phải là đảng viên. Các báo và đài đều do Đảng kiểm soát ; một bài viết trên mạng xã hội trái ý Đảng có thể khiến tác giả bị mười năm tù, dù là một phụ nữ yếu bệnh như trường hợp Phạm Thị Đoan Trang.

 

Một câu hỏi lớn cần được đạt ra là sự sống còn của đất nước Việt Nam có được bảo đảm không nếu tình trạng chiếm đóng thô bạo và xấc xược này tiếp tục ? Câu hỏi càng cần được đặt ra trong lúc mà phong trào toàn cầu hóa đang chất vấn khái niệm quốc gia. Câu trả lời là không có gì bảo đảm. Trong thế giới hiện nay một quốc gia chỉ có thể tồn tại và cũng chỉ xứng đáng để tồn tại nếu được quan niệm như một tình yêu, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung của những con người tự do và bình đẳng. Nếu đất nước Việt Nam chỉ tồn tại để làm một đối tượng thống trị và bóc lột thì sự tồn tại đó có nghĩa lý gì ? Đất nước đang lâm nguy. Giữa Đảng Cộng Sản và Tổ Quốc Việt Nam phải chọn một trong hai.

 

Vẫn chưa lớn lên

 

Năm nay chúng ta kỷ niệm 47 năm ngày 30/04/1975 giữa một khúc quanh lớn của thế giới do cuộc chiến Ukraine. Sự kiện này gợi ra nhiều suy nghĩ. Điều đầu tiên có thể nhận thấy là có những điểm giống nhau giữa hai nhân vật Vladimir Putin và Nguyễn Phú Trọng. Cả hai đều yếu bệnh và gần như đã từ giã cõi đời này để sống trong một thế giới hoang tưởng. Putin hành xử như một con thú dữ chứ không phải một con người, xua quân xâm lăng Ukraine bất chấp lẽ phải, công pháp quốc tế và hiến chương Liên Hiệp Quốc, bắn phá tan nát các thành phố, khiến hàng trăm nghìn người chết, hơn 13 triệu người trong tổng số 42 triệu dân Ukraine phải tản cư, nhân danh một lý cớ hoàn toàn bịa đặt là để giúp người Ukraine loại trừ bọn phát xít và diệt chủng, rồi tiếp tục huênh hoang trong khi quân đội Nga sa lầy và thua nặng. Nguyễn Phú Trọng cũng thế, ông lãnh đạo một đất nước chia rẽ, xuống cấp và thua kém về mọi mặt nhưng không thấy hổ thẹn mà cứ huênh hoang là có cơ ngơi đáng tự hào.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52048430806_d48e9745cc.jpg

Ngày nay chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị xác nhận không chỉ là sai mà còn là một tội ác

 

Nhận xét thứ hai là Đảng Cộng Sản vẫn chưa lớn lên được trong kiến thức và nhận thức. Năm 1975 họ tưng bừng hô "Chủ Nghĩa Mác Lênin bách chiến bách thắng muôn năm !" mà không biết rằng chủ nghĩa này đã bị vất bỏ từ 100 năm trước ngay trên chính quê hương của nó tại Đại Hội Gotha của đảng cộng sản Đức năm 1875. Ngày nay chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị xác nhận không chỉ là sai mà còn là một tội ác, ca tụng nó không chỉ lố bịch mà còn mất vệ sinh nhưng các cấp lãnh đạo cộng sản vẫn đề cao Hồ Chí Minh như là người đã có công du nhập nó vào Việt Nam.

 

Cuộc chiến Ukraine tuy chưa kết thúc nhưng điều chắc chắn là Putin sẽ thảm bại, khiến nước Nga suy sụp và sẽ không còn một ảnh hưởng đáng kể nào trên thế giới sau đó. Nó cũng đã khiến thế giới dân chủ nhận ra là hợp tác với các chế độ độc tài chỉ giúp chúng mạnh lên và đe dọa hòa bình. Phong trào toàn cầu hóa bất chấp chế độ chính trị đã chấm dứt để từ nay chỉ còn hợp tác giữa các nước dân chủ. Sẽ không có thế chiến, ngay cả căng thẳng, nhưng trao đổi giữa các nước dân chủ giầu mạnh và các nước độc tài sẽ chỉ giới hạn ở mức tối thiểu cần thiết. Một cách cụ thể, các vốn đầu tư sẽ chỉ dồn vào các nước dân chủ và các thị trường lớn cũng sẽ chỉ mở rộng cửa cho các nước dân chủ. Trung Quốc dĩ nhiên sẽ bị cô lập vì còn nguy hiểm hơn cả Nga và sẽ khủng hoảng nghiêm trọng vì kinh tế quá phụ thuộc vào ngoại thương và đầu tư nước ngoài. Không nên quên rằng trước cuộc xâm lăng vào Ukraine của Putin, mối lo chính của các nước dân chủ là Trung Quốc. Putin đã chỉ tạm thời đánh lạc hướng lo âu của thế giới. Cũng nên biết kinh tế Trung Quốc thực ra đã khủng hoảng, vấn đề chỉ là Bắc Kinh còn che giấu được tình trạng khủng hoảng tới bao giờ.

 

Giai đoạn đánh đu đang cáo chung. Các quốc gia từ nay sẽ phải chọn lựa giữa dân chủ và phát triển hay độc tài và bế tắc. Chọn lựa hiển nhiên bởi vì Nga sẽ suy sụp sau cuộc chiến này, chưa chắc đã giải quyết nổi các vấn đề sống còn của chính mình, nói gì giúp đỡ được ai. Trung Quốc cũng sẽ co cụm lại để tự lo cho mình bởi vì đó là phản xạ tự nhiên của một đế quốc khi gặp khó khăn và Trung Quốc là một đế quốc chứ không phải một quốc gia. Trung Quốc sẽ không còn là một chỗ dựa hay một đe dọa cho bất cứ nước nào.

 

Tuy vậy trong ba cuộc biểu quyết gần đây tại Liên Hiệp Quốc về cuộc chiến Ukraine, nhất là cuộc biểu quyết đuổi Nga ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền, chính quyền cộng sản Việt Nam đã chọn lập trường theo Trung Quốc, bênh Nga và chống lại Mỹ và thế giới dân chủ. Đã thế còn chấp nhận diễn tập quân sự với Nga. Dưới mắt thế giới, Việt Nam đã chọn đứng vào phe của cái xấu và cái ác sắp thảm bại. Dĩ nhiên là có những lý do, thí dụ như vũ khí của quân đội Việt Nam phần lớn nhập khẩu từ Nga và cần những thiết bị bảo trì từ Nga, không nên chọc giận Bắc Kinh nhất là đã cam kết hỏi ý kiến họ trong các vấn đề đối ngoại, việc đuổi Nga ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền tạo ra một tiền lệ đáng sợ cho chính quyền cộng sản Việt Nam, cũng có thể có những món nợ chưa được công khai hóa v.v. Phải thận trọng, nhưng thận trọng không đồng nghĩa với run sợ, cũng không thể vì sợ chết mà tự sát. Trong bối cảnh hiện nay, với một chút khéo léo, vẫn có thể lấy lập trường đúng mà không khiêu khích Nga và Trung Quốc. Phải chăng Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chọn cái xấu, cái ác và cái gian vì chính bản chất của nó xấu, ác và gian hay chỉ vì họ vẫn chưa lớn lên được trong trí tuệ và tầm nhìn ?

 

Vào năm 2019 tất cả các nghiên cứu đều cho rằng Việt Nam là nước có cơ hội thuận lợi nhất không chỉ trong vùng mà trên toàn thế giới vì là điểm đến của các công ty đa quốc rút khỏi Trung Quốc và cũng là nước mà thế giới cần tranh thủ để đương đầu với tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhưng rồi dịch Covid-19 đình hoãn tất cả. Bây giờ cuộc chiến Ukraine khiến các nước dân chủ xét lại chính sách hợp tác và thái độ của Việt Nam đang khiến họ thất vọng. Trừ khi có một thay đổi lập trường nhanh chóng, mạnh mẽ và quả quyết, Đảng Cộng Sản sẽ làm mất đi một vận hội lớn không bao giờ tìm lại được nữa của đất nước. Dân chủ hóa quả quyết và tức khắc là lối thoát cho Việt Nam. Hơn lúc nào hết đấu tranh cho dân chủ cũng là đấu tranh cứu nước.

 

Những câu hỏi day dứt

 

Tình trạng đất nước hôm nay là sự tiếp nối tự nhiên của biến cố lịch sử 30/04/1975, vì thế mỗi lần kỷ niệm ngày lịch sử này một số câu hỏi quen thuộc lại được đặt ra.

 

Tại sao có ngày 30/4/1975 ? Tại sao miền Nam giầu có và tiến bộ gấp nhiều lần miền Bắc mà lại thảm bại ? Câu trả lời là Việt Nam Cộng Hòa đã bị đồng Minh Mỹ bỏ rơi. Rất đúng. Sự sống còn của chế độ Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ và Mỹ đã quyết định dứt khoát rút khỏi Việt Nam sau hiệp định Paris đầu năm 1973. Vào thời điểm 1975, chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã hoàn toàn kiệt quệ. Ngân quỹ cạn hết, quân đội thiếu cả đạn lẫn xăng dầu không còn khả năng chiến đấu trong khi quân cộng sản có tất cả mọi phương tiện để chiến thắng.

 

Nhưng tại sao Mỹ lại bỏ Việt Nam sau khi đã chi ra hàng ngàn tỷ USD và hy sinh gần 60.000 binh sĩ ? Có nhiều lý do. Tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam Cộng Hòa không còn như trước nữa sau khi Indonesia đã tiêu diệt đảng cộng sản và trở thành đồng minh của Mỹ, Trung Quốc từ đầu thập niên 1970 cũng không còn là kẻ thù của Mỹ mà trái lại đã trở thành một đồng minh chống Liên Xô, Mỹ không bao giờ kiên nhẫn, 20 năm can thiệp đã quá dài đối với họ, v.v. Tuy nhiên với tài nguyên và hậu thuẫn áp đảo trong những năm đầu, phe quốc gia đã có thể đánh bại phe cộng sản trước đó, ngay trước năm 1954 để không có hiệp định Genève chia đôi đất nước, hoặc ít ra trước năm 1973 để không có hiệp định Paris.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52048487973_8c12378edc_n.jpg

Do di sản văn hóa kẻ sĩ của Không Giáo, đa số trí thức Việt Nam, kể cả những người hoạt động chính trị, vẫn tin rằng chính trị không cần phải học

 

Lý do nền tảng là nước ta, trong cả hai phe quốc gia và cộng sản, thiếu hẳn văn hóa chính trị và do đó không có nhân sự chính trị đúng nghĩa. Cả hai phe đều thiếu những cấp lãnh đạo có kiến thức và bản lĩnh chính trị. Họ chỉ hiểu chính trị theo nghĩa của thời xưa như một sự tranh giành quyền lực. Nếu phe quốc gia có những cấp lãnh đạo chính trị thực sự có tầm vóc thì họ đã không thua, ngược lại nếu phe cộng sản có những cấp lãnh đạo có kiến thức chính trị cao thì họ đã không thắng. Nói chung một bên thua vì dở, một bên thắng vì mê muội.

 

Nói như thế nhiều người có thể cho là nói quá nhưng sự thực là thế nếu ta suy nghĩ một cách bình tĩnh. Vấn đề của Việt Nam sau Thế Chiến II là phải giải quyết cùng một lúc hai vấn đề lớn đòi hỏi một kiến thức chính trị vững chắc mà chúng ta không có : xây dựng chính quyền tự chủ và thiết lập dân chủ. (Đừng quên là chủ nghĩa cộng sản đã ra đời như một công thức xây dựng dân chủ, phần lớn các chế độ cộng sản thành lập sau Thế Chiến II, kể cả tại Việt Nam, mang tên là Cộng Hòa Dân Chủ, Cộng Hòa Nhân Dân). Nhưng xây dựng một chính quyền độc lập từ sau cuộc cách mạng kỹ nghệ không dễ dàng như trước ; ai ngờ vực nhận định này có thể nhìn kinh nghiệm các nước Châu Mỹ La Tinh và Châu Phi. Xây dựng dân chủ lại càng khó hơn. Các nước Châu Âu, mặc dù có những đột phá về tư tưởng trong giai đoạn Phục Hưng (Renaissance) và Thế Kỷ Ánh Sáng (thế kỷ 18), nói chung đã chỉ xây dựng được chế độ dân chủ ổn vững sau hàng trăm năm xung đột đẫm máu. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Vậy thì, sau những thảm kịch đã trải qua, chúng ta chỉ có thể tiếc cho đất nước chứ không có lý do để đổ lỗi cho nhau và thù ghét nhau. Thái độ đúng là cùng nhau suy nghĩ và thảo luận để rút ra những kết luận đúng, hay ít ra không quá sai, cho tương lai.

 

Nếu ông Hồ Chí Minh có kiến thức chính trị vững chắc thì vào năm 1920 ông đã không sung sướng đến nỗi mê sảng (theo lời kể của ông) sau khi đọc Tuyên Ngôn Cộng Sản và tưởng rằng mình đã tìm được chân lý tuyệt đối rồi cố gắng du nhập nó vào Việt Nam bằng mọi giá.

Nếu các trí thức có trình độ học vấn cao như Nguyễn Manh Tường, Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông, Nguyễn Khắc Viện, Võ Nhân Trí, v.v. cũng có kiến thức chính trị cao họ đã không theo Đảng Cộng Sản để rồi nhận ra sai lầm của mình khi đã trễ.

 

Phe Quốc Gia -các chính quyền Quốc Gia Việt Nam rồi Việt Nam Cộng Hòa- không thiếu những người có bằng cấp cao, ngay cả rất cao, và bằng thực chứ không phải bằng giả hay bằng hữu nghị, nhưng đã thiếu hẳn văn hóa chính trị. Nhiều người cũng có những bằng cử nhân, tiến sĩ chính trị học nhưng họ vẫn thiếu văn hóa chính trị. Họ vẫn thuộc văn hóa kẻ sĩ coi làm chính trị là làm quan phục vụ một chế độ sẵn có chứ không phải là đấu tranh để thay đổi chế độ. Kiến thức của họ chỉ là kiến thức sách vở còn cần một cố gắng lớn để thích nghi với xã hội Việt Nam. Họ chỉ là những công chức dù đảm nhiệm những chức vụ chính trị. Mẫu người tốt trong các chính quyền quốc gia là không làm chính trị, không có tham vọng chính trị, không tham gia các tổ chức chính trị. Khác với phe cộng sản, phe quốc gia đã không có một cuộc động não tư tưởng. Các chính quyền quốc gia là sự tiếp nối của chế độ quân chủ, với vua Bảo Đại là quốc trưởng đầu tiên, và chế độ thuộc địa Pháp. Sai lầm kinh khủng của những người được hoàn cảnh đưa đẩy vào vai trò lãnh đạo phe quốc gia là ngây thơ, tưởng rằng có thể chuyển hóa bình yên cùng một lúc từ ngoại thuộc sang độc lập, từ quân chủ sang dân chủ mà không cần một xét lại toàn diện và triệt để. Họ không phải là một đội ngũ của những con người chấp nhận gian khổ để gắn bó với nhau trong một cuộc chiến đấu cho một lý tưởng chung vì cùng chia sẻ một tư tưởng chính trị và những định hướng lớn cho đất nước. Trước mặt họ là Đảng Cộng Sản với những người lãnh đạo có kiến thức chính trị rất sơ sài nhưng có niềm tin cuồng nhiệt vào một lý tưởng, dù là một lý tưởng sai và độc hại, có quyết tâm giành thắng lợi, có tổ chức chặt chẽ và tranh đấu bằng phương thức khủng bố. Thất bại là chắc chắn.

 

Nhưng kiến thức chính trị là gì ?

 

Đó là toàn bộ những hiểu biết về các vấn đề đặt ra trong cách tổ chức và điều hành một quốc gia với mục tiêu là tôn trọng và phục vụ mọi người và tìm phúc lợi tối đa cho thật nhiều người. Các vấn đề đặt ra gồm đủ loại kinh tế, tài chính, khoa học, kỹ thuật, pháp luật, y tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, an ninh, quốc phòng v.v. Trong một quốc gia đang chiến đấu để tồn tại còn có vấn đề tuyên truyền, thuyết phục và động viên. Các vấn đề đan xen với nhau và ảnh hưởng lên nhau. Quốc gia càng lớn thì các vấn đề càng nhiều và càng phức tạp. Kiến thức chính trị là kiến thức khó khăn nhất trong các kiến thức vì nó là tổng hợp của mọi kiến thức cùng với một sự hiểu biết thấu đáo về thực trạng của đất nước trong bối cảnh thế giới, về những thử thách và những triển vọng. Tuy vậy, do di sản văn hóa kẻ sĩ của Không Giáo, đa số trí thức Việt Nam, kể cả những người hoạt động chính trị, vẫn tin rằng chính trị không cần phải học, cứ là bác sĩ là có thể làm bộ trưởng y tế, cứ là tướng là có thể làm bộ trưởng quốc phòng.

 

Trách nhiệm của những người lãnh đạo chính trị là ở mỗi thời điểm tìm ra cho mỗi vấn đề một giải đáp tổng hợp tối ưu. Tổng hợp này chỉ có được nếu nắm vững các thành tố. Sau cùng các giải đáp cho từng vấn đề chỉ tránh được mâu thuẫn với nhau nếu được quyết định trong khuôn khổ của một dự án chính trị quốc gia đã được đồng ý trước. Dự án này môt cá nhân hay một nhóm nhỏ không có khả năng và cũng không có lý do để làm bởi vì nó vừa khó khăn vừa không đem lại một lợi ích cá nhân nào. Nó chỉ có thể thực hiện được bởi một chính đảng có tầm vóc sau một cố gắng bền bỉ. Những người tham gia lãnh đạo các chính quyền phe quốc gia chỉ là những cá nhân không có kiến thức chính trị và không có lý tưởng chung tình cờ gặp và làm việc với nhau một thời gian rồi chia tay. Họ chỉ có thể thất bại và gây thất vọng. Tình thế sẽ khác hẳn nếu phe quốc gia được lãnh đạo bởi một đảng dân chủ đúng nghĩa.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52048518213_5095e9f531.jpg

Trách nhiệm của những người lãnh đạo chính trị là ở mỗi thời điểm tìm ra cho mỗi vấn đề một giải đáp tổng hợp tối ưu.

 

Một câu hỏi cũng thường được đặt ra trong những năm gần đây trong mỗi dịp kỷ niệm ngày 30/04 là tại sao chế độ cộng sản vẫn còn đó dù đã thất bại trên mọi phương diện và trong mọi địa hạt ?

 

Câu trả lời là mặc dù nguyện vọng dân chủ của nhân dân Việt Nam đã lên rất cao so với các dân tộc khác vào lúc họ trút bỏ được ách độc tài và hơn nữa dân chủ còn là khuynh hướng tất yếu của thế giới nhưng những người dân chủ Việt Nam vẫn chưa hình thành được một lực lượng dân chủ có tầm vóc. Chúng ta không chỉ thiếu kiến thức chính trị mà còn thiếu cả kiến thức đấu tranh chính trị. Chúng ta không chịu học hỏi dù các nghiên cứu công phu về các kinh nghiệm đấu tranh thiết lập dân chủ trên thế giới không thiếu. Di sản Khổng Giáo vẫn còn quá nặng nề dù chúng ta không ý thức được. Quá nhiều người vẫn còn đấu tranh theo kiểu nhân sĩ, nghĩa là tìm cách gây thành tích và tiếng vang cho mình bằng những cố gắng -có khi khá nguy hiểm- của riêng mình hay trong khuôn khổ một nhóm bạn bè nhỏ rồi mong đợi một thời cơ. Họ vẫn chưa hiểu được rằng đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức, và trong trường hợp của nước ta để đánh bại sự ngoan cố của Đảng Cộng Sản chúng ta cần một tổ chức dân chủ mạnh. Một số người bây giờ đã hiểu như vậy nhưng lại không biết phải làm thế nào để xây dựng một tổ chức dân chủ mạnh. Những kinh nghiệm của các tổ chức tàn lụi dần và những nhóm nhỏ chưa lớn lên đã tan rã vẫn chưa làm nhiều người hiểu rằng một tổ chức mạnh chỉ có thể xây dựng được trên một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị đúng đắn, theo một tiến trình bắt buộc như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã trình bày nhưng tiếc là chưa thuyết phục được nhiều người. Có lẽ sau nhiều cố gắng không thành, một tâm lý bi quan đã ngự trị theo đó xây dựng một tổ chức dân chủ mạnh là điều không thể làm được. Và tỉnh ngộ chỉ để bỏ cuộc.

 

Tương lai tất yếu

 

Vậy thì thế nào là một tổ chức dân chủ mạnh ?

 

Sức mạnh của một tổ chức chính trị không phải là số đảng viên hay những phương tiện. Sự bốc hơi nhanh chóng của Đảng Cộng Sản Liên Xô và các đảng cộng sản Đông Âu sau khi bức tường Berlin sụp đổ đã chứng tỏ. Sức mạnh của một tổ chức chính trị chủ yếu là ở chỗ nó đại diện cho tương lai nào.

 

Một tổ chức dân chủ chỉ vài trăm người nhưng nếu được nhìn như là đại diện cho một tương lai bắt buộc phải đến thì sau cùng vẫn thắng, trong khi một đảng cầm quyền dù có hàng triệu đảng viên, hàng tỷ đô la và hàng triệu quân đội và công an với đầy đủ vũ khí cũng sẽ tiêu tan nếu chỉ đại diện cho một quá khứ bắt buộc phải qua đi.

 

Dân chủ đa nguyên là tương lai tất yếu và sẽ đến nhanh chóng trong bối cảnh thế giới mới. Đảng Cộng Sản Việt Nam đại diện cho một quá khứ bắt buộc phải qua đi.

 

Hiểu được như vậy là chúng ta đã đi được một đoạn đường rất dài dẫn đến thắng lợi của dân chủ và dân tộc.

 

Nguyễn Gia Kiểng

(03/ 05/2022)

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats