Saturday 7 May 2022

TRỞ LẠI NGÔI LÀNG TỪNG MỘT THỜI ĐÓNG THUYỀN CHO VUA và NHỮNG CON TÀU "LẠ" (Nguyễn Tú / Dân Trí Online)

 



Trở lại ngôi làng từng một thời đóng thuyền cho vua và những con tàu "lạ" 

Nguyễn Tú  -  Dân Trí Online

Thứ năm, 05/05/2022 - 15:47

https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/tro-lai-ngoi-lang-tung-mot-thoi-dong-thuyen-cho-vua-va-nhung-con-tau-la-20220505085109552.htm

 

(Dân trí) - Làng Trung Kiên (Nghệ An) từng vang danh nhờ đóng tàu thuyền cho nhà vua. Trong kháng chiến chống Mỹ, nghề của làng còn đóng nhiều con tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam.

 

Vàng son một thủa

 

Chúng tôi có dịp trở lại thăm làng đóng tàu Trung Kiên (xã Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An). Hòn Rồng vẫn hiên ngang nằm đó nhưng làng nghề nổi tiếng đóng tàu trên 700 năm tuổi thì đã đổi thay.

 

Các cụ cao niên trong làng kể lại, những ngày đầu di dân khai sơn lập địa, cuộc sống của dân làng chỉ dựa vào nghề nông và đánh bắt hải sản. Lúc bấy giờ làng Trung Kiên có tên là gọi là làng Hoàng Lao. Nơi đây có một người rất giỏi trong việc đóng thuyền và sau này được cho là thủy tổ của làng - ông là Nguyễn Quý Công.

 

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/770/2022/05/05/lang-trung-kien-1651713842776.jpeg

Một góc làng Trung Kiên (xã Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An).

 

Tương truyền, vua Lê Thánh Tông khi ấy có một đoàn thuyền đi vào phía Nam. Khi đến cửa Sót (tên gọi khác là cửa Nam Giới, Nam Giới Hải Môn, là một cửa biển ở miền Trung, thuộc tỉnh Hà Tĩnh) thì tạm dừng. Thuyền rồng của nhà vua đi theo một nhánh sông để thị sát tình hình đời sống của nhân dân.

 

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/770/2022/05/05/dong-tau-1651714021907.jpeg

Nghề đóng tàu, thuyền của làng Hoàng Lao nổi tiếng và được truyền qua nhiều đời cho đến ngày nay (Ảnh: Tư liệu).

 

Trong quá trình di chuyển do mực nước thấp, thuyền rồng bị mắc cạn. Nhà vua cho quân đi rao truyền trong vùng, mong tìm được người tài giỏi hiến kế đưa thuyền thoát cạn. Tin đến làng Hoàng Lao, người thợ đóng thuyền trẻ tuổi Nguyễn Quý Công xin ra mắt nhà vua và hiến kế. Sau đó, ông quyết định cắt đôi thuyền rồng đưa ra khỏi chỗ cạn rồi ghép lại như cũ để nhà vua tiếp tục hành trình.

 

Thấy tài năng của chàng trai họ Nguyễn, vua Lê Thánh Tông ban thưởng tiền vàng rồi có ý cho về kinh đô giao phụ trách một xưởng đóng tàu thuyền. Ông Nguyễn Quý Công đã xin phép của nhà vua ở lại quê. Nhà vua đã đồng ý giao cho phụ trách một trại đóng tàu thuyền tại quê nhà.

 

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/770/2022/05/05/go-1651714256613.jpeg

Gỗ được dùng để đóng tàu là những loại gỗ cực tốt, có khả năng chịu nước, chịu mặn.

 

Ngoài việc phục vụ người dân đánh bắt hải sản, những chiếc tàu của làng Hoàng Lao còn được sử dụng để đánh giặc ngoại xâm. Từ đó, nghề đóng tàu thuyền của làng Hoàng Lao nổi tiếng và được truyền qua nhiều đời cho đến ngày nay.

 

Theo thạc sĩ Nguyễn Quốc Hồng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Nghệ An, sau khi giúp thuyền nhà vua thoát khỏi mắc cạn, ông Nguyễn Quý Công được vua Lê ban thưởng tiền vàng và giao phụ trách một trại đóng thuyền tại quê chứ không được phong tước gì. Tuy nhiên, với người dân nơi đây, ông Nguyễn Quý Công được xem là thủy tổ của làng. Khi ông qua đời, người dân Hoàng Lao đã dựng đền thờ ngay đầu làng, tôn ông là Thành hoàng làng.

 

Làng Hoàng Lao được nhiều người trong vùng biết đến là một ngôi làng đóng thuyền nổi tiếng của xứ Nghệ. Cũng chính vì vậy, từ ngôi làng này, người Hoàng Lao đã đem nghề đóng tàu thuyền đến với nhiều làng quê khác trong vùng và các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, làng còn có nhiệm vụ đặc biệt là đóng thuyền rồng cho vua và đóng tàu chiến cho binh lính để phục vụ đánh giặc ngoại xâm.

 

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/770/2022/05/05/untitled-1651714514141.jpeg

Ngoài việc phục vụ người dân đánh bắt hải sản, những chiếc tàu của làng Hoàng Lao còn được sử dụng để đánh giặc ngoại xâm (Ảnh: Tư liệu).

 

Đóng, sửa chữa những con tàu "lạ"

 

Phát huy truyền thống của làng nghề, những năm 1958-1964, làng nghề Trung Kiên vinh dự là một trong những nơi được giao nhiệm vụ đóng tàu vận chuyển quân lương phục vụ tiền tuyến kháng chiến chống Mỹ. Những con tàu không số từ làng Trung Kiên đã có mặt trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, vận tải chi viện chiến trường miền Nam.

 

Ông Nguyễn Gia In, Chủ nhiệm Hợp tác xã làng nghề đóng tàu Trung Kiên, nhớ lại, thời điểm đó, những người thợ của làng nhận được nhiệm vụ đóng tàu từ Trung ương và cũng chỉ biết say mê làm việc, tạo ra những con tàu rất khác so với tàu mà người dân ở đây thường đóng.

 

Khi đóng những con tàu này, ngoài sự bí mật, còn có sự chỉ đạo giám sát của cán bộ. Trong thâm tâm của người thợ chỉ biết âm thầm làm chứ không nghĩ rằng, đây chính là những con tàu không số huyền thoại trên biển.

 

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/770/2022/05/05/untitled-1651714672188.jpeg

Những người thợ Trung Kiên luôn tự hào về làng nghề của mình (Ảnh: Tư liệu).

 

Cũng theo ông In, số lượng tàu không số được đóng tại làng Trung Kiên là 6 chiếc. Để đóng loại tàu này, những thợ đều được tuyển chọn có tay nghề cao, đặc biệt phải giữ bí mật. Những con tàu không số mỗi khi hạ thủy đều có 2 lớp vỏ với 4 khoang, phía trên để dụng cụ đánh bắt cá và khoảng trống ngầm phía dưới để chở lương thực và vũ khí.

 

"Năm 1959-1960, một đơn vị thủy văn Trung ương có về làng nhờ đóng, sửa chữa những con tàu ''lạ''. Những con tàu đó không có số hiệu gì cả, mãi đến sau này chúng tôi mới biết đó là những phương tiện trong đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí vào miền Nam. Có 6 con tàu được chính những người thợ làng Trung Kiên đóng tại đây", ông In nhớ lại.

 

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/770/2022/05/05/untitled-1651714788177.jpeg

2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhu cầu ít và nhiều người không còn mặn mà với nghề đóng tàu.

 

Lay lắt tìm hướng đi

 

Sau thời gian hoạt động theo hộ gia đình, năm 2003, Hợp tác xã làng nghề đóng tàu Trung Kiên ra đời gồm 39 thành viên với hơn 300 lao động. Mỗi năm, Hợp tác xã đã xuất xưởng khoảng 80-100 con tàu cho khắp các vùng biển từ Bắc tới Nam. 

 

Một thời vàng son là vậy, hiện nay làng nghề đóng tàu Trung Kiên đang sống "lay lắt", chật vật tìm hướng đi. Những ngày này, hình ảnh những người thợ hối hả, tất bật đóng tàu mới giờ đã không còn thấy quanh làng. Tiếng đục, tiếng búa, tiếng cưa vang cả một vùng cửa sông nay đã im lìm. Thay vào đó là những chiếc tàu đã phai màu sơn, hoen gỉ nằm nép mình một góc. Nhiều cơ sở đã đóng cửa, mặt bằng bỏ trống.

 

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/770/2022/05/05/untitled-1651715005238.jpeg

Ông Nguyễn Gia In - Chủ nhiệm Hợp tác xã đóng tàu thuyền Trung Kiên - tự hào về thời kỳ hoàng kim của làng nghề (Ảnh: Tư liệu).

 

Anh Nguyễn Gia Toàn, một chủ đóng tàu gỗ ở làng Trung Kiên cho biết, trước đây trung bình xưởng của anh mỗi năm đóng được khoảng 30 chiếc tàu. Nhưng 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhu cầu sử dụng của ngư dân ít và không còn mặn mà với nghề này nữa.

 

"Đầu năm 2022 đến giờ, xưởng của tôi chưa đóng nổi một chiếc tàu nào. Không có đơn đặt hàng, gỗ mua về để mục ra nên phải chuyển sang đóng vật dụng khác để bù lỗ… khó khăn chồng chất nên trong thời gian tới chắc phải chuyển nghề", anh Toàn cho biết.

 

Theo ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết, hợp tác xã đóng tàu vẫn đang được duy trì. Tuy nhiên, theo chủ trương của Nghị định 67 là đóng tàu vỏ sắt, còn tàu vỏ gỗ phụ thuộc vào thị trường nên công việc khi có khi không.

 

Ông Nguyễn Chí Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết, làng nghề đóng tàu Trung Kiên có quy mô lớn nhất tỉnh với 25 cơ sở. Làng nghề đang gặp muôn vàn khó khăn vì hướng tới khai thác thủy hải sản bền vững, số lượng tàu đóng mới vỏ gỗ có chững lại. Khó khăn lớn nhất là làng nghề chưa được giao quyền sử dụng đất, nên các chủ cơ sở cũng không mặn mà để đầu tư.

 

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/770/2022/05/05/5-ngay-25112014-lang-nghe-trung-kien-duoc-ban-chap-hanh-tw-hiep-hoi-lang-nghe-viet-nam-vinh-danh-la-lang-nghe-tieu-bieu-viet-nam-htx-dong-tau-thuyen-trung-kien-duoc-tang-danh-hieu-don-vi-kinh-te-lang-nghe-tieu-bieu-viet-nam-1651714911307.jpeg

Làng nghề đóng tàu Trung Kiên đang sống "lay lắt", chật vật tìm hướng đi.

 

"Hai năm trở lại đây, toàn tỉnh Nghệ An không đóng mới thêm chiếc tàu vỏ gỗ nào. Vì vậy, lao động đóng tàu vỏ gỗ dư thừa. Chúng tôi cũng động viên bà con chuyển đổi ngành nghề sang làm mộc, bên cạnh đó tập trung quảng bá cho bà con ngư dân trong và ngoài tỉnh biết đến tên tuổi, chất lượng, hình ảnh của làng nghề để từ có thêm đơn hàng mới", ông Lương chia sẻ.

 

Hòn Rồng vẫn hiên ngang nằm đó, làng nghề nổi tiếng đóng tàu trên 700 năm tuổi đã có nhiều đổi thay. Biết bao thế hệ làm nên tên tuổi của làng nghề nay đã "đi vào dĩ vãng", nguy cơ thiếu hụt lao động trẻ và nhân lực kế cận.

 

---------------

Ngày 25/11/2014, làng nghề Trung Kiên được Ban chấp hành TW Hiệp hội làng nghề Việt Nam vinh danh là ''Làng nghề tiêu biểu Việt Nam''; Hợp tác xã đóng tàu Trung Kiên được tặng danh hiệu ''Đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu Việt Nam''; ông Nguyễn Trọng Nhỏ - nghệ nhân của làng được phong tặng danh hiệu ''Nghệ nhân làng nghề Việt Nam''.

 

---------------

Làng Trung Kiên xưa gọi là Hoàng Lao, vào cuối Triều Nguyễn được gọi là làng Trung Kiên, thuộc Tổng La Vân, Phủ Hưng Nguyên; năm 1946 thuộc xã Đông Hải; từ năm 1954 đến nay, làng Trung Kiên thuộc xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

 

---------------

 

TIN LIÊN QUAN

 

Đi tìm truyền nhân làng nghề đóng tàu ngược sóng

 

Thăm làng đóng tàu vỏ gỗ gần 100 tuổi ở Khánh Hòa

 

 

Đọc thêm: Làng nghề xứ Thanh lao đao trong "bão" dịch Covid-19





No comments:

Post a Comment

View My Stats