Saturday 21 May 2022

THIẾU SÓT CỦA BIDEN VÀ TẬP TRONG CUỘC CẠNH TRANH Ở CHÂU Á (James Crabtree  -  Foreign Policy)

 



Thiếu sót của Biden và Tập trong cuộc cạnh tranh ở châu Á

James Crabtree  -  Foreign Policy

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

20/05/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/05/20/thieu-sot-cua-biden-va-tap-trong-cuoc-canh-tranh-o-chau-a/

 

Nếu hỏi hai siêu cường có điểm gì chung trong cách thu hút các nước châu Á, thì câu trả lời là: Chiến lược thiếu sót.

 

Tuần này, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đang trên đường tới Washington để gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong một cuộc họp thượng đỉnh được mong đợi từ lâu. Chương trình nghị sự cho cuộc họp của Biden với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vốn đã hai lần bị trì hoãn, là nhằm ngăn chặn khu vực này chuyển hướng về phía Trung Quốc. Nhưng hội nghị thượng đỉnh còn được coi là có tính bước ngoặt vì một lý do khác. Trong lúc Mỹ và Trung Quốc đẩy mạnh cuộc cạnh tranh toàn cầu để tranh giành ảnh hưởng và quyền lực, mỗi bên đều đang chuẩn bị kế hoạch mới để giải quyết các điểm mù chiến lược của mình. Nhưng cả hai kế hoạch đều không có khả năng thành công.

 

Hiểu rõ rằng ảnh hưởng kinh tế của Mỹ trong khu vực đang suy giảm, còn thị trường của Trung Quốc đang lớn mạnh, Biden sẽ sử dụng hội nghị thượng đỉnh tuần này để thảo luận về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) sắp tới của ông. Một kế hoạch chắp vá, IPEF là nỗ lực để bù đắp cho việc Washington không sẵn lòng đàm phán về loại thỏa thuận thương mại mở cửa thị trường mà các nhà lãnh đạo châu Á ưa thích – vốn là điều mà Trung Quốc sẵn lòng thực hiện.

 

Trong khi đó, Bắc Kinh đang quảng bá một kế hoạch mới của riêng mình, được thiết kế tương tự để vá một lỗ hổng trong chiến lược toàn cầu của họ. Trung Quốc đã không thể đẩy lùi một cách hiệu quả mạng lưới liên minh toàn cầu của Mỹ, và vai trò người bảo đảm an ninh của nước này – một vai trò đã trở nên mạnh mẽ hơn kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh hiện đang triển khai Sáng kiến An ninh Toàn cầu, được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trình bày lần đầu tiên tại Diễn đàn Bát Ngao về châu Á vào tháng trước, nhưng cho đến nay vẫn chưa được định nghĩa một cách rõ ràng.

 

Trước tiên, hãy xem xét IPEF. Được đưa ra lần đầu tiên vào năm ngoái, ý tưởng này là giấc mơ của các quan chức Mỹ nhằm lấp lỗ hổng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm 2017. Động thái đó thường là chủ đề than phiền của các đối tác của Mỹ ở châu Á, những người hy vọng Mỹ sẽ sớm quay trở lại với hiệp định. Cả Biden và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đều phản đối CPTPP, xem kiểu thỏa thuận thương mại này là con đường chắc chắn dẫn đến thảm họa chính trị trong nước. Do đó, IPEF – được thiết kế nhằm đề xuất một chương trình nghị sự kinh tế tích cực – trên thực tế, là một phương án thay thế vốn sẽ không mấy hiệu quả trong việc làm chậm quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng của hầu hết các quốc gia châu Á với Trung Quốc.

 

IPEF sẽ là một nội dung chính tại hội nghị thượng đỉnh tuần này, mà Biden đã cố gắng tổ chức hai lần trước đó, chỉ để chứng kiến nó tiếp tục bị trì hoãn vì có quá ít nhà lãnh đạo Đông Nam Á có thể tham dự. Kurt Campbell, Điều phối viên châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, vừa mới tuyên bố rằng xây dựng quan hệ sâu sắc hơn với ASEAN sẽ là một ưu tiên chính của Biden trong năm 2022, một sự thừa nhận muộn màng rằng khu vực này là một chiến trường quan trọng của cạnh tranh Trung-Mỹ. Tuy nhiên, các triển vọng của IPEF không thực sự hứa hẹn. Khuôn khổ này tập trung vào các lĩnh vực khác nhau, từ sự dẻo dai của chuỗi cung ứng và năng lượng sạch, đến thuế và tham nhũng, cũng như các quy tắc mới về thương mại “công bằng và linh hoạt”, chẳng hạn như yêu cầu các đối tác thông qua các tiêu chuẩn lao động cao hơn. Theo truyền thống, các quốc gia mới nổi như các nước ASEAN sẽ chấp nhận các loại yêu cầu khó khăn này vì đổi lại họ được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan và tiếp cận thị trường. Nhưng vì chính quyền Mỹ đã hứa sẽ bảo vệ người lao động và nhà sản xuất trong nước, vốn đòi hỏi phải bảo vệ họ khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài, IPEF không cho phép tiếp cận thị trường Mỹ. Đối với ASEAN, đây đơn giản là một thỏa thuận kinh tế không có lợi.

 

Kết quả là một mớ hỗn độn, với việc Washington đưa ra một thỏa thuận chẳng ai mong muốn. Các nền kinh tế tiên tiến như Australia, Nhật Bản, và New Zealand có thể tham gia, chủ yếu là do mối quan hệ địa chính trị chặt chẽ của họ với Mỹ. Singapore cũng có thể làm như vậy. Nhưng liệu các quốc gia địa chính trị quan trọng, vẫn còn đang do dự như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan có làm như vậy hay không vẫn còn là điều khó đoán – chưa nói đến các quốc gia Thái Bình Dương nhỏ hơn như Quần đảo Solomon, nước đang rất được quan tâm vì vừa mới ký một thỏa thuận với Trung Quốc. Dù bằng cách nào, kết quả sẽ không làm thay đổi cán cân kinh tế cơ bản giữa Mỹ và Trung Quốc. IPEF cuối cùng sẽ khiến chính quyền Biden phụ thuộc vào cùng một chiến lược cũ, không cân bằng, trong đó Washington phải tập trung vào sức mạnh quân sự và an ninh để tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.

 

Vấn đề của Trung Quốc là hoàn toàn ngược lại. Họ có nhiều ảnh hưởng về kinh tế và sức mạnh quân sự cũng ngày càng tăng. Nhưng nước này lại thiếu mạng lưới liên minh và quan hệ đối tác rộng lớn, vốn là thứ mang lại cho Mỹ tầm ảnh hưởng về an ninh, cùng với những lợi ích tích lũy từ việc là người tạo ra phần lớn kiến trúc an ninh hiện có trên thế giới. Bắc Kinh sẽ nhận ra minh chứng cho loại sức mạnh này của Mỹ trong chiến dịch tương đối thành công của Washington nhằm đẩy lùi sự xâm lược của Nga – dù là thông qua Liên Hiệp Quốc hay các tổ chức do Mỹ dẫn đầu như NATO.

 

Chính trong bối cảnh đó, Tập đã công bố kế hoạch của Trung Quốc: phát triển Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI), mà ông cho rằng sẽ giúp “xây dựng một kiến trúc an ninh cân bằng, hiệu quả, và bền vững” và “bác bỏ tư tưởng Chiến tranh Lạnh, phản đối chủ nghĩa đơn phương, và nói không với chính trị nhóm và đối đầu khối.” Nội dung chi tiết vẫn còn mơ hồ, dù điều này thường đúng với các sáng kiến mới của Trung Quốc. Ví dụ, Sáng kiến Vành đai và Con đường đã ra đời từ một bài phát biểu mơ hồ của Tập hồi năm 2013, trước khi nhanh chóng chuyển hóa trong các thông báo tiếp theo, thành một dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu khổng lồ.

 

Trung Quốc có lý do rõ ràng để triển khai một kế hoạch như vậy. Ở một mức độ nào đó, giới lãnh đạo của nước này thực sự cảnh giác trước định hướng của trật tự toàn cầu thời hậu chiến tranh Ukraine. Bắc Kinh cảm thấy rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc hỗ trợ Moscow, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng nổi bật, đặc biệt là ở châu Á. Gần đây Washington đã đưa ra một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới để chống lại Bắc Kinh, nên Bắc Kinh cũng cảm thấy họ cần một chiến lược toàn cầu mới để chống lại Washington.

 

Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang thúc đẩy ý tưởng này. Ngay sau bài phát biểu của Tập, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết nước ông có kế hoạch “xây dựng một kiến trúc an ninh khu vực mới” để giúp “cùng duy trì hòa bình và ổn định ở châu Á”. Vài tuần sau, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành đã có một bài phát biểu rõ hơn, lưu ý rằng Trung Quốc sẽ sớm “thực hiện các bước tích cực để vận hành GSI.”

 

Một số lập luận của Lạc là phản ứng trực tiếp trước tình hình Ukraine – ví dụ, tuyên bố của ông rằng GSI sẽ phản đối “các lệnh trừng phạt đơn phương.” Việc phương Tây lần đầu tiên trong lịch sử sử dụng những công cụ này để chống lại Nga đã khiến Trung Quốc lo ngại, rằng chúng cũng có thể được sử dụng để chống lại Trung Quốc nếu nước này tấn công Đài Loan. Trong một diễn biến khác, Lạc cho rằng Trung Quốc nhận được quá ít sự ghi nhận cho những bước tiến của họ trong nhiều lĩnh vực, từ bảo mật dữ liệu và đa dạng sinh học, đến giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Điều này cho thấy Trung Quốc sẽ dùng GSI để cố gắng tìm kiếm bạn bè toàn cầu, đồng thời đẩy lùi các nỗ lực của Mỹ nhằm vào Trung Quốc thông qua các nhóm như Đối thoại An ninh Bốn bên (Quad). Nhìn chung, động thái này có thể hấp dẫn các quốc gia mới nổi ở châu Phi, châu Á, và Mỹ Latinh, vì nhiều quốc gia trong nhóm này đang hoài nghi về những gì họ coi là tiêu chuẩn kép của phương Tây, và những lời kêu gọi đạo đức xuất hiện sau cuộc xâm lược Ukraine.

 

Tuy nhiên, dù GSI có trở thành gì đi chăng nữa, thì nó cũng khó có thể đạt được mục tiêu trọng tâm: thay thế Mỹ trở thành tác nhân an ninh hàng đầu của thế giới – hoặc chí ít là của khu vực. Khi họ tập trung tại Washington vào tuần này, hầu hết các nhà lãnh đạo Đông Nam Á vẫn mong muốn Mỹ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng về an ninh và kinh tế châu Á. Thêm vào đó, hầu hết láng giềng của Trung Quốc đều lo sợ tương lai nước này trở thành bá chủ. Đối với các vấn đề như Biển Đông, họ đã học được bài học rằng Trung Quốc có thể gây hấn và ép buộc – và sẽ không khoan nhượng đối với các nước nhỏ hơn mà họ cho là đang cản đường mình. Việc tạo ra một lớp áo mới cho tư duy đó vẫn không thể che giấu được lối hành xử của người Trung Quốc trong hệ thống quốc tế – và đặc biệt là ở sâu sau châu Á của họ.

 

Tuy nhiên, ngay cả khi các sáng kiến mới của Washington và Bắc Kinh đều không thành công, sự tồn tại của các dự án thiếu sót như IPEF và GSI là một phản ánh thú vị của kỷ nguyên cạnh tranh sắp tới giữa các cường quốc ở châu Á. Hai sáng kiến cho thấy Trung Quốc và Mỹ ít nhất cũng nhận thức được những điểm yếu tương đối của mình, và đang cố gắng thích ứng để trở nên hấp dẫn hơn đối với các đối tác tiềm năng. Nhưng về phía Mỹ, IPEF nhấn mạnh rằng Washington không còn sẵn sàng gánh vác những gánh nặng kinh tế mà từ trước đến nay vẫn gắn với vị thế siêu cường, đặc biệt nếu những gánh nặng đó liên quan đến rủi ro chính trị trong nước. Đối với Trung Quốc, vẫn còn rất ít dấu hiệu cho thấy họ đã sẵn sàng đảm nhận loại vai trò an ninh toàn cầu mà Mỹ đã đảm nhiệm từ rất lâu: khả năng và sự sẵn lòng phát triển các thể chế mở, dựa trên quy tắc, những thể chế đôi khi hành động chống lại lợi ích của Trung Quốc – và trong quá trình đó, xây dựng tính chính danh cho vai trò của Bắc Kinh trong hệ thống quốc tế.

 

Như phản ứng dữ dội từ cuộc khủng hoảng Ukraine đã cho thấy, cả Trung Quốc và Mỹ đều đang mắc kẹt trong một mối quan hệ không có sự tin cậy, nơi các kênh liên lạc đã bị đóng cửa, và cơ hội hợp tác là rất hiếm hoi. Động lực này có thể sẽ ngày càng xấu đi trong tương lai. Các hành động thù địch âm ỉ có thể vẫn được duy trì trong lúc chính quyền Biden tập trung vào Ukraine, và cho đến khi cả Đại hội Đảng toàn quốc quan trọng của Trung Quốc lẫn cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ kết thúc vào cuối năm nay. Nhưng cuộc cạnh tranh mở, căng thẳng và gay gắt nhiều khả năng sẽ sớm tiếp tục sau đó. Khi các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đến thăm Washington trong tuần này, họ – và các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác bị mắc kẹt ở giữa – đơn giản sẽ phải vật lộn với thực tế là hai siêu cường đang cạnh tranh với những kế hoạch thiếu sót, vốn chỉ có lợi cho chính họ.

 

---------------------------------

James Crabtree là giám đốc điều hành khu vực châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, và là tác giả cuốn sách “The Billionaire Raj: A Journey Through India’s New Gilded Age.”

 

Nguồn: James Crabtree, “Biden and Xi Struggle to Compete in Asia,” Foreign Policy, 11/05/2022

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats