Cuộc
chiến ở Ukraine chi phối Cấp Cao Mỹ – ASEAN
Phân tích của Trần Tô Hiệu
2022.05.12
Hình minh hoạ: Tổng thống Mỹ
Joe Biden họp trực tuyến với lãnh đạo các nước trong khối ASEAN tại Thượng đỉnh
Mỹ - ASEAN hôm 16/20/2021. Reuters
Tổng thống Biden đã mời các nhà lãnh đạo Hiệp
hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sang dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt (CCĐB) tại
Washington vào hôm nay và ngày mai (12 – 13/5). Hội nghị CCĐB này đã được lên kế
hoạch từ cuối tháng 3/2022, nhưng cuộc chiến Ukraine cũng như những trục trặc về
liên lạc đã khiến cuộc họp bị đình hoãn đến hôm nay. Và như trước đó giới
nghiên cứu đã dự đoán, cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraina hiện là đề tài hàng đầu
chi phối các cuộc thảo luận tại Thượng đỉnh lần này.
Việt Nam khẳng định
“không chọn bên”
Ngày 11/5/2022, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến
lược và Quốc tế (CSIS), một trong những cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Mỹ về
chiến lược, chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh
Chính đã lên tiếng ngay trong ngày đầu tiên đến Mỹ, tái khẳng định tính độc lập,
tự chủ của Việt Nam ở khía cạnh ngoại giao. Ông Chính nói, Việt Nam “không chọn
bên” trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc và bày tỏ lạc quan về
điều mà ông gọi là những cơ hội giúp nâng quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ “lên tầm
cao mới.” Ông Chính, hiện đang ở thủ đô Washington để tham dự Hội nghị CCĐB,
trình bày viễn kiến của Việt Nam về một thế giới tốt đẹp hơn được xây dựng trên
nền tảng của “sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm”. Nhắc trực tiếp đến
Ukraine, Thủ tướng Chính nói, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia những nỗ lực
và sáng kiến của cộng đồng quốc tế giúp tạo điền kiện cho đối thoại giữa các
bên để tìm ra giải pháp lâu dài. Ông tái khẳng định “lập trường nhất quán” của
Việt Nam là tôn trọng Hiến chương của Liên Hợp Quốc, độc lập, chủ quyền, sự
toàn vẹn lãnh thổ, và giải quyết mọi tranh chấp thông qua các biện pháp hòa
bình mà không dùng hay đe dọa dùng vũ lực (1).
Cùng vào thời điểm nói trên, ngày 11/5, từ Hà
Nội, Tham tán Chính trị ĐSQ Ukraine tại Việt Nam, bà Nataliya Zhynkina cho rằng,
việc Việt Nam bỏ phiếu trắng tại LHQ tránh lên án hành động Nga xâm lược
Ukraine, chưa được hiểu đúng ở nhiều nơi, lẫn trong lòng Việt Nam. Bà nói, mọi
tuyên bố của Việt Nam tại LHQ đều mạnh mẽ và rõ ràng, Việt Nam đồng thời không
tán thành việc vi phạm luật pháp quốc tế, sử dụng vũ lực và đe dọa tấn công vũ
lực, sát hại dân thường và phá hủy cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, bà Phó Đại sứ cũng
đưa ra bình luận: “Vì lợi ích ngắn hạn, có thể một vài nước vẫn bị cám dỗ tiếp
tục việc giao thương với Nga như bình thường. Đồng thời, với chính sách trừng
phạt quy mô lớn của các quốc gia hàng đầu thế giới nhằm vào Nga, về lâu dài những
nỗ lực đó sẽ gây ra những hậu quả theo hệ thống một cách sâu sắc cho nền kinh tế
của những nước vẫn dựa vào hợp tác với Nga và cho sự ổn định toàn cầu nói
chung…. Thay vào đó, việc từ bỏ quan hệ với Nga trong các lĩnh vực trọng yếu sẽ
tạo điều kiện cho triển vọng mới trong việc hợp tác với các nền kinh tế dẫn đầu,
các ngành đầu tư và cải cách. Bây giờ là lúc để các nước thoát khỏi sự phụ thuộc
vào Nga để biến những thách thức hiện có thành cơ hội phát triển bền vững cho mọi
quốc gia ASEAN” (2).
Lập trường các nước
ASEAN bị chia rẽ
Tuy nhiên, thực tế đáng tiếc hiện nay là các
nước ASEAN vẫn tiếp tục bị chia rẽ về cuộc chiến ở Ukraine. Theo nhà báo Lukas
Singarimbun, từ khoa Quốc tế học của Đại học Indonesia, các phản ứng không đồng
nhất đối với cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra giữa các nước ASEAN nêu bật mối
quan hệ khác nhau của họ với nước Nga. Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã khiến
quốc tế lên án và dẫn đến việc Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu và các
nước khác nhanh chóng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể của
Nga. Tuy nhiên, phản ứng của ASEAN và hầu hết các quốc gia thành viên đã “trầm
mặc” hơn đáng kể. Vào tháng 2, các Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN đã ban hành một
tuyên bố chính thức về cuộc khủng hoảng Ukraine. Đại diện của 10 quốc gia nói rằng
họ “quan ngại sâu sắc” với cuộc khủng hoảng đang diễn ra nhưng lại tránh chỉ
trích trực tiếp Nga. Tuyên bố chính thức không đề cập đến hoạt động của Nga là
“xâm lược” hay “gây hấn” đối với Ukraine.
Vào đầu tháng 3, ASEAN lại đưa ra một tuyên bố
tiếp theo kêu gọi “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức”. Một lần nữa, ASEAN vẫn
không gọi Nga là bên xâm lược, khiến một số nhà phân tích mô tả tuyên bố này là
mơ hồ và quá thận trọng. Thành viên ASEAN duy nhất áp đặt các biện pháp trừng
phạt trực tiếp đối với Nga là Singapore. Ngược lại với các nước láng giềng, Bộ
trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan giải thích rằng Singapore có kế
hoạch áp đặt “các biện pháp trừng phạt và hạn chế thích hợp” chống lại Nga.
Singapore cũng đặt mục tiêu áp đặt các hạn chế thương mại đối với các vật tư có
thể được sử dụng để sản xuất vũ khí để gây hại cho người dân Ukraine (3).
Từ Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế (Đại học
Chulalongkorn), Giáo sư Thitinan Pongsudhirak nhận xét, các nước ASEAN phản ứng
một cách qua loa và không thỏa đáng, chỉ kêu gọi biện pháp ngoại giao và giải
pháp hòa bình mà không lên án cuộc xâm lược và cuối cùng làm suy yếu các nguyên
tắc cốt lõi của khối về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Sự chia rẽ về cuộc chiến
giữa Nga và Ukraine thể hiện ở cách biểu quyết ở LHQ: Lào và Việt Nam bỏ phiếu
trắng cho nghị quyết LHQ lên án hành động xâm lăng của Nga ở Ukraine. Tám nước
còn lại ủng hộ việc lên án, kể cả Campuchia. Giáo sư Thitinan chỉ rõ: “Và rồi
chúng ta thấy một sự chia rẽ ở việc biểu quyết đình chỉ tư cách của Liên bang
Nga trong Hội đồng Nhân quyền LHQ hôm 7/4, chỉ có Philippines là ủng hộ, còn
các nước ASEAN bỏ phiếu trắng. Chúng ta có thể thấy việc Nga xâm lược Ukraine,
một vài sự khác biệt về quan điểm đã lộ rõ và tôi nghĩ, cuộc chiến càng kéo dài
thì các nước ASEAN càng miễn cưỡng lên án Nga một cách trực diện”(4).
Tuy nhiên, giới quan sát vẫn cho rằng, bất kể
khác biệt và chia rẽ trong nội bộ ASEAN thì các nước này đều có chung một mong
muốn là sự hiện diện và cam kết của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á để cân bằng ảnh
hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. Theo đó, các quốc gia ASEAN cũng tìm
cách để Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và các cường quốc bên ngoài khác can dự càng nhiều
càng tốt để tạo ra sự cân bằng quyền lực trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn
đó những nghi ngại, liệu Mỹ có đủ nguồn lực để tham gia trên cả ba mặt trận đại
dương, không chỉ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà còn trở lại liên minh Đại
Tây Dương, ở châu Âu, với Nga. Vì vậy, nhân Hội nghị CCĐB lần này, có thể chính
quyền Biden muốn trấn an các nước ASEAN rằng, Hoa Kỳ vẫn giữ vững cam kết và
đang đi đúng hướng. Mặc dầu thế, trên thực tế, tại một số nước trong khu vực, vẫn
dấy lên một số dấu hỏi về cam kết lâu dài và quyết tâm của Hoa Kỳ (5).
Chống lại đe dọa
dùng vũ khí hạt nhân
Theo bà Tham tán Chính trị ĐSQ Ukraine tại Việt
Nam Nataliya Zhynkina, cuộc chiến tranh của Nga chống lại Ukraine sở dĩ nằm
trong chương trình nghị sự của Hội nghị CCĐB, vì mọi ánh mắt trên thế giới hiện
nay đều đang tập trung vào cuộc kháng cự của người dân Ukraine. Việc Nga xâm
lăng Ukraine đã tạo ra một cuộc khủng hoảng đa chiều. Ngoài các vấn đề làm hủy
hoại nền hòa bình, gián đoạn kinh tế, an ninh lương thực bị đe dọa, giá nhiên
liệu tăng cao và nhiều vấn đề khác, cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine Nga đã có
những tác động tiêu cực đến những quốc gia có quan hệ truyền thống với Nga và
phụ thuộc vào sự hợp tác với Nga trong các lĩnh vực quan trọng của kinh tế và
an ninh. Đấy là tất cả những lĩnh vực mà các nước ASEAN đều phải xem xét kĩ lưỡng.
Thượng đỉnh lần này là sự kiện quan trọng, vì hiện nay, các quốc gia và khu vực
cần có sự liên kết cao và phải hợp tác với nhau để đối mặt những thách thức
trong quá trình xây dựng một trật tự thế giới có khả năng chống lại các cuộc khủng
hoảng (6).
Một trong những cuộc khủng hoảng nói trên, vẫn
theo bà Nataliya Zhynkina, chính là các mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm
vào các quốc gia phi hạt nhân hóa, đặc biệt là những quốc gia đã tự nguyện từ bỏ
kho vũ khí hạt nhân. Điều này đang làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu nhằm xây dựng
một thế giới an toàn. Hệ thống an ninh toàn cầu dựa trên tinh thần trách nhiệm
của các quốc gia hạt nhân với các cam kết tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến Vũ
khí Hạt nhân (NPT). Một phần không thể thiếu của hệ thống này là Hiệp ước không
vũ khí hạt nhân ở khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, trách nhiệm của các quốc gia trên
thế giới là phải trừng trị nghiêm khắc những kẻ có mưu đồ sử dụng vũ khí giết
người hàng loạt này. Cuộc chiến của Nga xâm lược Ukraine càng kéo dài, cuộc khủng
hoảng càng sâu sắc và những hậu quả càng nặng nề giáng vào mọi khu vực. Nhu cầu
hiển nhiên là cần những phản ứng mạnh mẽ và thống nhất đối với hành động gây hấn
– Đó là phải cùng nhau cô lập Nga trên trường quốc tế.
__________
Tham khảo:
1. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/pm-pham-minh-chinh-remarks-at-csis-05112022230508.html
2. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61375623
3.
https://www.policyforum.net/asean-members-responses-to-the-invasion-of-ukraine/
4.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61375625
6.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61375623
-----------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Tin, bài liên quan
Thượng
đỉnh Mỹ - ASEAN: Mỹ sẽ đưa ra những cam kết gì cho khu vực?
Ai
đã rải chông trên bước chân ngoại giao của Thủ tướng Phạm Minh Chính?
Hy
vọng gì cho Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ?
Mỹ,
Pháp gia tăng quan hệ an ninh quốc phòng với Indonesia, bài học cho Việt Nam
No comments:
Post a Comment