Friday 13 May 2022

HAI CÂU, 77 CHỮ (Phạm Thị Hoài)

 



Hai câu, 77 chữ

Phạm Thị Hoài

13/05/2022

https://baotiengdan.com/2022/05/13/hai-cau-77-chu/

 

Sau 47 năm, bên thắng trận đã hoàn thành đáp án cho câu hỏi còn bỏ ngỏ, liên quan đến sự kiện kết thúc cuộc chiến tranh định mệnh ở Việt Nam. Ngày 14 tháng Ba vừa rồi, cơ quan lãnh đạo cao nhất trong quân đội, gồm Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và 20 vị tướng, ra Kết luận số 974-KL/QUTW về việc “Ai soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh”, “khẳng định tính khách quan và sự thật lịch sử” rằng cả ông đại úy Phạm Xuân Thệ đến trước lẫn ông trung tá Bùi Văn Tùng đến sau đều là đồng tác giả. Không có Thạch Sanh Lý Thông nào cả. Chấm dứt cãi cọ. Chuyện nhân sự đến đây là hết.

 

Hàng chục năm sau ngày 30 tháng Tư vang dội ấy, năm nào cũng được lịch sử đến hẹn lại ủy nhiệm, năm nào phe chiến thắng cũng tranh cãi – ít nhiều dữ dội và thậm chí nhuốm màu “phản động” ngoài ý muốn – về những chi tiết tưởng như quá dễ xác định: xe tăng nào tiến vào Dinh Độc lập đầu tiên, chiến sĩ nào lao lên nóc dinh cắm cờ giải phóng, và như nêu trên, ai soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng. Nghe như đùa, song thực ra dễ hiểu và có truyền thống. 55 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, người cắm cờ trên cứ điểm Him Lam mới được xác nhận đúng danh tính, trước đó hoặc một anh hùng khác hoặc một nhân vật “dâu ông nọ chăn tằm bà kia” được gọi tên. Rồi lá cờ trên nóc hầm de Castries ngày 7/5/1954 có thực hay chỉ là cảnh dàn dựng trong bộ phim của đạo diễn Liên Sô Roman Karmen? Toàn những chuyện không khiến tôi phải nhảy vội lên chuyến tàu về một ga lẻ của quá khứ. Lịch sử tự nó có một lớp patina quyến rũ, cho các thế hệ sau. Song nó mệt mỏi nhạt phèo, nếu các thế hệ trước vẫn múa may mãi trên sân khấu của dĩ vãng. Có gì lạ đâu. Rốt cuộc thì hạ sĩ Meliton Kantaria người Gruzia, đồng hương của Stalin, vẫn chính thức là nhân vật cắm cờ trên nóc Nhà Quốc hội Đức ngày 2/5/1945, nhận Huân chương Lenin và danh hiệu Anh hùng Liên bang Sô-viết, cả đời hưởng lộc của chế độ, trong khi tác giả của bức ảnh dàn dựng lừng lẫy ấy cho biết một sự thật hoàn toàn khác – kể cả việc ông phải dùng kim để tẩy chiếc đồng hồ ở cổ tay phải của người lính đứng yểm trợ cho đồng đội cắm cờ: chiến sĩ Hồng quân này đeo mỗi tay một chiếc đồng hồ, chiến lợi phẩm mà lính Nga ham sưu tập, trước khi biết cướp bóc điện thoại, TV, máy giặt, tủ lạnh, bồn cầu và dâu tây như bây giờ ở Ukraine. Tuy nhiên đó vẫn chưa là sự thật nguyên thủy. 50 năm sau, khi Liên bang Sô-viết đã là quá khứ, trung sĩ Mikhail Minin chẳng ai biết đến mới được ghi nhận là người đầu tiên cắm cờ chiến thắng đêm 30/4/1945 ở Berlin.

 

Song điều tôi quan tâm là nội dung lời tuyên bố đầu hàng ấy. Một văn bản lịch sử trọng đại đánh dấu một thời khắc lịch sử trọng đại, khiến các phe phải khốc liệt tranh giành bản quyền soạn thảo và giới lãnh đạo cao nhất của quốc gia phải vào cuộc. Công phu “soạn thảo” nó như thế nào?

Xem thêm:   Diệt cỏ

 

Toàn văn lời tuyên bố ấy như sau: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao toàn chính quyền từ trung ương đến địa phương lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.”[1]

 

Hai câu, 77 chữ, một bình diện ngôn ngữ bất cập và những lỗi nhẹ ra phải gọi là ngớ ngẩn.

 

Ông Dương Văn Minh không phải là “Tổng thống chính quyền Sài Gòn” mà Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, cũng như ông Hồ Chí Minh không phải là Chủ tịch chính quyền Hà Nội mà Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bà Thái Anh Văn trong ngôn ngữ của dư luận viên Hoa lục có thể là “Tổng thống chính quyền Đài Bắc”, nhưng danh xưng chính thức và chính xác của bà chỉ có thể là Tổng thống Trung Hoa Dân quốc. Một tuyên bố đầu hàng không phải là một lời kêu gọi hay yêu cầu. Khi đầu hàng, Tổng thống đồng thời là Tổng Tư lệnh quân đội ở cương vị phải tuyên bố rõ ràng lệnh ngưng bắn và giải tán chính quyền chứ không thể “kêu gọi” quân đội hạ vũ khí và yêu cầu chính quyền “phải giải tán“. Và làm thế nào để giao một chính quyền vừa bị giải tán cho một chính quyền khác, nhất là khi ngay trước đó Quân Giải phóng đã từ chối không nhận bàn giao, vì “Các ông không còn có gì để bàn giao“.[2]

 

Phần lớn các cuộc chiến hay xung đột vũ trang chậm nhất từ thời cận hiện đại đến nay thường kết thúc bằng những cam kết đình chiến và đàm phán về hậu chiến; tuyên bố đầu hàng rất ít xảy ra và đầu hàng vô điều kiện càng hiếm; song hình thức nào cũng phải được chuẩn bị kĩ lưỡng, diễn đạt thận trọng, từ những cấp quyết định cao nhất và ở bình diện ngôn ngữ cao nhất: bình diện quốc gia. Song đó chỉ là phần mở đầu của một quá trình với những thủ tục phức tạp, có thể kèm theo cả nghi thức trang trọng, như trong lễ ký kết văn kiện đầu hàng của Nhật ngày 02/9/1945 trên Chiến hạm USS Missouri. Các khía cạnh pháp lý và chính trị liên quan lại càng phức tạp. Quân Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ, song Cộng hòa Pháp (Đệ Tứ) lại tham gia quyết định số phận của Việt Nam trong Hội nghị Ngoại trưởng Berlin 1954 và Hiệp định Genève cùng năm. Sự đầu hàng vô điều kiện của Đức trong Thế chiến II không phải là hành vi của Deutsches Reich, Đế chế Đức với tư cách quốc gia, mà là hành vi của Wehrmacht, quân đội Đức Quốc xã. Vì thế, trừ những điều luật mang tính chính trị, Bộ Luật Hình sự của Đế chế Đức vẫn tiếp tục có hiệu lực một thời gian dài, hiện nay Đức còn áp dụng trên 20 điều luật từ thời Quốc xã. Quân đội có thể ngưng bắn, song những hoạt động mà phần lớn là dân sự của một bộ máy nhà nước không thể ngay lập tức bị đình chỉ, chưa kể thời gian cần thiết để giải quyết các hệ lụy với những bên thứ ba liên quan. Cả phía Miền Nam Quốc gia (Việt Nam Cộng hòa) lẫn Miền Nam Việt cộng (Cộng hòa Miền Nam Việt Nam) và Miền Bắc Cộng sản (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) rõ ràng đều không có những chuẩn bị nhất định cho các vấn đề này. Hoặc không thấy có gì cần chuẩn bị. “Chính quyền Sài Gòn” đơn giản bị xóa sổ là xong.

Xem thêm:   Người Việt bên lề cuộc chiến

 

Thế là rất đặc trưng Việt Nam, văn kiện lịch sử trọng đại đánh dấu thời khắc lịch sử trọng đại lúc 13:30 giờ ngày 30/4/1975 cuối cùng do một – hoặc hai? – sĩ quan cấp úy và cấp tá ít nhiều vô danh của bên thắng trận chấp bút, ở tình thế gấp gáp thiếu thốn và có phần lúng túng, phải nhanh trí ứng biến tại chỗ[3], thậm chí phải nhờ vào chiếc máy ghi âm duy nhất dùng được của nhà báo phương Tây duy nhất chứng kiến và ngẫu nhiên trở thành thư ký của sự kiện ấy. Nhà báo Börries Gallasch của tờ Spiegel thuật lại: “Chính ủy Tùng dùng một tờ giấy màu xanh đặt lên đầu gối, thảo lời tuyên bố để Tướng Minh đọc trên đài. Thỉnh thoảng ông nghĩ ngợi xem nên viết thế nào, gạch chữ này, thêm chữ kia. Mặt ông không hề biểu lộ một cảm xúc. Vậy là giờ đây, ở phút giây chiến thắng, những con người đã chiến đấu cả 30 năm để giải phóng đất nước lại không biết diễn đạt lời tuyên bố đầu hàng ra sao.” Tướng Minh đọc xong, chính ủy Tùng vò bản thảo và đút vào túi quần. Chiến tranh thế là kết thúc.

 

Tôi thật sự thông cảm với chính ủy Tùng. Ông chỉ là một sĩ quan bậc trung, thấm nhuần một ngôn ngữ và tư duy chính trị mà trong đó Miền Nam không bao giờ hiện ra như một quốc gia riêng, có tên gọi riêng với những chủ quyền riêng, mà chỉ là phần lãnh thổ Việt Nam bị chia cắt và bị “chính quyền Sài Gòn“, “tay sai của đế quốc Mỹ”, cai trị. Có lẽ ông cũng không biết đến tên gọi chính thức của quốc gia này. Người lính chất phác trong ông không được huấn luyện cho những việc nằm ngoài tầm đạn pháo[4]. Có lẽ ông đã hình dung rất giản dị sáng tỏ về việc đánh đổ cái “chính quyền Sài Gòn” của “địch” ấy và thay thế bằng chính quyền mới của “ta“; song tư duy và ngôn ngữ của ông không cho phép phân biệt giữa chính quyền, một chủ thể cụ thể, và quyền lực nhà nước, một chủ thể trừu tượng[5], nên cuối cùng chỉ thành tựu trong một câu vừa luộm thuộm với cụm “từ trung ương đến địa phương“ lặp lại như để chắc ăn – một trong những đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ chính thống ở Việt Nam là lặp lại lặp lại vô tội vạ, tôi xin trở lại đề tài này ở dịp khác – vừa lộn xộn kỳ quặc về nghĩa lý. Với tất cả lòng tôn trọng, tôi phải tiếc rằng ông đã không đủ tầm vóc để diễn đạt một tuyên bố đầu hàng cho tổng thống một quốc gia và tổng tư lệnh một quân đội với nội dung và ngôn ngữ thích đáng.

Xem thêm:   Khi nhà thơ không hoàn toàn cưỡng dâm

 

Lời tuyên bố ấy có thể sửa lại không quá khó khăn, chẳng hạn: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, tuyên bố: Một, từ giờ phút này Quân lực Việt Nam Cộng hòa ngưng bắn, hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Hai, giải tán chính quyền Việt Nam Cộng hòa từ trung ương đến địa phương. Ba, giao quyền lực nhà nước trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

 

Tôi có mười lăm năm gắn bó với ngành sử, ở Đông Đức cũ và Việt Nam, để hiểu phát ngôn khô khốc của Lenin khi từ chối thỉnh cầu của Maxim Gorky xin tha mạng sống cho sử gia Nicholas Mikhailovich Romanov, Chủ tịch Hội Sử học Nga, đồng thời là một Đại Công tước thuộc dòng họ Nga hoàng cuối cùng: “Cách mạng không cần đến sử gia“. Song có lẽ cách mạng cần người biết soạn thảo một văn kiện lịch sử.

 

Berlin, 2/5/2022

_____

 

[1] Khi ghi âm, ông Dương Văn Minh đã đọc câu thứ hai hơi khác, còn tối nghĩa hơn, như sau: “Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, từ trung ương đến địa phương giao lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

 

[2] Ít nhất 4 nhân vật đã khẳng định chính mình nói câu đó ở Dinh Độc lập: đại tá Bùi Tínđại tá Lê Văn Minhtrung tá Bùi Văn Tùng và đại úy Phạm Xuân Thệ.

 

[3] Ông Bùi Văn Tùng kể lại: “Sẵn tập pơ-luya xanh nhạt để trên bàn, tôi lấy một tờ. Tôi lấy bút ra rồi nhưng mà tôi cũng chưa nghĩ ra điều kiện (đầu hàng) thế nào. Nhưng vài phút suy nghĩ thì té ra vấn đề nó dễ òm, có khó gì đâu. Cách mạng đề ra vấn đề cơ bản, quân đội và chính quyền. Thế là tôi thảo ra cho ông Minh. Thảo vài phút thì xong.”

 

[4] Con gái ông kể: Sau khi tôi đã sang sinh sống ở nước ngoài, mỗi lần về Việt Nam thăm ba, những lúc tinh thần minh mẫn ba đều hỏi thăm tôi người Việt mình sống ở bên đó thế nào, có thành công và thích nghi với nước sở tại hay không? Và cuối câu chuyện bao giờ ba cũng thắc mắc hỏi tôi mỗi một câu: “Tại sao Mỹ lại đánh nhau với mình thế hả con?”

 

[5] Bảo Đại không mắc lỗi ấy. Ông tuyên bố trong Lễ Thoái vị ngày 30/8/1945: “Trẫm cũng quả quyết thoái vị nhường quyền điều khiển quốc dân cho một chính phủ dân chủ cộng hòa.” Song dĩ nhiên ông không bị địch thủ nhét chữ vào mồm ở phút nước đã dâng đến cổ, và người thảo Chiếu thoái vị cho ông là vị đổng lý ngự tiền văn phòng triều đình, luật sư danh tiếng Phạm Khắc Hòe.

 

 

NGUỒN :

https://baotreonline.com/van-hoc/le-cheo/2-cau-77-chu.baotre

 

*

Phạm thị Hoài

https://baotreonline.com/author/phamthihoai





No comments:

Post a Comment

View My Stats