Thursday, 19 May 2022

THÀNH CÔNG CỦA NGƯỜI VIỆT TẠI MỸ KHÔNG DO ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG & NHÀ NƯỚC CỘNG SẢN (GS Nguyễn Văn Tuấn)

 



THÀNH CÔNG CỦA NGƯỜI VIỆT TẠI MỸ KHÔNG DO ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG & NHÀ NƯỚC CỘNG SẢN

GS Nguyễn Văn Tuấn 

15 Tháng 5 lúc 21:55  

https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1480174872429825

 

Nếu là ông Phạm Minh Chính, tôi sẽ không nói câu này: "Thành công của người Việt tại Mỹ cũng là thành công của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước". Tôi cố gắng tìm trong nhóm bạn bè và bà con ở Mĩ, ai thành công nhờ vào chánh sách của VN, nhưng kết quả là zero.

 

Hãy lấy trường hợp anh bạn tôi là một trường hợp tiêu biểu. Năm 1982, sau khi được trả tự do từ tù ‘cải tạo’ anh vượt biên sang Mã Lai, và chừng 1 năm sau thì đến Mĩ định cư. Sang Mĩ, thời gian đầu, cũng như các đồng hương khác, anh làm trong các hãng xưởng một thời gian. Sau đó chừng 2 năm, anh bảo lãnh vợ con từ Việt Nam sang Mĩ và cả gia đình đoàn tụ. Sau đoàn tụ, anh quay lại đại học và xong chương trình cử nhân khoa học máy tính. Phải 20 năm sau gia đình anh mới thật sự ổn định và thoải mái, khi 2 đứa con đã tốt nghiệp từ trường y UCSF và một đứa tốt nghiệp cũng về khoa học máy tính như anh. Bây giờ thì anh đã nghỉ hưu, có cuộc sống tương đối sung túc, nhưng anh chưa bao giờ về Việt Nam và đến cho cuối đời chắc anh sẽ không về lại quê hương.

 

Đối với anh và con cái, Mĩ là đại ân nhân, là quê hương. Sự thành công của gia đình anh bạn tôi chẳng có liên quan gì với mấy chánh sách bên Việt Nam. Sự thành công của anh là do môi trường tự do và bình đẳng ở Mĩ, do thể chế không kì thị ở Mĩ — không có dính dáng gì với Việt Nam.

 

Một chút về sự hình thành cộng đồng người Việt ở Mĩ

 

Hiện nay, cộng đồng người Việt ở Mĩ có chừng 2.2 triệu người. Con số này tăng gần gấp 2 lần so với năm 2000 khi đó chỉ có 1.2 triệu người. Đa số họ đến đây vào thập niên 1970-1990 (ước tính tầm 800,000 người) với tư cách người tị nạn hoặc HO. Những người trong làn sóng đầu tiên này bảo lãnh thân nhân từ Việt Nam sang, nên con số người Việt ở Mĩ tăng khá nhanh sau đó. Đa số họ đi từ miền Nam. Trong mấy năm gần đây, người từ miền Bắc cũng tìm đường sang Mĩ và ở lại.

 

Trong làn sóng di cư đầu, ngoài những chuyên gia và quan chức VNCH và cựu quân nhân, nhiều người Việt xuất thân từ nông dân và trình độ học vấn hạn chế. Thế nhưng người Việt có gen 'resilience' nên họ đã nhanh chóng ổn định cuộc sống và đóng góp cho xã hội Mĩ. Anh bạn của tôi là một trường hợp tiêu biểu về quá trình định cư của người Việt ở Mĩ.

 

Cộng đồng người Việt ở Mĩ còn non trẻ so với các cộng đồng Á châu khác (như Phi Luật Tân, Tàu, Ấn Độ). Do đó, so với các cộng đồng này, cộng đồng người Việt chưa phải là 'sáng giá' lắm đâu. Về trình độ học vấn, 32% người Việt ở Mĩ tốt nghiệp đại học (con số này cho thế hệ sanh ở Mĩ là 55%). Con số 32% đó tương đương với toàn dân số Mĩ, nhưng thấp hơn các cộng đồng Á châu khác (54%). Những con số này phải đặt trong bối cảnh những người tị nạn thế hệ đầu đến Mĩ là những người thuộc thành phần khó khăn.

 

Nói đến quá trình hình thành cộng đồng người Việt ở Mĩ mà không đề cập đến Little Saigon là một sai sót. Ngày xưa, theo như bà con tôi kể lại, khu vực mà nay gọi là Little Saigon chỉ là một vùng bán nông thôn, bán thành thị, nhưng từ ngày có người Việt về đây thì vùng này đã biến thành một khu đô thị sầm uất, mang đậm bản sắc Việt. Đến Little Saigon là đến một Sài Gòn thu nhỏ.

 

Để được địa danh 'Little Saigon' cũng là một quá trình vận động và cạnh tranh giữa người Việt và người Tàu. Người Tàu khi đó vận động đặt tên "China Town" hay "Asian Town" cho khu vực nay là Phước Lộc Thọ. Còn người Việt thì trong “Ủy Ban Thương Mại Việt Nam” thì đề nghị lấy tên "Little Saigon". Tháng 6/1988, Thống Đốc tiểu bang California cắt băng khánh thành các bảng chỉ dẫn “Little Saigon Next Exit” dựng ở các xa lộ 405 và 22 dẫn vào các đường Brookhurst, Magnolia. Người có công đầu trong việc đặt tên Little Saigon là kí giả Du Miên, và người ủng hộ nhiệt tình nhứt là Dân biểu Richard Longshore (đã qua đời năm 1988). Kể sơ qua về sự hình thành của cộng đồng người Việt ở Mĩ như thế để cho thấy rằng quá trình phát triển đó không có dính dáng gì với chánh phủ Việt Nam.

 

Cộng đồng người Việt ở Mĩ là ai?

 

Theo BBC thì ông PMC nói câu trên trong 'cuộc gặp mặt một số người Việt tại Mỹ ở thủ đô Washington DC ngày 14/5' năm 2022.

 

Nhiều bạn đọc trong nước có lẽ nghĩ rằng khi các quan chức cao cấp VN khi sang thăm những nước phương Tây như Mĩ thì họ sẽ gặp 'cộng đồng người Việt' ở địa phương. Nhưng không phải đâu.

 

Các vị ấy chỉ gặp những người có liên quan với nhà cầm quyền mà thôi. Đó là những du học sinh được tuyển chọn, những người làm ăn ở trong nước, những người từ miền Bắc qua Mĩ định cư trong mấy năm gần đây, hay nói chung là chỉ gặp ‘phe ta’. Điều này cũng dễ hiểu, vì phe ta nói cùng ngôn ngữ, cùng hành vi, suy nghĩ cùng nhịp điệu, và quen biết nhau cả. Nhưng những người này không đại diện cho tuyệt đại đa số người Việt ở Mĩ và chắc chắn không đại diện cho người tị nạn ở Mĩ.

 

Các quan chức Việt Nam khó mà gặp và trò chuyện với những người đã và đang xây dựng cộng đồng người Việt tị nạn ở Mĩ. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Những người trong cộng đồng và các quan chức Việt Nam không có cùng suy nghĩ về Việt Nam, không cùng 'ngôn ngữ', không chia sẻ lịch sử cận đại, nên rất khó có điểm chung (commonality). Còn những cách nói sáo ngữ như 'Khúc ruột ngàn dặm' thì thú thiệt là hoàn toàn vô nghĩa.

 

Tuy không có cùng điểm chung như thế, nhưng người Việt ở Mĩ đóng góp khá nhiều cho lượng kiều hối về Việt Nam. Theo báo TT thì năm 2021, số kiều hối về Việt Nam là 18 tỉ USD. Trong số này, kiều hối từ Mĩ là khoảng 11 tỉ USD, chiếm 61% tổng số. Đó là một 'khoản viện trợ không hoàn lại' rất lớn cho Việt Nam. Đó là những đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt, và máu của người Việt ở Mĩ, và chắc chắn không có sự đóng góp của Chánh phủ Việt Nam.

 

Tôi ước gì có một ngày một quan chức cao cấp như ông PMC đến Little Saigon thẳng thắn và chân tình chia sẻ những khác biệt về quan điểm với đồng hương và lắng nghe 'music' của đồng hương như ông Nguyễn Văn Thiệu đã từng làm trước đây. Nếu ngày đó chưa đến thì khoảng cách giữa cộng đồng người Việt tị nạn ở nước ngoài và Chánh phủ trong nước vẫn còn xa diệu vợi. Chỉ khi nào có một buổi gặp gỡ như thế thì người Việt chúng ta mới là một khối đoàn kết và mới có hoà giải dân tộc.

_____

 

PS: Nói về chánh sách của 'Đảng và Nhà nước' liên quan đến người vượt biên không thể nào không nhắc đến cái gọi là "Phương Án II", một chủ trương của BCT nhằm tổ chức vượt biên bán chánh thức cho người Hoa ở miền Nam. Đã có ít nhứt 902 người chết trên sông hay biểu vì cái Phương Án II này, và vụ tang thương nhứt là Cát Lái, nơi chứng kiến 227 người vượt biên bị chết.

 

Chỉ non 1 năm (từ 8/1978 đến 6/1979), số người ra đi theo Phương Án II là khoảng 134000 người, và Nhà nước thu được 16181 kg vàng cùng 164505 USD, 538 xe hơi, 4154 căn nhà hay gian nhà. (Tuy nhiên, địa phương báo cáo chỉ có 60,000 người đi, và Nhà nước đã thu về 5612 kg vàng cùng 57000 USD, 235 xe hơi, 1749 nhà và gian nhà).

 

.

 28 BÌNH LUẬN

 

.

Nguyễn Tuấn

Có lần lâu lắm rồi, tôi nghe một anh bạn và cũng là một quan chức nói trên bàn tiệc rằng VN phân biệt 4 nhóm người Việt ở nước ngoài:

 

(a) Nhóm 1 là những người có học và đi từ miền Bắc;

 

(b) Nhóm 2 là những người đi lao động và từ miền Bắc;

 

(c) Nhóm 3 là những người đi du học từ miền Nam nhưng có cảm tình với chánh phủ Việt Nam hiện nay; và

 

(d) Nhóm 4 là những người vượt biên và HO từ miền Nam.

 

Theo đó, điểm cảm tình với chánh phủ cũng là từ 1 (cao nhứt) đến 4 (thấp nhứt). Nhóm 4 đông nhứt và được xem là 'phản động'.

 

Khi gặp một anh bạn làm trong ngành ngoại giao, tôi hỏi anh có quả thật là Nhà nước phân biệt như trên, thì ảnh nói hoàn toàn không. Có thể đó chỉ là chuyện phiếm thôi. Tuy 'phiếm' nhưng tôi nghĩ chắc cũng phù hợp với suy nghĩ của các quan chức?

 

*

 

Nguyễn Hoàng Tuân

"Chỉ khi nào có một buổi gặp gỡ như thế thì người Việt chúng ta mới là một khối đoàn kết và mới có hòa giải dân tộc", câu này quá tuyệt, đó là ước mơ của nhiều người Việt chân chính; xin cảm ơn Anh!

.

Nguyễn Tuấn

Nguyễn Hoàng Tuân Với điều kiện là đừng có nói "Mẹ nó"  hay "phản động" hay "lưu vong", v.v. Tôi thấy ông Thiệu đối thoại rất văn minh và sòng phẳng trước những chỉ trích tơi bởi về cá nhân ổng và chánh phủ của ổng. Nhưng tìm một người trong chánh phủ ngày nay có bản lãnh như ông Thiệu thì chắc hơi hiếm.

.

Nguyễn Hoàng Tuân

Nguyễn Tuấn

Dạ, và đó là điều đáng buồn cho những người ở quốc nội, nhất là những người được giáo dục từ trước 1975 ở miền Nam!

 

*

Lê Quốc Quân

Bài viết rất hay, chính xác. Ở DC chỉ có mấy người "có quan hệ với NN" được mời đến dự trong khi nhiều người biểu tình phản đối Ông trước nhà trắng. Ông Chính không dám xuống Eden.

 

*

Sy Van Nguyen

Ơ hơ

Ông PMC tuyên bố “láo toét “ quá.

GĐ tôi là 1 điển hình:tất cả 4 cậu Boys nhà tôi và 4 cô con dâu đều ăn học thành tài ở Úc là do công lao của chúng và do 1 phần rất nhỏ là do cuộc đời làm “cu li “của vợ chồng nhà tôi.

Tụi tôi chưa 1 lần về việt nam mà nhà nước và chính phủ việt nam chắc cũng không biết chúng tôi là ai.

Nhận vơ là vợ thằng nhân đó nghe chú nhỏ PMC.

 

*

Song Thu

""Chỉ khi nào có một buổi gặp gỡ như thế thì người Việt chúng ta mới là một khối đoàn kết và mới có hoà giải dân tộc."" => Điều này quá xa vời. Cũng thật dễ hiểu thôi, bởi vì nói theo cách bình dân học vụ, thì người Việt cộng sản - đặc biệt là người Việt cộng sản "có chức" không bao giờ tự thắng được chính họ cho tới khi chết.

 

*

Nguyễn Tuấn

'Phương Án II' và Tang thương Cát Lái

Thời nay, ít ai biết rằng cảng Cát Lái vào thập niên 1970s từng là nơi chứng kiến hơn 200 người chết vì đã tìm đường vượt biên theo tổ chức của Nhà nước. Tôi không chắc là ngài Thủ tướng có biết chuyện tang thương này.

 

Dạo đó (1978), Nhà nước lên một kế hoạch đưa người Hoa vượt biên theo cách thức có tên là "Phương Án II". Theo đó, Nhà nước thu vàng và tiền của dân để đóng tàu cho họ vượt biên, với lời hứa là công an sẽ không ngăn cản hay bắn chết khi họ còn trong vùng biển Việt Nam. Sự ra đời của Phương Án II (PA2) này được ghi lại trên giấy trắng mực đen của Ban 69:

 

“Cay cú trước thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp cách mạng giải phóng Miền Nam, thống nhất tổ quốc của nhân dân ta, bọn bành trướng Bắc Kinh sử dụng bọn Pôn-pốt đánh phá ta từ phía Tây nam, đồng thời âm mưu dùng đội quân thứ năm để gây bạo loạn lật đổ từ bên trong phối hợp với hành động chiến tranh từ bên ngoài, gây ra vụ ‘nạn kiều’ tạo nguyên cớ cho cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới phía Bắc. Phối hợp với các thế lực đế quốc, phản động quốc tế, chúng mở chiến dịch tuyên truyền nói xấu ta; vừa kích động người Hoa chạy về Trung Quốc với cái chúng gọi là ‘nạn kiều’. Để phá tan một nguy cơ có thể gây ra tình hình phức tạp về chính trị, Trung ương chủ trương giải quyết đối với người Hoa với ba phương án: cho họ ra nước ngoài theo con đường Liên Hợp Quốc HCR (gọi tắt là PA1); cho họ ra nước ngoài làm ăn (gọi tắt là PA2); cho họ đi các địa phương sản xuất theo khả năng của họ (gọi tắt là PA3). Nhưng họ chọn con đường đi làm ăn ở nước ngoài, Trung ương giao cho Bộ Nội vụ trực tiếp tổ chức thực hiện PA2 này”.

 

Chỉ non 1 năm (từ 8/1978 đến 6/1979) có 15 tỉnh thành tổ chức vượt biên theo PA2. Số người ra đi là khoảng 134000 người, và Nhà nước thu được 16181 kg vàng cùng 164505 USD, 538 xe hơi, 4154 căn nhà hay gian nhà. (Tuy nhiên, địa phương báo cáo chỉ có 60,000 người đi, và Nhà nước đã thu về 5612 kg vàng cùng 57000 USD, 235 xe hơi, 1749 nhà và gian nhà). Báo cáo láo đã có từ thời đó.

 

Một trong những sự kiện bi thảm nhứt trong những chuyến tàu vượt biên bán chánh thức này là vụ Cát Lái. Giữa tháng 7/1979, dưới sự canh gác của công an, một nhóm người chờ lên tàu vượt biên. Chiếc tàu vượt biên mới đóng có 3 tầng, dài 30 m và rộng chỉ 10 m. Những người mua vé tầng dưới thì do diện tích quá nhỏ, nên cảm thấy ngột ngạt, và họ phải trèo lên tầng trên. Số người ở tầng trên quá nhiều làm cho con thuyền bị mất cân bằng, chao đảo, dẫn đến hỗn loạn trên thuyền, và sau cùng là chìm. Đa số những người đi trên tàu là người Hoa làm nghề buôn bán, nên họ không biết bơi lội. Thật ra, dù biết bơi lội thì họ vẫn khó sống sót, nhứt là khi ở trong 2 tầng dưới của tàu.

 

Phải đến 3 ngày sau, nhà chức trách mới kéo con tàu lên. Nhà chức trách đếm được 227 người chết, chỉ có chừng 40 người sống sót. Một viên sĩ quan cứu hộ kể về những trường hợp mẹ con cùng chết:

 

“Chúng tôi vét sạch hòm ở các quận. Khâm liệm xong vẫn còn dư mấy cái vì có bốn trường hợp phải chôn đôi bởi các bà mẹ trước khi chết ôm chặt lấy con mà chúng tôi thì không nỡ tháo khớp tay họ ra để chia lìa tình mẫu tử”.

 

Nhưng Cát Lái không hẳn là sự kiện duy nhứt, vì trong thực tế có vài sự kiện Cát Lái khác ở các tỉnh Bến Tre (1 tàu chìm, 54 người chết); Long An (1 tàu chìm, 38 người chết); Nghĩa Bình (1 tàu chìm, 78 người chết); và bi thảm nhứt là Tiền Giang (3 tàu chìm, 504 người chết). Tính chung, Phương Án II đã trực tiếp hay gián tiếp gây cho 902 cái chết.

 

Chuyện buồn quá khứ, chỉ nhắc lại để biết và hiểu một chút về câu nói sự thành công của người Việt [còn sống sót] ở Mĩ là "thành công của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước".

 

____

PS: Những con số trong cái note này trích từ cuốn sách "Bên Thắng Cuộc" (chương "Nạn Kiều") của Huy Đức.

.

Quynh Nguyen

Nguyễn Tuấn Em ở cách cảng Cát Lái không xa và cũng từng ra chỗ đó. Gốc gđ ở cũng khu gần đó và được kể lúc vừa ra không xa thì chìm, người ta kêu cứu quá chừng mà trong đồn hải quân cách đó không xa mở nhạc rất to át tiếng kêu cứu.

Ít hôm sau thì người ta phát hiên trong những vật mang theo từ xác nổi lên như răng bọc vàng, dép độn vàng, ... nhiều thợ lặn cũng lặn tìm vàng

.

Sy Van Nguyen

Nguyễn Tuấn

Huy Đức không thể nào làm thống kê chính xác những vụ đắm tàu vượt biên. Tôi ở Hộ Phòng gần cửa Gành Hào,tận mắt chứng kiến 2 vụ tàu vượt biên bị chìm, mỗi vụ ít lắm cũng vài trăm xác trôi vật vờ mấy tuần nơi cửa biển.

.

Nguyen Ngoc Thanh

Nguyễn Tuấn chuyện này em có đọc được từ hồi ký Thép Đen của Đặng Chí Bình.

.

Vũ Ngọc Thành

Nguyễn Tuấn gs viết comment này hay quá, nhưng chắc ít người đọc vì thế đề nghị gs viết hẳn 1 status để lưu giữ lại những chuyện tang thương của 47 năm trước





No comments:

Post a Comment

View My Stats