Saturday 7 May 2022

MOLDOVA ĐANG CỐ GẮNG ĐỨNG NGOÀI CUỘC CHIẾN CỦA NGA VỚI UKRAINE (The Economist)

 



Moldova đang cố gắng đứng ngoài cuộc chiến của Nga với Ukraina

Economist

Cù Tuấn, dịch

06/05/2022

https://baotiengdan.com/2022/05/06/moldova-dang-co-gang-dung-ngoai-cuoc-chien-cua-nga-voi-ukraina/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/05/1-22-696x391.jpg

Tổng thống Maia Sandu của Moldova. Nguồn: EPA

 

.

Tóm tắt: Một cuộc phỏng vấn với Maia Sandu, Tổng thống thân phương Tây của Moldova.

 

Maia Sandu, vị tổng thống thân châu Âu ăn nói nhẹ nhàng của Moldova, có vẻ hơi lạc lõng trong Phủ tổng thống rộng lớn của đất nước này. Ban đầu là địa điểm của Xô-viết Tối cao Moldova, tòa nhà này được xây dựng trong những ngày suy tàn của Liên Xô để quảng cáo cho quyền lực của chính phủ ở nước nhỏ thứ hai trong số 15 nước cộng hòa của Liên bang Xô-viết.

 

Khi Liên bang Xô-viết sụp đổ và Moldova trở nên độc lập, Nga đã hậu thuẫn cho một cuộc nổi dậy ly khai ở Transnistria, một khu vực chủ yếu là người Nga; đã có đến một nghìn người phải thiệt mạng. Quân đội Nga vẫn ở lại (một cách bất hợp pháp) trong khu vực ly khai này, mà chính phủ Moldova không thể kiểm soát. Giờ đây, nỗ lực của Nga nhằm thiết lập lại trật tự của Liên Xô ở Ukraina đang đe dọa châm ngòi cho cuộc xung đột mới ở Moldova, vốn đã là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu.

 

Bà Sandu nói trong cuộc phỏng vấn với The Economist, đây là thời điểm nguy hiểm nhất trong lịch sử của Moldova kể từ khi quốc gia này ra đời vào những năm 1991-92. Mối đe dọa rõ ràng nhất là quân sự. Nga đã đe dọa sẽ kéo dài chiến tranh tới biên giới phía đông của Moldova với Ukraina. Vào ngày 22 tháng 4, Rustam Minnekaev, một tướng Nga, tuyên bố rằng, quyền kiểm soát đối với miền nam Ukraina sẽ mở ra một con đường đến Transnistria, nơi mà ông nói rằng những người Nga đang bị áp bức. Điều đó là hồi chuông báo động ở Chisinau, thủ đô của Moldova. Bà Sandu nói: “Đây là những lời nói đáng lo ngại, sau khi chúng tôi thấy những gì đang xảy ra ở Ukraina”.

 

Nỗi lo lắng này trở nên sâu sắc hơn ba ngày sau khi một vụ nổ làm hư hại bộ an ninh nhà nước do Nga kiểm soát ở Tiraspol, thủ đô tự xưng của phe ly khai Transnistria. Một ngày sau đó, hai vụ nổ nữa đã làm hỏng ăng-ten được sử dụng để phát sóng radio của Nga ở thị trấn Maiac gần đó.

 

Không ai đứng ra nhận trách nhiệm về hai vụ việc này, nhưng Nga có lịch sử tổ chức các hoạt động “báo động giả” có thể được sử dụng để biện minh cho các cuộc tấn công quân sự. Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraina, tuyên bố rằng các vụ nổ là tác phẩm của Moscow. Tình báo quân sự Ukraina, hoạt động tại Transnistria, cho biết họ đã phát hiện ra kho truyền đơn lớn kêu gọi những người Nga ở đó nổi dậy.

 

Moldova dễ bị tổn thương một cách đặc biệt. Không giống như Ukraina hay Gruzia, nước này chưa bao giờ xin gia nhập NATO. Tư cách thành viên của NATO mà Estonia, Latvia và Litva đã có, có thể ngăn cản Nga tấn công các nước này. Nhưng nếu Moldova cố gắng tham gia NATO ngay bây giờ sẽ bị coi là khiêu khích Nga. Một quan chức Moldova cho biết: “Thời điểm chúng tôi xin gia nhập NATO, bom có ​​thể bắt đầu rơi“. Một quan chức khác cho biết, những lời cảnh báo không chính thức của Nga “đừng đi quá đà” đã có từ mùa hè và trong những tuần gần đây, ngôn từ cảnh báo đã trở nên sắc nhọn hơn.

 

Tính trung lập của Moldova được ghi vào hiến pháp năm 1994 vì lý do đó. Khi có chuyện xảy ra, NATO sẽ không thể ngăn chặn việc Nga lôi kéo Moldova vào cuộc xung đột nếu họ muốn. “Chúng tôi đang cố gắng làm hết sức mình để đưa Moldova thoát khỏi chiến tranh. Nhưng vị thế trung lập không mang lại [sự bảo vệ] 100%”, bà Sandu nói.

 

Moldova cũng không thể làm gì nhiều để bảo vệ mình. Đội quân nhỏ bé của quốc gia này không có máy bay chiến đấu hoặc máy bay trực thăng. Những chiếc xe tăng duy nhất của Moldova là những đồ cổ được trưng bày như những kỷ vật của chiến tranh thế giới thứ hai. Thật đáng mừng, một cuộc xâm lược toàn diện nước này dường như không xảy ra. Để củng cố các đơn vị đồn trú nhỏ ở Transnistria, các lực lượng Nga sẽ cần tiến thêm 200 km về phía tây qua Ukraina từ vị trí tiền tuyến hiện tại.

 

Mối nguy hiểm khác là có lẽ là 1.500 binh sĩ Nga (hầu hết trong số họ thực tế là những người Transnistria có hộ chiếu Nga) đóng quân trong khu vực ly khai có thể gây ra rắc rối ở phần còn lại của Moldova, hoặc tấn công Ukraina từ phía tây. Cả hai ý tưởng này đều sẽ là khó khăn cho một lực lượng được trang bị kém, nhưng có những lo ngại rằng vào ngày 9 tháng 5, tại thời điểm Vladimir Putin sẽ thực hiện bài phát biểu “Ngày Chiến thắng” ở Moscow, có thể là một thời điểm kích hoạt việc tấn công.

 

Tấn công Moldova từ phía đông là một kế hoạch rất khó. Bất chấp những cuộc tấn công liên tục, Nga đã không chiếm được Mykolaiv, một thành phố ở rìa phía tây của lãnh thổ Ukraina mà nước này hiện đang kiểm soát. Ngay cả khi Nga chiếm được Mykolaiv, Nga vẫn sẽ cần phải vượt qua hoặc chiếm lấy Odessa, một thành phố cảng lớn. Odessa được bảo vệ tốt đến mức cuộc sống ở đó gần như trở lại bình thường, ngoại trừ lệnh giới nghiêm ban đêm và thỉnh thoảng có pháo kích. Bỏ qua Odessa sẽ khiến chuỗi các đơn vị quân Nga có nguy cơ bị cắt làm hai.

 

Nhưng việc Nga xâm lược không phải là thách thức lớn nhất trong tâm trí của Tổng thống Sandu. Một mối đe dọa trước mắt hơn là xung đột kinh tế và xã hội do Nga tạo ra có thể khiến Moldova rơi vào hỗn loạn. Bà Sandu đã từng là cố vấn của Ngân hàng Thế giới và là một nhà đấu tranh chống tham nhũng tận tụy và hiệu quả. Thành công của bà trong cuộc bầu cử năm 2020 là một sự phản bác mạnh mẽ đối với mô hình quản trị dân chủ chuyên nghiệp của Điện Kremlin. Người đàn ông mà bà đánh bại trong lần bầu cử đó, Igor Dodon, cực kỳ chống phương Tây và thân Nga, và một năm trước đó đã sa thải bà Sandu khỏi vị trí thủ tướng vì những nỗ lực mạnh mẽ để giải quyết tham nhũng của bà. Hiện ông Dodon đang lãnh đạo khối đối lập chính trong quốc hội.

 

Nga có một ưu thế mạnh đối với Moldova theo hai cách. Đầu tiên, Nga cung cấp gần như tất cả khí đốt mà Moldova cần để sưởi ấm cho người dân và các ngành công nghiệp khiêm tốn của nước này hoạt động. Theo bà Tổng thống, giá xăng đã tăng 380% trong vòng chưa đầy 10 tháng. Các đường ống chính vào Moldova đi qua Transnistria, nên lại có thêm một điểm gây sức ép khác.

 

Thứ hai, và nghiêm trọng hơn, khoảng 80% điện năng của Moldova đến từ các máy phát điện ở Transnistria, cũng chạy bằng khí đốt của Nga. Công ty điện lực do Nga làm chủ đã tăng giá mạnh và từ chối ký với Moldova các hợp đồng dài hạn, buộc chính phủ phải đàm phán để có được điện trên cơ sở hợp đồng cuốn chiếu. Đèn điện của đất nước này sẽ tắt vào ngày 1 tháng 5 nếu chính phủ có được một hợp đồng, trong một tháng nữa từ Transnistria.

Giá năng lượng cao hơn đang gây ra nhiều vấn đề lớn ở một quốc gia nghèo như vậy. Chính phủ đã cố gắng giảm các thiệt hại bằng các khoản trợ cấp cho những người khó khăn nhất. Nhưng kết quả là chính phủ có nguy cơ phá sản.

 

Chính phủ của bà Sandu đã kêu gọi EU hỗ trợ khẩn cấp 300 triệu euro ($315 triệu USD) để khắc phục sự cố này cho đến cuối năm. Số tiền đó không nhiều đối với EU, nhưng nó vẫn chưa tới tay Moldova. Moldova sẽ được hưởng an ninh năng lượng hơn khi các đường dây điện mới tới Romania được xây dựng, nhưng đó là chuyện của một vài năm nữa. Các chính phủ thân Nga trong quá khứ đã không làm gì để giảm sự phụ thuộc năng lượng của đất nước họ đối với Nga.

 

Phe đối lập thân Nga có ý định tận dụng cuộc khủng hoảng này. Các lực lượng chính trị thân Nga ở Moldova đã nói về các cuộc biểu tình lớn và kêu gọi chính phủ từ chức và tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội nhanh chóng, để họ có thể đổ lỗi [khó khăn kinh tế và giá năng lượng cao] cho chính phủ,” bà Sandu nói. Việc buộc phải tiến hành một cuộc bầu cử nhanh chóng sẽ rất khó khăn nếu chính phủ chống lại nó. Nhưng bà Sandu lo ngại rằng các cuộc biểu tình lớn có thể buộc nhà nước phải thực hiện các biện pháp gây khó chịu để giữ gìn trật tự công cộng.

 

Ngoài tiền bạc, bà Sandu đang kêu gọi EU thể hiện sự đoàn kết chính trị, ngay cả khi sự hỗ trợ quân sự trực tiếp từ NATO hiện không phải là một lựa chọn của Moldova. Một tuần sau khi Nga xâm lược Ukraina vào ngày 24 tháng 2, Moldova đã nộp đơn xin gia nhập EU, điều mà trước đây nước này đã từ chối như một phần trong nỗ lực giữ trung lập. Bà Sandu cho biết, chính phủ nước này đã nhanh chóng trả lời danh sách 366 câu hỏi mà họ đã được gửi, chỉ để đón một bảng câu hỏi khác, với 2.000 câu hỏi. Bộ phận Dịch vụ công nhỏ bé của Moldova đang cố gắng trả lời bảng câu hỏi này.

 

Việc được công nhận là thành viên thật sự của EU sẽ mất nhiều năm, và chính phủ Moldova biết rõ. Nhưng chỉ cần được công nhận là một ứng cử viên sẽ gửi một tín hiệu đến người Moldova, cho EU và cho Nga hiểu rằng đất nước này thuộc về phương Tây. Giai đoạn cửa sổ có thể rất ngắn. Bà Sandu nói: “EU là nơi có thể cung cấp sự an toàn và cứu chúng tôi với tư cách là một quốc gia dân chủ“.

 

Ngay cả việc xin gia nhập EU cũng có rủi ro của nó. Việc Ukraina thúc đẩy một thỏa thuận liên kết với EU (hạng mục ít hơn so với tư cách thành viên đầy đủ) là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Nga sáp nhập Crimea và chiếm đóng khu vực Donbas vào năm 2014. Nhưng sự hung hăng của Nga đang buộc Moldova, giống như những nước khác, phải chấm dứt vị thế trung lập.





No comments:

Post a Comment

View My Stats