Tuesday 3 May 2022

MẶT TRẬN VĂN HÓA TRONG CUỘC TRANH CỬ 2022 (Ngô Nhân Dụng)

 


Mặt trận văn hóa trong cuộc tranh cử 2022

Ngô Nhân Dụng

03/05/2022

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BA%B7t-tr%E1%BA%ADn-v%C4%83n-h%C3%B3a-trong-cu%E1%BB%99c-tranh-c%E1%BB%AD-2022/6555143.html

 

https://gdb.voanews.com/02d10000-0aff-0242-6686-08da2c813c03_w650_r1_s.jpg

Ông Joe Biden mới nhận được một tin vui: Số dân Mỹ ủng hộ chính phủ ông tăng thêm 3 phần trăm trong tháng qua. Tin vui đó chưa đủ.

 

Nhưng quyền phá thai chỉ là một trong nhiều mặt trận liên quan đến phong hóa, tập tục, đạo lý, tôn giáo, mà người Mỹ gọi chung là “văn hóa.”

 

Ông Joe Biden mới nhận được một tin vui: Số dân Mỹ ủng hộ chính phủ ông tăng thêm 3 phần trăm trong tháng qua. Bất cứ chính trị gia nào cũng phải thấy mừng lớn. Nhưng đối với Tổng thống Joe Biden thì không. Vì ông vẫn chỉ được 42% dân tín nhiệm, so với 39% trước đó.

 

Vị tổng thống được khoảng 40% dân chúng ủng hộ thì vẫn có thể tìm cách khôi phục niềm tin trong một năm, hai năm. Ông Biden có thể phấn đấu từ nay đến năm 2024, khi ông phải tái tranh cử, nếu muốn. Nhưng đảng Dân chủ sẽ chỉ còn 6 tháng để thay chuyển bàn cờ tranh cử quốc hội năm 2022.

 

Bình thường, trong năm thứ nhì của nhiệm kỳ một tổng thống Mỹ, đảng của ông sẽ mất bớt ghế trong quốc hội. Ba vị tổng thống trước, Obama, Bush và Trump đều nếm mùi cay đắng này. Nếu vị tổng thống đó lại không được tới 50% dân ủng hộ (như ông Trump năm 2018 và ông Biden hiện nay), thì đảng họ thua càng đậm. Đảng Dân chủ hiện chỉ chiếm đa số 5 ghế trong Hạ viện, và 50/50 trên Thượng viện. Tháng 11, 2022 họ có thể mất quyền kiểm soát cả hai.

 

Trận cờ tranh cử cho thấy Cộng Hòa chiếm ưu thế. Trước hết là mặt trận kinh tế. Kinh tế Mỹ đã hồi phục sau khi bệnh dịch Covid-19 thuyên giảm, nhưng lại bất ngờ tuột dốc trong ba tháng vừa qua. Mối lo lắng vì lạm phát, mới lên cao mức kỷ lục mới thấy trong 40 năm, sẽ kéo dài tới sang năm chưa hết. Người dân không hay đọc các thống kê kinh tế, nhưng khi giá sinh hoạt tăng thì ai cũng thấy. Dân cũng không cần biết tại sao giá cả tăng lên, nhưng đảng nào đang nắm quyền thì chịu trách nhiệm, ai cũng nghĩ vậy.

 

Ông Biden sẽ khó thay đổi tình trạng lạm phát, trong khi Ngân Hàng Trung Ương Mỹ chắc chắn sẽ tăng lãi suất, khiến kinh tế Mỹ phải giảm tốc độ, có thể sẽ suy thoái. Cho nên trong tháng qua thêm được 3% dân ủng hộ ông Biden là nhờ những thành công ngoại giao. Khối NATO đã đoàn kết cùng chống lại cuộc xâm lăng Ukraine của Vladimir Putin. Ông Biden có công lớn vì theo một chính sách ngoại giao khôn khéo, mềm mỏng và cương quyết.

 

Nhưng dân Mỹ thường quyết định lá phiếu dựa trên các vấn đề trong nước, trước mắt; không mấy chú ý đến chuyện quốc tế. Năm 1992, cố Tổng thống Georges W.H. Bush đã thất cử, dù trong nhiệm kỳ đầu của ông đế quốc Liên Xô cùng các chế độ cộng sản ở Đông Âu sụp đổ, và ông Bush (bố) đã đánh đuổi quân của Saddam Hussein ra khỏi Kuwaitt, và khôn ngoan ngừng lại, không đánh vào nước Iraq. Cuối năm nay khi cử tri Mỹ đi bỏ phiếu thì họ có thể đã quên cuộc chiến tranh Ukraine rồi. Ông Biden sẽ được khen ngợi vì thành công ở Ukraine, nhưng bù lại đảng Cộng Hòa nhắc nhở để các cử tri không quên vụ rút quân ra khỏi Afghanistan lúng túng vụng về.

 

Chỉ tính riêng các mặt trận ngoại giao và kinh tế, ông Biden và đảng Dân chủ đã ở thế bất lợi. Nhưng chính trị nước Mỹ chuyển biến không ngừng, có lúc thay đổi rất nhanh. Đảng Cộng Hòa không thể “ngủ yên trên ưu thế” trước khi dân đi bỏ phiếu cuối năm nay. Họ cần tấn công đối thủ liên tục trên các mặt trận khác. Họ phải chọn những mặt trận lúc nào cũng chứa sẵn các xung đột giữa các khối cử tri ủng hộ hai đảng.

 

Thí dụ: Vấn đề quyền phá thai. Trong cuộc bầu cử năm nay, và có thể cả năm 2024, đây sẽ là một đề tài “nóng bỏng.” Trong mấy năm qua, nhiều tiểu bang miền Nam đã ban hành các đạo luật hạn chế quyền phá thai. Trong trận đấu này, đảng Cộng Hòa làm chủ tình hình. Vì họ chọn mặt trận, chọn địa bàn, chọn mục tiêu và vũ khí.

 

Vào giữa năm nay, Tối cao pháp viện sẽ phán quyết một đạo luật của Mississippi, cấm phá thai sau 15 tuần lễ. Những tiểu bang Texas, Oklahoma còn cấm ngặt hơn, sau khi thụ thai 6 tuần – nhiều phụ nữ lúc đó chưa biết mình đã mang bầu.

 

Một lợi thế của đảng Cộng Hòa là Tối cao pháp viện có vẻ sẽ chấp nhận đạo luật của Mississippi, căn cứ vào các cuộc đối chất trong phiên họp của tòa án vào cuối năm ngoái. Các Thẩm phán Tối cao khuynh hướng bảo thủ đã đặt những câu hỏi mà luật sư đại diện cho tiểu bang trả lời dễ dàng!

 

Nếu Tối cao pháp viện đồng ý với đạo luật cấm phá thai của Mississippi thì coi như một phán quyết cũ mang tên “Roe v. Wade” sẽ bị xóa bỏ, bị lật ngược. “Roe” là một án lệ công nhận quyền phá thai của phụ nữ Mỹ, từ năm 1973 tới nay vẫn cấm phá thai sau 22 đến 24 tuần lễ.

 

Hôm rồi, một “bản nháp” cho phán quyết sắp tới đã bị tiết lộ, cho thấy chắc “Roe v. Wade” sẽ bị chấm dứt. Người ta đoán rằng tác giả bản nháp này là Thẩm Phán Samuel Alito, người rất bảo thủ. Ông thường được các Thẩm Phán Thomas, Gorsuch, Kavanaugh và Barret ủng hộ, ba vị sau cùng đều do cựu Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm. Năm người đó là đủ phiếu quyết định xóa bỏ quyền phá thai trong “Roe v. Wade.”

 

Dù Tối cao pháp viện có xóa bỏ án lệnh “Roe v. Wade” hay không, thì mặt trận cũng đã mở ra giữa hai đảng. Các tiểu bang Texas, Oklahoma, cùng với Kentucky, Florida, đã nêu đề tài “chống phá thai” lên hàng đầu để các cử tri lựa chọn: Nếu quý ông, quý bà không chấp nhận phá thai, hãy bầu cho ứng cử viên Cộng Hòa!

 

Nhìn chung thì đa số dân Mỹ không muốn xóa bỏ “Roe v. Wade.” Hơn 60% cử tri không muốn tiểu bang của họ cấm phá thai; chỉ có 14 % ủng hộ. Nhưng cuộc đấu tranh kiếm phiếu sẽ diễn ra trên các trận địa cụ thể, không phải “chung chung” trên toàn quốc. Ít nhất 26 tiểu bang đang chuẩn bị các đạo luật cấm phá thai nếu Tối cao pháp viện xóa bỏ “Roe v. Wade;” chắc là họ biết dân chúng sẽ đồng ý.

 

Cuộc tranh luận về phá thai trong năm nay có thể huy động các cử tri bảo thủ, ủng hộ đảng Cộng Hòa, thì ngược lại cũng có thể kích thích các cử tri muốn bảo vệ quyền phá thai để họ đi bầu cho đảng Dân chủ. Chưa thể đoán nhóm cử tri nào sẽ hăng hái đi bỏ phiếu đông hơn!

Nhưng quyền phá thai chỉ là một trong nhiều mặt trận liên quan đến phong hóa, tập tục, đạo lý, tôn giáo, mà người Mỹ gọi chung là “văn hóa.” Một vấn đề là quyền lợi của các người đồng tính luyến ái, hoặc những người “đổi giới” nam thành nữ, nữ thành nam. Đảng Cộng Hòa đang ráo riết tung đòn tấn công ở nhiều tiểu bang.

 

Ở Florida, ông thống đốc Cộng Hòa mới ký một đạo luật cấm không được dạy trẻ về chuyện đồng tính, gây ra một cuộc kiện tụng với công ty Disney. Nghị viện Kentucky, đảng Cộng Hòa chiếm đa số, đã ban hành một đạo luật cấm những người đàn ông đổi giống không được tranh đua thể thao với các phụ nữ. Vị Thống đốc đã phủ quyết, một lý do là trong cả tiểu bang chỉ có một lực sĩ duy nhất sẽ bị liên can.

 

Tại sao cả một tiểu bang lại làm luật để nhắm vào một người dân như vậy? Bởi vì vấn đề này liên quan đến các chuyện đồng tính ái, chuyện định nghĩa thế nào là gia đình, ai là đàn ông, đàn bà, vân vân. Các vấn đề văn hóa. Gây tranh luận, sẽ kích thích các cử tri bảo thủ đi bầu.

 

Từ nay đến cuối năm 2022, “cuộc chiến văn hóa” này sẽ lên mạnh, ít nhất cho tới ngày dân Mỹ đi bỏ phiếu. Đảng Cộng Hòa đang lấn áp đảng Dân chủ vì nạn lạm phát sẽ còn kéo dài, kinh tế có thể suy thoái khi Ngân Hàng Trung Ương nâng lãi suất lên cao. Nhưng muốn chắc ăn, họ sẽ mở các “mặt trận văn hóa” này. Không phải để thu hút các cử tri mới. Quan trọng nhất, là củng cố các cử tri bảo thủ, là nền tảng vẫn trung thành với đảng. Phải lôi tất cả các cử tri ủng hộ mình ra khỏi nhà, lái xe tới phòng bỏ phiếu. Đó là chính trị!





No comments:

Post a Comment

View My Stats