https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1475968426183803
Tuy được gọi và viết có hơi hám triết học (“Doctor of Philosophy” hay
PhD) nhưng văn bằng tiến sĩ không hẳn là người học về triết. Lịch sử của văn bằng
này khá hay, và ở đây tôi xin chia sẻ vài điều tôi biết.
Theo bộ luật La Mã thời Trung cổ, mỗi ngành nghề có quyền thành lập một
hiệp hội gọi là Collegium, và hiệp hội này bầu ra những người có danh hiệu là
Magistrates (mà tôi tạm dịch là "Thầy").
Thời đó, người học xong chương trình học Collegium được cấp văn bằng
Bachelor (cử nhân). Với văn bằng cử nhân, thí sinh có thể theo học tiếp chương trình
Master hay Doctor. Chương trình học Masters hay Doctors thường kéo dài 8 năm.
Sau khi hoàn tất chương trình học, một hội đồng giám khảo sẽ duyệt xét thí sinh
để kết nạp vào tổ chức được gọi là Universitas of Doctors. Sự kếp nạp này cũng
là một 'chứng chỉ' được hành nghề dạy đại học.
Cần nhấn mạnh rằng lúc bấy giờ, những danh xưng như Master, Doctor và
Professor có cùng nghĩa và tương đương về giai cấp: họ hành nghề dạy học.
Sự phân biệt giữa Master và Doctor chỉ mới có từ thế kỉ 13 tại Đại học
Bologna (Ý). Thời đó, Bologna là một trung tâm học thuật và đào tạo luật pháp
bên Âu châu. Những người dạy học ở ĐH Bologna được gọi là Doctor. Trong cùng thời
gian đó ở Đại học Paris, là trung tâm về văn học nghệ thuật Âu châu, những người
dạy học được gọi là Master. Như
vậy, thời đó, Doctor là bên ngành luật, còn Master là bên ngành văn học nghệ
thuật.
Ở Anh, hai trường Đại học Oxford (thành lập vào khoảng 1249) và Cambridge
(thành lập vào khoảng 1209) được mô phỏng theo hệ thống tổ chức của Đại học
Paris; do đó, các nhà khoa bảng các môn văn hóa nghệ thuật thường được gọi là
"Master", trong khi các đồng nghiệp của họ trong các môn học như triết,
thần học, y học, và luật được gọi là "Doctor". Ngày nay, các tên bằng
cấp như "Master of Arts" (MA) và "Doctor of Philosophy"
(PhD) có nguồn gốc từ sự phân chia này.
Đến giữa thế kỉ 19, văn bằng PhD được du nhập vào Mĩ, và họ xem PhD cao
hơn MA. Ở Mĩ, các đại học cấp bằng PhD cho tất cả các chuyên ngành như khoa học
tự nhiên và y khoa, chứ không chỉ trong ngành luật. Năm 1861, Đại học Yale trở
thành trường đại học Mĩ đầu tiên cấp văn bằng PhD cho sinh viên. Năm 1902, Đại
học Toronto là trường đầu tiên ở Canada cấp bằng PhD. Điều thú vị là từ 1919,
các đại học Anh cũng theo trào lưu của Mĩ và bắt đầu cấp bằng PhD cho tất cả
các chuyên ngành ngành khoa học, và họ xem PhD cao hơn MA.
Ở phương Đông chúng ta cũng có văn bằng tiến sĩ từ lâu. Chữ Tiến sĩ có lẽ
(?) được xuất phát từ chữ Hán mà tiếng Anh phiên âm là Chin-shih (và tiếng Anh
dịch là “Doctor”). Văn bằng này được cấp lần đầu tiên vào năm 1313 (dưới triều
đại nhà Tống bên Tàu); vào năm này, một cuộc thi tuyển đặt dưới sự chủ tọa của
vua được tổ chức. Qua kết quả của kì thi này, có 300 thí sinh được cấp danh hiệu
Chin-shih; trong số này, có 75 người gốc Mông Cổ, 75 người quê quán ở miền Nam
Trung Quốc, 75 người quê quán ở miền Bắc Trung Quốc, và 75 người có quốc tịch
ngoại quốc.
Tàu chỉ mới bắt đầu chương trình đào tạo tiến sĩ từ năm 1978. Năm 1978,
Tàu chỉ có 18 nghiên cứu sinh tiến sĩ, và mãi đến năm 1982, chỉ có 6/18 người tốt
nghiệp. Nhưng kể từ đó, số nghiên cứu sinh tăng 23% mỗi năm. Đến năm 2007, các
đại học Tàu cấp 240,000 bằng tiến sĩ! Đến năm 2008, Tàu đã vượt qua Mĩ về số bằng
tiến sĩ mà họ cấp. Điều thú vị khác là mỗi giáo sư Tàu phải hướng dẫn cho gần 6
nghiên cứu sinh tiến sĩ! Kinh khủng.
Ở nước ta, ai cũng biết văn bằng tiến sĩ ngày xưa cũng rất 'ngon lành'.
Được gọi là ông nghè (vì ngày xưa chắc do kì thị nữa nên nữ giới không được đi
thi tiến sĩ?) Tôi đọc đâu đó nói rằng người đỗ trạng nguyên được đi ngựa hay
khiêng võng ('ngựa anh đi trước võng nàng theo sau'), được ngắm vườn hoa của
vua (ngự uyển), và hình như có tư cách để cưới con gái của vua. Nhưng tôi không
biết quan trạng có quyền không thích công chúa?
Nhưng ngày nay thì văn bằng tiến sĩ ở Việt Nam đã bị hiểu méo mó. Thay vì
nó là một chứng chỉ để làm nghiên cứu khoa học, văn bằng tiến sĩ đã trở thành một
giấy passport để thăng quan tiến chức. Nếu không có cải cách về qui chế đào tạo
thì tôi e rằng sẽ còn rất nhiều luận án tiến sĩ kiểu cầu lông hay xây dựng đảng
bộ địa phương.
Hình :
https://www.facebook.com/photo?fbid=1475967776183868&set=pcb.1475968426183803
Vinh quy bái tổ
https://www.facebook.com/photo?fbid=1475968382850474&set=pcb.1475968426183803
.
No comments:
Post a Comment