Monday 16 May 2022

BẮC HÀN KHỦNG HOẢNG TRẦM TRỌNG VÌ DỊCH COVID-19 (Bình Phương / Saigon Nhỏ)

 



NỘI DUNG :

Bắc Hàn khủng hoảng trầm trọng vì dịch Covid-19

Bình Phương -  Saigon Nhỏ

.

Covid-19: Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un huy động quân đội chống dịch

Anh Vũ  -  RFI

 

================================================

.

.

Bắc Hàn khủng hoảng trầm trọng vì dịch Covid-19

Bình Phương  -  Saigon Nhỏ

15 tháng 5, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/bac-han-khung-hoang-tram-trong-vi-dich-covid-19/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1250387204.jpg

Người Bắc Hàn đào thoát sang Nam Hàn đựng gạo và khẩu trang y tế vào chai nhựa rồi buộc vào bong bóng bay thả theo gió bay sang bên kia biên giới để giúp người dân Bắc Hàn đang bị nạn đói và dịch Covid-19 làm khổ. Ảnh Woohae Cho/Getty Images.

 

Truyền thông quốc tế cảnh báo Bắc Hàn đang rơi vào một cuộc khủng hoảng lớn do đại dịch Covid-19 truyền nhiễm rất mạnh mà không có phương tiện y tế để ngăn chặn hữu hiệu.

 

Mới tuần trước, Bắc Hàn đã phóng thử ba hỏa tiễn đạn đạo (ballistic missile) – lần phóng thử vũ khí thứ 16 trong năm nay – nhưng hỏa tiễn tân tiến không diệt được coronavirus biến thể omicron.

 

Theo hãng tin nhà nước Bắc Hàn KCNA, tính đến 15 Tháng Năm, nước này đã ghi nhận hơn 800,000 ca nghi nhiễm covid, trong đó có ít nhất 296,180 ca mới có triệu chứng và số ca tử vong theo ngày tăng thêm 15 trường hợp, lên 42 người. Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

 

Trong hai năm qua, ông Kim đã nỗ lực ngăn chặn đại dịch bằng các biện pháp vật lý. Ngay sau khi virus được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, ông Kim đã ra lệnh đóng cửa biên giới, về cơ bản là đặt cả nước vào vòng kiểm dịch. Đi lại trong nước bị cấm hoàn toàn, lính biên phòng được lệnh bắn bỏ những ai cố tình vượt qua biên giới và hầu hết hoạt động thương mại với Trung Quốc bị đình chỉ. 

 

Cho đến đầu tuần này, Bắc Hàn khẳng định rằng họ không có ca lây nhiễm nào. Có thể virus đã lan truyền khắp các tỉnh trong nhiều tuần hoặc vài tháng qua nhưng đến khi nó đến được thủ đô Bình Nhưỡng thì không thể che giấu nữa. Giờ đây, các phương tiện truyền thông nhà nước Bắc Hàn đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia nghiêm trọng nhất.” 

 

KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chủ trì hai cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Lao Động Triều Tiên trong chưa đầy ba ngày sau khi nước này lần đầu tiên công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên hôm 12 Tháng Năm. Tại cuộc họp khẩn cấp của Bộ Chính trị hôm 14 Tháng Năm, ông Kim mô tả vụ bùng phát Covid-19 là một “biến động lớn” sau hơn 70 năm nước này được thành lập và yêu cầu thảo luận về các cách phân phối nhanh chóng vật liệu y tế từ nguồn dự trữ khẩn cấp để “giảm thiểu thiệt hại về tính mạng con người”, theo KCNA. Đây có thể là lời thừa nhận yếu kém hiếm thấy của ông Kim Jong Un dù ông vẫn đặt mình vào vị trí “trung tâm và mũi nhọn trong nỗ lực ứng phó Covid-19 của đất nước”.

 

Cho đến nay, Bắc Hàn không có chiến lược vaccine và không có vaccine ngừa Covid-19. Bình Nhưỡng từ chối các đề nghị hỗ trợ của tổ chức phân phối vaccine quốc tế COVAX, và không thực hiện tiêm chủng cho dân chúng, kể cả người cao tuổi. Trong khi đó, tỉnh Cát Lâm giáp biên giới Bắc Hàn là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Trung Quốc, bị phong tỏa nghiêm ngặt vì đại dịch. 

 

Biện pháp phòng dịch chủ yếu của Bắc Hàn – một nhà nước cảnh sát chuyên chế – là đóng cửa biên giới, phong tỏa toàn quốc và hạn chế nghiêm ngặt mọi sự di chuyển trong nội địa. Nhưng bài học của Trung Quốc cho thấy biện pháp này không có nhiều hiệu quả ngăn chặn một chủng virus dễ truyền nhiễm như biến thể omicron. Vả lại, Bắc Hàn không có nguồn lực và kỹ thuật để thực hiện việc xét nghiệm toàn dân, truy tìm dấu vết virus như Trung Quốc. 

 

Bắc Hàn lại đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng không kém. Trong các phát biểu hồi Tháng Giêng, ông Kim đã đặt vấn đề thiếu lương thực làm trọng tâm, và có vẻ như tình hình chưa được cải thiện. Thiếu ăn làm cho hệ thống miễn dịch của con người suy yếu và do đó làm cho họ dễ nhiễm bệnh hơn. Khối dân số 26 triệu người của Bắc Hàn đang thật sự gặp nguy hiểm.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1395282997.jpg

Bất chấp nạn đói và đại dịch Covid-19, Bắc Hàn vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn tầm xa. Người dân Nam Hàn lo ngại theo dõi một vụ phóng thử hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Bắc Hàn ngày 4 Tháng Năm vừa qua. Bắc Hàn đã thực hiện 16 vụ thử hỏa tiễn trong năm nay. Ảnh Chung Sung-Jun/Getty Images.

 

Ông Kim Jong Un hiện không có nhiều lựa chọn. Có chuyên gia nhận định, nhận xét của ông Kim có thể mở đường cho việc Bắc Hàn kêu gọi viện trợ quốc tế. Tất nhiên ông ta có thể kêu gọi thế giới viện trợ vaccine, thiết bị y tế, thuốc men và thực phẩm, nhưng như thế là trái với học thuyết Juche (tự chủ) mà gia tộc ông sử dụng để cai trị Bắc Hàn, trái với các tuyên bố “ngạo nghễ” mà đảng của ông vẫn thường huênh hoang với dân chúng. Nói chung kêu gọi viện trợ là “mất mặt”, chưa kể rằng các đối tác như Hoa Kỳ, Nam Hàn có thể đặt điều kiện kết nối viện trợ với chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.

 

Ông có thể tiếp tục chính sách đóng cửa, nội bất xuất ngoại bất nhập khắc nghiệt hơn và bưng bít thông tin để thế giới bên ngoài – và cả người dân Bắc Hàn – không biết rõ chuyện gì đang xảy ra. Giáo sư Leif-Eric Easley của Đại học Ewha ở Seoul, nhận định với hãng tin AFP rằng phát biểu của ông Kim cũng có thể là tín hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn “tập hợp dân chúng” để sẵn sàng “hy sinh hơn nữa”. Nhưng như thế 26 triệu dân Bắc Hàn có thể phải đối mặt với một thời kỳ chết chóc và khốn khổ không khác gì nạn đói những năm 1990. 

 

Còn nếu ông ta tiếp tục bắn hỏa tiễn và thử bom hạt nhân – thông tin tình báo cho thấy Bắc Hàn đang khôi phục một lò phản ứng hạt nhân lâu nay không sử dụng – thì sự cô lập của ông ta trên trường quốc tế sẽ chỉ ngày càng nặng nề hơn. Một số nhà phân tích cảnh báo ông Kim có thể đẩy nhanh kế hoạch thử hạt nhân nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới khỏi đợt bùng phát Covid-19.

 

Có tin nói ông Kim chỉ đạo chính quyền Bắc Hàn “tích cực học tập các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 thành công từ những quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc”. Nhưng với nguồn lực y tế xã hội nghèo nàn và thiếu thốn như Bắc Hàn, có vận dụng được bài học chống dịch thành công của các nước khác hay không là chuyện nói dễ làm khó.

 

Quan hệ giữa Bắc Hàn với Nam Hàn và Hoa Kỳ đã đóng băng vài năm gần đây sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh Hà Nội giữa Kim Jong Un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump năm 2019. Hoa Kỳ vẫn cương quyết đòi Bắc Hàn phải hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, hủy bỏ kho vũ khí và thực hiện “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên như là điều kiện tiên quyết để được bãi bỏ cấm vận và nhận được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để phát triển kinh tế. Trong khi đó, Bắc Hàn cương quyết đòi Hoa Kỳ phải bãi bỏ cấm vận, cam kết bảo vệ an ninh cho Bắc Hàn nhưng lại mập mờ trong việc phát triển vũ khí.

 

Bây giờ tình trạng khó khăn của Bắc Hàn có thể tạo ra một cơ hội nhỏ. Nên chăng Hoa Kỳ và Nam Hàn công bố viện trợ vaccine mRNA, hoặc bất kỳ loại vaccine ngừa Covid-19 nào khác, cho Bắc Hàn mà không kèm theo điều kiện liên quan tới chương trình vũ khí của ông Kim? Một nghĩa cử như vậy có thể bị coi là “nhu nhược” trước một nhà độc tài chuyên chế như Kim Jong Un, nhưng thà mang tiếng nhu nhược còn hơn là không làm gì để ngăn chặn một thảm kịch xảy ra cho những người dân vô tội.

 

-----------------

Đọc thêm:

 

Bắc Hàn lại thử hỏa tiễn bất chấp dịch COVID-19 bùng phát

 

Thượng Hải, Bắc Kinh lao đao vì Covid-19

 

===============================================

.

.

Covid-19: Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un huy động quân đội chống dịch

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 16/05/2022 - 14:17

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20220516-covid-19-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-kim-jong-un-huy-%C4%91%E1%BB%99ng-qu%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%99i-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch

 

Theo AFP, trước tình hình dịch Covid-19 tại Bắc Triều Tiên ngày thêm nghiêm trọng, đã làm 50 người chết, hôm nay 16/05/2022 lãnh đạo Kim Jong Un đã tỏ bất bình với cách xử lý khủng hoảng của cơ quan y tế và ra lệnh huy động quân đội tham gia phòng chống dịch.

 

https://s.rfi.fr/media/display/d307db60-d37c-11ec-8160-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/AP22134048633452.webp

Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, chủ trì cuộc họp chống dịch Covid. Ảnh chụp tại Bình Nhưỡng hôm 14/05/2022. AP

 

Hãng thông tấn chính thức Bắc Triều Tiên KCNA đưa tin, trong một cuộc họp Bộ Chính Trị đảng Lao Động Triều Tiên, lãnh đạo Kim Jong Un « đã phê bình nghiêm khắc thái độ vô trách nhiệm của chính phủ và cơ quan y tế » trong cách phòng chống dịch Covid-19. Ông đặc biệt phê phán các cán bộ phụ trách về cung cấp thuôc men đã « không đánh giá đúng cuộc khủng hoảng hiện nay ». Theo KCNA, ông Kim Jong Un luôn giám sát các cuộc họp khẩn diễn ra gần như hàng ngày của Bộ Chính Trị về tình hình xử lý dịch Covid 19.

 

Thông tín viên RFI tại Seoul Nicolas Rocca :

 

Không có gì bất ngờ khi Bắc Triều Tiên thiếu nguồn thuốc men, nhưng khi đích thân lãnh đạo Bắc Triều Tiên khẳng định thì điều này có ý nghĩa đặc biệt nghiêm trọng.

 

Theo truyền thông Nhà nước, các cửa hiệu thuốc có lẽ đã không được cung cấp nguồn thuốc để phục vụ người bệnh. Hiện tại có thể hơn nửa triệu người « bị sốt », trong đó có 400 nghìn người mới bổ sung trong vòng 24 giờ qua.

 

Kim Jong Un đã chỉ thẳng vào những điểm yếu của một số cơ quan Nhà nước và ông tuyên bố huy động quân đội nhằm đối phó với tình trạng khan hiếm thuốc. Đó là cách để cho dân chúng thấy ông đang rất quan tâm đến mặt trận chống đại dịch, được ông đánh giá như là thách thức lớn nhất của chế độ lúc này.

 

Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, Bắc Triều Tiên có thể đã đề nghị Trung Quốc giúp chống dịch. Người ta không biết đó là xin trợ giúp về vac-xin, xét nghiệm hay thuốc men, nhưng có điều chắc chắn là Binh Nhưỡng đã không trả lời chính thức đề xuất cung cấp vac-xin của Seoul, mà tổng thống Hàn Quốc hôm nay đã nhắc lại. 

 

Ông Yoon Suk Yeol đã khẳng định sẵn sàng cung cấp thuốc và vac-xin, thậm chí cả nhân viên y tế cho người láng giềng miền bắc. Nhưng hiện tại có vẻ như Bắc Triều Tiên muốn có sự giúp đỡ của đối tác kinh tế chính là Trung Quốc hơn.

 

Hiện tại, Bình Nhưỡng đã ban hành lệnh phong tỏa phòng chống dịch trên diện rộng. Theo số liệu chính thức đã có hơn 1,2 triệu ca nhiễm virus, 50 ca tử vong vì Covid, hơn 550 nghìn bệnh nhân thiếu thuốc điều trị.

 

Hệ thống y tế của Bắc Triều Tiên được xếp thứ 193/195 nước, theo nghiên cứu của đại học y tế cộng đồng Mỹ, Johns Hopkins năm ngoái. Theo các chuyên gia y tế nước ngoài, Bắc Triều Tiên không hề có khả năng điều trị Covid-19 cũng như xét nghiệm dân trên diện rộng.

 

-------------------------

Các nội dung liên quan

BẮC TRIỀU TIÊN - COVID-19

Covid-19: Bắc Triều Tiên phong tỏa toàn quốc, sau thông báo về ca nhiễm đầu tiên từ 2 năm nay

 

BẮC TRIỀU TIÊN - COVID

Diễu binh dường như là nguyên nhân khiến Covid-19 lan nhanh ở Bắc Triều Tiên

 

COVID 19 - BẮC TRIỀU TIÊN

Covid-19: Thêm 21 người chết tại Bắc Triều Tiên, theo KCNA





No comments:

Post a Comment

View My Stats