Nguyệt
Quỳnh
14/06/2021
https://baotiengdan.com/2021/06/14/tu-do-nhe-chuot-oi/
Tôi tin vào những điều không thể. Tưởng tượng
bạn đang rất căm ghét một con người hay một con vật nào đó. Rồi bỗng dưng một
ngày bạn thấy họ là chính mình. Bạn có cảm giác mình biết về họ rõ như biết về
những đường chỉ trên bàn tay của mình. Thậm chí, bạn cảm được cái khát khao và
thương nó như thương nỗi khát khao của mình ngày nào – đó là cái tình cảm lạ
lùng mà tôi dành cho con chuột của con trai tôi.
Nó là con chuột nhỏ xíu, nhưng nó cho tôi nhiều
xúc cảm chỉ trong vòng bốn tuần sống chung với nó. Thật ra, buổi đầu gặp nó tôi
đã sợ chết khiếp! Nó nhắc tôi về những kỷ niệm xa xưa, những ngày còn làm việc ở
một cửa hàng bách hoá ở Sài Gòn. Ngày ấy, chúng tôi vừa trải qua những ngày đói
kém của năm 1977. Tội nghiệp giấc mơ hoà bình no ấm của người dân nước tôi! Sau
chiến thắng là bắt đầu… “đói”.
Mà cứ hễ đói, cứ hễ nghèo là gần gũi với chuột,
là phải sống chung với chuột. Khi ấy, đang làm việc tại một cửa hàng ở Chợ Bến
Thành, bữa ăn trưa nào của chúng tôi cũng bị chuột làm phiền. Bởi khi người đói
thì chuột cũng đói. Nhưng khi chuột đói, nó táo tợn, nó chẳng sợ ai, nó chẳng
coi con người ra cái thể thống gì. Nó núp đâu đó dưới gầm những tủ kính, chỉ chờ
cơ hội là nó vụt chạy ra, chớp nhanh lấy miếng bún hoặc cơm ngay lúc chúng tôi
đang ngồi ăn với nhau trên sàn.
Cô bạn làm chung là con nhà cán bộ nhưng lại
yêu thơ Phùng Quán. Cứ mỗi lần như thế, sau những tiếng la rú thất thanh vì sợ
hãi của chúng tôi, cô lại đọc câu thơ của Phùng Quán “những con chuột mặc
áo quần bộ đội / đục cơm khoé áo chúng ta”. Ngẫm lại, tôi thấy tuy
ngày ấy Phùng Quán ta thán là thế, nhưng đa số người VN vẫn muốn ôm ấp, vun vén
cho mảnh đất nghèo khó này. Nay, mọi chuyện đã khác, lòng người cũng đã đổi
thay. Mấy cái vụ “đục cơm khoét áo” xưa rồi. Ngày nay, người ta còn thẳng tay
cướp đất, đục khoét cả tài nguyên đất nước rồi thản nhiên ôm của cải ra đi. Mặc
cho lũ lụt, mặc cho xác dân trôi, mặc cho đất nước tan hoang, người ta có thể bỏ
ra hàng triệu đô để mua quốc tịch ở đảo Sip, một đảo quốc xa xôi tận bên trời
Âu!
Trở lại cái nhân duyên tôi gặp con chuột. Một
hôm con trai tôi nảy ra ý định muốn nuôi một cặp chuột làm thú cưng. Cháu đang
sống ở một nhà tập thể nên điều này là không thể và biết rõ luật ở đó cấm, thế
là cháu đành nuôi lén. Mọi chuyện vỡ lỡ khi một con chuột thoát ra ngoài. Nó bị
vây bắt và bị giết chết. Đau lòng quá, con trai tôi nhất quyết bảo vệ con chuột
còn lại. Và dĩ nhiên cháu và con chuột phải ra khỏi nhà. Suốt hai đêm cháu ở
ngoài vườn sau của khu nhà tập thể, và phải thức trắng để canh gác cho sự an
toàn của con chuột còn lại.
Khi tôi được gọi tới, cháu đã mệt mỏi lắm rồi,
khẩn khoản xin mẹ đem con chuột về nhà để được ngủ. Không đành lòng, tôi nhận lời.
Nhưng đến khi tôi trông thấy nó, đến khi con chuột ló đầu ra từ cái hộp giấy
thì… không kềm chế kịp, tôi kêu thét lên vì sợ hãi. Trời ơi! Nó không phải là
con chuột bạch như tôi nghĩ, nó chính là cái giống chuột tôi vô cùng ghê sợ.
Cái giống chuột vẫn ám ảnh tôi về những ngày vô định – những ngày của đói, lạnh
và sợ hãi.
Ngày ấy, nhiều gia đình trong xóm tôi bị lùa
đi kinh tế mới đã lục đục trở về. Họ dựng lại chỗ ở trên cái nền nhà cũ đã bị
phá tan hoang. Họ lợp tranh hay treo những tấm poncho cũ để che mưa chắn gió. Ở
những ngôi nhà “ổ chuột” ấy, chuột nhiều vô kể. Tôi còn nhớ những ngày mù mưa,
cơn đói, những hạt cơm, tiếng chuột rúc và bóng những con chuột chạy qua chạy lại
trên cái nền nhà dựng tạm – đó là Sài Gòn trong ký ức tôi những ngày sau giải
phóng:
Em theo mẹ về kết tranh lợp mái
Những ổ chuột những mặt người xanh tái
Những con chuột to sống lẫn với người
Ăn ngủ trên một nền nhà
Rúc buồn những ngày mưa gió
Em sống mà vẫn âu lo hoài chuyện đó
Cơm, gạo, bánh mì, bột bắp, bo bo, …
(Những
ngày mưa – Hương Giang)
Thầm trách con, nhưng tôi vẫn đón lấy mảnh giấy
ghi rõ cách chăm sóc con chuột từ tay cháu. Suốt hai ngày đầu tôi không dám
nhìn đến nó. Đến ngày thứ ba, phải bỏ thức ăn cho nó tôi mới theo lời cháu, gọi
nó bằng giọng nói khe khẽ, nhẹ nhàng. Thật lạ lùng, khi đã nghe quen giọng, mỗi
lần tôi gọi, nó đều chạy đến. Chưa hết ghê sợ, bàn tay tôi vẫn để cách xa chiếc
lồng một quãng ngắn. Tuy thế, tôi vẫn cảm nhận rằng nó tha thiết muốn để cái mỏ
nhỏ xíu của nó lên những ngón tay tôi.
Cứ ba ngày, tôi lại dọn dẹp làm sạch chuồng
cho nó. Lần nào cũng vậy, hễ thấy hộp thức ăn mới là nó lại cắn giấy báo tôi
lót đáy chuồng, rồi phủ che lên trên thức ăn như sợ kẻ khác chia miếng ăn của
nó; hễ thấy chuồng sạch là nó lại chạy vòng quanh, phóng uế khắp nơi như để xác
định quyền làm chủ giang sơn của nó; sau cùng, nó loay hoay tha rơm phủ đầy lên
chỗ ngủ của nó trước khi biến mất dưới đống rơm ấy. Trông nó lặp đi lặp lại mọi
việc một cách thảnh thơi, vui tươi và an phận làm sao! Cho đến một ngày tôi lơ
đãng để nó xổng chuồng.
Suốt một tuần, tôi không biết nó ở đâu? Nó có
đói không? Có khát không? Tôi để đồ ăn và nước uống ở một vài góc khuất nhưng vẫn
không nhìn thấy tăm hơi của nó. Rồi tôi quyết định mua những cái “bẫy an toàn”
– loại bẫy dùng để bắt giữ nhưng không giết chết – để ở mỗi góc nhà hầu mong dụ
dỗ được nó. Mãi cho đến tuần thứ hai tôi mới tìm thấy nó trong phòng ngủ của
mình vào lúc 3 giờ sáng. Nó vẫn thế, nhưng mạnh mẽ và linh hoạt hơn nhiều. Tôi
ngẩn ngơ nhìn nó vượt qua những chiếc bẫy một cách tài tình. Bắt được nó là cả
một công trình, nhưng những gì xảy ra sau đó mới làm tôi mất ngủ.
Khi bỏ nó lại vào chuồng, tôi mới nhận thấy nó
không còn là con chuột cũ. Vẫn chiếc chuồng ấy, nhưng nó chẳng còn màng đến
giang sơn, đồ ăn hay thức uống của nó nữa. Nó khác hoàn toàn. Suốt từ nửa đêm
cho đến sáng, nó không ngừng vùng vẫy để tìm cách thoát thân. Tôi nằm nghe tiếng
quẫy đạp dữ dội không ngừng của nó mà thương cảm.
Sao nó giống chúng ta thế! Nó cũng khao khát
được vượt thoát. Nó làm tôi nhớ đến biến cố sụp đổ của hàng loạt các quốc gia
theo chủ nghĩa xã hội ở Đông âu. Trước ngày 9/11/1989 không ai nghĩ rằng bức tường
Bá Linh sẽ đổ. Ngay trong cái đêm đầy biến động đó, vượt qua cánh cửa vừa được
mở, không phải hàng ngàn mà là hàng chục ngàn người đã tuần hành, đã đi bộ giữa
mưa phùn tiến về Tây Bá Linh. Đó là những dòng sông người cuồn cuộn chảy về với
tự do.
Con chuột của tôi đã vô tình nếm được mùi vị của
tự do. Nó không còn yên tâm, an phận với nồi cơm, với tổ ấm của nó nữa, và con
chuột nhỏ xíu mà khôn ngoan ấy đã không dễ gì mắc bẫy. Chúng ta cũng ngỡ mình
như thế. Vậy mà, có những cái bẫy chết người, ta vẫn cứ lao đầu vào!
Từ lúc ấy cho tới sáng, tôi không chợp mắt được
vì thương cái vật vã của con chuột trong lồng. Tôi chạnh nghĩ đến nỗi trăn trở
của Robert Burns (nhà thơ lớn của dân tộc Tô Cách Lan) khi ông vô tình phá vỡ một
ổ chuột trong lúc đang cày ruộng. Nhìn lũ chuột xôn xao chạy trốn, Burns thương
cảm cho thân phận và thương cho căn nhà chung của chúng. Ông viết: “Ngôi
nhà nhỏ của bạn cũng đang đổ nát! / Những bức tường yếu ớt của nó, gió đang tán
loạn!”.
Tuy hoàn cảnh lũ chuột của Burns khác xa con
chuột của tôi, nhưng hai câu thơ của ông thì lại gần gũi với chúng ta đến ngậm
ngùi. Người VN cũng đang chạy tán loạn ra khỏi ngôi nhà đổ nát của mình và họ
ra đi bất chấp hiểm nguy, bất kể mạng sống. Hình ảnh chiếc xuồng cao su gặp nạn
ngoài khơi vùng tây Flanders trên trang nhà của toà Đại Sứ Bỉ lại ám ảnh tôi. Nếu
không nhờ tuần duyên Bỉ giải cứu, có lẽ chúng ta lại thấy xác người Việt trôi
nơi eo biển, trên con đường nhập lậu vào nước Anh.
Khao khát tự do, khao khát sống, khao khát thể
hiện chính mình là điều con người luôn luôn hướng tới. Tôi yêu cái cách người mẹ
đơn thân, Đinh Thị Thu Thuỷ giải thích trước toà về những phản biện của chị đối
với các chính sách của nhà nước. Nó thật đơn giản nhưng mạnh mẽ:“Tôi làm điều
đó vì tôi yêu con mình” Bạn có yêu chính cuộc đời mình và các con mình
không? Tôi tin người phụ nữ đó đang hành động cho mình, cho con trai mình và
cho tự do.
Ngày nào quê hương không phải là nơi an toàn để
sống, ngày nào người dân VN còn thờ ơ, ngày nào chúng ta không quan tâm, chúng
ta chưa góp tay vào những thay đổi cần thiết cho xã hội – ngày ấy, những
người trẻ sẽ còn tiếp tục ra đi. Tôi nghĩ về cái chết thương tâm của 39 người
trẻ trên chiếc xe tải đông lạnh; tôi nghĩ đến đoạn đường bầm dập của cướp bóc,
bạo hành, cưỡng hiếp và một tương lai vô định của họ nơi những vườn trồng cần
sa.
Những câu thơ của Robert Burns dành cho con
chuột của ông chợt kéo về ray rứt. Nó ray rứt, nhức nhối như hình ảnh đơn
độc của chiếc xuồng cao su, như giấc mơ mong manh vụt tắt khi chiếc xe tải dừng
lại ở cổng thiên đường.
Nhưng chuột nhỏ ơi, mày không đơn độc,
Khi cho thấy lo xa có thể hão huyền
Bởi những toan tính hoàn hảo của chuột và người
Thường không đi đúng kế hoạch
và chúng ta không còn gì ngoài sầu muộn đớn
đau
cho một niềm vui từng hứa hẹn …
(To A Mouse – Robert Burns)
Tôi yêu quý “tự do” của chính mình và không
dám bóp nát “tự do” của con chuột bé nhỏ ấy. Sợ bàn tay mình rướm máu vì Tự Do
mãi mãi là đóa hồng đầy gai nhọn.
Trời sáng hẳn, tôi chuẩn bị một ít đồ ăn và nước
uống rồi ôm cái lồng con chuột theo mình đến một công viên. Tôi cẩn thận tìm một
gốc dừa an toàn nhất, nơi những tán lá dưới gốc đã khô cứng tạo thành một chỗ
trú ẩn lý tưởng cho nó. Tôi đặt một ít thức ăn vào đó rồi mở cửa chuồng. Ngần
ngừ một thoáng rồi con chuột của tôi cũng nhẹ nhàng leo ra. Chờ một lúc, tôi gọi
nó khe khẽ. Nó ló đầu ra khỏi tán lá dừa nhìn tôi, rồi lại thụt đầu vào.
Tôi nghĩ đến khuôn mặt son trẻ của Trà Mi, của
Nhung, của Hà, của Lượng, … Tôi đã thương quý con chuột ấy lúc nào không biết,
nhưng tôi tôn trọng chọn lựa của nó. Tôi nói thầm với nó lần cuối như một lời
chia tay:
– Tự do nhé chuột ơi!
No comments:
Post a Comment