Friday, 11 June 2021

TRANH GHẾ và "DIỄN" TẠI QUỐC HỘI KHÓA 15 (Trần Kỳ Khôi)

 



Tranh ghế và “diễn” tại Quốc hội khoá 15

Trần Kỳ Khôi

11/06/2021

https://baotiengdan.com/2021/06/11/tranh-ghe-va-dien-tai-quoc-hoi-khoa-15/

 

Chiều 10/6/2021, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã họp báo, công bố Nghị quyết về kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá 15. Theo đó, cử tri đã bầu đủ 500 ĐBQH khoá 15, tuy nhiên có một đại biểu không được xác nhận tư cách trúng cử, nên chỉ có 499 ĐBQH trúng cử, gồm 207 đại biểu Trung ương và 292 đại biểu địa phương.

 

Người bị tước bỏ tư cách ĐBQH là Trần Văn Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương. Điều nực cười là, kết quả bầu cử tại đơn vị bầu cử số 1 gồm thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên của tỉnh Bình Dương, Trần Văn Nam được 425.941 phiếu, đạt tỷ lệ 80,88% số phiếu hợp lệ.

 

Nhiều khả năng, trong tuần tới, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sẽ sớm đưa ra thông báo luận tội Trần Văn Nam và đề nghị BCH Trung ương đưa ra mức kỷ luật dành cho Trần Văn Nam, một “cá mập” cạp đất ở Bình Dương. Như vậy số phận Trần Văn Nam đã được an bài, một kẻ biến chất “ăn không chừa bất cứ thứ gì” như Nam sẽ bị phế bỏ ra khỏi Uỷ viên Trung ương khoá XIII, ngay tại Hội nghị BCH Trung ương lần 3.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/0-78.jpg

Chân dung Trần Văn Nam, kẻ sắp “vào lò”. Nguồn: DT

 

Có thông tin Hội nghị Trung ương 3 khoá XIII sẽ triệu tập và nhóm họp vào đầu tháng 7/2021. Thời gian làm việc dự kiến hai ngày, để bàn một số vấn đề, trong đó chủ yếu bàn về tổ chức bộ máy và giới thiệu nhân sự các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước, nhiệm kỳ 2021-2026, cho ý kiến về Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 2 đến Hội nghị Trung ương 3 và “một số vấn đề quan trọng khác”.

 

Sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 3, khoá XIII mang tính chất “định hướng”, Quốc hội khoá 15 sẽ khai mạc. Kỳ họp thứ 1 Quốc hội (QH) khóa 15 sẽ diễn ra trong 11 ngày, phiên trù bị vào ngày 19/7, khai mạc ngày 20/7 và bế mạc vào ngày 3/8/2021.

 

Quốc hội sẽ dành 6 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự, điều mà nhiều cán bộ lão thành và dân chúng gọi là “bổn cũ soạn lại”. Trong đó quyết định số Phó Chủ tịch QH, số Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, bầu Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Tổng Thư ký QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của QH, Tổng Kiểm nhà nước. Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao. Quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.

 

Trong sô diễn hồi tháng 4/2021, kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14, sau 12 ngày làm việc, đã “kiện toàn” 25 chức danh gồm: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ… và phê chuẩn việc bổ nhiệm các thành viên Chính phủ, sẽ tái diễn một lần nữa. Khổ thân các “đồng chí”, đã ngồi yên đâu đó rồi, giờ phải giới thiệu ứng cử, bầu cử, bỏ phiếu, lãnh đạo cấp cao, phải lặp lại tuyên thệ trước quốc dân đồng bào… thêm một lần nữa!

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/0-79-630x420.jpg

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/1-33-755x420.jpg

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/2-9-1024x670.jpg

Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, đã tuyên thệ hồi tháng 4, nhưng sẽ phải diễn lại màn tuyên thệ thêm một lần nữa.

 

Sẽ không có những xáo trộn, thay đổi gì nhiều. Chỉ có một vài điều chỉnh nhân sự ở cấp phó và ở bộ máy tư pháp.

 

Quốc hội kỳ này sẽ miễn nhiệm và bầu thêm một số vị trí ở bộ máy cơ quan QH và Chính phủ. Thượng tướng Trần Quang Phương, sinh năm 1961 quê Quảng Bình, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, dự kiến thay ghế Phó Chủ tịch Quốc hội của ông Đỗ Bá Tỵ.

 

Trung tướng Trần Hồng Minh, sinh năm 1967, quê Mỹ Đức, Hà Nội, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, sẽ thay ghế Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh của ông Võ Trọng Việt.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/0-80.jpg

Thượng tướng Trần Quang Phương (trên) và Trung tướng Trần Hồng Minh (dưới). Nguồn: QĐND

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/1-34.jpg

 

Tại Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình sau thời gian được giữ lại để giúp Phạm Minh Chính nắm bắt công việc tân Thủ tướng, cũng sẽ khăn gói ra về. Không như mọi đồn đoán, Tô Lâm vẫn giữ chắc ghế siêu quyền lực, Bộ trưởng Bộ Công an (BCA) mặc kệ ai làm gì thì làm.

 

Phạm Bình Minh, con trai ông Nguyễn Cơ Thạch sẽ nắm ghế Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Chiếc ghế Phó Thủ tướng phụ trách nội chính được sắp đặt dành cho Nguyễn Hoà Bình, sinh năm 1956, quê Quảng Ngãi, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII, Chánh án Tối cao.

 

Ghế Chánh án Tối cao lúc đầu định bố trí cho Lê Hồng Quang, sinh năm 1968, quê Kiên Giang, Uỷ viên Trung ương, Phó Chánh án Thường trực Toà án Tối cao, nhưng bất thành do nổ ra tranh giành đấu đá, vì ngồi ghế này đồng nghĩa việc được bầu bổ sung vào Ban Bí thư khoá XIII và cơ hội tiến vào Bộ Chính trị khoá XIV là rất lớn.

 

Lê Hồng Quang buộc phải khăn gói qua nhậm chức Bí thư An Giang do Võ Thị Ánh Xuân để lại vào tháng 5/2021. Dù sao, Quang cũng tiến nhanh quá. Ít ai biết được Lê Hồng Quang chính là cháu nội cụ Hai Hoành (Lê Văn Hoành), Quang gọi cựu Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh bằng chú ruột (chú Mười).

 

Có thông tin cho biết, ghế Chánh án Tối cao sẽ được tân Thủ tướng dành cho người đồng hương Lê Thành Long, sinh năm 1963, quê Thanh Hoá, Uỷ viên Trung ương Đảng, đang là Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/0-81.jpg

Chân dung Bộ trưởng BTP Lê Thành Long. Nguồn: Lý lịch Tư pháp

 

Thông tin rò rỉ cho hay, nhân sự tại Bộ Công an (BCA) cũng có thay đổi. Trần Quốc Tỏ, em ruột Trần Đại Quang sẽ mất ghế Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an.

 

Sau khi anh trai chết, Trần Quốc Tỏ phải rời khỏi cái ghế Bí thư Thái Nguyên để về Bộ Công an hồi tháng 5/2020. Tuy nhiên, trái ngược với Nguyễn Văn Thành, vốn là Trung tá công an quận, cựu Bí thư Hải Phòng, khi về BCA được phong ngay Thượng tướng, thì Trần Quốc Tỏ vốn đã là Đại tá, về BCA chỉ được phong Thiếu tướng và lẹt đẹt bò lên Trung tướng.

 

Bộ trưởng Tô Lâm lại không ưa gì anh em Trần Đại Quang, nên Trần Quốc Tỏ hết “cửa” tại Bộ Công an, đành chuyển sang công tác đại biểu chuyên trách tại Quốc hội.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/0-82.jpg

Trung tướng Trần Quốc Tỏ sẽ rời Bộ Công an. Nguồn: Ninh Bình TV

 

Dự kiến, hai Ủy viên Trung ương, Thứ trưởng BCA là Trung tướng Trần Quốc Tỏ và Thiếu tướng Lê Tấn Tới, sinh năm 1969, quê Cà Mau sẽ cùng về các Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội.

 

Hai vị trí Thứ trưởng BCA bị khuyết có thể sẽ dành cho Nguyễn Đức Trung, giám đốc CA Hà Nội và em vợ Bộ trưởng Tô Lâm là Vũ Hồng Văn, giám đốc CA Đồng Nai.

 

Nếu như trước đây Trần Đại Quang đã “Ninh Bình hoá” Bộ Công an, thì nay Tô Lâm đang “Hưng Yên hoá” Bộ này, khi cả Bộ trưởng lẫn ba Thứ trưởng sẽ đều là dân Hưng Yên.

 

Một vị trí cực kỳ quyền lực nữa cũng bị các phe dòm ngó. Lê Minh Trí, sinh năm 1960, dù trụ lại được Uỷ viên Trung ương khoá XIII, nhưng sau vụ “Kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải” xem ra Trí khó bề giữ nổi chức Viện trưởng Viện kiểm sát Tối cao. Lê Minh Trí có thể sẽ được bổ nhiệm Bí thư một tỉnh phía Nam, người thay Trí được đồn đoán là Nguyễn Văn Quảng, sinh năm 1969, quê Hải Phòng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, cựu Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao.

 

Tóm lại, sau đại hội XIII, quyền lực được chia lần thứ nhất, thì sau bầu cử Quốc hội khoá 15, quyền lực được san sẻ tiếp lần thứ hai.

 

Trong khi Chính phủ vẫn đang ngửa tay xin tiền dân để mua vaccine chích ngừa Covid 19, thì Đảng xài tiền cho các sô diễn bầu bán ở đại hội đảng và bầu cử vừa qua, lên đến mấy chục ngàn tỷ đồng.

 

Mặc dù luôn hô hào đại hội “trong sạch, vững mạnh”, nhưng mới bầu bán nửa năm, đã lộ ra nhiều cán bộ cao cấp dính tham nhũng, hư hỏng, vi phạm đạo đức và lối sống, trong đó có cả Uỷ viên Trung ương, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Bí thư cấp uỷ các cấp…

 

Quốc hội khoá 15 “diễn” quá dở, trong khi người dân phải gồng mình đóng thuế, bị buộc trả tiền để xem một tấn bi hài kịch ngoài ý muốn.

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats