Monday, 14 June 2021

THỂ THAO : TỪ TRÒ CHƠI TRẺ CON ĐẾN HUYỀN THOẠI VỀ CĂN TÍNH DÂN TỘC (Y Chan - Luật Khoa)

 



Thể thao: Từ trò chơi trẻ con đến huyền thoại về căn tính dân tộc

Y CHAN  -  LUẬT KHOA

14/06/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/06/the-thao-tu-tro-choi-tre-con-den-huyen-thoai-ve-can-tinh-dan-toc/

 

Ý nghĩa thật sự của thể thao và những thứ quan trọng hơn nhiều nhưng bị lãng quên.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/image-16-1024x569.jpeg

Nguồn ảnh: VnExpress/ Zing News. Xử lý ảnh: Luật Khoa.

 

                                                             ***

Bạn có biết ai là golf thủ xuất chúng nhất mọi thời đại?

 

Theo người Bắc Triều Tiên, đó không phải là Tiger Woods hay Jack Nicklaus của Mỹ, mà là lãnh tụ quá cố Kim Jong-il của họ.

 

Truyện kể rằng trong lần đầu tiên cầm đến cây gậy đánh golf, Kim đã hoàn thành tất cả các lỗ với 38 gậy dưới chuẩn, trong đó có 11 lỗ đạt “ace” – chỉ cần vung một gậy là bóng bay thẳng từ điểm xuất phát vào đến tận lỗ. [1] Quá hài lòng với thành tích của mình, lãnh đạo Kim lập tức tuyên bố giải nghệ chỉ sau một lần chơi.

 

Tất nhiên, đó chỉ là chuyện vặt vãnh so với các thành tựu khác của ông, như viết 1.500 cuốn sách trong vòng ba năm học đại học, trong lúc kịp sáng tác ra sáu tác phẩm opera “xuất sắc hơn bất kỳ tác phẩm nào khác trong lịch sử âm nhạc của nhân loại” – những thông tin được cho là lấy từ hồi ký chính thức của ông.

 

Người kế vị ông, lãnh đạo hiện tại Kim Jong-un của Bắc Triều Tiên, bên cạnh những phẩm chất thiên tài khác, cũng được xem là quái kiệt thể thao, dù ở mức độ khiêm tốn hơn. [2] Kim trẻ được cho là biết lái xe hơi từ lúc lên ba, và đến năm chín tuổi đã chèo thuyền thắng giám đốc điều hành của một công ty đua thuyền nước ngoài. [3]

 

Nếu Bắc Triều Tiên có golf thủ vô tiền khoáng hậu thì Trung Quốc có tay bơi vĩ đại nhất trong lịch sử: hoàn thành chặng bơi dài 15km trong vòng 65 phút khi đã ở tuổi 73. [4] Người đó không ai khác hơn là Mao Trạch Đông, nhà lãnh đạo được tôn kính của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/image-6-1024x683.png

Mao Trạch Đông và các vệ sĩ đang bơi tại sông Dương Tử vào tháng 7/1966. Truyền thông nhà nước lúc đó đưa tin nhà lãnh đạo chỉ mất 65 phút để hoàn thành 15 km. Ảnh: AFP.

 

Nếu nghĩ rằng những lãnh tụ kỳ tài (về mặt thể thao) chỉ tồn tại ở các quốc gia độc tài cộng sản, bạn sẽ nghĩ lại khi đọc lịch sử Ai Cập.

 

Hơn 2.000 năm trước, các “pharaoh” (lãnh đạo đất nước) đã luôn được mô tả là những người có khả năng thể thao xuất chúng.

 

Amenhotep II, vị vua trị vì Ai Cập vào khoảng năm 1.400 trước Công nguyên, là một ví dụ. Tài liệu tường thuật việc ông biểu diễn kỹ năng bắn cung trước công chúng, khi đứng trên xe ngựa chạy vun vút mà vẫn lần lượt bắn trúng bốn mục tiêu, mũi tên xuyên qua tất cả hồng tâm. [5] Trong một lần khác, ông bắn trúng nén bạc với lực mạnh đến mức mũi tên khiến cho nén bạc lộn ngược ra sau. Nhà vua cũng dành thời gian đích thân huấn luyện quân đội bằng việc thị phạm bắn 300 mũi tên liên tiếp. Tài liệu kể rằng cung tên của vua là loại đặc biệt, chỉ mình ông mới có đủ sức mạnh để sử dụng nó.

 

Điều gì khiến cho thể thao – những trò chơi vốn dĩ vô thưởng vô phạt – lại trở thành nguồn cơn cho nhiều huyền thoại được thêu dệt như vậy?

 

 

Thể thao là gì?

 

Chúng ta vẫn luôn nói “chơi thể thao”, nhưng sẽ không chính xác nếu xem thể thao chỉ là những trò chơi.

 

Từ điển bách khoa Britannica định nghĩa “sports” qua các khái niệm: “play” (chơi), “game” (trò chơi), “contest” (thi đấu) và “sport” (thể thao). [6]

 

Trong đó, chơi (play) là hoạt động đối lập với làm (work). Con người phải làm việc, nhưng muốn được chơi. Chơi là một thứ muốn: tự nguyện và không ép buộc. Chơi là hoạt động không cần có mục đích. Bản thân nó “tự có ý nghĩa”, hay “autotelic” trong tiếng Anh.

 

Một đứa trẻ bướng bỉnh bị bố mẹ bắt ép tham gia câu lạc bộ bóng đá ở trường không thực sự đang chơi thể thao. Những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp tham gia hoạt động này chỉ để kiếm tiền vì vậy cũng không phải là chơi thể thao đúng nghĩa. Tuy vậy, trên thực tế, mỗi cá nhân thường có nhiều động lực trộn lẫn nhau và khó tách biệt.

 

Người ta phân ra hai loại chơi. Loại thứ nhất là tức thời và không có rào cản, như việc cầm đá ném vu vơ xuống mặt hồ hay một mình vờn nhau với quả bóng. Loại thứ hai là có luật lệ. Những hành vi thuộc loại thứ hai được gọi là trò chơi (game).

 

Các trò chơi được phân ra hai loại: có hoặc không có tính cạnh tranh/ ganh đua (competitive). Những trò có tính ganh đua được gọi là thi đấu (contest). Đánh bài hay đánh bóng chuyền đều là những trò chơi có tính cạnh tranh như vậy.

 

Những trò thi đấu lại được phân ra: yêu cầu kỹ năng thể chất nhất định hoặc không cần. Loại đầu tiên được gọi là thể thao (sport), loại thứ hai thì không. Đánh bóng chuyền được xem là thể thao, còn đánh bài thì không.

 

Ta có thể nhìn sơ đồ dưới đây để dễ hình dung:

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/image-4.png

Minh họa các khái niệm từ trò chơi đến thể thao. Nguồn: Britannica. Việt hóa: Luật Khoa.

 

Vậy thể thao là những trò chơi thể chất có tính cạnh tranh.

 

Việc phân biệt các khái niệm như trên giúp ta dễ tìm hiểu và tranh luận để đạt đồng thuận, vì trên thực tế, không phải lúc nào các đường ranh giới cũng rõ ràng.

 

Hoạt động leo núi thường không có tính cạnh tranh, nhưng vẫn có thể được xem là thể thao nếu người chơi xem mình đang “thi đấu” với tự nhiên, hoặc những người chơi so đo với nhau về thành tích.

 

Đánh bài theo cách chúng ta thường thấy không yêu cầu khả năng thể chất (trừ phi việc ngồi đồng một chỗ từ sáng đến tối được xem là năng lực thể chất đặc biệt). Tuy nhiên, nếu thay đổi cách thức thi đấu, ví dụ vừa sát phạt vừa trồng cây chuối, hoặc thay bộ bài giấy thành những lá bài bằng sắt nặng vài kg, khả năng cao đánh bài sẽ được xem là một môn thể thao.

 

 

Vai trò của hoạt động chơi đùa

 

Trước khi nói tiếp về thể thao, hãy bắt đầu từ nguồn gốc của nó: các hoạt động chơi đùa. Ý nghĩa của hành vi tưởng như vô thưởng vô phạt này trong nhiều thập niên qua đã bị lãng quên.

 

Các nhà nghiên cứu cho rằng chơi đùa có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ con. [7]

 

Sau một tháng đầu đời chỉ biết ăn và ngủ, trẻ sơ sinh bắt đầu biết chơi với cha mẹ và môi trường xung quanh. Kể từ đó, trẻ học gần như mọi kỹ năng cần thiết cho cuộc sống bằng cách chơi. Chạy nhảy, leo trèo, vật lộn, vẽ tranh, nghịch nước, bán đồ hàng, mặc áo cho búp bê, kể chuyện cho thú nhồi bông, v.v. đều là các hoạt động giúp trẻ hình thành nhận thức về bản thân, tương tác với người chung quanh, biết cách điều khiển cơ thể, học cách nhận ra nguy hiểm, tìm cách giải quyết vấn đề và vượt qua nỗi sợ.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/image-17-1000x600.jpeg

Trẻ em học những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống từ việc chơi đùa ngoài trời. Ảnh minh họa: istock.com/vm.

 

Trí tưởng tượng (imagination) và khả năng thấu cảm (empathy), những đặc trưng nổi bật của con người, được cho là hình thành và được nhào nặn từ những hoạt động chơi đùa ban đầu đó.

 

Không chỉ có con người, gần như tất cả các loại động vật đều biết chơi, muốn chơi, và học hỏi thế giới xung quanh từ việc chơi đùa.

 

Ngoài những vật nuôi quen thuộc như chó mèo, các nhà nghiên cứu đã quan sát được hành vi chơi đùa xuất hiện trong hoạt động của đủ loại động vật, từ động vật có vú cho tới các loài chim chóc, bò sát, thậm chí là côn trùng. [8]

 

Nghiên cứu trên chuột cho thấy những con chuột từ nhỏ không được chơi đùa với bạn cùng lứa sẽ có não bộ kém phát triển hơn. Đến khi trưởng thành, chúng có dấu hiệu rối loạn, lo lắng và căng thẳng mỗi khi phải tiếp xúc với các con chuột khác.

 

Chơi đùa với các loài động vật, trong đó có con người, vì vậy không chỉ đơn thuần là ý thích. Chúng ta không chỉ muốn chơi, mà thật sự cần chơi.

 

Nhưng nhiều thập niên qua, càng ngày thời gian lẫn không gian được chơi của trẻ con càng bị bó hẹp.

 

Trong một khảo sát của viện nghiên cứu Edelman Intelligence do tờ Quartz trích dẫn năm 2018, hơn một nửa trong số 12.710 phụ huynh ở 10 nước được hỏi cho biết con của họ dành ít hơn 1 tiếng mỗi ngày chơi đùa bên ngoài. [9] Nghĩa là thời gian những đứa trẻ này chơi đùa bên ngoài ít hơn cả các tù nhân.

 

Thời gian chơi tự do của trẻ bị cắt bớt để ưu tiên cho các nội dung “thực tế” và “có ích” hơn như học hành trên trường, học các khóa kỹ năng, học các môn nghệ thuật, và nghịch lý nhất là nhường chỗ cho các hoạt động thể thao.

 

Nhiều người, trong đó có các nhà làm chính sách, những nhà giáo dục và các bậc phụ huynh, đồng nhất thể thao với chơi đùa.

 

Nhưng như đã phân tích lúc đầu, thể thao chỉ là một nhánh phái sinh của chơi. Nó thiếu tính ngẫu hứng, tự nhiên, tức thời và tự do không ràng buộc của chơi đùa. Trong nhiều trường hợp, tham gia vào hoạt động thể thao còn không phải là lựa chọn tự nguyện mà là bị ép buộc, hoặc có tính toán lợi ích.

 

Điều này càng rõ ràng hơn với các hoạt động thể thao hiện đại, vốn đã được thương mại hóa và chuyên nghiệp hóa ở một tầm mức chưa từng có trong lịch sử.

 

 

Những chiếc mũ úp chụp lên thể thao

 

Những ý nghĩa và lợi ích tích cực của chơi đùa – nổi bật nhất là trí tưởng tượng và khả năng đồng cảm – không có bao nhiêu cơ hội được thể hiện trong các hoạt động thể thao.

Quá trình công nghiệp hóa và toàn cầu hóa giúp biến thể thao từ những trò chơi thành những cuộc đấu ganh đua quyết liệt. Các môn thể thao trở thành những sản phẩm công nghiệp, được sản xuất, phát triển, hoàn thiện và phân phối khắp nơi.

 

Sự kết duyên của thể thao và truyền thông càng đẩy nhanh và củng cố quá trình này. Truyền thông tìm thấy ở thể thao một nguồn tin tức vô hạn dễ dàng thu hút lượng lớn độc giả/ khán thính giả mà không phải mất nhiều công sức khai thác. Thể thao nhờ vào sự khuếch trương của truyền thông càng ngày càng “ra tiền”, dư nguồn lực để vừa chảy vào túi các ông chủ, vừa chi đậm cho các vận động viên lẫn trả lương cho hàng triệu lao động làm việc trong ngành.

 

Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, các luật lệ của những môn thể thao ngày càng được nâng cấp và gán cho ý nghĩa tinh thần, tôn giáo, thậm chí là đại diện cho nguồn gốc hay căn tính của cả dân tộc. Tính chất ganh đua của thể thao được nâng tầm thành sự hơn thua của các quốc gia hay của các sắc tộc. [10]

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/tuyenvn-malaysia.jpg

Một pha tranh bóng trong trận đấu vòng loại World Cup 2022 giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia hôm 12/6. Nguồn: VOV.

 

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ngoài ganh đua về ảnh hưởng chính trị, sức mạnh kinh tế và năng lực quân sự, Liên Xô và Mỹ cùng các quốc gia vệ tinh còn so kè quyết liệt ở các môn thể thao.

 

Chiến thắng ở những trận đấu thể thao được đem ra làm minh chứng cho sự ưu việt của ý thức hệ.

 

Trong giai đoạn này, phe xã hội chủ nghĩa đã có lúc thắng thế nhờ vào việc ưu tiên nguồn lực cho việc đào tạo thể thao, bất kể những khó khăn kinh tế và xã hội trong nước. Những huy chương và thành tích thể thao quốc tế được ưu tiên hơn các công trình công cộng phục vụ cho nhu cầu dân sinh.

 

Việc biến thể thao, từ một trò chơi đơn thuần, thành một sản phẩm công nghiệp, rồi thậm chí là vũ khí chống lại kẻ thù, khiến cho các vận động viên trở thành những cỗ máy đúng nghĩa. Họ dành toàn bộ tâm trí và thời gian để tập luyện, phục vụ cho nhu cầu và áp lực phải chiến thắng bằng mọi giá.

 

Áp lực chiến thắng càng nặng nề hơn khi họ nghĩ, hoặc được dạy phải nghĩ là mình đại diện cho toàn bộ dân tộc. Nếu họ thắng, cả dân tộc được lợi. Nếu họ thua, họ có tội với dân tộc.

 

Quay trở lại định nghĩa lúc đầu, ta sẽ không còn nhận ra gốc rễ của thể thao. Nó đã bị bứng gốc và nhào nặn thành một sản phẩm hoàn toàn xa lạ với ý nghĩa nguyên thủy.

 

 

Có thể nào trả thể thao về lại đúng vị trí?

 

Không ít người chỉ trích việc thương mại hóa, chính trị hóa, thậm chí là thần thánh hóa thể thao.

 

Theo họ, cần trả thể thao về đúng lại vị trí: chỉ là những trò chơi không hơn không kém.

Trên thực tế, điều này hầu như bất khả. Thể thao, cũng như những thứ khác trong xã hội loài người, trải qua một thời gian dài biến đổi đã trở thành một thực thể gần như độc lập với cái ban đầu của nó.

 

Yêu cầu nó quay trở lại thể thức nguyên sơ cũng giống như muốn đảo ngược vòng quay lịch sử.

 

Nói như vậy không có nghĩa là ta buộc phải chấp nhận những vấn đề đang tồn tại.

 

Một trong những vấn đề lớn nhất với thể thao không phải là nó đã bị biến đổi, mà là bị biến tướng, với hàng loạt những chiếc mũ kệch cỡm ráng chụp lên nó.

 

Sự biến tướng này đến từ việc nhập nhằng. Khi chính quyền dùng nguồn ngân sách đầu tư cho thể thao, họ khiến nhiều người lầm tưởng đó là hoạt động đem lại ích lợi cho toàn dân, trong khi thực chất đó là phần đầu tư để “luyện gà” tìm huy chương nhằm đánh bóng hình ảnh và tạo tính chính danh quyền lực. Khi vận động viên thi đấu, họ nghĩ mình đang “hy sinh” vì lợi ích của dân tộc, từ đó ảo tưởng về quyền lợi được hưởng cũng như trách nhiệm phải gánh vác.

 

Nhiều khán giả/ ủng hộ viên của thể thao cũng có vấn đề sống ảo.

 

Việc gắn mình với một vận động viên hay câu lạc bộ giúp người xem có cảm giác thuộc về một cộng đồng gắn kết. Khi vận động viên hay đội nhà chiến thắng, hình ảnh bản thân của họ cũng được nâng lên cùng với tầm vóc của cả cộng đồng đó.

 

Trên thực tế, thứ gọi là cộng đồng ở trên chỉ là một nhóm rời rạc không hơn không kém.

Khi thắng trận, câu cửa miệng của tất cả là “chúng ta thắng rồi”. Nhưng khi thua trận, phần lớn sẽ giành một vị trí khách quan bên ngoài để nói về “lý do tụi nó thua”, cũng như sẵn sàng đổ lỗi cho đối phương.

 

Điều tương tự xảy ra với nhiều vận động viên. Khi thành công, họ nghĩ đó là do năng lực của bản thân. Khi thất bại, đó chắc chắn phải đến từ nguyên nhân khách quan (đối thủ chơi xấu, trọng tài thiên vị, thức ăn không hợp, hay thời tiết quá tệ).

 

Đây cũng là phản ứng thường thấy của các chính trị gia ăn theo thể thao. Thành công sẽ được họ dùng làm bằng chứng cho chính sách đúng đắn hay tài lãnh đạo của mình. Còn thất bại thì chắc chắn không phải do lỗi của họ.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/image-7-1024x461.png

Ma trận minh họa phản ứng thường thấy của những người trong “cộng đồng thể thao”.

 

Một nhóm liên kết rời rạc như vậy giúp ích được gì cho sự phát triển của mỗi cá nhân và cả cộng đồng?

 

Các nhà tâm lý từ lâu chỉ ra việc đắm mình trong các nhóm đó có thể giúp tạo hứng khởi nhất thời đến từ các trận thắng, nhưng về lâu dài dễ khiến các cá thể đánh mất chính mình (deindividuation). [11]

 

Với những trường hợp cực đoan, khi thua trận, các nhóm người này còn sẵn sàng dùng đến bạo lực để giải tỏa, như đã và đang xảy ra rất thường xuyên trong các trận đấu bóng đá.

 

Thể thao có được trả lại đúng vị trí hay không vì vậy là chuyện thứ yếu so với việc mỗi người có giành lại được chỗ đứng trên mặt đất hay tiếp tục phập phù cùng quả bóng lúc căng lúc xịt.

 

Vai trò của thể thao chuyên nghiệp cũng là chuyện vặt vãnh nếu đem so với việc đáp ứng nhu cầu tập luyện thể chất của toàn dân và đảm bảo nhu cầu chơi đùa tự do, phát triển tự nhiên của trẻ em.

 

Nếu có thứ gì ảnh hưởng đến tồn vong của một dân tộc hay toàn xã hội, đó phải là những thứ nằm trong vế sau, không phải các huy chương thành tích của vế đầu.

 


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

 

---------------------------

Tài liệu tham khảo

 

1. Post, G. (2011, December 19). Kim Jong Il: 10 weird facts, propaganda. CBS News. https://www.cbsnews.com/media/kim-jong-il-10-weird-facts-propaganda/

 

2. Post, T. W. (2018, July 20). Kim Jong-un’s superpowers: North Korean leader can control weather, cure diseases and make unicorn discoveries. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/asia/east-asia/article/2123944/kim-jong-uns-superpowers-north-korean-leader-can-control-weather

 

3. Ryall, B. J. (2015, April 10). Julian Ryall. The Telegraph. https://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/asia/northkorea/11526831/Kim-Jong-un-was-child-prodigy-who-could-drive-at-age-of-three-claims-North-Korean-school-curriculum.html

 

4. Heaver, S. (2018, July 16). Chairman Mao’s historic swim – glorified in China but ridiculed by the rest of the world. South China Morning Post. https://www.scmp.com/magazines/post-magazine/long-reads/article/1999098/chairman-maos-historic-swim-glorified-china

 

5. Amenhotep II | Encyclopedia.com. (2021). Encyclopedia. https://www.encyclopedia.com/history/news-wires-white-papers-and-books/amenhotep-ii

 

6. Guttmann, A. (2021). sports | Definition, History, Examples, & Facts. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/sports/sports

 

7. O’Connor, S. (2017, September 6). The Secret Power of Play. Time. https://time.com/4928925/secret-power-play/

 

8. The power of play (2021). CBC. https://www.cbc.ca/natureofthings/episodes/the-power-of-play

 

9. Anderson, J. (2018, May 30). Child development: Kids that play more often are better prepared for employment. Quartz. https://qz.com/1217146/child-development-kids-that-play-more-often-are-better-prepared-for-employment/

 

10. Xem [6]

 

11. Douglas, K. M. (2021). deindividuation | Definition, Theories, & Facts. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/topic/deindividuation

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats