Saturday 5 June 2021

PHẢN BIỆN BÀI BÁO CỦA GS NGUYỄN PHÚ TRỌNG / PHẦN CUỐI (Nguyễn Đình Cống)

 



 

Phản biện bài báo của GS Nguyễn Phú Trọng (Phần cuối)

Nguyễn Đình Cống

05/06/2021

https://baotiengdan.com/2021/06/05/phan-bien-bai-bao-cua-gs-nguyen-phu-trong-phan-cuoi/

 

Tiếp theo  phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4

 

 

VI- Về Chủ nghĩa Mác-Lênin

 

Bài báo khẳng định, ĐCSVN kiên trì Chủ nghĩa Mác-Lênin (CNML) vì nó là học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động, vì tính khoa học và cách mạng triệt để của CNML, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững. Bài báo cũng bác bỏ việc một số người quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước XNCN Đông Âu là do sai lầm của CNML.

 

CNML được xem là học thuyết cách mạng của vô sản. Xin chưa thảo luận mức độ đúng sai của nó. Còn nó có phải là học thuyết khoa học không thì cần bàn. Hiện có khá đông người thực thi và ủng hộ CNML, nhưng số người phản đối, chống lại, đông gấp hàng chục, hàng trăm lần. Người phản đối khẳng định rằng, CNML cơ bản đã bị đánh đổ về phương diện khoa học, nhưng người ủng hộ cho rằng, nó vẫn đứng vững và phát triển. Tiếc rằng việc này ai nói gì thì bên ấy nghe, thôi thì cứ để cho thực tế và lịch sử phán xét.

 

Tôi chỉ xin góp một tiếng nói phân tích CNML về mặt khoa học.

 

Marx và Engels đã khảo sát nền sản xuất và xã hội của một số nước tư bản ở thế kỷ 19 rồi xây dựng nên học thuyết dựa trên một số tiên đề và phép biện chứng. Xin kể ra một số tiên đề, thực chất là các giả thiết nghiên cứu mà có khi có người còn nâng lên thành quy luật, là những luận cứ, được xem là những hòn đá tảng của Chủ nghĩa Mác. Đó là:

 

1- Vật chất có trước và quyết định ý thức.

2- Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội.

3- Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội loài người.

4- Tư bản bóc lột công nhân bằng “Giá trị thặng dư”.

5- Thống nhất giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất.

6- Nguyên nhân nghèo khổ của giai cấp vô sản là không có tư liệu sản xuất.

7- Giai cấp công nhân là đại diện cho nền sản xuất công nghiệp tiên tiến.

 

Đã có nhiều công trình nghiên cứu phản bác các tiên đề trên, chứng minh rằng chúng chỉ là những phán đoán giả dối (thuật ngữ của logic học). Tôi cũng đã viết một số bài về “Chất đất sét của đá tảng mác xít”. Khi mà các tiên đề bị bác bỏ, bị đánh đổ, nghĩa là phần luận cứ bị vô hiệu hóa vì giả dối thì toàn bộ học thuyết sụp đổ theo. Lúc đó phần luận chứng dù có hay đến đâu cũng trở thành ngụy biện và chủ nghĩa Mác đã sai ngay từ gốc.

 

Không biết GS Trọng đã biết gì hay hoàn toàn không biết về các phản bác ở trên. Nếu biết rồi thì chưa thấy GS phản biện trở lại bằng cách nào. Nếu chưa biết thì liệu GS có muốn biết không?

 

VII- Vài lời phân tích

 

Theo dõi những hoạt động của GS Trọng, có thể thấy rằng, ông có phần nhân bản tốt, là người tôn trọng đạo đức và truyền thống, yêu thiện, ghét ác. Ông có một tuổi thơ nhiều gian khổ, gia đình thuộc diện bần cố nông, lúc còn bé học hành chắp vá nhưng cậu thiếu niên Trọng đã vượt nhiều khó khăn để vươn lên, khi trưởng thành đạt trình độ giáo sư, tiến sĩ. Đọc Bài viết của GS, tôi phát hiện thấy một số lỗi như đã trình bày. Ngoài ra theo dõi nhiều bài phát biểu khác của ông, tôi tán thành với nhận định rằng, ông thuộc loại người bảo thủ.

 

Để lý giải hiện tượng Nguyễn Phú Trọng bảo thủ, không thể dùng những kiến thức và phương pháp của khoa học tâm lý thông thường, mà phải dùng đến những hiểu biết về siêu hình học, về Tiên thiên và Hậu thiên, về Ý thức và Tiềm thức cùng sức mạnh vô hình của nó, về Mạt na thức và A lại da thức (thuộc Nhận thức luận của Phật giáo), về cấu tạo và hoạt động của các tầng hào quang và luân xa, về hạt giống tinh thần.

 

Khoa học cho rằng, kiến thức chứa trong não là toàn bộ hiểu biết, sự suy nghĩ của não là cơ sở của mọi quyết định và hành động. Đó là ý thức. Nhưng không phải. Còn có tiềm thức quan trọng hơn nhiều. Hiểu một cách đơn giản tiềm thức là những thông tin thu nhận được từ Tiên thiên và Hậu thiên, bằng các giác quan và các tầng hào quang, được chứa trong A lại da thức (Tàng thức). Giữa ý thức và tiềm thức có liên hệ qua lại, đó là liên hệ tự động, bình thường não không biết được.

 

Tiềm thức chứa thông tin mà không suy nghĩ, không phân biệt đúng sai. Lúc ý thức cần đến các thông tin đó thì tiềm thức tự động cung cấp. Khi ý thức tiếp nhận thông tin từ tiềm thức rồi đem thi hành thì đó là bình thường. Khi ý thức phát hiện có gì đó không hợp lý thì xảy ra sự đấu tranh giữa hai luồng. Thường gọi là đấu tranh bản thân.

 

Không phải ai và lúc nào cũng xảy ra sự đấu tranh này. Những người mà từ tiên thiên có bán cầu não phải phát triển mạnh còn vùng phản biện ở bán cầu não trái phát triển yếu thì rất ít khi có được sự đấu tranh bản thân, nghĩa là tiềm thức mách bảo thế nào thì ý thức tiếp nhận như vậy, công nhận đó là chân lý không thể xê dịch.

 

Những thông tin thu nhận được từ thời trẻ con, được giữ trong tiềm thức, là vô cùng quan trọng. Tất cả những lời dạy bảo của cha mẹ và người lớn đều được cất giữ như là những chân lý, những đạo nghĩa vĩnh hằng (trừ một số ít trẻ có tiên thiên mạnh về phản biện). Tuyên truyền của các thể chế chính trị và tôn giáo đã triệt để lợi dụng tính chất này bằng cách nhồi sọ, tẩy não cho trẻ con từ rất bé và liên tục.

 

Cậu bé Nguyễn Phú Trọng là một trong hàng trăm triệu trẻ trên thế giới bị nhồi sọ như vậy về sự vĩ đại của lãnh tụ, về chân lý sáng ngời và bất diệt của Cộng sản với Mác Lê. Cậu có bán cầu não phải phát triển tốt, còn vùng phản biện ở bán cầu não trái có ít nơ ron, làm sự phát triển hơi bị chậm. Nguyên nhân một phần từ tiên thiên, phần khác, có ảnh hưởng rất lớn từ hậu thiên. Với sự chịu đựng gian khổ từ bé, hoàn cảnh gia đình bần cố nông, được ĐCS đem đến cho một ít quyền lợi vật chất mà phần tiên thiên về phản biện của Trọng hơi bị yếu, lại bị nhồi sọ của các loại tuyên truyền và giáo dục nhằm biến con người thành công cụ, thì việc bảo thủ và phạm sai lầm về luận lý là chuyện tất yếu.

Hơn nữa, vì bị nhồi sọ quá nhiều trong tuổi thơ mà khi lớn lên, có cương vị thì trở nên chỉ quen nghe những báo cáo đầy xu nịnh và thành tích dỏm của cấp dưới, không thể nào tiếp thu được những lời phản biện dù rất chân tình.

 

Khi nói những lời như: Đặt lợi ích dân tộc lên trên hết; Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay; chúng ta cần xây dựng xã hội như thế này, như thế kia v.v… thì hình như ông có một chút thực lòng nào đó. Ông nói thế vì quá tin vào những báo cáo của các cấp mà không biết kiểm chứng hoặc nghĩ rằng không cần kiểm chứng.

 

Có một số người cũng bị nhồi sọ từ bé, nhưng lớn lên họ đã thoát ra được nhờ có xuất thân và tiên thiên vững vàng, lại gặp thầy tốt, bạn tốt, hoàn cảnh tốt. Ông Trọng thì tiên thiên có một chút yếu nào đó, lại không gặp được những người khai mở sự vô minh, mà chỉ gặp điều kiện tốt, chịu ơn của cách mạng và tiến thân theo con đường XHCN

 

Ông Trọng tuy có đội ngũ trợ lý đầy năng lực, đã nghĩ ra và giúp ông thực hiện những mưu lược để trừng phạt một số kẻ tham nhũng và loại bỏ đối thủ, nhưng tiếc thay, trong số họ, không có ai xứng đáng là quân sư với những lời khuyên can, không có bạn với phẩm chất trung thực, cao thượng.

 

Qua câu chuyện của GSTS Nguyễn Phú Trọng, nhiều người nên và có thể rút ra được bài học cần thiết.

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats