Nhận
diện “Cột đá thiêng A Lưới”: một bảo tháp Phật giáo Champa thế kỉ 9-10
11 Tháng Sáu, 2021
http://vanviet.info/nghe-thuat/nhan-dien-cot-d-thing-a-luoi-mot-bao-thp-phat-gio-champa-the-ki-9-10/
Vài năm nay, trên báo có lan truyền về “Cột
đá thiêng của đồng bào Cơ Tu” còn gọi là “cột đá A Zoi” hiện đặt ở đầu nguồn
sông Bồ, thuộc xã Hồng Hạ, huyện A Lưới”, tỉnh Thừa Thiên – Huế, liên quan tới
các truyền thuyết và thậm chí có huyền thoại của dân Cơ Tu về một người đàn ông
tên A Zoi đã tạc ra nó. Trên thực tế, cột đá này được dân chài ở xã Hương Trà
khi đánh cá đã phát hiện dưới sông và vớt lên bờ, niên đại của nó phải tính
cách đây cả ngàn năm. Hiện cột đá nằm ở gần ngã tư sông, vốn từ xưa là vùng
giao lộ buôn bán giữa hai miền ngược xuôi. Và do nằm ở tuyến du lịch sinh thái
từ Huế tới A Lưới, nhờ vậy nó trở thành một điểm “du lịch tâm linh” của một số
du khách hiếu kì của tỉnh Thừa Thiên, mà cả dân địa phương lẫn du khách vẫn thắp
hương khấn vái và đặt tay lên cột đá để cầu điều may mắn và an lành.
Trước tiên có thể thấy đây là một trụ đá mà chất
liệu hẳn là bằng sa thạch, cao khoảng 1.5 m; nếu tính luôn cả phần chân móng
khoảng 0.5m thì tổng cộng chiều cao khoảng 2m, và phần chóp bị khuyết một phần
có lẽ là đỉnh tháp có trang trí chi tiết. Thoạt nhìn ta có cảm giác là hình trụ
tròn, nhưng đúng ra là một trụ vuông với phù điêu thể hiện giống nhau ở cả bốn
mặt, hình tượng nổi bật là một trụ biểu tròn kiểu hình tháp cao với nhiều tuyến
ngang chồng lên, đường nét chạm khắc khá chính xác và tinh xảo, trên có một số
hoạ tiết nhưng đã hơi bị mờ vì xói mòn (rất tiếc không có hình chụp cận hoạ tiết).
Hiện vật này cho tới nay chưa thấy nhà nghiên cứu văn hoá Champa nào chú ý hoặc
đề cập tới. Dưới đây thử đưa ra vài nhận xét được quan sát qua hình chụp (tìm
thấy trên mạng) về “cột đá thiêng” này, đồng thời sẽ được dẫn chứng bằng một số
hình ảnh.
Thoạt đầu hơi khó nhận dạng vì nó giống trụ biểu
hoặc cột đền, nhưng nếu xem xét kĩ hình tượng phù điêu trên cột đá này và so
sánh với một biểu tượng quan trọng bậc nhất trong kiến trúc Phật giáo là stupa hay
bảo tháp thì ta sẽ nhận ra mọi điểm tương đồng chung về cấu trúc, hình dạng và
các thành phần mang ý nghĩa biểu tượng đều nằm trên cột đá này (cụ thể so với
phong cách của các bảo tháp cổ và ngày nay ở khu vực Đông Nam Á, như Miến, Thái,
Campuchia hoặc ngay cả Tây Tạng). Như vậy, “cột đá thiêng A Lưới” được xác định
là một loại bảo tháp của Champa có kích thước nhỏ như tháp thờ cúng (votive
stupa), niên đại nằm trong khoảng thế kỉ 9-10, thời điểm Phật giáo Kim
Cương Thừa hưng thịnh ở miền trung, đặc biệt tại hai khu vực Đồng Dương
(Indrapura) ở Quảng Nam và Đại Hữu ở Quảng Bình. Ngoài những pho tượng, đài thờ,
và phù điêu đã tìm thấy ở miền trung vào thời kì này, thì có lẽ đây là hiện vật
duy nhất và khiêm tốn còn sót lại về bảo tháp của Phật giáo Champa, và tiếc
thay cho phế tích kiến trúc những stupa/bảo tháp của Phật viện Đồng Dương mà
Parmentier khai quật vào năm 1902 giờ đây không còn lại gì.
Hình ảnh dẫn chứng ở trên gồm 5 stupa/bảo
tháp, trong đó đặt cột đá A Lưới cạnh những mô hình stupa cổ từ thế kỉ 2-10. Đặc
biệt cột đá thứ ba là một stupa nhỏ bằng đá tìm thấy ở Brunei (khoảng thế kỉ 9)
đặc điểm cũng có bốn mặt rất giống với stupa A Lưới; và hình cuối là stupa của
Phật viện Đồng Dương (trong bản vẽ tái cấu trúc của Parmentier khi khai quật
vào năm 1902), so với bảo tháp A Lưới cũng có một số tương đồng, chẳng hạn phần
thứ ba có hình tháp nhọn gồm rất nhiều vòng tròn bhumi chồng
lên nhau (tượng trưng cho các giai đoạn phát triển tâm linh) đếm được cả hai đều
có 18 vòng, điều này khiến cho kiểu stupa Champa có một đặc điểm và chiều cao đặc
biệt.
Một số bảo tháp lớn và nhỏ trong cụm tháp thờ phía
Tây của Phật viện Đồng Dương (ảnh chụp của Charles Carpeaux, 1902)
Hai bản vẽ hiện trạng khảo cổ và bản vẽ tái cấu
trúc Phật viện Đồng Dương (mặt trước của cụm tháp phía tây) của Parmentier. Ta
thấy có hai stupa lớn ở hai bên tháp thờ trung tâm của Phật viện và những stupa
nhỏ xung quanh.
Đáng chú ý, trong bản vẽ phục dựng đài thờ
Vihara Đồng Dương, Parmentier hình dung cho ta thấy trên bệ thứ hai, chính giữa
có đặt một bảo tháp nhỏ cũng là đối tượng thờ trung tâm, có thể xem là vị trí
tương ứng với bảo tháp A Lưới (bốn mặt) nếu được đặt hay cắm lên đó (tương tự
như một trụ linga cắm vào bệ yoni), như ta thấy nó có phần chân móng cao ít nhất
0.5m.
Bản vẽ mặt bằng đền thờ chính của vihara Đồng Dương
thể hiện đồ hình mạn-đà-la (bản vẽ của Henri Parmentier)
Đền Sewu ở Java xây vào tk. 8 và đền Bayon ở
Cambodia xây vào cuối tk. 12, là một trong những ví dụ về mô hình kiến trúc bảo
tháp và mạn-đà-la đặc trưng cho Phật giáo Kim Cương Thừa ở Đông Nam Á.
Nhân tiện, tạm giải thích cho lí do “cột đá
thiêng A Lưới” nằm ở địa điểm A Lưới cả ngàn năm và đã được ngư dân vớt dưới
sông lên. Có thể thấy đây là vùng từ xưa là giao điểm hay vùng tam giác trao đổi
giữa Gia Lai – Huế – Quảng Nam bằng đường sông lẫn đường bộ qua lại dễ dàng.
Như ta biết, các loại đá sa thạch hay cát kết có nguồn gốc ở vùng núi Duy xuyên
(Quảng Nam) vì vậy cột đá stupa này thiết kế để đặt vào một bệ thờ, khả năng được
chế tác ở Indrapura hay Đồng Dương, sau đó được chuyên chở chủ yếu bằng đường
sông từ Thu Bồn để từ đó mang tới một Phật viện có thể ở Quảng Bình (hoặc Quảng
Trị), không may ở những ngã tư sông nơi thuyền bè dễ gây tai nạn, đã khiến cột
đá bị rơi xuống sông tại địa điểm này.
Phần phụ lục dưới đây là những khái quát về kiến
trúc stupa. Stupa tượng trưng cho Pháp Thân của Phật hay Tam
Thân (là ba cấp của kinh nghiệm giác ngộ). Sau khi Đức Phật nhập diệt, tro cốt
hay xá lợi ngài được cất trong những mộ hình gò (gò hay ụ, nghĩa gốc của chữ stupa trong
tiếng Phạn; về từ nguyên của tháp trong âm Hán là tā hay
âm Việt là tháp đều gốc từ thupa trong tiếng
Pali).
Phong cách stupa đầu tiên, có thể tính từ đại
bảo tháp Sanchi (có cấu trúc hình vòm) do vua Ashoka triều Maurya xây vào thế kỉ
3 TCN để cất giữ xá lợi Phật. Trong lịch sử tiến hoá về phong cách của stupa ở Ấn
Độ đã trải qua các thời kì từ Maurya, Bharut, Bodh Gaya, Mathura, Amaravati… Ở
Gandhara vào triều đại Kushan cũng là thời kì nghệ thuật Phật giáo ảnh hưởng Hi
Lạp, có tháp Loriyan Tangai vào thế kỉ 2 CN có thể xem là đã định hình cho các
phong cách stupa về sau. Với cấu trúc mang những yếu tố tượng
trưng này từ đó du nhập khắp thế giới Phật Giáo: sang Trung Á, Tây Tạng, Trung
Quốc và các nước Đông Á khác, và theo đường biển tới các nước Đông Nam Á, và tuỳ
mỗi vùng theo điều kiện văn hoá hay mỗi thời đại đã phát triển phong cách
riêng, nhưng căn bản không ra ngoài các nguyên tắc tượng trưng của một stupa.
Tuy nhiên mô hình phong cách stupa có thể phân biệt theo hai hướng Bắc truyền
và Nam truyền. Nam truyền trực tiếp từ Ấn Độ theo đường biển tới Đông Nam Á,
còn bảo lưu nhiều yếu tố của phong cách stupa cổ của Ấn Độ, còn Bắc truyền theo
đường Tơ Lụa sang tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam thì dần tiến hoá
thành kiến trúc tháp chùa (pagoda) nhiều tầng. Vào cuối thế kỉ thứ 8, vương triều
Sailendra đã bắt đầu xây ở trung tâm Java một đại
bảo tháp Borobudur có kiến trúc quy mô của một hệ thống thể hiện vũ trụ
của Pháp giới, trở thành kì quan bảo tháp vĩ đại nhất trong thế giới Phật giáo.
Phật viện Đồng Dương của vương triều Indrapura xây sau đó một thế kỉ, cũng
trong thời mà Phật giáo Kim Cương Thừa (Vajrayana) hưng thịnh ở Đông Nam Á gồm
cả Champa, hoặc ngay cả Việt Nam vào thời nhà Đinh được chứng minh bằng nhiều cột
kinh Dharani của Đinh Liễn. Như vậy, kiến trúc stupa là một biểu tượng
quan trọng không thể thiếu của Phật giáo Kim Cương Thừa còn bảo lưu năm yếu tố
biểu tượng ban đầu của Ấn Độ và được đưa vào kiến trúc bảo tháp trong thời kì
Kim Cang Thừa phát triển vào những thế kỉ 6 – 9 ở Đông Nam Á mà tới nay còn giữ
nguyên hình dạng cho dù từ thế kỉ 14 thì Phật giáo Theravada đã chiếm ưu thế ở
khu vực này.
Mô hình một stupa, biểu trưng cho thể tướng
Tam Thân Phật: Pháp Thân, Báo Thân và Hoá Thân. Năm thành phần tương ứng với
năm nguyên tố hoặc đủ năm phần của Pháp Thân: Giới, Định Huệ, Giải thoát, Giải
thoát tri kiến:
1. Cấu trúc bệ hình vuông (Đất); gồm ba bậc:
Tam bảo; và bốn bậc: Tứ vô lượng tâm.
2. Cấu trúc tròn (Nước); 7 yếu tố giác ngộ.
3. Cấu trúc hình tam giác hay hình nón (Lửa);
(gồm những vòng tròn chồng lên nhau thể hiện các giai đoạn phát triển tâm linh
của một Bồ Tát.
4) Mặt trăng (Không khí) biểu tượng Từ bi.
5) Mặt trời và Viên Ngọc (Không gian) biểu tượng
Trí tuệ và Giác ngộ.
-------------
Tham khảo:
Delobel, S. et al. (2005). Missions archéologiques françaises au Vietnam: Les monuments du Champa: Photographies et itinéraires 1902-1904. Paris: Les Indes savantes.
Parmentier, H. (1909). Inventaire
Descriptif des Monuments Cams de L’Annam: Tome II: Planches, EFEO. Paris:
Leroux.
Parmentier, H. (1918). Inventaire Descriptif des Monuments Cams de L’Annam: Tome III: Étude de L’Art Cam, EFEO. Paris: Leroux.
No comments:
Post a Comment