Wednesday, 9 June 2021

KHÔNG PHẢI CHUYỆN ĐÙA   (Thái Hạo)

 



KHÔNG PHẢI CHUYỆN ĐÙA   

Thái Hạo  (Luong Tu Tuan)

00:07  O9/06/2021   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1008858516590003&id=100023975920044

 

Một đề thi, chưa nói đến chuyện hay dở sâu cạn nhưng dứt khoát phải đúng về mặt kỹ thuật và kiến thức. Câu 1 của phần Làm Văn trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh Bình Phước đã mắc những cái sai không thể chấp nhận.

 

Đề yêu cầu viết “BÀI VĂN NGẮN (khoảng 200 từ)”. Cái sai thứ nhất là không tuân thủ quy định của Sở GD về cấu trúc đề thi: viết ĐOẠN văn chứ không phải BÀI văn. Nghĩa là học và ôn một đằng nhưng thi một nẻo. Vì trước đó học sinh đã nắm quy định này, và vì thế mà tập trung cao độ vào việc “luyện” viết đoạn văn sao cho thuần thục. Bất ngờ, đi thi thì đề yêu cầu viết bài văn!

 

Cái sai thứ 2 là làm sao lại có bài văn mà chỉ có 200 từ! Mỗi dòng của tờ giấy thi viết được trung bình từ 15-20 chữ, nghĩa là 200 “từ” cũng chỉ khoảng mười dòng. Một Bài văn thì phải có mở bài, thân bài, kết luận; vậy chia ra thì mỗi phần như thế chỉ có khoảng 3 dòng! Đây có thể là “mẫu” bài văn kỳ dị nhất thế giới. Nó vừa phi lý vừa đánh đố học sinh, gây hoang mang và khiến thí sinh lâm vào bế tắc khi triển khai bài viết.

 

Cái sai thứ 3 là, từ công văn đến các mẫu đề thi mấy năm gần đây đều yêu cầu “khoảng 200 CHỮ” chứ không phải 200 TỪ. “Từ” là một đơn vị ngôn ngữ “mơ hồ” trong tiếng Việt. Rất khó để xác định biên giới của nó, chính vì thế mà người ta mới dùng “chữ” thay cho “từ” trong yêu cầu của đề thi. Ấy vậy mà người ra đề vẫn thản nhiên ghi “từ” để một lần nữa làm khó thí sinh.

 

Sự cẩu thả như thế này là không thể biện minh, nó chứng tỏ sự thiếu trách nhiệm và hạn chế về năng lực của người ra đề. Trong khi, thông thường, để ra một đề thi sẽ có 3 người (là chuyên viên và giáo viên cốt cán của tỉnh ấy) phụ trách các khâu xây dựng, phản biện, rà soát vv, ấy vậy mà vẫn để mắc những lỗi sơ đẳng như vậy thì thật không thể hiểu nổi.

 

Ai sẽ chịu trách nhiệm về kết quả của thi sinh khi mà đậu rớt có thể chỉ cách biệt 0.25 điểm? Và khi chấm bài thì hội đồng chấm sẽ dựa vào đâu để cho điểm với một cái đề mắc những lỗi sai nghiêm trọng như thế?

 

Cần xử lý trách nhiệm của các bên liên quan khi ra một cái đề sai như thế. Và quan trọng, phải có hướng khắc phục hậu quả trong phương án chấm thi để tránh việc kẻ gây hoạ thì vô sự mà ngàn đứa trẻ phải gánh chịu thiệt thòi bất công.

Thái Hạo

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=1008841836591671&set=a.120477825428081

Đề thi tuyển sinh Lớp 10, môn Ngữ Văn, tỉnh Bình Phước

 

79 BÌNH LUẬN   

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats