https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/4766366173377588
Những cách hiểu nông cạn, dù đó có là giáo sư
tuổi thất thập, thì mới tin một câu ngạn ngữ hay một lời phán của nhà văn là
luôn luôn đúng. Trong các tranh luận về đề thi của Trường chuyên Lê Quý Đôn,
Khánh Hoà, tôi không cần tranh luận với đám đồ tể đòi luộc nước sôi trẻ em, vì
đã thô thiển thì có bào chữa cách gì, nghĩa đen hay bóng, đều thô thiển, phản
nhân văn. Tôi chỉ tranh luận với các đấng bậc chê đề thi nhưng cách chê cũng rất
có vấn đề. Đa số chê người ra đề thô thiển ở câu lệnh, rằng "nếu em phải ở
trong nước sôi", trong khi vẫn bào chữa cho câu ngạn ngữ mà cái ông nhà
văn có tên Lu-Mannup dẫn ra và bình vớ vẩn là đúng, hay. Xem ra bệnh của trí thức
Việt cả tin vào chủ nghĩa kinh nghiệm của dân gian, thần thánh hoá mấy ông nhà
văn là thứ bệnh khó chữa.
Ngạn ngữ là một lối nói lửng lơ, thường đúc kết
một kinh nghiệm sống. Nó đã lửng lơ thì hiểu cách nào cũng được theo phép loại
suy. Mà đã loại suy, tức suy diễn theo phép tương đồng, thì càng dễ tuỳ tiện và
sai lạc. Chẳng hạn lấy đồ vật, con vật suy ra con người thì bao giờ cũng khập
khiễng và áp đặt. Cá không ăn muối cá ươn là chuyện của cá, một em bé buộc phải
nghe lời ông bố bà mẹ cổ hũ, thậm chí sống bê tha, hư đốn có khi còn tệ hại hơn
cá ươn, chứ không phải ngược lại, vâng lời bố mẹ là tốt hơn...
Câu ngạn ngữ "Nước sôi làm mềm khoai tây,
nhưng lại làm cứng trứng" rất lửng lơ và đa nghĩa. Về nghĩa đen, nó chỉ
nói lên một hiện tượng vật lý. Vì không có vế loại suy như tục ngữ, cho nên người
sử dụng rất dễ dùng phép loại suy để tìm ra nghĩa bóng tuỳ tiện tuỳ theo trải
nghiệm cá nhân. Nếu nước sôi là một hoàn cảnh hay môi trường bất biến, thì con
người có là khoai tây hay trứng đều bị luộc chín. Điều đó có nghĩa là con người
luôn trở thành nạn nhân của hoàn cảnh, bất lực trước hoàn cảnh, dù có bản lĩnh
đến đâu. Xem ra cái ông nhà văn Lu-Mannup đã xỏ mũi nhiều trí thức Việt khi nói
rằng: "Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng, bản lĩnh nội tại của bạn tới
đâu". Đó là suy diễn nông cạn và tuỳ tiện. Bởi có là nghĩa bóng cũng phải
dựa trên nền nghĩa đen. Khoai tây khi đã mềm thì không còn là khoai tây. Trứng
khi đã cứng thì không còn là trứng. Đã như vậy thì "bản lĩnh nội tại"
nằm ở đâu khi cả hai, trứng hay khoai tây, đều không còn là chính nó, từ sự sống
biến dạng thành cái chết và thành miếng mồi cho kẻ tạo ra hoàn cảnh nước sôi? Trải
nghiệm theo ông nhà văn này là trải nghiệm của trẻ vị thành niên hoang tưởng
làm bố đời, nếu không nói là cố tình bịp bợm!
Nên nhớ có hai loại hoàn cảnh: 1) hoàn cảnh tự
nhiên, 2) hoàn cảnh nhân tạo. Hoàn cảnh loại nào đòi hỏi con người có bản lĩnh
chứ không phải lúc nào con người cũng có bản lĩnh đối mặt với hoàn cảnh. Bản
lĩnh đối mặt với hoàn cảnh không đồng nghĩa với phụ thuộc hoàn cảnh. Và từ đó
cũng nên phân biệt hoàn cảnh nào có lỗi và hoàn cảnh nào không có lỗi.
Hoàn cảnh tự nhiên buộc con người phải điều tiết
và thuận theo tự nhiên mà tồn tại. Có bản lĩnh kiểu gì thì con người cũng chỉ
chống đỡ được phần nào. Điều này thì trải nghiệm tôn giáo đúng. Con người gieo
rắc tội ác bằng cách làm trái luật trời, bị trời hay tự nhiên trừng phạt, đại hồng
thuỷ hay dịch bệnh chẳng hạn, là tất yếu, bất khả kháng. Con tàu Noah trong huyền
thoại không phải là bản lĩnh nội tại của gia đình Noah mà do sự mách bảo của
Chúa, tức cũng do hoàn cảnh sai khiến! Tất nhiên, trường hợp này hoàn cảnh
không có lỗi, vì đó là hoàn cảnh tất yếu khách quan mà con người phải phụ thuộc.
Ở hoàn cảnh tự nhiên, có là khoai tây hay trứng đều như nhau chứ không phải cứng
thì là có bản lĩnh, còn mềm thì là nhu nhược.
Loại hoàn cảnh nhân tạo, tức do con người làm
ra, còn gọi là hoàn cảnh xã hội, không bao giờ là cái tất yếu khách quan mà lỗi
do chủ thể người. Chẳng hạn, tôi có quyền lực, tôi tạo ra một quan hệ xã hội bất
công và tôi bảo "hoàn cảnh chẳng có lỗi" là một nguỵ biện trơ tráo, bịp
bợm. Điều này cũng chính tôn giáo (tất nhiên là tôn giáo chính thống, tức bị
chính trị hoá) và xã hội kỳ thị đẳng cấp đã từng ru ngủ con người. Rằng hoàn cảnh
bất công ấy không có lỗi, lỗi là những kẻ ở đẳng cấp thấp hèn không biết lựa chọn
làm trứng mà lại làm khoai tây. Nói vậy thì những kẻ cậy quyền cậy thế tham
nhũng, cướp nhà cướp đất, đẩy người dân vào cùng cực cũng nói được, rằng
"hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng là bản lĩnh nội tại của bạn tới
đâu"? Trong trường hợp này mà đòi một "bản lĩnh nội tại" là khả
năng chịu đựng như khoai tây hay trứng là một thứ bản lĩnh ngu xuẩn. Chẳng khác
sự mỉa mai ở câu ngạn ngữ khác: "heo chết không còn sợ nước sôi!"
Có thành ngữ "nước sôi lửa bỏng" hàm
ý nói thử thách. Nhưng thành ngữ này không mang nghĩa một cá nhân rơi vào hoàn
cảnh ấy sẽ trở thành miếng mồi cho hoàn cảnh. Hoàn cảnh nhân tạo thì bản lĩnh nội
tại của con người là đấu tranh quyết liệt để chống hoàn cảnh. Vượt qua thử
thách khác với bị nấu chín trong thử thách. Cá nhân có bản lĩnh phải hạ nhiệt
nước sôi và dập tắt lửa bỏng, tức cải tạo hoàn cảnh, chống lại kẻ đã gây ra
hoàn cảnh ấy chứ không ngu dại nhảy vào để bị luộc hay bị thiêu như quả trứng
hay khoai tây!
Tóm lại là đề sai từ gốc ở cách hiểu thô thiển
của anh nhà văn có tên Lu, rằng "hoàn cảnh chẳng có lỗi", chứ không
chỉ là cách diễn đạt thô thiển của người ra đề.
Xem ra, chủ nghĩa Marx đã bị biến thái hay đã
bị sụp đổ thảm hại bởi chính các nhà giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa
chứ không phải do thế lực thù địch nào cả. Bởi có ông Marx, Engels, Lenine, hay
Mao, hay Hồ Chí Minh nào dạy trẻ em phải làm quả trứng hay củ khoai tây chín
trong cái thứ hoàn cảnh nước sôi mà những kẻ có quyền lực đã tạo ra?
Tin vào cái ông nhà văn Lu-Mannup nào đó vừa
duy tâm mù quáng vừa duy ý chí ngu xuẩn, chứng tỏ không ít trí thức Việt có tầm
nhìn không vượt qua đôi đũa tre nhưng lại tỏ ra hiểu biết đến tận chân trời! Nếu
không phải mù quáng hay ngu xuẩn thì là một sự bịp bợm không thể chối cãi!
Chu Mộng Long
https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/4766366173377588
Đề thi ngữ văn
No comments:
Post a Comment