Friday, 11 June 2021

AI THIẾU KIẾN THỨC? GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG HAY GIÁO SƯ ĐẠI HỌC? (Chu Mộng Long)

 



AI THIẾU KIẾN THỨC? GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG HAY GIÁO SƯ ĐẠI HỌC?

Chu Mộng Long

22:08  10/06/2021    

https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/4774252189255653

 

Tôi định không động chạm đến các thánh giáo sư nữa, vì sau vụ phê bình sách Cánh diều, các thánh đã bịt tai khi đồng loạt khoá trang của tôi. Vả lại, tôi không đọc được các thánh phán gì thì tôi cũng không thể đối thoại. Thánh thì chỉ biết cái quyền "tao được nói, còn mày thì không"!

 

Nay đọc trên trang nhà giáo Thái Hạo mới ngứa mồm lên tiếng đối thoại với các thánh lần nữa. Các thánh không nghe thì nói cho dân nghe!

 

PGS. Đỗ Ngọc Thống không phải lần đầu phàn nàn giáo viên "không có kiến thức nền", dân gian bộc trực gọi là "dốt". GS. Trần Đình Sử hưởng ứng và thanh minh, rằng "Cái chính là chương trình giáo dục đại học của ta hỏng". Và giáo sư kể lể, rằng hỏng từ thời kháng chiến cho đến bây giờ, do cơm ăn áo mặc, do giáo dục thành công cụ, và do mỗi cá nhân chỉ tham gia vào chuyên môn của mình, phần tổng thể do các tướng giáo dục học nắm giữ.

 

Tôi hoàn toàn đồng ý với các thánh. Nhưng phải nói thêm, cái sự hỏng như vậy là hỏng từ trên xuống dưới mới đúng. Giáo viên phổ thông hỏng là do giáo sư đại học hỏng chứ không thể nói cắt ngang, rằng chỉ có giáo viên phổ thông hỏng, còn giáo sư đại học thì không! Giáo sư đại học ắt trong đó có các thánh và những người do các thánh đào tạo ra, các thánh bỏ phiếu học hàm học vị cho cả loạt rồi hỉ hả ngồi cùng mâm trên.

 

Xin thưa các thánh. Một học trò do tôi đào tạo và cho ra trường, nó giỏi thì tôi tự hào, nó hỏng thì tôi xấu hổ đến không dám vác mặt đi đâu. Tôi chưa bao giờ dám nói đứa học trò của tôi "dốt" khi chính tay tôi cho điểm và cho nó ra trường làm thầy thiên hạ.

 

Tôi cũng chia sẻ với các thánh, rằng khi làm chương trình, ở nước ta, mạnh ai nấy làm theo phần chuyên môn được giao, còn tổng thể là do các tướng giáo dục học. Tôi từng tham gia dự án rồi, tôi biết rõ điều đó. Hậu quả là kẻ làm tổng công trình sư thì không biết gì về từng bộ phận chuyên ngành, ngược lại kẻ làm chuyên ngành thì không biết gì về tổng thể của chương trình. Nói cụ thể là, ông tướng giáo dục học thì không có kiến thức chuyên ngành, ngược lại, quân chuyên ngành thì không có kiến thức về giáo dục học. Và hậu quả tiếp theo là chương trình trở thành một phép cộng máy móc với dung lượng khổng lồ, quá tải so với cái não nhỏ bé, non nớt của trẻ em. Điều này thuộc lỗi của chương trình giáo dục đại học hay lỗi của chương trình giáo dục phổ thông?

 

Xin thưa các thánh. Một giáo sư trong ngành sư phạm mà không có kiến thức tối thiểu về giáo dục học, lại tham gia biên soạn chương trình và sách giáo khoa thì là một sự khiếm khuyết không thể chấp nhận được! Tôi, gần 30 năm trong nghề, chỉ được đào tạo kiến thức giáo dục học Liên Xô cũ, vì hiểu được sự khiếm khuyết đó, cho nên miệt mài đọc sách giáo dục hiện đại khi thấy có chủ trương đổi mới. Không cập nhật kiến thức giáo dục học mới mà đứng ra làm chương trình, làm sách đổi mới thì khác nào anh mù cầm gậy dắt cả một thế hệ đi theo?

 

Giáo sư đại học đã khiếm khuyết như vậy thì sao có thể trách giáo viên phổ thông khiếm khuyết? Và đã như vậy thì tại sao từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học vẫn khư khư giữ cái triết lý "giáo dục toàn diện"? Triết lý này do ai tạo ra mà lại tự thú nhận các giáo sư của ta đều không toàn diện?

 

Bây giờ thì tôi dành phần riêng về chuyên môn ngữ văn, mặc dù các chuyên môn khác cũng ở tình trạng tương tự.

 

Đừng đổ lỗi văn trước đây là "công cụ và công cụ" chứ không có tính người hay nhân văn. Thời tôi và các thánh đúng là học văn để phục vụ chính trị, học cả những tác phẩm dở như "Anh chủ nhiệm", "Dọn về làng"... Thơ mới, văn chương Tự lực văn đoàn, thậm chí đến Tây tiến của Quang Dũng cũng bị loại ra ngoài và quy cho là đồi truỵ, phản động. Nhưng tôi không cho rằng, những tác phẩm gọi là chính trị thời đó thiếu tính người. Tính người thời đó là "con người mới xã hội chủ nghĩa" đấy! Con người mới xã hội chủ nghĩa có gì là xấu? Xấu thì sao cả thời đại đó ai cũng hăng say và nhiệt huyết rồi mới thất vọng? Thời đó, ông thầy cũng chỉ biết say sưa thuyết giảng chứ chẳng có phương pháp hiện đại nào. Nhưng điều gì đã làm cho nhiều học trò thời đó biết làm văn và giỏi văn? Đơn giản là thời đó không chỉ thiếu sách mà tuyệt đối không có văn mẫu. Đề thi văn lại không ra trong những điều thầy đã dạy ở sách giáo khoa mà nằm ngoài những gì được học. Đó là một khoảng trống mênh mông cho sự say mê tìm tòi và sáng tạo.

 

Trong khi, từ ngày các thánh làm cải cách đến nay, mặc dù nhấn mạnh đến tính nhân văn nhưng lại phản nhân văn hơn bao giờ hết. Tôi không phủ nhận cải cách, từ nội dung đa dạng đến phương pháp hiện đại, từ không chỉ học văn mà phải học ngôn ngữ, từ không chỉ học văn học cách mạng, mà phải học đến cả Thơ mới, Tự lực văn đoàn và các tư tưởng nhân văn hiện đại, từ giảng văn truyền thống đến đọc hiểu văn bản, từ làm bài nghị luận văn học đến làm bài nghị luận xã hội. Nhưng chính các thánh không hề hiểu điều mình làm đối với trẻ em, thậm chí với thầy cô phổ thông. Quan trọng là các thánh không xác định nổi mục tiêu và đối tượng dạy học, từ đó sai một ly sẽ lạc hướng cả vạn dặm và đưa giáo dục xuống vực thẳm. Trẻ em phổ thông học ngữ văn để sử dụng cho đời sống hiện tại và tương lai của nó hay để thành nhà nghiên cứu như các giáo sư? Vì sao trẻ em phải học đủ loại ngữ âm, từ vựng, phong cách, ngữ pháp cấu trúc, ngữ pháp chức năng, ngữ dụng học như một nhà ngôn ngữ học chuyên nghiệp? Vì sao trẻ em phải học âm luật, tu từ, nhận diện đủ các loại thể thơ và phải hiểu nghĩa của văn bản như một nhà nghiên cứu văn học? Không làm được thì làm theo mẫu các thánh đã làm sẵn và bán ra, đúng không? Vì sao nói "đọc hiểu văn bản" là lấy người đọc làm trung tâm hay chủ thể mà học sinh phải trả lời từng câu hỏi vụn vặt, máy móc và phải trả lời đúng đáp án hay bài mẫu do các thánh làm ra và bán cho? "Đọc hiểu văn bản" kiểu gì mà toàn hỏi: Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ kể về chuyện gì? Bài thơ thuộc thể thơ gì? Chỉ ra các biện pháp tu từ trong bài thơ? Em hiểu thế nào về câu thơ sau...? Chỉ ra cái hay cái đẹp của tác phẩm? Thầy cô giáo thì đối phó theo sách hướng dẫn đến chi li như cầm tay chỉ việc, hoặc dạy theo mẫu giáo án có sẵn, đến mức giới thiệu vào bài cũng phải thuộc mẫu. Học sinh thì 50 em đều phải chuẩn bị bài và hoạt động như là rất hiện đại, nhưng không được nói khác theo trải nghiệm và hiểu biết cá nhân, không được tương tác đa chiều với nhau, chỉ biết ăn theo nói leo một giọng; không được quyền đối thoại với thầy cô, với bạn bè qua đối thoại với nhà văn, đối thoại với nhân vật để làm sáng tỏ vấn đề. Tất cả, từ nhà văn đến thầy đều là thánh và trẻ em chỉ biết học tập và làm theo các thánh để sau này trở thành người dối trá là nhân văn, là tính người ư? Rốt cuộc ai là chủ thể trong dạy và học văn mà các thánh đã bày ra? Và rốt cuộc, kết quả là học sinh khi đã qua trình độ phổ thông có thể diễn giải một vấn đề cuộc sống cho ra hồn chưa hay viết đâu sai đó, sai từ từ ngữ đến câu và đến văn bản?

 

Đối thoại, tương tác về một vấn đề có vấn đề, ngay cả trong sách của đại văn hào, từ đó phát huy kỹ năng diễn giải, tranh luận về các vấn đề của cuộc sống mới gây hứng thú chứ trả lời như tội phạm bị hỏi cung theo bản cung dựng sẵn thì hứng thú gì mà trách người học? Điều kỳ lạ là, học văn hiện nay cho phép học sinh không cần thuộc thơ, nhớ chi tiết trong văn xuôi, mà lại phải học thuộc văn mẫu của các thánh. Cái nguy hiểm chết người là chỗ đó, vì văn mẫu chính là cái án tù tử hình của trẻ.

 

Nói gọn là các thánh không phân biệt kiến thức hàn lâm ở đại học với kiến thức thực tế ở phổ thông nên nhồi đến loạn não trẻ, kể cả loạn não các thầy cô phổ thông. Các thánh cũng không hiểu tiềm năng thực tại của trẻ (gồm tiềm năng sinh học của lứa tuổi và môi trường văn hoá xã hội mà trẻ đã hấp thu và đang có) để làm một chương trình đám bảo tính vừa sức và đánh thức được tiềm năng của trẻ, kể cả bất chấp nỗi đau của trẻ và nỗi đau của thầy cô nên đã cải cách một cách áp đặt, duy ý chí.

 

Đã bao giờ các thánh nói cho giáo viên phổ thông biết "Đọc hiểu văn bản" đúng nghĩa là gì chưa, hay vẫn để họ làm anh mù cầm gậy như chính các giáo sư làm chương trình và sách?

 

Tôi hiểu PGS. Đỗ Ngọc Thống, GS. Trần Đình Sử muốn nói, rằng muốn hiểu và dạy văn phải có nền kiến thức là triết học, lịch sử, văn hoá, tâm lý, ngôn ngữ, thậm chí dân tộc học, nhân chủng học. Đúng thế. Ngày xưa tôi chỉ biết học văn là văn, tán văn cho kêu, còn biết những thứ trên thuộc chuyên ngành của người khác. Nhưng từ khi đọc sách của nhân loại văn minh mới vỡ nhẽ, văn không tồn tại độc lập mà có tính liên ngành, liên văn bản, đặc biệt quan hệ máu thịt với đời sống con người. Vậy là phải mất nhiều năm mày mò, tự học cho vững cái nền mới hiểu sâu các văn bản nghệ thuật và từ đó hiểu cuộc đời, mới có khả năng đối thoại, phản biện với người khác. Đặc biệt, chưa cần tham khảo chương trình đại học của thế giới, chỉ cần ngó lại chương trình văn khoa của Sài Gòn trước 1975, đã thấy họ ý thức đầy đủ học văn phải gắn liền với triết học nhân văn. Đại học văn khoa của người ta có chuyện học văn chỉ biết nhai văn nhá chữ như ta không? Ừ thì ta có học triết, thậm chí nhai đi nhai lại rất nhiều lần chứ không phải không học, nhưng chủ yếu là triết học đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Marx - Lenine, đến mức phần nhân văn nhất của chủ nghĩa này là con người tự do, bình đẳng và phát huy vai trò sáng tạo cá nhân cũng bị ém nhẹm và hiểu rất lệch lạc. Tôi không phủ nhận chủ nghĩa Marx như những người cực đoan, thiếu hiểu biết, nhưng dùng chủ nghĩa Marx để sổ toẹt các nền học thuật nhân văn khác đã là một lối học phiệt. Học phiệt thì muôn đời không có tính người, vì nó chỉ tạo ra con người bầy đàn cho các thánh xỏ mũi, chăn dắt và mua bán. Tạo ra một cái nền kiến thức như vậy thì lỗi tại ai? Hay vẫn đổ lỗi hoàn cảnh như lời biện bạch của các thánh? Hoàn cảnh này do ai tạo ra mà đổ lỗi?

 

Chu Mộng Long

 

Hình 1 : https://www.facebook.com/photo/?fbid=4774013439279528&set=pcb.4774252189255653

 

Hình 2 :

https://www.facebook.com/photo/?fbid=4774013429279529&set=pcb.4774252189255653

 

Hình 3 :

https://www.facebook.com/photo/?fbid=4774013425946196&set=pcb.4774252189255653

 

Hình 4 :

https://www.facebook.com/photo/?fbid=4774013492612856&set=pcb.4774252189255653

 

57 BÌNH LUẬN  

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats