Ngô Nhân Dụng
December 10, 2019
Người Việt khắp nơi chia sẻ vui mừng với chiến thắng
của đội banh Việt Nam trong Giải Túc Cầu Đông Nam Á, SEA Games 30, tổ chức ở
Manila, Philippines. Niềm vui càng hiếm hoi càng lớn, vì đây là lần đầu tiên Việt
Nam đoạt huy chương vàng, thắng Indonesia với tỷ số 3-0.
Những cầu thủ đáng được “công kênh” hàng đầu trong
cuộc diễn hành là Đoàn Văn Hậu, đã làm hai bàn; Hùng Dũng, một bàn; và thủ môn
Văn Toản, đã giữ khung thành “trinh bạch,” theo lối của nhà báo Huyền Vũ; cũng
như các cầu thủ Nguyễn Đức Chiến, Nguyễn Hoàng Đức đã chuyền banh có hiệu quả.
Một điều đáng tiếc là Đoàn Văn Hậu đã đá chạm chân cầu
thủ Evan Dimas, ngôi sao Indonesia, khiến anh ta bị thương, phải rời sân vào
phút thứ 20; khiến sức tấn công của Indonesia giảm rất nhiều. Nếu Evan Dimas tiếp
tục đá, trận đấu sẽ hào hứng hơn nhiều; vì trong 10 phút đầu tiên đội Indonesia
đã tấn công áp đảo.
Đáng khen ngợi nhất là các cầu thủ Việt Nam có lối
chơi đồng đều, chuyền bóng chắc chắn, và ít phạm lỗi; cho nên dù Indonesia còn
Dimas trong sân thì chắc Việt Nam vẫn thắng.
Một người rất đáng hoan hô nữa là huấn luyện viên
Park Hang Seo (박항서).
Năm 19 tuổi, Park Hang Seo đã làm thủ quân đội banh
vô địch giải đá banh Nam Hàn cho lớp tuổi dưới 20. Ông từng làm huấn luyện viên
cho nhiều đội cầu Nam Hàn, phụ tá huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia dự
World Cup năm 2002. Ông dìu dắt đội cầu quân đội Sangju Sangmu, chiếm một giải
vô địch năm 2015 và đội cầu thành phố Changwon quán quân toàn quốc năm 2017.
Sau đó ông qua dìu dắt đội cầu Việt Nam. Năm 2018 đội cầu Việt Nam “dưới-23” tuổi
trong tay ông đã vượt lên, lần đầu tiên sau 56 năm.
Năm 2018, Park Hang Seo đã đưa đội cầu Việt Nam lên
hàng vô địch trong giải AFF của khối ASEAN, thắng Malaysia ngay tại sân Mỹ
Đình, Hà Nội. Trong trận đấu SEA Games năm nay, nhà dìu dắt Nam Hàn, 60 tuổi,
tên Hán Việt là Phác Hằng Tự (朴恒緖) có lúc hăng hái bảo vệ đội của mình đã phản đối trọng tài và bị phạt thẻ
đỏ.
Nhưng thắng Indonesia trong giải SEA Games chỉ là một
bước đầu! Đội tuyển Việt Nam có thể nhìn tới tương lai, nuôi cao vọng có ngày sẽ
tranh hùng Giải Đá Banh Thế Giới (World Cup)! Sẽ có ngày dân Việt Nam ăn mừng
khi đội banh nhà đá bại Trung Quốc ngay trong một vòng loại World Cup! Muốn vậy,
phải bắt đầu lo việc đào tạo và huấn luyện ngay tự bây giờ. Tương lai của các
quốc gia nằm trong giáo dục và đào tạo.
Ở bên Tàu, ông Tập Cận Bình cũng say mê bóng đá.
Trung Quốc mới được dự World Cup một lần, năm 2002, và bị loại khi chưa ghi được
một bàn nào. Ông Tập nuôi tham vọng nước ông sẽ tổ chức World Cup vào năm 2050,
và sẽ chiếm giải! Cho nên ông đang đầu tư.
Năm tới, nước Tàu sẽ xây dựng hoặc tu bổ 29,000 sân
banh trong các trường học. Chính quyền sẽ cho mở 10,000 trường “mẫu giáo”
chuyên đá banh trong năm 2020. Trường Ming Ze ở Thiên Tân, các trẻ em được các
huấn luyện viên dìu dắt, có người Argentina, chỉ nói tiếng Tây Ban Nha!
Đội tuyển Trung Quốc năm nay mới có một cầu thủ mới,
anh Elkeson de Oliveira Cardoso, người gốc Brazil. Anh mới nhập tịch trở thành
người Tàu năm 2019, cái tên Elkeson được đổi thành Ai Kesen trong tiếng Phổ
Thông (艾克森; đọc lối Việt Nam
là Ải Khắc Sâm). Khi còn huấn luyện cho đội banh Quảng Châu thì người ta gọi
tên anh theo tiếng Quảng Đông là Ngai Git-san (艾傑臣, Ải Kiệt Thần).
Hy vọng khi Việt Nam và Trung Quốc giao đấu lần tới,
đội banh Việt Nam sẽ cho người Hán biết tài nghệ, dù không cần thuê một cầu thủ
ngoại quốc nhập tịch nào!
Chiến thắng của đội đá banh Việt Nam ở SEA Games cho
thấy mấy chục thanh niên có thể tạo nên thành tích lớn nếu được chăm lo dìu dắt
đúng cách. Trong cuộc đấu thể thao của các nước Đông Nam Á, đội cầu Việt Nam đã
vào chung kết năm lần trước đây, nhưng chưa bao giờ thắng! Sau 60 năm chờ đợi, đây là một
huy chương vàng hãn hữu!
Nếu nhìn rộng ra, có thể quả quyết rằng mọi thanh
niên Việt Nam đều có tiềm năng đóng góp cho nước nhà hưng thịnh nếu như họ được
“chăm lo dìu dắt đúng cách,” với một nền giáo dục đứng đắn. Tương lai một quốc
gia 97 triệu dân nằm trong các trường học. Nhưng càng nhìn rộng chúng ta càng
lo lắng!
Chiến thắng của đội banh Việt Nam xảy ra chỉ mấy
ngày sau khi có tin cảnh sát Nam Hàn đang mở cuộc điều tra về 164 sinh viên Việt
Nam “mất tích.” Họ đã dự học được bốn tháng trong chương trình học tiếng Hàn Quốc
kéo dài một năm, tại Học Viện Ngôn Ngữ trường Đại Học Quốc Gia Incheon (INU).
Năm 2018, cũng có 30 người trong nhóm 300 du học
sinh Việt Nam ghi danh chương trình học tiếng Hàn tại trường Đại Học Quốc Gia
Gyeongsang (GNU) đã “biến mất.” Ai cũng có thể đoán được rằng các bạn sinh viên
này đi học cho biết nói tiếng Hàn Quốc trong mấy tháng rồi bỏ trốn, đi làm việc
lậu.
Trốn ra nước ngoài là một con đường “tiến thân” phổ
biến trong giới trẻ người Việt để thoát cảnh nghèo khó. Cảnh nghèo trước mắt có
thể kéo dài triền miên, vì không thấy con đường thoát nào cả.
Trong mấy năm gần đây kinh tế Việt Nam được “bơm
lên” nhờ các công ty quốc tế bỏ Trung Quốc đến Việt Nam mở nhà máy, vì lương
công nhân thấp hơn. Trận chiến mậu dịch Mỹ-Trung lại thúc đẩy nhiều công ty
khác đi theo.
Nhưng phần lớn các hãng xưởng mới mở chỉ mướn giới
lao động không chuyên môn, chỉ cần bắp thịt, chịu cực, và bàn tay khéo léo.
Những công nghiệp tiên tiến, kỹ thuật cao, tạo nhiều
lợi tức nhất, chưa đến Việt Nam mở cửa, vì nhiều giới hạn. Thứ nhất là hạ tầng
cơ sở còn quá lạc hậu. Thứ hai là những người làm việc chưa đủ tay nghề. Cho
nên tương lai giới thanh niên, nhất là các sinh viên tốt nghiệp, chưa sáng sủa.
Các bạn trẻ Việt Nam hôm nay có thể hãnh diện nhìn
vào thành tích của đội đá banh quốc gia; nhưng họ cũng phải tự hỏi tại sao
chính họ, mấy chục triệu con người, vẫn có những người phải mua đường trốn ra
nước ngoài tìm việc làm trái pháp luật?
Những người được cho đi học Nam Hàn thuộc loại may mắn
nhất. Cho nên năm 2016, số lượng sinh viên Việt Nam theo học ngôn ngữ ở Đại Học
Incheon (INU) chỉ có 10 người, năm 2018 đã tăng lên 951 người và năm nay có tới
1,900 sinh viên người Việt.
Nhưng tại sao gần 2,000 thanh niên đi học tiếng Hàn
Quốc? Vì đó là cơ hội trốn ở lại làm việc gian lậu, chắc chắn khá hơn những người
đi làm việc của những nô lệ, rồi chết thảm thương, như 39 người mới chết ngạt
trong chiếc xe tải ở Anh Quốc.
Vì vậy, nhiều gia đình đã “đầu tư” bỏ tiền hối lộ
cho con được du học, cũng như các gia đình đã đi vay vài, ba chục ngàn Mỹ kim để
cho con qua nước Anh.
Phát ngôn viên trường INU giải thích: “Nhiều sinh viên (Việt Nam) phải trả hàng triệu
‘won’ cho người môi giới ở Việt Nam để được qua Nam Hàn học các khóa ngôn ngữ
ngắn hạn (Won là tiền Nam Hàn, mỗi Mỹ kim đổi được khoảng 1,200 won)… Những người
này tính rằng nếu làm việc lậu tại Nam Hàn có thể kiếm nhiều tiền hơn số vốn bỏ
ra, cho nên đã có những hành động phi pháp này.”
Không phải bạn trẻ Việt Nam nào cũng ra nước ngoài để
được trọng dụng như nhà toán học Ngô Bảo Châu, hay Đoàn Văn Hậu, chàng cầu thủ
cao 1 mét 85, đang đấu cho một câu lạc bộ đá bóng Hòa Lan.
Không người Việt Nam nào muốn ra nước ngoài, sống trốn
chui trốn lủi, bị bóc lột, hành hạ mà đành chịu, chỉ để kiếm đồng đô la! Trong
lịch sử nước ta chỉ có thời đại Cộng Sản mới có cảnh dó!
Nếu nước ta có chế độ chính trị bớt tham nhũng, nhà
nước biết tôn trọng luật pháp, kinh tế cởi mở, nền giáo dục được tự do, người
dân được tự do hội họp và lên tiếng nói, thì dân tộc Việt Nam có thể sản xuất rất
nhiều Ngô Bảo Châu, hay Đoàn Văn Hậu, trong nhiều lãnh vực kinh tế, khoa học,
văn hóa, nghệ thuật ngoài phạm vi thể thao. (Ngô Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment