Saturday, 28 December 2019

CƠ HỘI CUỐI CÙNG (Hồ Tú Bảo)




Thứ bảy, 28/12/2019, 15:46 (GMT+7)

Năm 1864, từ Pháp về, khâm sai Phạm Phú Thứ dâng lên vua Tự Đức nhiều kiến nghị cải cách. Hầu hết bị bác bỏ.

Sau khi cùng phái bộ đi Pháp đàm phán về Hoà ước Nhâm Tuất, Phạm Phú Thứ dâng lên vua và triều thần hai tập bản thảo "Tây hành nhật ký" (nhật ký đi sứ phương Tây) và "Tây phù thi thảo" (bản thảo tập thơ đi sứ phương Tây) cùng các tài liệu ông sưu tầm và biên soạn như sách nói về khoa học, phương pháp khai mỏ, cách đi biển, cách thức giao thiệp quốc tế.

Cùng với đó là những thay đổi chính sách và cải cách đất nước. Tuy nhiên, chúng không được vua Tự Đức và các đại thần bảo thủ chấp nhận.

Giai thoại "bế quan toả cảng" lan truyền khi nhà văn Đào Trinh Nhất tả lại vào năm 1943 trên tờ Trung Bắc Chủ Nhật, việc triều đình nghi ngờ chuyện lạ nước ngoài như "đèn thắp không dầu, ngọn lửa chúc xuống (đèn điện), giếng nước vọt lên cao (nước phun trong công viên)".

Đất nước tiếp tục đắm chìm trong lạc hậu vào lúc điện lực xuất hiện và thay đổi sâu sắc việc sản xuất và xã hội con người, vẫn được hiểu là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai trên thế giới. Đã nằm ngoài tiến bộ của nhân loại khi động cơ hơi nước được phát minh (cách mạng công nghiệp lần thứ nhất), cả châu Á lại tiếp tục nằm ngoài cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai. Riêng có nước Nhật mở cửa học tập châu Âu suốt 45 năm thời Minh Trị (1862-1912) và trở thành một cường quốc.

Ngay sau tan hoang của chiến tranh nước Nhật lại một lần nữa bứt phá với một giai đoạn phát triển công nghiệp thần kỳ (1955-1973). Đây chính là thời gian đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba với sự xuất hiện của thiết bị điện tử, máy tính và Internet. Nước Nhật vượt lên vì họ đã nắm được cơ hội, nâng cao tinh thần dân tộc và hình thành năng lực xã hội mạnh mẽ, sự đồng lòng và trách nhiệm cao của các chính trị gia, quan chức, doanh nhân, và trí thức. Cũng trong cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ ba, khi kiên quyết hiện đại hoá đất nước, Hàn Quốc (1982-1995) và Trung quốc (1983-2011) đã có những bước tiến vượt bậc.

Những cơ hội không chỉ vuột đi trong thời phong kiến. Bác hàng xóm nhà tôi trước làm ở Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ Thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), vẫn thường tự hào kể lại ngay năm 1977, hai năm sau khi chiếc máy vi tính Altair 8800 đầu tiên của Mỹ ra đời, các cán bộ của Viện đã nghiên cứu chế tạo thành công chiếc máy vi tính VT80, chiếc máy vi tính ra đời rất sớm ở châu Á. Tiếc là thành công này không gặp cơ hội để đi xa hơn.

Và người kỹ sư say nghề luôn nuối tiếc một cơ hội ấy thường đặt cho tôi những câu hỏi về chuyển đổi số, những câu hỏi đã làm tôi suy nghĩ rất lâu.

Câu hỏi thứ nhất là thực chất chuyển đổi số là gì và vì sao có thể nói chuyển đổi số là nội dung cơ bản của cách mạng công nghiệp lần thứ tư?

Nói một cách giản dị thì chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện phương thức phát triển của xã hội, thay đổi cách con người sống và hoạt động trong thời đại số.

Quá trình chuyển đổi số phức tạp thường được phân thành ba cấp độ: Số hoá thông tin, số hoá tổ chức và chuyển đổi.

Các thực thể trong thế giới ta đang sống như dòng sông, ngôi nhà, chiếc ô-tô, con người... đều ở dạng vật lý. Muốn tính toán được với các đối tượng này trên máy tính cần tạo ra các con số (dữ liệu) mang thông tin của chúng, tức tạo ra các phiên bản số của chúng. Việc này là số hoá thông tin (digitization), bước đầu của chuyển đổi số. Một thí dụ là việc chuyển các văn bản in giấy thành các chữ trên máy tính. Điều quan trọng là phiên bản số của các thực thể có thể kết nối được với nhau trên không gian mạng, và như vậy gián tiếp tạo ra sự kết nối của các thực thể. Sự kết nối này cho phép hầu hết mọi thứ trong thế giới vật lý đều có thể được tính toán, điều khiển trên không gian mạng.

Quá trình thay đổi hoạt động của một tổ chức thường bắt đầu bằng việc xác định cách hoạt động mới sẽ như thế nào, tức định ra cái mô hình hoạt động mới. Việc này được gọi dưới tên số hoá tổ chức (digitalization). Yêu cầu của số hoá tổ chức là sự đổi mới sáng tạo của mô hình hoạt động trong thời đại số. Có hai cách: một là đổi cách làm cũ sang cách làm mới (như Viettel chuyển hướng cung cấp hạ tầng và dịch vụ số), và hai là sáng tạo ra cách làm hoàn toàn mới (như taxi công nghệ của Uber hay cách cung cấp chỗ ở của Airbnb dựa trên kinh tế chia sẻ).

Chuyển đổi (transformation) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện tổ chức theo mô hình hoạt động mới, từ từng lãnh đạo đến mọi nhân viên, từ thay đổi văn hoá đến quy trình làm việc...

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặc trưng bởi các đột phá của nhiều công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) dẫn đến sự thông minh hoá mọi mặt của xã hội con người. Thông minh hoá hay AI về bản chất chính là việc dùng dữ liệu hiệu quả để tạo ra giá trị lớn hơn. Và đây chính là sự thay đổi của chuyển đổi số.

Câu hỏi thứ hai là tại sao chuyển đổi số lại là cơ hội vô giá của chúng ta, thậm chí còn có thể xem là cơ hội cuối cùng để phát triển đất nước?

Trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không nhất thiết mọi quốc gia phải tập trung vào phát triển công nghiệp. Cốt lõi của chuyển đổi số là thay đổi để tạo giá trị mới cao hơn, và việc thay đổi này mở ra cho mọi người, mọi tổ chức, mọi ngành nghề (vì ở đâu cũng có và cần dùng dữ liệu). Cơ hội phát triển này mở ra cho cả những quốc gia không có truyền thống công nghiệp như Việt Nam, nhưng có tiềm năng trong nhiều lĩnh vực khác.

Nền kinh tế số với nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, tài chính số, thương mại điện tử... cho phép ta cải thiện năng suất lao động hiện đang còn thấp.

Một chính phủ số dùng hiệu quả các nguồn dữ liệu quốc gia phong phú sẽ đổi mới được bộ máy hành chính, làm nền tảng kết nối kinh doanh số với các công dân số.

Một xã hội số lấy con người làm trung tâm thì dẫu GDP có thể chưa cao nhưng chất lượng cao của giáo dục và y tế vẫn là một đích đến xứng đáng.

Nói chuyển đổi số là cơ hội vô giá vì dẫu chưa làm được máy bay hay tàu vũ trụ, ta vẫn có thể thay đổi được chính mình trong thời đại số để tiến lên. Người có trách nhiệm càng cao với đất nước, tư duy và nhận thức càng cần sớm đổi mới.

Vì sao có thể xem chuyển đối số là cơ hội cuối cùng của Việt Nam trong vòng một vài thập kỷ tới. Sở dĩ vậy vì thường phải sau mấy chục năm phát triển những đột phá mang tính cách mạng về khoa học và công nghệ như điện, điện tử và máy tính, trí tuệ nhân tạo... mới xuất hiện. Và nhiều chục năm những đột phá lớn mới có một lần. Khi cơ hội đến, ta không tiến nhưng người khác tiến là ta tụt lùi. Nói cơ hội này là cuối cùng vì có thể hiểu rằng nếu lỡ lần nữa, Việt Nam sẽ đi sau các nước phát triển càng xa hơn, do thời nay là thời "được ăn cả, ngã về không".

Mong những lớp người trẻ sẽ không phải nuối tiếc một cơ hội như bác hàng xóm của tôi .

Hồ Tú Bảo






No comments:

Post a Comment

View My Stats