Chủ Nhật, 12/29/2019 - 06:02 — minh-luat
Một phiên tòa bí mật tại Ả Rập Xê Út vừa kết án
tử hình đối với 5 người về việc giết nhà báo bất đồng chính kiến Khashoggi
bên trong Lãnh sự quán nước này tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) xảy ra vào năm
2018.
Nhà báo bất đồng chính kiến Khashoggi (Ảnh:
Aljazeera)
Tuy nhiên, việc kết án đã gây ra “cú sốc kép” đối
với chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc, theo bản tin từ Văn
phòng Cao Ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) cho biết hôm 26/12.
Theo đó, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Hành quyết
Phi pháp hoặc Tùy tiện, bà Agnes Callamard nói: “Cú sốc đầu tiên của
tôi là phản đối bản án tử hình (không tuân thủ luật nhân quyền quốc tế), và cú
sốc thứ hai là những người ra lệnh giết người không chỉ được tự do mà hầu như
không bị điều tra và xét xử”.
Xét xử không công bằng
Theo Báo cáo viên đặc biệt của LHQ, khi xét xử các
thẩm phán dường như kết luận việc giết nhà báo Khashoggi chỉ là một tai nạn,
nhưng vẫn kết án tử hình các bị cáo, rõ ràng đã vi phạm luật nhân quyền quốc tế.
Bà cũng nói rằng trong phiên tòa điều trần, các bị
cáo đã nhiều lần tuyên bố họ chỉ “làm theo mệnh lệnh”.
“Mệnh lệnh này được đưa ra từ ông Saud al-Qahtani, cố
vấn riêng của Thái tử Ả Rập Xê Út, đã yêu cầu bắt
cóc ông Khashoggi với lý do ông là mối đe dọa cho an ninh quốc gia”. Tuy
nhiên, ông Saud al-Qahtani đã không bị buộc tội và được tự do, bản tin cho hay.
Một người có liên quan khác là ông Mohammad
al-Otaibi, Lãnh sự Ả Rập Xê Út tại Istanbul, người đồng ý cho văn phòng Lãnh sự
quán của ông ta trở thành hiện trường vụ giết người, cũng được tuyên không có tội.
Nhân vật thứ ba cũng không bị kết án là Ahmed
al-Assiri, cựu phó giám đốc cơ quan tình báo Ả Rập Xê Út.
“Phán quyết này không mang lại công lý và thiếu sự
tôn trọng không thể chấp nhận được đối với nạn nhân”, Báo cáo viên đặc biệt
của LHQ nói.
Vị chuyên gia nhân quyền LHQ này còn gọi việc
giết ông Khashoggi là “một vụ hành quyết phi pháp mà Vương quốc Ả Rập Xê Út phải
chịu trách nhiệm” và yêu cầu điều tra trách nhiệm của người chủ mưu là Thái tử
Mohammed bin Salman.
“Sự miễn trừ đối với việc việc giết một nhà báo thường
có thể tiết lộ sự đàn áp chính trị, tham nhũng, lạm quyền, tuyên truyền và thậm
chí là có sự đồng lõa của quốc tế”, chuyên gia nhân
quyền LHQ Agnes Callamard nhận định.
Bị giết vì chỉ trích Hoàng gia
Khashoggi là một nhà báo nổi tiếng của Ả Rập Xê Út,
ông là một nhà bình luận chính trị thường xuyên trên các kênh truyền thông Ả rập
và quốc tế. Ông buộc phải chạy trốn khỏi Ả Rập Xê Út và sống lưu vong vì các chỉ
trích chính trị nhắm vào Thái tử Mohammad bin Salman và Nhà vua Salman.
Vào ngày 2/10/2018, Khashoggi vào Tòa lãnh sự Ả
Rập Xê Út tại Thổ Nhĩ Kỳ để làm gấy kết hôn, nhưng kể từ đó vị hôn thê đợi
bên ngoài không thấy ông trở ra.
Trước áp lực quốc tế, ngày 19/10/2018, Hoàng gia Ả Rập
Xê Út đã phải thừa nhận Khashoggi đã bị đánh chết bên trong Tòa lãnh sự.
Tuy nhiên, “18 quan chức Ả Rập Xê Út, có mặt tại lãnh
sự quán ở Istanbul trong hơn 10 ngày, tự mình đã dọn sạch hiện trường vụ án.
Đây là sự cản trở công lý và vi phạm Nghị định thư Minnesota về việc điều tra
các vụ giết người tùy tiện", cuộc
điều tra độc lập của Liên hợp Quốc kết luận.
Xác của ông Khashoggi đến nay vẫn không được tìm thấy.
Hôm xảy ra vụ việc, hàng xóm của Tòa lãnh sự Ả Rập
Xê Út tại Istanbul nói với một
tờ báo của Thổ Nhĩ Kỳ rằng “có khói và mùi thịt nướng bốc lên từ
bên trong Tòa lãnh sự”. Nhân chứng này cho hay "chúng tôi sống ở đây 12
năm, nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy họ có tiệc nướng thịt. Ngày hôm đó
họ có nướng thịt trong vườn."
Truyền thông Thổ Nghĩ Kỳ sau đó công bố hình ảnh “đội
xử tử gồm 15 người” đi từ Riyad đến Istanbul để hành quyết Khashoggi
ngay bên trong Tòa lãnh sự, mà họ tin rằng cuộc hành quyết đã được chuẩn bị trước,
nạn nhân bị cắt ra thành từng mảnh và đốt thành tro.
Chính quyền Ả Rập Xê Út sau đó đã truy tố 11 người
trong vụ việc này.
Phán quyết sơ bộ tuyên 5 người án tử hình, 3 người
khác bị kết án tổng cộng 24 năm tù, 3 người còn lại được phóng thích.
CIA
kết luận Thái tử Mohammad bin Salman đã đích thân ra lệnh giết
nhà báo Khashoggi.
No comments:
Post a Comment