Tuesday, 31 December 2019

BIỂN ĐÔNG 2019 : MỘT NĂM DẬY SÓNG (VOA)




NỘI DUNG :

VOA Tiếng Việt
.
Viễn Đông  -  VOA

============================================

VOA Tiếng Việt
01/01/2020

Căng thẳng ở Bãi Tư Chính

Từ ngày 3/7, tàu thăm dò Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc dưới sự hộ tống của các tàu hải cảnh đã đi vào phạm vi 12 hải lý của Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa để quấy nhiễu hoạt động khoan dầu khí của Việt Nam hợp tác tập đoàn Rosneft của Nga. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với vùng biển này trong phạm vi đường chín đoạn, khu vực này lại nằm hoàn toàn trong thềm lục địa của Việt Nam theo luật pháp quốc tế.

Mục đích của hành động này của Bắc Kinh, theo các chuyên gia, là không để cho các nước bên ngoài tham gia khai thác năng lượng trên Biển Đông – điều mà họ khăng khăng đòi hỏi trong quá trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử (COC).

Trong khoảng thời gian gần 4 tháng, tàu Hải Dương đã vài lần rời đi để hướng về Bãi Chữ Thập, nơi Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo, trước khi trở lại quấy nhiễu – mỗi lần rời đi khoảng một tuần lễ. Việc này đã cho thấy sự lợi hại của các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp vốn giờ đây giúp họ có thể duy trì sự hiện diện liên tục để gây sức ép lên các nước quanh Biển Đông.

Chính quyền Việt Nam loan báo đã dùng mọi kênh để tranh đấu với Trung Quốc, từ phản đối ngoại giao, vận động quốc tế cho đến đối đầu trên thực địa, trong khi Mỹ, Anh, Pháp, Đức đều lên án hành động của Trung Quốc mà họ cho là ‘bắt nạt’.

Đến ngày 24/10, sau gần 4 tháng quấy nhiễu, tàu Hải Dương Địa chất 8 đã rời đi vì ‘đã hoàn tất công việc khảo sát khoa học ở vùng biển do Trung Quốc kiểm soát’.

Việt Nam cân nhắc hành động pháp lý chống Trung Quốc

Căng thẳng trên Bãi Tư Chính dâng cao dẫn đến nhiều lời kêu gọi Việt Nam nên có hành động pháp lý đối với Trung Quốc cũng giống như vụ kiện của Philippines vốn được Tòa trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết hồi năm 2016.

Sau thời gian dài im tiếng về vấn đề này, hồi đầu tháng 11, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung nói rằng Việt Nam ưu tiên đàm phán nhưng ‘cũng có lựa chọn khác’ đối với tình hình Biển Đông, trong đó có các biện pháp pháp lý.

Các học giả quốc tế đều cho rằng Hà Nội sẽ có khả năng thắng lợi rất cao nếu đi theo con đường pháp lý như Manila là kiện Trung Quốc trong khuôn khổ các điều khoản của Công ước Quốc tế về Luật Biển, tức UNCLOS.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại kết quả vụ kiện sẽ không làm thay đổi được gì tình hình trên thực tế vì Bắc Kinh sẽ từ chối tuân thủ phán quyết trong khi việc kiện tụng lại làm phức tạp thêm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc và Hà Nội sẽ phải trả giá về chính trị và kinh tế.

Phản ứng trước việc này, Bắc Kinh đã kêu gọi Hà Nội ‘không nên có những hành động làm phức tạp thêm vấn đề’.

Hồi năm 2014, Thủ tướng Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố Việt Nam cân nhắc kiện Trung Quốc sau khi nước này hạ đặt một giàn khoan khổng lồ vào thềm lục địa của Việt Nam.

Philippines được Mỹ đảm bảo

Manila đã được Washington nói rõ rằng trong trường hợp họ bị Trung Quốc tấn công trên Biển Đông thì Mỹ sẽ đứng ra bảo vệ họ theo đúng tinh thần của Hiệp ước Phòng vệ Tương hỗ giữa hai nước được ký vào năm 1951.

Trước đó, phía Mỹ chưa bao giờ nói rõ điều này với Philippines khiến cho nước này lo ngại về mức độ cam kết của Mỹ đối với đồng minh có hiệp ước.

Phát biểu ở Hà Nội hồi tháng Ba, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng ‘bất kỳ cuộc tấn công nào vào lực lượng, máy bay hay tàu bè của Philippines trên Biển Đông sẽ kích hoạt các nghĩa vụ phòng vệ tương hỗ’.

Ông cũng cho rằng các hoạt động quân sự và việc xây dựng đảo của Trung Quốc trên Biển Đông ‘đe dọa chủ quyền, an ninh và sinh kế của Philippines cũng như của Mỹ’.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã tìm cách xem xét lại hiệp ước này để có được sự đảm bảo lớn hơn từ phía Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hành xử hung hăng đối với các lợi ích của Philippines trên Biển Đông, nhất là xung quanh các hòn đảo nhân tạo xung quanh quần đảo Trường Sa mà nước này tuyên bố có chủ quyền.

Tuy nhiên, Tổng thống Rodrigo Duterte không tin vào quan hệ đồng minh với Mỹ và cho rằng hiệp ước với Mỹ khiến nước ông trở thành mục tiêu tiềm tàng của Trung Quốc, quốc gia mà ông muốn phát triển quan hệ kinh tế.

Malaysia có lập trường mạnh mẽ hơn
Malaysia, nước cũng có tranh chấp trên Biển Đông nhưng trước giờ vẫn tỏ ra nhẫn nhịn trước Trung Quốc chứ không mạnh miệng như Việt Nam hay Philippines, đã có lập trường mạnh mẽ hơn khi Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah hồi cuối tháng 12 đã thẳng thừng gọi đường chín đoạn của Trung Quốc ôm trọn gần hết Biển Đông là ‘nực cười’.

“Việc Trung Quốc đòi hỏi quyết sở hữu đối với toàn bộ Biển Đông – tôi nghĩ đó là điều nực cười,” ông Saifuddin phát biểu ở Kuala Lumpur hôm 20/12.

Trước đó, nước này đã đệ trình hồ sơ lên Ủy ban về Giới hạn Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc để xác định rõ giới hạn thềm lục địa của họ đi sâu vào phạm vi đường chín đoạn của Trung Quốc. Bắc Kinh đã đáp trả với việc cáo buộc Kuala Lumpur xâm phạm chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế và kêu gọi Liên Hiệp Quốc đừng xem xét hồ sơ này.

Cách nay một thập kỷ, Malaysia cũng đã liên minh cùng với Việt Nam đệ trình lên Liên Hiệp Quốc hồ sơ xác định ranh giới thềm lục địa. Hành động này đã bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ và họ đã lần đầu tiên công bố với thế giới yêu sách đường chín đoạn.

Khác với cựu thủ tướng Najib Razak vốn ngập trong khoản vay của Trung Quốc, Thủ tướng Mahathir Mohammad ít bị Trung Quốc ràng buộc hơn. Ông đã bật đèn xanh cho các hành động pháp lý đối với Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp và thẳng thừng lên án các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của Malaysia.

Hồi tháng 10, Ngoại trưởng Abdullah cũng từng kêu gọi củng cố năng lực hải quân của đất nước để chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột trên Biển Đông. Ông nói Malaysia sẽ ra công hàm phản đối nếu cường quốc nào đó xâm phạm vào lãnh thổ của họ.

Trung Quốc muốn hợp tác cùng khai thác với Philippines
Bắc Kinh tìm cách thuyết phục Manila hợp tác cùng khai thác dầu khí với họ trên các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Họ đưa ra các điều kiện hợp đồng hấp dẫn để lôi kéo Philippines hòng làm nước này bỏ qua hoàn toàn phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực hồi năm 2016 tuyên bố chiến thắng cho Philippines trong vụ kiện của nước này về Biển Đông.

Khi tiếp Tổng thống Duterte hồi tháng 9 ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói hai nước có thể ‘có bước tiến lớn hơn’ trong việc hợp tác cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông nếu họ có thể ‘giải quyết thỏa đáng tranh chấp chủ quyền’.

Ông Duterte sau đó đã tiết lộ rằng ông Tập đã hứa sẽ cho Philippines hưởng 60% lượng tài nguyên khai thác trong dự án khai thác chung trong khi Bắc Kinh chỉ hưởng 40% với điều kiện là Philippines ‘phải dẹp qua một bên phán quyết của tòa án’.

Tuy nhiên, vùng biển mà hai bên dự định cùng khai thác chung là nằm trong Bãi Cỏ Rong vốn nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, tức EEZ của Philippines. Điều này đã dẫn đến sự lên án từ nội bộ Philippines.

Trong khi đó, ông Duterte, vốn đang tìm cách lôi kéo hàng tỷ đô la đầu tư của Trung Quốc, được cho là rất háo hức thúc đẩy hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc

Tàu chiến Mỹ tiếp tục đi vào Biển Đông
Trong năm 2019, các chiến hạm của Mỹ tiếp tục đi vào Biển Đông, có khi tiến gần đến phạm vi 12 hải lý của các thực thể nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông trong nỗ lực đảm bảo quyền tự do hàng hải cũng như thách thức đòi hỏi chủ quyền thái quá của Trung Quốc.

Hồi tháng 1, chiến hạm USS McCampbell đã thực hiện chuyến tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông khi đi vào phạm vi 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa.

Hồi tháng 2, hai khu trục hạm có tên lửa dẫn đường của Mỹ đã đi vào phạm vi 12 hải lý của bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.

Hồi tháng 5, các khu trục hạm có tên lửa dẫn đường Preble và Chung Hoon đã đi vào phạm vi 12 hải lý của bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.

Cũng trong tháng 5, khu trục hạm Preble cũng đã đi vào 12 hải lý của bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm giữ từ phía Philippines.

Đến tháng 8, tàu hải quân Mỹ Wayne E. Meyer, khu trục hạm thuộc lớp Arleigh Burke có tên lửa dẫn đường đã đi vào 12 hải lý của đảo đá Chữ Thập và Bãi Vành Khăn.

Phía Trung Quốc đã lên án các hành động này của Mỹ là ‘khiêu khích’, xâm phạm ‘chủ quyền’ của Trung Quốc và ‘làm tổn hại hòa bình, an ninh của khu vực’. Bắc Kinh đe dọa ‘sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh’.

Tàu Trung Quốc đâm tàu Philippines rồi bỏ chạy
Tranh cãi nổi lên giữa Manila và Bắc Kinh sau vụ va chạm hôm 9/6 tại Bãi Cỏ Rong khi tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines rồi bỏ chạy, bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trên biển. Hành động này đã bị công chúng Philippines lên án dữ dội.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila cho rằng tàu cá của họ đã tìm cách cứu vớt các ngư dân Philippines nhưng do họ ‘bất ngờ bị bảy, tám tàu cá Philippines bao vây nên phải bỏ chạy’.

Bắc Kinh đã đề xuất mở cuộc điều tra chung về vụ việc và Tổng thống Duterte đã chấp nhận đề xuất này.

Trước đó, ông Duterte đã bị dư luận lên án vì nói theo lập trường của Trung Quốc thay vì lên tiếng bảo vệ các ngư dân Philippines sau khi ông gọi vụ đâm tàu là ‘sự cố nhỏ trên biển’.

Trong khi đó, thuộc cấp của ông Duterte từ bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng ngoại giao và tư lệnh hải quân đều lên án Trung Quốc. Ngoại trưởng Teodoro Locsin đã phản đối chính thức với Trung Quốc và bác bỏ ý tưởng một cuộc điều tra chung.

Sự cố này đã làm phức tạp thêm nỗ lực của ông Duterte muốn xích lại gần Trung Quốc.
Toàn bộ các ngư dân Philippines gặp nạn đã được các tàu thuyền Việt Nam cứu.

Phim ‘Abominable’ bị chỉ trích vì có cảnh đường chín đoạn
Phim hoạt hình chiếu rạp ‘Abominable’ của hãng Dreamworks của Mỹ đã đối mặt làn sóng phản đối khi được trình chiếu ở các nước đông nam Á do có cảnh cho thấy tấm bản đồ có vẽ đường chín đoạn, cơ sở để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 90% diện tích Biển Đông.

Ở Việt Nam, phim này đã bị rút giấy phép và rút ra khỏi hệ thống các rạp chiếu chỉ sau hơn một tuần trình chiếu sau khi hệ thống kiểm duyệt bỏ sót cảnh có đường chín đoạn này, khiến dư luận Việt Nam phản ứng gay gắt.

Trong khi đó, Malaysia vẫn cho trình chiếu phim với điều kiện là cảnh có bản đồ đường chín đoạn phải bị cắt bỏ. Tuy nhiên, nhà phát hành phim này quyết định không tuân theo yêu cầu kiểm duyệt của chính phủ Malaysia và do đó phải rút bỏ phim này khỏi thị trường quốc gia này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin kêu gọi người dân nước này tẩy chay bộ phim này thay vì ban hành lệnh cấm như ở Việt Nam.

‘Abominable’ kể về một cô bé Trung Quốc phát hiện ra một con bò Tây Tạng sống trên mái nhà của cô. Phim là dự án hợp tác giữa hãng phim Pearl có trụ sở ở Thượng Hải và hãng hoạt hình DreamWorks.

---------------------------
Viễn Đông  -  VOA
31/12/2019

Một tổ chức nghiên cứu của Hoa Kỳ mới đưa ra nhận định về khả năng xảy ra xung đột vũ trang trong năm 2020 ở nhiều “điểm nóng” trên thế giới, trong đó có Biển Đông.

Dựa trên đánh giá của các chuyên gia chính sách đối ngoại của Mỹ về 30 cuộc xung đột tiềm tàng có thể xảy ra hoặc leo thang trong năm tới, cũng như tác động của chúng đối với các quyền lợi của Hoa Kỳ, Hội đồng Đối ngoại nhận định rằng “một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran, Triều Tiên, hoặc với Trung Quốc ở Biển Đông vẫn là những điều gây ra mối quan ngại lớn nhất ở nước ngoài”.

Tổ chức, nơi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh từng tới phát biểu về chính sách đối ngoại của Việt Nam, nói rằng Biển Đông là một trong các “ưu tiên hàng đầu đối với Hoa Kỳ” trong năm 2020.


Với nhận định về tác động “cao” và khả năng xảy ra ở mức “vừa phải”, Hội đồng Đối ngoại đề cập tới “một cuộc đối đầu vũ trang quanh các khu vực lãnh hải tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] giữa Trung Quốc và một hoặc nhiều hơn các nước Đông Nam Á cũng tuyên bố chủ quyền như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, hay thậm chí với cả Đài Loan.

Tình hình Biển Đông nóng lên những tháng cuối năm 2019 vì vụ “đối đầu” của tàu hải cảnh hai nước láng giềng phương bắc ở Bãi Tư Chính, cũng như việc tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc đi vào lãnh hải mà Hà Nội nói là Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình.

Ông Brahma Chellaney từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi từng nhận định với VOA tiếng Việt rằng hành động của Bắc Kinh nhằm “bào mòn quyết tâm” của Hà Nội.

Nhà nghiên cứu này nói thêm rằng giống như Ấn Độ, Việt Nam “không có đồng minh quân sự và buộc phải một mình đối đầu với sự xâm lược của Trung Quốc”.


Năm 2019 đánh dấu lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ Việt Nam công bố Sách Trắng Quốc phòng, trong đó Trung Quốc nhiều lần được đề cập, nhất là về các vấn đề liên quan tới Biển Đông.

“Sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông cần được xử lý hết sức tỉnh táo, cẩn trọng, không để ảnh hưởng tiêu cực đến đại cục hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển của hai nước”, Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam viết.

“Giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Hai bên cần tiếp tục đàm phán, hiệp thương tìm kiếm giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”.






No comments:

Post a Comment

View My Stats