Saturday 28 December 2019

NHẠC DÂN TỘC VIỆT NAM TRONG HỆ THỐNG TRƯỜNG NHẠC BERLIN (Thanh Hà - RFI)




Thanh Hà  -  RFI
Đăng ngày: 28/12/2019 - 11:15

Từ năm 2007, nhạc dân tộc Việt Nam được giảng dạy tại các trường nhạc ở thủ đô Berlin. Mượn ngôn ngữ chung là âm nhạc để giao lưu và hội nhập vào xã hội Đức là một trong những động lực khiến một cặp nghệ sĩ Việt Nam không ngừng vận động để đưa dòng nhạc dân tộc đến với những người bạn Đức và thế giới.

Lớp "tu nghiệp" mùa hè của trường nhạc dân tộc Việt Nam tại Berlin. Mùa hè 2019. @LeManhHung

Ngoài việc giảng dạy, một thành công lớn khác của cặp nghệ sĩ Trần Phương Hoa và Lê Mạnh Hùng là những đợt biểu diễn để đưa âm nhạc Việt Nam đến với khán giả Đức, để các nhạc cụ của truyền thống của Việt Nam cùng có chỗ đứng trên sân khấu với các nhạc cụ cổ điển khác của Tây Âu.

Tạp chí của RFI mời các bạn cùng ghé thăm trường nhạc Schostakowitsch tại quận Lichtenberg -thủ đô Berlin. Đây là một trong bảy địa điểm của thành phố mà tiếng đàn tranh, đàn bầu hay sáo trúc, đàn nguyệt... thường vang lên hàng ngày, bên cạnh những nhạc cụ gần gũi hơn với người dân Đức, như dương cầm hay violon, đàn cello ...

Nhạc sĩ Trần Phương Hoa và học viên Ngọc Anh tại trường nhạc Schostakowitsch - Berlin. Thanh Hà/ RFI

Chúng tôi đến thăm trường Schostakowitsch vào giờ cô giáo Trần Phương Hoa chuẩn bị lên lớp. Tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội, cô Phương Hoa từng là diễn viên độc tấu của nhà hát ca múa nhạc Thăng Long. Từ những năm 1990 cô và gia đình định cự tại Đức, ban đầu là Bonn rồi Berlin và cùng chồng là nhà báo Lê Mạnh Hùng, nghệ sĩ Phương Hoa đã chủ trương hội nhập vào đời sống mới bằng ngôn ngữ chung của nhân loại là âm nhạc.


Các lớp học của trường trong 12 năm qua đã đào tạo được vài trăm học viên. Ngoài các học trò Việt, còn có những học viên người Đức, người Nga hay Trung Quốc. Cô Phương Hoa nhận xét các học sinh người nước ngoài "rất chăm chỉ" học nhạc dân tộc Việt Nam. Ngọc Anh là một trong số các học viên theo học môn đàn tranh, và sau hơn nửa năm lui tới trường Schostakowitsch, Ngọc Anh đã được cô Phương Hoa cho tập bản Lưu Thủy Kim Tiền, một tượng đài của âm nhạc cổ truyền Việt Nam.


Về sự hình thành và con đường đưa nhạc dân tộc nhạc Việt Nam vào hệ thống trường nhạc của thủ đô Berlin, nhà báo Lê Mạnh Hùng, phu quân của cô giáo Trần Phương Hoa và cũng là một nhạc sĩ đa tài, say mê trở lại với điểm khởi đầu và không quên nhấn mạnh đến mục đích nhắm tới. Đó là tạo cơ hội để các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam xướng họa, và hòa đồng với các nhạc cụ cổ điển khác của châu Âu.


RFI tiếng Việt xin cảm ơn hai nghệ sĩ Trần Phương Hoa, Lê Mạnh Hùng, cảm ơn học viên Ngọc Anh đã mở cửa đón RFI Việt Ngữ tại trường nhạc Schostakowitsch tại quận Lichtenberg, Berlin.





No comments:

Post a Comment

View My Stats