Võ
Văn Quản - Luật Khoa
28/12/2019
Chỉ còn ít ngày nữa, loài người chính thức chào đón
năm 2020, tức đã hai thập kỷ kể từ khi chúng ta bước vào thiên niên kỷ mới.
Nhiều người trong giới luật sư nhận xét rằng ngành dịch
vụ pháp lý có rất ít thứ thay đổi về phương pháp và kỹ thuật làm việc. Họ tiếp
tục nhận vụ việc trực tiếp từ người mua dịch vụ, tiếp tục ra tòa, dành hầu hết
thời gian để nghiên cứu tình tiết vụ việc và tìm kiếm các quy phạm pháp lý, án
lệ, trường hợp áp dụng tương tự liên quan. Họ vẫn buộc phải lưu trữ tư liệu
tham khảo và tài liệu tư vấn bằng giấy vì nguyên tắc an toàn, trong khi hệ thống
quản trị thông tin gần như không hề thay đổi.
Hiển nhiên, cũng có một số bước tiến nhất định trong
cách tiếp xúc và liên lạc với khách hàng. Đơn cử như email trở thành một phương
tiện không thể thiếu trong hoạt động hành nghề luật sư, và việc tham khảo tư liệu
pháp lý trở nên dễ thở hơn với các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trực tuyến
và các công cụ tìm kiếm mạnh mẽ. Tuy nhiên, những thay đổi này không thể hiện
được sự vận động nội tại của ngành. Bản chất và vai trò trọng tâm của con người
trong hoạt động dịch vụ pháp lý tiếp tục được duy trì, thứ có vẻ khiến nghề luật
sư lạc lõng trong cơn bão thay đổi của “kinh tế chia sẻ” hay “kinh tế trực tuyến”
hiện đại.
Có lẽ chính nhờ vậy, nhiều dự đoán trong tương lai gần
đều cho rằng ngành luật vẫn là một ngành hấp dẫn. Điều này đặc biệt chính xác với
luật sư tập sự và các luật sư trẻ, những người thường có trách nhiệm nghiên cứu
và điều tra hồ sơ, thu thập thông tin thực tế và thông tin pháp lý, từ đó đề xuất
định hướng cho luật sư xem xét. Theo thông
tin của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, tỷ lệ tăng trưởng việc làm của
nghề luật là khả quan nhất với dự báo tốc độ lên đến 12% cho giai đoạn từ 2018
– 2028. Một con số rất cao nếu so sánh với mức trung bình của các ngành nghề
khác.
Trên thế giới, cơ hội nghề nghiệp của ngành này vẫn
chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Tổng giá trị thị trường của toàn ngành đã lên đến
con số 925 tỷ USD, và dự báo sẽ vượt qua ngưỡng một ngàn tỷ đô-la chỉ trong vài
năm sau đó. Giao thương và quá trình đầu tư xuyên quốc gia cũng đồng nghĩa với
việc các luật sư tại những quốc gia đang phát triển sẽ tiếp tục có cơ hội làm
giàu và phát triển nhờ vào việc cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư nước
ngoài.
Vậy liệu trong tương lai, giới luật sư liệu sẽ tiếp
tục chễm chệ ở vị trí an toàn nhất trên thị trường lao động? Liệu có sự thay đổi
nào đáng kể trong phương pháp chào bán và sử dụng dịch vụ pháp lý?
Từ thay đổi nhỏ
Trước khi nói về công nghệ và những cải tiến mang
tính cách mạng, có lẽ nên nói về những thách thức và các khó khăn nhỏ hơn đã và
đang khiến ngành dịch vụ pháp lý dần dần thay đổi từ bên trong.
Trước tiên, nhiều chuyên gia và nhà điều tra cho rằng
cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã đẩy ngành dịch vụ pháp lý vào thế phải
thay đổi phương án tính phí của mình.
Các giai đoạn thay đổi thị trường pháp lý, theo
Richard Susskind, 2008.
Ở trên là biểu đồ về các “Giai đoạn thay đổi thị trường
pháp lý” về phương pháp tính phí do Richard Susskind phác
thảo vào năm 2008, bàn về tương lai của cách mà các luật sư quảng bá dịch
vụ và nhận tiền của khách hàng. Ông cho rằng, sau khi đi qua giai đoạn hoàng
kim tính phí theo giờ (hourly billing) với hai hình thức phổ biến nhất
là ấn định giá cho từng đối tượng khách hàng (bespoke – tức mỗi đối tượng
khách hàng có thể có mức giá khác nhau) và thông báo mức giá theo giờ tiêu
chuẩn hóa (standardise – tức phí theo giờ được thông báo trước và áp dụng
cho mọi loại khách hàng); các văn phòng và công ty luật hiện đang phải chật
vật với định phí cố định (fixed fee). Trong đó, việc hệ thống hóa phí luật
sư cho mỗi loại dịch vụ (systemised) sẽ được áp dụng cho các dịch vụ có
xu hướng lặp đi lặp lại (như soạn thảo hợp đồng lao đồng, chuẩn bị hồ sơ
kinh doanh, hồ sơ đầu tư…) nhằm tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi ích
cho khách hàng. Thậm chí, đối với những trường hợp cần thiết, các công ty cung
cấp dịch vụ pháp lý sẽ phải chào bán các loại hình dịch vụ trọn gói, tức gần
như quản lý và hỗ trợ khách hàng một mảng pháp lý lớn (quản trị doanh nghiệp,
tìm – thuê và soạn thảo hỗ trợ ký kết các loại hợp đồng bất động sản, quản trị
pháp lý và rủi ro hợp đồng mua bán…).
Susskind gọi đây là quá trình “nhu yếu hóa” dịch vụ
pháp lý (commoditization), tức các công ty luật cần phải chạy đua với nhau
không chỉ về giá, mà còn phải đơn giản hóa khả năng tiếp cận dịch vụ và minh bạch
hóa trải nghiệm khách hàng và phương pháp tính phí. Mặt khác, nó cũng biểu hiện
nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý trở nên phổ biến hơn, không còn chỉ là loại đặc
quyền mà những công ty lớn, các cá nhân có thế lực cần đến. Thực tế cho thấy những
dự đoán của Susskind là hoàn toàn chính xác. Đây là một lời nhắc nhở cần thiết
cho ngành kinh doanh dịch vụ pháp lý tại Việt Nam, vốn vẫn còn khoảng trống
trên thị trường để phát triển nhưng chưa chịu ảnh hưởng của áp lực cạnh tranh
và đổi mới.
Ngành dịch vụ pháp lý tại Việt Nam cũng đang có mức
tăng trưởng tốt. Ảnh: TTXVN.
Điểm thứ hai quan trọng không kém là quá trình “tự
do hóa” thị trường dịch vụ pháp lý. Cách đây không lâu, ngay tại Việt
Nam, tranh
cãi nảy lửa về quyền hành nghề dịch vụ pháp lý khiến giới luật sư đứng
ngồi không yên. Trong cuộc tranh cãi, Bộ Kế hoạch Đầu tư thì cho là Luật Luật
sư không hề quy định chỉ có luật sư mới được tham gia vào hoạt động tư pháp,
trong khi Bộ Tư pháp thì phủ nhận cách giải thích này, cho rằng chỉ những người
đã đạt tiêu chuẩn luật sư do Bộ cấp thì mới có thể tham gia vào thị trường
này.
Tranh cãi này không mới; và quan điểm của Bộ Kế hoạch
Đầu tư thật ra lại thể hiện quá trình “tự do hóa” đang diễn ra tại nhiều nơi
trên thế giới, mà đặc biệt nhất là Vương Quốc Anh. Ở quốc gia có truyền thống
đào tạo và hành nghề pháp lý khá mạnh mẽ này, ngay từ năm 2007, Đạo luật Dịch vụ
Pháp lý ra
đời nhằm đơn giản và tự do hóa thị trường, từ đó cho phép các cá nhân
không phải là luật sư hoặc những luật sư đang trong thời gian tập sự, luật sư vừa
vào nghề (paralegal) được phép mở và sở hữu các công ty cung cấp dịch vụ pháp
lý. Trái ngược với những lo sợ ban đầu, mô hình này không làm giảm đi vị thế
quan trọng của giới luật sư, mà còn bổ sung thêm các phương án thành lập doanh
nghiệp mới, các mô hình hợp tác mới (ví dụ giữa một công ty công nghệ và một
nhóm các luật sư uy tín), từ đó tăng hiệu quả kinh tế của ngành.
Đến những thử thách sống còn
Song, bấy nhiêu chỉ mới là thử thách đầu cho giới luật
sư trong giai đoạn kinh tế mới. Trong nền kinh tế có xu hướng chuyển tiếp sang
giai đoạn phổ thông hóa và xem trọng các doanh nghiệp đại chúng vừa và nhỏ hơn,
các công ty cung cấp dịch vụ pháp lý truyền thống mất kết nối với chính những
khách hàng tiềm năng nhất của mình. Cùng lúc đó, nhiều nhà cung cấp dịch vụ
pháp lý kiểu mới như Wise Legal Services, LegalZoom, Rocket Lawyer, Shakelaw… dần trở nên quen thuộc hơn
với đại đa số công chúng thông qua các dịch vụ online, chi phí rẻ tiền và kết
quả nhanh chóng, tận tay.
Cho đến nay, tương lai và con đường đúng để áp dụng
các thành tựu công nghệ vào ngành dịch vụ pháp lý vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Tuy vậy, nếu doanh nghiệp pháp lý nào kỳ vọng gây tiếng vang và đứng vững trên
một thị trường ngày càng khốc liệt thì việc cân nhắc và nghiên cứu kỹ nhu cầu
khách hàng cùng với khả năng tận dụng công nghệ chắc chắn không bao giờ thừa.
Một công ty luật ở Hàn Quốc đã tuyển dụng 2 nhân
viên robot vào năm 2018. Ảnh: Koogle.tv
Không chỉ vậy, sự hoàn thiện của các hệ thống tìm kiếm
(search engine) và trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI)
sẽ ngày càng đe dọa đến các vị trí tập sự, học nghề trong các hãng luật. Để khẳng
định cho luận điểm này, Stewart Dunlop, một giám đốc thông tin làm việc với
LegalZoom cho
rằng thế mạnh đáng gờm của AI luôn luôn là thu thập, xử lý, kiểm soát
và phân tích thông tin. Trong khi đó, phần lớn thời gian và công việc của các
luật sư đều nằm ở quá trình nghiên cứu chuyên sâu tài liệu vụ việc, từ đó phỏng
vấn khách hàng, tìm kiếm các quy định pháp lý hay các bản án, các vụ việc tương
tự, đồng thời với bất kỳ thông tin nào khác quan trọng cho vụ việc.
Thử tượng tượng rằng chỉ với một luật sư, cùng với họ
là một trí tuệ nhân tạo được lập trình và rèn luyện để tìm kiếm các thông tin
nói trên, sắp xếp chúng theo một trật tự hữu ích và hiển thị kèm với bất kỳ
thông tin liên quan nào khác sẵn cho vị luật sư đó; liệu một công ty luật sẽ
còn cần bao nhiêu người? Và với những luật sư trẻ tuổi, luật sư tập sự, các
hãng luật có còn nơi để họ thu thập kinh nghiệm không, khi máy móc đã làm hết
phần việc đáng lẽ ra phải là của họ?
Không chỉ vậy, các hệ thống trí tuệ nhân tạo cho đến
nay đã chứng minh được năng lực của nó trong việc thu thập, phân tích và đánh
giá tính cách cá nhân, vốn sẽ cực kỳ hữu ích cho hoạt động phân tích thẩm phán,
bồi thẩm đoàn và hội thẩm cũng như các chiến thuật hỏi – đáp, bào chữa khác
nhau. Xét trên thực tiễn, đã có công ty triển
khai mô hình phân tích và đánh giá nhanh các hội thẩm thuộc bồi thẩm
đoàn thông qua hệ thống thông tin cá nhân công cộng, kể cả các bài đăng trên mạng
xã hội. Không chỉ dừng lại ở đó, rất nhiều công ty luật phát triển theo mô hình
hiện đại hóa đã sử dụng AI cho các hoạt động như thẩm định doanh nghiệp (due
diligence, phục vụ cho việc tìm nhanh các lỗi pháp lý hiển nhiên và các vấn đề
tài khóa của doanh nghiệp được thẩm định), nghiên cứu tư liệu sơ khảo và soạn
thảo văn bản, tính giờ và phí luật sư…
Nhiều người cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về “cách
mạng” trong một ngành dịch vụ mà danh tiếng và các mối quan hệ vẫn, và sẽ còn nắm
vai trò quan trọng nhất trong sự thành công. Song, điều này không có nghĩa là
thay đổi sẽ không đến với ngành luật. Yêu cầu minh bạch hóa của đa số người
dân, yêu cầu tối giản quá trình quản trị nhà nước trong tương lai cũng như sự lấn
lướt của khoa học công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực chắc chắn sẽ buộc giới
luật sư phải thích ứng với chúng. Những thảo luận về thay đổi, tốt nhất nên được
thực hiện lúc những thay đổi ấy còn chưa diễn ra.
No comments:
Post a Comment